6. Kết cấu luận văn
2.3. Thông tin phổ biến, nâng cao tri thức về sức khỏe
Trong nội dung thông tin chỉ dẫn để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chữa bệnh là đã hội tụ cả thông tin tri thức.
Nội dung phổ biến nâng cao kiến thức về y học và chăm sóc sức khỏe phòng chữa bệnh cho người dân chiếm vị trí trọng tâm và nhiều dung lượng nhất trên Báo Sức khỏe và Đời sống và kênh O2Tivi, chiếm khoảng 50% thông tin sức khỏe. Việc phổ biến và nâng cao kiến thức về y học và chăm sóc sức khỏe cho người dân là một hoạt động rất cần thiết, vì thông qua kiến thức được lĩnh hội sẽ giúp người dân nâng cao sức khỏe. Khi sức khỏe đã được đảm bảo thì việc tiếp thu kiến thức trở nên dễ dàng hơn.
Trong công tác nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân, báo Sức khỏe và Đời sống và kênh O2 Tivi luôn quan tâm đến các đối tượng người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ. Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình. Qua đọc báo hoặc xem truyền hình chị em phụ nữ được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe khi mang thai, cách cho con bú, nuôi dưỡng trẻ thiếu cân, đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình…
Ngày nay, việc trao đổi thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, chính vì vậy công chúng có điều kiện tố để mở rộng tầm hiểu biết về những phát hiện và thành tựu mới nhất về ngành y học qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Những thành tựu nghiên cứu khoa học trong ngành Y luôn được cập nhật : “Phát hiện bất thường hệ thần kinh thai nhi bằng phương pháp mới” (Lê Hảo, số 44 ngày 17/3/2009, tr5) cho biết: Chẩn đoán trước sinh ở Việt Nam vừa có một bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên, Trung tâm chẩn đoán trước sinh- Bệnh viện phụ sản Trung ương cùng Trung tâm chẩn đoán hình ảnh Handic- Bệnh viện Tim Hà Nội đưa vào sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại và hiệu quả. Đó là phát hiện chính xác những bất thường hệ thần kinh thai nhi bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) với từ lực 1.5 Tesla mà những phương tiện chẩn đoán trước sinh khác hạn chế đánh giá trực tiếp tổn thương …” bài “Phương pháp mới phẫu thuật thần kinh đạt hiệu quả tối ưu” (số 106 ngày 4/7/2009, tr5): Lần đầu tiên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ứng dụng thành công hệ thống máy định vị (navigation) vào phẫu thuật cho 2 bệnh nhân u não. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất của phẫu thuật thần kinh hiện nay. Việc ứng dụng thành công phương pháp mới này cũng mở ra cơ hội được điều trị tốt hơn đối với những bệnh nhân cần phải phẫu thuật thần kinh, tai mũi họng, thay thế khớp…”
Bài “Công nghệ “đọc” ý nghĩ con người” (số 22/3/2009, tr 15) cho biết: Với phát hiện mới của các nhà khoa học hàng đầu nước Anh về não người sẽ tìm ra cách bộ não tư duy, tiến thêm một bước về khả năng đọc được ý nghĩ khi bộ não đang tư duy một cách chính xác nhất.”
Mục đích của việc thông tin nâng cao kiến thức về y học và chăm sóc sức khỏe nhân dân của báo Sức khỏe và Đời sống và kênh O2 Tivi là việc cung cấp cho người dân những thông tin chính thống khoa học, từ đó giúp
người dân nhìn nhận các vấn đề y học bằng con mắt khoa học chứ không phải bằng sự áng chừng hay phỏng đoán. Đây thực sụ là hình thức vừa học tập vừa giải trí hết sức hấp dẫn, bổ ích mà lại đạt hiệu quả thông tin cao.
Báo chí có vai trò không chỉ cung cấp thông tin mà còn hướng dẫn và nâng cao dân trí. Nội dung thông tin sức khỏe trên các kênh thông tin của báo chí Việt Nam phần nào đã làm được điều đó.
Những nội dung thông tin của các kênh thông tin trên báo chí Việt Nam phần lớn đã cung cấp những kiến thức bổ ích và nhờ đó mà công chúng có thể tiếp nhận được những kiến thức mới. Đây là điều hết sức quan trọng và đáng phát huy.
