2.2.3.1. Cải thiện môi trường đầu tư
Môi trường đầu tư được hiểu là toàn bộ các yếu tố, điều kiện cần thiết để thực hiện hoạt động đầu tư. Như vậy, ngoài yếu tố môi trường tự nhiên (vị trí địa lý, điều kiện kinh tế…), môi trường đầu tư còn biểu hiện ở môi trường kinh doanh (các điều kiện hạ tầng, yếu tố thị trường,…), môi trường pháp lý (hệ thống văn bản và tổ chức thực thi pháp luật), môi trường xã hội (các yêu tố sinh thái, điều kiện sống, vấn đề an toàn,…). Để có môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, thông thoáng cần thiết phải:
• Tạo lập ngày càng đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường ( thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường công nghệ).
• Cải cách thủ tục hành chính theo hướng một đầu mối, nhanh, thuận tiện, đơn giản, rõ ràng, minh bạch các qui định về pháp lý của nhà nước như các thủ tục: Cấp giấy phép đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép xuất nhập khẩu, thủ tục tuyển lao động, thủ tục Hải quan, thuế.
• Tạo các yếu tố môi trường xã hội như an ninh, an toàn. Có kế hoạch đầu tư hoặc thu hút đầu tư xây dựng Trường học quốc tế, Bệnh viện quốc tế tạo điều kiện cho người nước ngoài và gia định họ có thể làm ăn sinh sống lâu dài ở Vĩnh Phúc.
• Thường xuyên phổ biến các chế độ, chính sách mới của chính phủ, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức ở các ngành, địa phương được phân công làm nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến các hoạt động FDI nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của từng cá nhân từng đơn vị đó.
• Ban Quản lý các khu công nghiệp và Đầu tư nước ngoài tiến hành ký kết quy chế phối hợp với các ngành liên quan: Công an, Hải quan, Lao động, Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng, Thương mại.
• Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng (kể cả trong và ngoài nước) để nâng cao năng lực, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về FDI và hoạt động khu công nghiệp, tham gia hoạt động kinh tế quốc tế. Hàng năm lập kế hoạch tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan đến nguồn vốn FDI ở các ngành địa phương.
• Tạo mọi điều kiện để các giấy phép triển khai nhanh chóng các thủ tục sau cấp phép để đi vào hoạt động. Việc này không những thể hiện môi trường đầu tư thông thoáng mà còn tạo điều kiện cho vốn đầu tư thực hiện tại các dự án đúng tiến độ, nâng cao tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
• Thực hiện tốt các nội dung cơ chế một cửa theo quyết định 181/2003/QĐ – TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ, có hiệu lực và hiệu quả của bộ máy hành chính ở các ngành, địa phương. Đối với cơ quan Nhà nước liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài cần đơn giản hóa và công khai hóa thời gian, xử lý theo hướng một đầu mối chịu trách nhiệm nhưng có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, khắc phục tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm giữa các ban ngành. Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn với tăng cường phối hợp giám sát hoạt động quản lý nguồn vốn FDI theo hướng giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, thu hẹp diện các dự án thẩm định cấp phép đầu tư, loại bỏ các tiêu chí thẩm định không cần thiết đối với dự án FDI; mở rộng diện các dự án đăng ký cấp phép đầu tư. Trước mắt, cần tiến hành thủ tục phê duyệt địa điểm các dự án đầu tư nước ngoài khu công nghiệp. Những dự án đã có quy hoạch thì trình tự cấp địa điểm giao cho Sở xây dựng đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và thông báo cho địa phương biết. Việc phê duyệt mặt bằng có thể được tiến hành đồng thời với phê duyệt địa điểm.
• Để thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, UBND tỉnh cần phân cấp ủy quyền cho các ngành, địa phương mạnh mẽ hơn. Những nội dung công việc liên quan tới nhiều ngành, nhiều địa phương chỉ cần giao cho “đầu mối” giải quyết, UBND tỉnh chỉ cần phê duyệt quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương để làm cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện. Có như vậy, cơ chế “một cửa” tại các ngành địa phương mới hoạt động thực chất hơn.
• Tiếp tục nghiên cứu, lập quy trình xử lý tất cả các công việc theo cơ chế “một cửa” liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài và “một cửa” tại chỗ đối với các dự án trong khu công nghiệp tại cơ quan Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất.
