Giai đoạn mới giành chính quyền 1998 – 2002

Một phần của tài liệu Phong trào cánh tả Venezuela giai đoạn 1998 - 2000 (Trang 38)

Về chính trị: Tại lễ nhậm chức ngày 2 tháng 2 năm 1999 Tổng thống Hugo Chavez có một bài diễn văn phê phán gay gắt chính phủ cánh hữu của ông Caldera. Ông tuyên bố sẽ từ bỏ mô hình nhà nước truyền thống và xây dựng một nhà nước “thực sự dân chủ”. Ông hiểu rằng để làm được điều này thì không thể không tiến hành một cách triệt để về thể chế, đặc biệt là thay đổi Hiến pháp cũ của giai cấp tư sản trước đây bởi Hiến pháp là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho những chính sách sau này. Sau vài tháng cầm quyền, Tổng thống Hugo Chavez đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý về việc bầu Quốc hội lập hiến và Hiến pháp mới thay thế cho Hiến pháp năm 1961. Ông nói: “Hoặc là chúng ta làm cách mạng dân chủ, hoặc cách mạng sẽ vượt qua đầu chúng ta” [22, tr.68]. Ông hi vọng với Hiến pháp mới và chương trình cải cách tiến bộ Venezuela sẽ thoát khỏi tình trạng lạc hậu, trở thành một nước dẫn đầu ở Mỹ Latinh như thời của Simon Bolivar.

Trước tình hình kinh tế, xã hội hết sức khó khăn và chờ đợi trưng cầu dân ý về bầu cử Quốc hội Lập hiến, theo đề nghị của Tổng thống Hugo Chavez tháng 4 năm 1999 Quốc hội đã chính thức gia tăng quyền lực cho Tổng thống, cho phép Tổng thống được điều hành đất nước thông qua sắc lệnh trong vòng 6 tháng và đàm phán với Quỹ tiền tệ Quốc tế để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài lên đến 35 tỷ USD.

Ngày 25/4/1999 trong cuộc trưng cầu dân ý về việc bầu cử Quốc hội lập hiến, 92% cử tri cả nước đã bỏ phiếu tán thành. Ngày 25/7/1999, Quốc hội Lập hiến được bầu với thắng lợi áp đảo của Liên minh Yêu nước cầm quyền khi giành 120/131 ghế [22, tr.68]. Tại phiên họp đầu tiên ngày 3/8/1999, Quốc hội lập hiến thông qua quyết định soạn thảo dự thảo Hiến pháp mới.

Những điểm quan trọng nhất của dự thảo Hiến pháp mới là: Tôn vinh nền Cộng hoà thứ V, trong đó có cả việc đổi tên nước Cộng hoà Venezuela thành Cộng hoà Bolivariana Venezuela, tăng nhiệm kỳ tổng thống từ 5 năm lên 6 năm và tổng thống được quyền ứng cử nhiệm kỳ 2. Trong hệ thống quyền lực nhà nước ngoài ba quyền truyền thống là lập pháp, hành pháp và tư pháp còn

thêm hai quyền mới là quyền đạo đức được áp dụng trong cuộc đấu tranh

chống tham nhũng và quyền bầu cử được coi là cơ sở pháp lý cho việc thực

hiện nền dân chủ tham gia của nhân dân. Thay Quốc hội lưỡng viện bằng Quốc hội duy nhất gồm 165 nghị sĩ được bầu 5 năm một lần. Tăng cường quyền hành pháp cho tổng thống trong đó bao gồm việc phong quân hàm cho quân đội, chỉ định phó tổng thống, đề xuất trưng cầu dân ý và giải tán Quốc hội. Mô hình kinh tế thị trường với tính tự chủ cao hơn, sự quản lý chặt chẽ hơn của Nhà nước và có tham khảo kinh nghiệm của mô hình kinh tế kế hoạch hoá; thừa nhận quyền của các dân tộc thổ dân và quân đội có nghĩa vụ tham gia vào đời sống dân sự. Hiến pháp mới cũng quy định, bầu cử Quốc hội và Tổng thống sẽ được thực hiện trước thời hạn vào năm 2000. Ngày 26/12/1999, Hiến pháp cũ hết giá trị và ngày 20/12/1999, Quốc hội Lập hiến ban hành chính thức Hiến pháp mới.