Tuy thế, là những kênh thông tin chuyên biệt có độ ảnh hưởng lớn đến công chúng, nhưng với các kênh thông tin sức khỏe của báo chí Việt Nam vẫn chưa có sự chọn lọc nội dung phản ánh.Những thông tin đó hoặc quá xa lạ, hoặc quá cao siêu đối với trình độ dân trí của đại đa số công chúng Việt Nam. Hơn nữa, kiến thức nếu chỉ để suông nặng tính lý thuyết và không có sự hướng dẫn rất có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu cực.Theo chúng tôi những hạn chế này các kênh thông của báo chí Việt Nam cần nên tránh để nội dung phổ biến ngày càng tốt hơn.
2.4. Vấn đề thông thường hóa các thuật ngữ chuyên môn, kiến thức chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe, phòng chữa bệnh.
Đây là một vấn đề trăn trở của những người làm công tác truyền thông về ngành Y. Bởi thông tin về sức khỏe là một lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với ngành Y tế. Các kiến thức để người dân chăm sóc sức khỏe và phòng chữa bệnh là những kiến thức chuyên ngành, do đó khi thực hiện các bài viết, sản xuất các chương trình thì nhất thiết phải có sự tham gia của các bác sĩ, chuyên
gia trong ngành Y. Việc sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành là điều không thể tránh khỏi. Phần lớn các chuyên mục của báo Sức khỏe và Đời sống đều là do các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đảm nhiệm, đấy là đội ngũ cộng tác viên hùng hậu nhất của báo. Kênh O2 Ti vi cũng vậy, khách mời quan trọng nhất của chương trình là các bác sĩ, chuyên gia của ngành Y. Chính những lời nói, tư vấn, hướng dẫn của họ mới là những gì mà khán giả quan tâm, cần nghe nhất. Do đó, có quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành không thể diễn giải nôm na được. Rất nhiều những bài viết chỉ có người trong ngành đọc mới hiểu. Đòi hỏi người biên tập chương trình phải làm việc vất vả.
Báo Sức khỏe và Đời sống và O2 Tivi là những kênh thông tin chuyên ngành Y nên sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học, nhiều tên riêng mang tính chuyên môn như tên bệnh, tên thuốc...Mặt khác đây là những kênh truyền thông được quảng bá rộng rãi, đông đảo công chúng tiếp nhận. Do đó, yêu cầu đặt ra là: vừa phải đảm bảo tính khoa học chính xác của ngành nghề, vừa phải đáp ứng tính phổ cập đại chúng của báo chí. Thực tế, báo Sức khỏe và Đời sống, kênh O2 Tivi đã giải quyết khá tốt yêu cầu đặt ra này, cố gắng diễn đạt, giải thích trong phạm vi có thể những thuật ngữ chuyên ngành Y một cách dễ hiểu nhất để công chúng có thể hiểu được. Một mặt đối với những thuật ngữ khoa học thuộc về chuyên môn, báo Sức khỏe và Đời sống và kênh
O2 Tivi vẫn giữ nguyên để đảm bảo độ chính xác đúng đắn của nó. Mặt khác, trong giới hạn có thể, 2 kênh đã giải thích một cách rõ ràng dễ hiểu những tên thuốc, tên bệnh để cho đông đảo công chúng có thể hiểu đúng, hiểu đủ mà vẫn không làm mất đi tính chính xác khoa học của nó. “Paracetamol hay Nacetyl- p-aminophenol-còn gọi là acetaminophen, là một loại thuốc hạ nhiệt giảm đau, hiện nay được coi là thuốc có nhiều ưu điểm nhất như: sử dụng được cho người có bệnh dạ dày, người sốt do virut, phụ nữ có thai và trẻ em (kể cả trẻ sơ sinh).”(Paracetamol và những hiểm họa tiềm ẩn, Dược sĩ Xuân Ngọc, số
166, ngày 17/10/2009, tr 14); trong lời giải thích cho câu hỏi “Sau thay thể thủy tinh mắt vẫn mờ” (Số 5 ngày 8/1/2009, tr7) đã giải thích “giác mạc” là phần nằm trước thể thủy tinh, “võng mạc” là phần nằm sau thể thủy tinh, Trong phần giải thích của bác sĩ Dương Đình Hanh “Đau lưng có thể là bệnh gì” đã giải thích “huyết niệu” (tiểu ra máu”, “protein niệu”(nước tiểu có chất đạm).
Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế , có một số thuật ngữ rất dễ và cần giải thích thì lại không được diễn giải. Một số thuật ngữ hay dùng nhưng không được giải thích:
Chết não: một hôn mê không thể đảo ngược, được đặc trưng bởi một điện não đồ bằng phẳng (không có hoạt động điện). Người chết não không còn cử động nữa và chỉ thở nhờ hô hấp nhân tạo.“ Không bao giờ có ai tỉnh lại cả ”.
Hôn mê: tình trạng thức tỉnh (état de vigilance) bị biến đổi, với những giai đoạn khác nhau. Tùy theo độ sâu của hôn mê, bệnh nhân mở mắt hay không, thở tự nhiên hay cần hỗ trợ thông khí, và phản ứng hay không với các kích thích.
Tình trạng thực vật hay hôn mê thực vật: thức tỉnh (mắt mở), không có ý thức, bệnh nhân thường thở tự nhiên. Nói không có ý nghĩa.
Tình trạng ý thức tối thiểu: thức tỉnh, có ý thức tối thiểu, thở tự nhiên, ngôn từ sơ đẳng. Hôn mê thực vật (coma végétaif), tình trạng ý thức tối thiểu (conscience minimale) hay tình trạng ít giao thiệp (état pauci-relationnel). “ Sự khác nhau giữa các trạng thái khác nhau này và hôn mê nói riêng khó mà xác định được.” Vài bệnh nhân trong số này có thể dùng mắt theo dõi một người thân hay mỉm cười với người này, nhưng các bệnh nhân này không có thể trao đổi được. Các nghiên cứu cho thấy rằng những tình trạng này có thể
thay đổi nhiều tùy theo mỗi cá thể và không hẳn là được nhận diện một cách rõ ràng.
Khám lâm sàng: Trong kĩ thuật điều trị, bác sĩ tiếp xúc bệnh nhân và dùng phương pháp chẩn đoán gồm dự chẩn, ngăn ngừa, trị bệnh; hay còn được gọi bằng thuật ngữ "quan hệ người bệnh-thầy thuốc", nghĩa là bác sĩ làm việc với bệnh nhân dựa trên bệnh sử, bệnh án của họ bằng vấn chẩn [10] rồi khám tổng quát bằng một số y cụ thông thường như ống nghe, thiết bị nội soi. Sau khi vấn chẩn tìm triệu chứng và khám để tìm dấu hiệu bệnh, bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân làm vài xét nghiệm như thử máu, làm sinh thiết hoặc kê đơn thuốc hay là phép điều trị khác nữa. Nhiều phương pháp chẩn đoán chuyên biệt được dùng phân tích bệnh tình trên cơ sở thông tin cung cấp. Trong buổi vấn chẩn điều rất quan trọng là thu thập được chi tiết nhất mọi dữ liệu liên quan đến bệnh nhân để có được thông tin trung thực nhất, sau đó kết quả vấn chẩn được ghi vào bệnh án. Các bước kế tiếp có thể ngắn hơn nhưng cũng tuân theo quy trình cơ bản như vậy. Phơi nhiễm: là tiếp xúc với yếu tố nguy cơ lây bệnh; Cấp tính: là mới mắc bệnh; Mạn tính: là bệnh đã mắc từ lâu và tái phát nhiều lần.
Vấn đề sử dụng các thuật ngữ khoa học là điều không thể tránh khỏi nhưng điều quan trọng là phải làm thế nào để cho công chúng có thể dễ hiểu, đòi hỏi sự kết hợp của các biên tập viên và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Người làm báo trong ngành y cần phải học hỏi thêm kiến thức về ngành y.
Tuy vậy, hiểu các thuật ngữ chính xác và phù hợp qua báo chí không phải là vấn đề dễ dàng, nhất là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Những thông tin sai lệch có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của con người.Cách thông tin và thông thường hóa thuật ngữ là hết sức cấp bách đối với các kênh thông tin sức khỏe báo chí. Đây không chỉ là vấn đề phổ biến
kiến thức mà còn ảnh hưởng lớn đến vấn đề sử dụng kiến thức phục vụ cho mục đích khám chữa bệnh, một công việc quan trọng bậc nhất của xã hội.