2.2.1.1. Khung pháp lý của cơ quan xúc tiến đầu tư
Để các cơ quan xúc tiến đầu tư hoạt động có hiệu quả, cần thiết phải có một khung pháp lý chặt chẽ và rõ ràng quy định trách nhiệm, quyền hạn và tổ chức của các cơ quan đó. Khung pháp lý rõ ràng đảm bảo sự ổn định, thường xuyên liên tục và độc lập của cơ quan này trong mối liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng, thiết lập và quy định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan này trong các hoạt động xúc tiến đầu tư và các vấn đề chính sách có liên quan.
Trách nhiệm của các cơ quan xúc tiến đầu tư cần được quy định rành mạch và được giới hạn cụ thể những nhiệm vụ liên quan tới việc gia tăng FDI và trợ giúp các nhà đầu tư hiện tại và các nhà đầu tư mới. Địa vị pháp lý của cơ quan này phải được qui định rõ và các cơ quan khác của chính phủ phải nhận thức rõ điều này, cũng như việc giao cho cơ quan này một ngân sách và đội ngũ nhân viên riêng biệt. Cơ quan này cũng nên có thẩm quyền nhất định trong việc tự chủ tài chính nhằm tạo điều kiện cho nó có thể thu hút các nhân viên đạt tiêu chuẩn và thực thi các hoạt động của mình.
Hiện nay, quyền hạn của cơ quan XTĐT bao gồm:
- Giới thiệu với các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương. Thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc.
- Tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để vận động hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư tìm hiểu chính sách, quy định pháp luật về đầu tư và lựa chọn lĩnh vực, địa điểm thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Đề xuất lên Trung tâm xúc tiến đầu tư trung ương những vấn đề, những khó khăn trở ngại để có sự phối hợp, hỗ trợ giải quyết.
Tuy nhiên, để tăng cường tính độc lập, tự chủ và mối quan hệ gắn kết với các cơ quan XTĐT trung ương thì tác giả đề xuất việc quy định thêm một số trách nhiệm, quyền hạn cho các cơ quan này như:
- Lập Kế hoạch tổ chức chương trình xúc tiến FDI hàng năm cho từng lĩnh vực, địa bàn, đối tác cụ thể và báo cáo trung tâm xúc tiến đầu tư trung ương để tổng hợp, xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư trên địa bàn cả nước.
- Trực tiếp tổ chức hoặc phối hợp với trung tâm xúc tiến đầu tư trung ương, các Bộ ngành có liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư
- Tạo điều kiện thực hiện các đầu tư mới thông qua việc cung cấp một dịch vụ chuyên nghiệp cho phép các nhà đầu tư đạt được các nhu cầu cụ thể của dự án trong các lĩnh vực khác nhau.
- Tổ chức các cuộc đối thoại với cộng đồng các nhà đầu tư cùng các cơ quan chức năng liên quan nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại ở địa phương để họ yên tâm thực hiện dự án đầu tư, đồng thời khuyến khích họ tăng vốn, mở rộng đầu tư. Cần nâng cao thẩm quyền cho cơ quan này nhằm thực thi các cam kết đã đưa ra đối với các nhà đầu tư tiềm năng.
2.2.1.2. Nguồn nhân lực thực hiện hoạt động xúc tiến
Chất lượng của nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để có được sự thành công. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của bộ máy các trung tâm xúc tiến đầu tư hiện có, cần tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ về ngoại ngữ, marketing, hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài. Trung tâm xúc tiến đầu tư cần tìm kiếm và tuyển dụng những cá nhân có trình độ và năng lực nhất, phải giữ được các cá nhân này và nâng cao năng lực của họ. Cần phải nhấn mạnh chất lượng của các nhân viên quan trọng hơn là số lượng. Việc tuyển chọn nhân viên phải dựa trên năng lực chứ không phải là các quan hệ xã hội. Phải đào tạo đội ngũ làm công tác XTĐT một cách chuyên nghiệp, phải có thông tin, kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mình phụ trách mình để cung cấp cho các nhà đầu tư khi cần thiết, đồng thời coi trọng việc phối hợp với các đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, các công ty tư vấn, kiểm toán, các tổ chức pháp lý quốc tế trong công tác XTĐT để tận dụng thông tin, quan hệ của các tổ chức chuyên nghiệp này nhất là khi khả năng của các đầu mối XTĐT của tỉnh còn hạn chế.