Việc Hiến pháp mới được ban hành là một thắng lợi của Phong trào cánh tả Venezuela, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ có thể tiến hành công cuộc cải cách của mình. Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu năm 2000, Chính phủ đã đối mặt với những thách thức đầu tiên khi một số sĩ quan đã từng tham gia vào cuộc đảo chính năm 1992 tuyên bố không tiếp tục hợp tác với Chính phủ và tố cáo một số lãnh đạo của Phong trào nền Cộng hoà Thứ năm dính líu tới tham nhũng. Chính sự phản đối này đã tạo ra một lực lượng đối lập ở ngay bên trong chính quyền của Tổng thống Chavez.

Quá trình thay đổi Hiến pháp kết thúc với cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 30/6/2000. Tại cuộc bầu cử Quốc hội, Liên minh yêu nước một lần

nữa khẳng định ưu thế của mình khi giành đa số phiếu (chỉ riêng phong trào nền Cộng hoà thứ năm đã chiếm tới 76 ghế). Tại cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Chavez cũng đã giành thắng lợi áp đảo trước ứng viên đối lập là ông Francisco Arias Cardenas (trước đây là đồng nghiệp trong quân ngũ với Tổng thống Hugo Chavez, người lãnh đạo cuộc đảo chính năm 1992 tại Maracaibo và từng là thống đốc bang Zulia). Ngày 19/8/2000, Tổng thống Hugo Chavez tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ 6 năm (2000-2006).

Để phát huy quyền dân chủ tham gia và có thể trực tiếp nghe ý kiến phản hồi của nhân dân đối với các chính sách và biện pháp cải cách, Chính phủ lập kênh đối thoại trực tiếp giữa nhân dân và Tổng thống thông qua chương trình “Alo Tổng thống”. Đây là chương trình truyền hình phát mỗi tuần một lần tại đó Tổng thống đối thoại trực tiếp với nhân dân; trả lời tất cả những thắc mắc, giải đáp mọi kiến nghị của nhân dân, tiếp nhận những đề nghị của nhân dân và cũng là diễn đàn để Chính phủ bày tỏ chính kiến, quan điểm chính trị, tư tưởng, các chương trình cải cách mà Chính phủ đang tiến hành.

Về kinh tế: Tổng thống Hugo Chavez tin tưởng vào con đường thứ 3 trong phát triển kinh tế khi nói “chúng ta sẽ đồng thời duy trì vai trò của nhà nước và mở rộng nền kinh tế thị trường” [22, tr. 45] nên trong những năm đầu mới giành chính quyền, các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ vẫn tương tự như chính sách của các chính phủ xã hội dân chủ nói chung. Chính phủ rất thận trọng trong những quyết định mang tính cải cách ở lĩnh vực kinh tế; phần lớn các cải cách về chính sách và giải pháp kinh tế được đưa ra trong thời kỳ này có liên quan tới dầu lửa. Ngay từ lúc còn vận động tranh cử, Tổng thống Hugo Chavez đã tuyên bố sẽ cải cách triệt để Công ty Dầu lửa Venezuela (PDVSA) nhằm chấm dứt tình trạng quản lý kém và tham nhũng tại công ty này. Đây là công ty nhà nước đóng góp tới 80% giá trị xuất khẩu, 40% nguồn thu ngân sách nhà nước và chiếm tới 27% GDP [22].

Các chính sách liên quan đến dầu lửa cũng là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất bởi Venezuela là nước sản xuất dầu lửa lớn thứ 5 thế giới và thứ hai trong Tổ chức các nước sản xuất và xuất khẩu dầu lửa – OPEC. Những thay đổi trong chính sách dầu lửa của Venezuela có thể ảnh hưởng tới giá dầu thế giới. Tổng thống Chavez cho rằng dầu lửa mang lại cho Venezuela những khoản thu nhập khổng lồ nhưng cũng vì dầu lửa mà các ngành công nghiệp khác không phát triển được. Vì vậy, ngoài các biện pháp nhằm làm cho PDVSA hoạt động hiệu quả, Chính phủ cũng nhấn mạnh tới nhu cầu phải tìm kiếm một mô hình phát triển mới đa dạng hơn, bền vững hơn, để nền kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu lửa.

Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố không tiếp tục chương trình tư nhân hoá mà chính phủ cánh hữu trước đó đang tiến hành nhưng cũng không quốc hữu hoá các công ty tư nhân vốn trước đây là công ty nhà nước và tìm mọi biện pháp để ổn định nền kinh tế đang rất khó khăn mà không phá giá đồng tiền hay áp đặt một hệ thống kiểm soát tỉ giá.