• Đề nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh 6 tháng một lần, bố trí thời gian theo dõi ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, xử lý các vướng mắc mà không một ngành độc lập nào đủ thẩm quyền giải quyết. Đây vừa là nguyện vọng của các doanh nghiệp đồng thời là yêu cầu khách quan trong tình hình ngày càng có nhều doanh nghiệp FDI với ngành nghề đa dạng, phong phú hoạt động trên địa bàn Vĩnh Phúc.
• UBND tỉnh chủ trì tổ chức giao ban để thông báo và chỉ đạo các ngành có kế hoạch chuẩn bị và triển khai khi các dự án đã có quy hoạch và dự án được phê duyệt
• Hoàn thiện hệ thống văn bản luật pháp, chính sách đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập theo hướng xóa bỏ phân biệt đối xử, thông thoáng, minh bạch. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài không chỉ nhằm thực hiện cam kết trong các điều ước quốc tế mà còn là một trong những giải pháp thực hiện chủ trương của Việt Nam về cải thiện môi trường đầu tư và chủ động hội nhập sâu, rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.
• Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đặc biệt phải dành quỹ đất hợp lý để kêu gọi các dự án quan trọng, các dự án thuộc diện khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư, thực hiện việc cấp phép đầu tư tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đề ra.
Tỉnh cần có kế hoạch tạo lập và sử dụng quỹ đất có hiệu quả nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của nhà đầu tư một khi nhà đầu tư cần, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Đối với các ngành ưu tiên kêu gọi đầu tư về lĩnh vực công nghiệp phải có một quy hoạch phát triển ngành một cách rõ ràng, đầy đủ, phù hợp với hiện đại và hướng tới tương lai. Quy hoạch và bố trí các ngành phù hợp với tiềm năng sẵn có, phù hợp với nguồn nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên nhằm khai thác hiệu quả tối đa các lợi thế này.
Một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển quỹ đất cho các dự án là đầu tư phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đây là hướng đi tất yếu đảm bảo mục tiêu quỹ đất hợp lý, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững. Việc các dự án đi vào khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo cho việc quản lý về mặt nhà nước được dễ dàng, thuận tiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, tiết kiệm được hi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý tốt về mặt quy hoạch và tiết kiệm về mặt đất đai. Ngoài ra, còn đảm bảo cho tính bền vững của dự án trong khu công nghiệp.
• Thực hiện tốt công tác quy hoạch, công bố rộng rãi chính sách hỗ trợ đặc biệt cho một số dự án trọng điểm đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên hàng đầu do UBND tỉnh quyết định trong từng giai đoạn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 2.2.3.2. Tích cực cùng với Chính phủ xây dựng và duy trì mối quan hệ ngoại giao với các nước
Dòng vốn FDI không thể được xem như một thứ nghiễm nhiên có được, do các quốc gia vẫn tiếp tục tự do hoá, các công ty xuyên quốc gia đang bị thu hút về những nơi có những điều kiện hợp lý nhất. Hơn nữa, cùng với sự cạnh tranh về FDI giữa các địa bàn khác nhau dường như bắt đầu nóng hơn, các mục tiêu thu hút FDI của UBND các tỉnh sẽ trở nên ngày càng khó khăn hơn.
Hoạt động ĐTNN chịu tác động trực tiếp của quan hệ đối ngoại cũng như của tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước. Những thành tựu về các mặt ngoại giao, kinh tế, chính trị và xã hội là các yếu tố quan trọng thúc đẩy gia tăng dòng vốn ĐTNN vào nước ta. Những yếu tố đó cần được coi trọng và phát huy để tăng cường thu hút ĐTNN. Vĩnh Phúc cần mở rộng hoạt động đối ngoại, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết các Hiệp định hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư trong các chuyến công tác của lãnh đạo ra nước ngoài. Một môi trường đầu tư dù có nhiều thuận lợi nhưng ít được thế giới bên ngoài biết đến hoặc hiểu không đầy đủ, sai lệch thì cũng không thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài. Do đó, việc giới thiệu, quảng cáo môi trường đầu tư rộng rãi ra bên ngoài là rất cần thiết và được nhiều nước chú trọng. Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác, các thành viên của đoàn thường thông báo cho các nhà đầu tư về các cơ hội đầu tư của nước mình và trả lời những câu hỏi mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đây là một kênh thông tin quan trọng nhằm thẩm tra, đánh giá năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như vai trò hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao trong việc tiếp cận các nhà đầu tư lớn tiềm năng.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa cơ quan xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài với các sở, ban, ngành liên quan ở địa phương, với các cơ quan, tổ chức khác trong nước và nước ngoài. Mối quan hệ hợp tác này đặc biệt cần thiết đối với công tác xúc tiến, quản lý đầu tư nước ngoài trong cả ba giai đoạn trước, trong và sau khi cấp giấy phép đầu tư vì năng lực, quyền hạn, tài chính,... của cơ quan chuyên trách về đầu tư nước ngoài là hạn chế, cần có sự thỏa thuận, hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan.