Đề xuất của tác giả:
Vĩnh Phúc cần thành lập một Trung tâm xúc tiến đầu tư - bộ phận chuyên trách thực hiện công tác XTĐT nhằm giải toả khúc mắc cho quy trình “một cửa” hiện đang được Vĩnh Phúc cũng như cả nước hướng tới trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính cho các hoạt động XTĐT.
Nhiệm vụ của trung tâm là: cung cấp các thông tin cho các nhà đầu tư, tư vấn lựa chọn lĩnh vực, địa điểm đầu tư, thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư...; cung cấp
các dịch vụ như: lập các dự án đầu tư, lập hồ sơ đăng ký kinh doanh, ưu đãi đầu tư, ... đồng thời tư vấn triển khai dự án đầu tư.
Về chức năng XTĐT, trung tâm sẽ tham mưu thực hiện chương trình XTĐT của tỉnh; tổ chức giới thiệu, vận động dự án đầu tư; tổ chức tiếp xúc giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương, các đối tác tham gia đầu tư.
Cơ cấu tổ chức của trung tâm bao gồm tối thiểu ba phòng chức năng: phòng xúc tiến đầu tư, phòng Tư vấn đầu tư và phòng hành chính quản trị.
Phòng Xúc tiến đầu tư:
Do chức năng chủ yếu của Phòng Xúc tiến đầu tư là tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư. Do vậy cần phải chú trọng đặc biệt tới việc tuyển nhân viên cho Phòng này. Nhân viên Phòng Xúc tiến đầu tư có nhiệm vụ xác định các nhà đầu tư tiềm năng, tiến hành các hoạt động quảng bá và xây dựng mối quan hệ, xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, marketing và quảng cáo, tổ chức các chuyến đi xúc tiến đầu tư và các chuyến tham quan của các nhà đầu tư, phát triển nguồn dữ liệu thông tin. Tiến hành thực hiện các phân tích về các ngành kinh tế nhằm mục đích xác định trọng tâm và định hướng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức và thực hiện các chuyến đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài cũng như trong nước, thiết lập mối quan hệ với các đối tác tiềm năng.
Phòng tư vấn đầu tư:
Nhân viên của phòng tư vấn đầu tư nên được phân công một cán bộ hoặc một nhóm cán bộ phụ trách từng nhà đầu tư, từng dự án từ đầu đến cuối. Ngoài ra các yêu cầu cơ bản, nhân viên của phòng này cần có hiểu biết về kinh tế, văn hoá và ngoại ngữ của nước mà họ phụ trách.
Để giữ được nhân viên giỏi, Trung tâm xúc tiến đầu tư cần phải trả lương xứng đáng theo thị trường. Đề xuất ở đây là cần phải xây dựng một cơ cấu lương riêng cho Trung tâm xúc tiến đầu tư. Bên cạnh chế độ tiền lương hiện đang được áp dụng cho các cán bộ nhà nước, cần thiết có thêm hệ số lương nhất định. Một hệ thống đánh giá kết quả làm việc của nhân viên là một phần quan trọng trong chính sách quản lý nhân sự và hệ thống tiền lương. Việc xây dựng các yêu cầu rõ ràng cho từng vị trí là rất quan trọng để đánh giá hiệu quả thực hiện công việc. Từ đó có chế độ thưởng hoa hồng cho các cá nhân có thành tích.