Do nền kinh tế Venezuela chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp dầu mỏ nên một trong những mục tiêu được Chính phủ ưu tiên hàng đầu là làm sao thuyết phục được các nước thành viên OPEC cắt giảm sản lượng khai thác để đẩy giá dầu lên. Tháng 3 năm 1999, Venezuela đã đạt được mục tiêu này khi các nước thành viên OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác dầu, chính sự cắt giảm này đã làm giá dầu thế giới tăng mạnh và ngân sách Venezuela có thêm hàng tỉ USD mối năm. Trước khi lên nhậm chức, Tổng thống Hugo Chavez đã có chuyến công du Châu Âu nhằm trấn an các tập đoàn dầu lửa xuyên quốc gia đang mua dầu Venezuela. Ông tuyên bố tôn trọng các hiệp định đã ký với OPEC những cũng không dấu diếm ý định làm thay đổi cách suy nghĩ để tổ chức này phục tùng vô điều kiện các nước nhập khẩu dầu lửa thế giới. Trong tuyên bố này Chavez đã chỉ rõ việc dầu lửa mất giá năm 1998 đã gây rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Venezuela.

Sang năm 2001 Chính phủ đẩy tiếp một bước chương trình cải cách của mình với việc ban hành 49 pháp lệnh và luật, trong đó có Luật Đất đai và Phát triển nông thôn, Luật đánh cá, Luật dầu khí… Tháng 9 năm 2001 Chính phủ trao 105.000 hecta đất canh tác bỏ hoang của địa chủ bang Zulia cho Viện nông nghiệp Quốc gia để Viện này trao lại cho nông dân. Tình trạng người nông dân Venezuela lúc đó rất khốn khó; một số ít người sở hữu tới 70% đất đai trồng trọt trong khi đại đa số người nông dân không có đất để canh tác và gần như toàn bộ lương thực phải nhập khẩu nước ngoài. Với luật đất đai và phát triển nông thôn, các chủ đồn điền phải khai thác đất và đóng thuế cho nhà nước hoặc buộc phải trao trả những diện tích bỏ hoang để Nhà nước chia cho những người không có đất. Luật dầu khí quy định mức thuế của các công ty nước ngoài hoạt động trong ngành công nghiệp dầu khí sẽ lên tới 30% và Nhà nước sẽ nắm giữ ít nhất 51% cổ phiếu trong liên doanh với các công ty tư nhân để chiếm cổ phần chi phối. Các biện pháp đối với ngành dầu khí đã giúp bù đắp một phần cho sự thâm hụt ngân sách do giá dầu lúc đó xuống dưới 16 USD 1 thùng sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001.

Với nỗ lực của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội Venezuela năm 2000 đã có bước cải thiện đáng kể; tăng trưởng GDP đạt 3,7%, so với -6% của năm 1999; lạm phát còn 13,4% giảm gần 7% so với năm 1999; chỉ số thất nghiệp xuống thấp nhất kể từ năm 1986; cán cân thanh toán tài khoản vãng lai đạt mức thặng dự cao nhất trong 5 năm và thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 2% [42, tr. 45].

Tuy nhiên, sang năm 2001 và 2002, 49 dự luật và luật nói trên đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của phe đối lập và hậu quả của nó là một lượng lớn vốn tư nhân bị chuyển ra nước ngoài; thâm hụt ngân sách năm đó lên tới 10% GDP tức là khoảng 9 tỷ USD; Chính phủ buộc phải bãi bỏ chính sách điều tiết tỉ giá hối đoái, thả nổi đồng nội tệ (chỉ trong 24 giờ, đồng Bolivar mất giá tới 31%) và tuyên bố điều chỉnh ngân sách theo đề nghị của Quỹ tiền

tệ Quốc tế; ngay bước đầu ngân sách của Nhà nước đã bị cắt 22% [42, tr 45]. Có thể nói đến cuối năm 2001 Venezuela rơi vào khủng hoảng trầm trọng và quá trình cải cách mà Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez tiến hành có nguy cơ sụp đổ.

Về chính sách đối ngoại: Ngay từ những ngày đầu cầm quyền, Chính quyền của Tổng thống Hugo Chavez đã tiến hành một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chống đế quốc, chống chủ nghĩa tự do mới, ủng hộ cách mạng Cuba, ủng hộ việc dân chủ hoá và cải tổ Liên hợp quốc; Ông chủ trương liên kết các quốc gia Mỹ Latinh thành một khối, với một chính sách đối ngoại chung, một tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán về tự do thương mại với Mỹ và các cường quốc kinh tế thế giới khác. Do có tư tưởng chống đế quốc nên ngay từ đầu Tổng thống Hugo Chavez đã luôn là cái gai cần phải nhổ trước mắt Mỹ.