KẾT LUẬN
Thực tế những năm qua cho thấy để có được Vĩnh Phúc như hiện nay phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các nguồn vốn. Không chỉ góp phần làm tăng GDP của Vĩnh Phúc nói riêng và của cả nước nói chung mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề dân sinh, tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống của người dân Vĩnh Phúc; cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất, mở ra cho Vĩnh Phúc nhiều cơ hội phát triển.
Để Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020, phát triển mạnh hơn nữa và thực hiện được các mục tiêu đặt ra thì vấn đề quan trọng nhất là thu hút được càng nhiều nguồn vốn càng tốt, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Do đó trong thời gian tới Vĩnh
Phúc cần phải quan tâm hơn nữa tới việc tăng cường thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát huy các thế mạnh mà nó đem lại như chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường ra quốc tế, kinh nghiệm quản lý,…bằng cách tập trung đổi mới công tác qui hoạch đầu tư nước ngoài gắn với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lí nhà nước đối với đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và làm tăng hiệu ứng tạo việc làm gián tiếp từ khu vực đầu tư nước ngoài….
Thực hiện chủ trương này, các cơ quan phụ trách công tác xúc tiến đầu tư Trung ương cũng như của Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện các công cụ xúc tiến đầu tư, đề xuất những cải cách chính sách đầu tư, hướng tới thực hiện đồng nhất chiến lược xúc tiến đầu tư tầm cỡ quốc gia. Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu thu hút mọi nguồn vốn vào tỉnh. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan và chủ quan, hiệu quả của các hoạt động xúc tiến đầu tư còn bị hạn chế trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng lãnh thổ. Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là phải tích cực hơn nữa trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả của các hoạt động xúc tiến đầu tư, vươn lên trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương, thu hút và khai thác mạnh mẽ hơn nữa mọi nguồn vốn đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế - xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị định số 115-CP ngày 18/04/1977 của Chính phủ ban hành kèm theo Điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
2. Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, Bộ Thương mại, H. 2000.
3. Giáo trình Kinh tế phát triển, Trường Đại học kinh tế quốc dân, Nxb. Thống kê, H. 1999.
4. Nghị định 108/2006/NĐ-CP
5. TS. Bùi Anh Tuấn: “Tạo việc làm cho người lao động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”, Nxb. Thống kê, H.2000.
7. Nguyễn Trọng Xuân: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam”, Nxb. Khoa học xã hội, H. 2002.
8. TS. Phạm Ngọc Dũng: “Tài chính quốc gia trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, Nghiên cứu kinh tế số 300 – Tháng 5/2003.
9. TS. Đinh Văn Ân: “Hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam”, Báo cáo tại Hội thảo về tác động của Hội nhập kinh tế tháng 6/2004. 10. Niên giám Thống kê, Nxb. Thống Kê, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008
11. Chỉ thị số 13/2005/CT-TTg ngày 8/4/2005 "Về một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác thu hút ĐTNN tại Việt Nam".
12. Chỉ thị số 15/2007/CT-TTg ngày 22/6/2007 “Về một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy ĐTNN vào Việt Nam”.
13. Bộ Kế hoach và Đầu tư: “Báo cáo tình hình và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới” (Tài liệu phục vụ Hội nghị đầu tư nước ngoài ngày 30/3/2004).
14. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Kỹ năng xúc tiến đầu tư”
13. Báo cáo hoạt động của Sở kế hoạch và đầu tư Vĩnh Phúc giai đoạn 2008 -2012 15. Báo cáo hoạt động của trung tâm xúc tiến đầu tư miền Bắc giai đoạn 2008 -2012 16. www.mpi.gov.vn – Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
17. www.fia.mpi.gov.vn – Website của Cục Đầu tư nước ngoài 18. www.ipcn.mpi.gov.vn – Website của Trung tâm XTĐT Phía Bắc