Các cơ quan XTĐT cần phải xây dựng một chương trình đào tạo và phát triển nhân lực tổng thể. Chương trình này cần tập trung vào 2 lĩnh vực chính: đào tạo chuyên môn và đào tạo các kỹ năng giao tiếp. Chương trình đào tạo chuyên môn nhằm mục đích phát triển các kỹ năng chuyên môn của nhân viên như về luật pháp, môi trường kinh doanh,
ngoại ngữ, kỹ năng nghiên cứu, lập kế hoạch nghiên cứu thị trường, viết báo cáo, kỹ năng phân tích, công nghệ thông tin, kỹ năng marketing. Kỹ năng giao tiếp có thể bao gồm kỹ năng thuyết trình và thương lượng, khả năng lãnh đạo, quản lý,…
2.2.1.3. Nguồn tài chính cho hoạt động xúc tiến
Hoạt động xúc tiến đầu tư mang lại lợi ích chung nên nguồn tài chính của các cơ quan xúc tiến đầu tư nên lấy từ ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm của các cơ quan XTĐT, cần có sự cân đối, phân bổ ngân sách thích hợp để các cơ quan này hoạt động. Các nguồn tài trợ khác bao gồm viện trợ nước ngoài, đóng góp từ các khu vực tư nhân hoặc phí thu được từ việc cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư. Các cơ quan xúc tiến này nên khai thác các cơ hội từ tất cả các nguồn tài chính này.
Viện trợ quốc tế:
Nhiều tổ chức quốc tế đã cung cấp các nguồn tài trợ và hỗ trợ cho cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích khu vực tư nhân và cải cách hành chính v..v… Các cơ quan xúc tiến đầu tư cần thảo luận với các tổ chức này về trợ giúp tài chính để thực hiện xúc tiến FDI. Các lĩnh vực có thể là mối quan tâm của các nhà tài trợ quốc tế là:
- Hỗ trợ kỹ thuật trong quy trình thành lập, đặc biệt là thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh, quy định vai trò và trách nhiệm của các phòng ban cụ thể.
- Xây dựng năng lực, phát triển nhân viên khác nhau như cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn về các chủ đề được lựa chọn cho nhân viên của các cơ quan xúc tiến đầu tư, chỉ định các nhà tư vấn có những kỹ năng cụ thể trong xúc tiến đầu tư làm việc tại các cơ quan xúc tiến đầu tư. Một số tổ chức quốc tế cũng có thể cấp học bổng cho nhân viên xúc tiến đầu tư tham gia các khóa học dài hạn tại nước ngoài.
Ngoài ra các cơ quan xúc tiến đầu tư cũng nên tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao chất lượng các trang web hiện tại và thành lập cơ sở dữ liệu của nhà đầu tư.
Khu vực tư nhân
Khu vực tư nhân thường không tài trợ tiền mặt, nhưng sẵn sàng tham gia các hoạt động xúc tiến. Những đóng góp có thể của khu vực tư nhân cho các hoạt động xúc tiến của cơ quan XTĐT Vĩnh Phúc gồm:
- Hợp tác phát hành các tập sách giới thiệu, hướng dẫn môi trường đầu tư kinh doanh,...
- Hỗ trợ duy trì trang web thông qua việc cung cấp thông tin được cập nhật nhất, chẳng hạn các hãng luật có thể cung cấp cho các cơ quan XTĐT bản dịch tiếng Anh của các quy định pháp luật để tải lên trang web,...
- Đóng góp vào tổ chức hội thảo và hội nghị về đầu tư trong và ngoài nước thông qua hỗ trợ trong việc tổ chức, chẳng hạn như chuẩn bị tài liệu, thuyết trình, tài trợ tài chính.
Phí dịch vụ
Các cơ quan XTĐT có thể thu phí thông qua việc cung cấp các dịch vụ cho nhà đầu tư như dịch vụ lập hồ sơ dự án, dịch vụ nghiên cứu khả thi,...