Cùng với chính sách đối ngoại chống đế quốc, Venezuela đẩy mạnh quan hệ với Cuba. Tổng thống Hugo Chavez là người có tình cảm đặc biệt với cách mạng Cuba, luôn coi trọng việc phát triển quan hệ với Cuba và Chủ tịch Fidel Castro, coi Fidel là thần tượng, là “nhà vô địch của tự do” ở Mỹ Latinh (còn Fidel coi Chavez là “nhà dân chủ lớn nhất Châu Mỹ”). Tháng 10/2000 hai nước đã ký Hiệp định Hợp tác toàn diện, trong đó Venezuela cam kết cung cấp cho Cuba 53.000 thùng dầu mỗi ngày và được nợ với lãi xuất ưu đãi, ngược lại Cuba sẽ giúp Venezuela chuyên gia và kỹ thuật viên. Tháng 8/2001, tại Santa Elena de Uairen Venezuela, nhân chuyến thăm Venezuela của Chủ tịch Fidel Castro, hai bên đã thoả thuận mở rộng hợp tác dầu lửa ra nhiều lĩnh vực khác. Quan hệ ngày càng chặt chẽ với Cuba nay bị phe đối lập lớn tiếng phản đối và họ tố cáo Tổng thống có ý định “Cuba hoá đất nước”.

Chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ của Tổng thống Chavez còn được thể hiện rất rõ qua chuyến thăm 10 nước thành viên của OPEC vào tháng 8 năm 2000 nhằm củng cố liên minh của khối và ổn định giá dầu. Ông

cũng là người đề xuất kết nạp Nga, Nauy, Oman làm thành viên của OPEC. Trong chuyến đi này Tổng thống Chavez đánh giá OPEC là vũ khí của các nước đang phát triển, “một loại vũ khí chiến lược” không nên để tuột khỏi tay. Khi ở Lybi, Ông Hugo Chavez đã nhất trí với Tổng thống Muammar al- Gaddafi rằng cần phải cắt giảm sản lượng khai thác dầu để đẩy giá dầu lên. Việc giá dầu lửa tăng lên 34,6% USD/thùng vào tháng 8/2000 đã giảm nhẹ phần nào tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela.

Những khó khăn từ sự chống phá của phe đối lập: Những chính sách trong nước và ngoài nước làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của giới chủ, cộng thêm những vấn đề xã hội chưa giảỉ quyết được và đời sống nhân dân chưa được cải thiện đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình phản đối của phe đối lập.

Tháng 12/ 2001 phe đối lập gồm các đảng cánh hữu, một số tổ chức nghiệp đoàn, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân thông qua Liên đoàn Doanh nghiệp Venezuela và Hiệp hội Thương mại và Sản xuất (Fedecamaras) – nắm trong tay tới 90% GDP (không tính dầu lửa) của đất nước và các công đoàn trong Liên đoàn Lao động Venezuela (CTV) đã tổ chức bãi công trên toàn quốc nhằm tạo sự bất ổn, làm tê liệt nền kinh tế, tiến tới buộc Tổng thống từ chức mà không cần đợi tới thời hạn trưng cầu dân ý theo luật định. Khẩu hiệu của cuộc tổng bãi công là phản đối việc ban hành gói 49 pháp lệnh và luật đã nói trên, bởi họ cho rằng những dự luật và luật này đã đe doạ quyền sở hữu cá thể, cơ cấu của nền kinh tế thị trường và những thay đổi trong ngành dầu khí sẽ làm mất đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế và việc chuyển vốn tư nhân ra nước ngoài sẽ khó tránh khỏi.

Tháng 4/2002 được sự hỗ trợ của Mỹ, phe đối lập tiến hành đảo chính quân sự bắt giữ Tổng thống Hugo Chavez và đưa Chủ tịch Fedecamaras Pedro Carmona Estanga lên giữ quyền Tổng thống lâm thời. Tuy nhiên cuộc đảo chính này gặp phải sự phản đối quyết liệt của các tầng lớp nhân dân lao

động, người nghèo trong cả nước; hàng triệu người từ các khu lao động trên núi đã đổ xuống trung tâm thủ đô Caracas, biểu tình phản đối và đòi phải trả lại tự do và khôi phục lại cương vị cho Tổng thống Chavez. Lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống cũng đưa quân áp sát Thủ đô. Trước sức mạnh của quần chúng lao động và sức ép của lực lượng quân đội ủng hộ Tổng thống, đặc biệt là lực lượng lính dù, Carmona buộc phải đệ đơn từ chức và bị bắt; Tổng thống Chavez đã rời đảo Orichilla, nơi ông bị giam giữ, trở lại Dinh

Một phần của tài liệu Phong trào cánh tả Venezuela giai đoạn 1998 - 2000 (Trang 38)