- Vai trò của Cuba: Có thể nói Cuba là một nhân tố luôn tác động
mạnh đến phong trào cánh tả Mỹ Latinh cũng như Venezuela từ khi cách mạng Cuba thành công năm 1959 cho tới nay. Vào những năm 60, 70, 80 hàng loạt phong trào du kích, tiến hành đấu tranh vũ trang theo kiểu Cuba ra đời và phát triển hầu hết Mỹ Latinh. Cuba đã tích cực ủng hộ giúp đỡ các lực lượng này, nhiều cuộc đấu tranh cũng đã đứng trước khả năng giành thắng lợi thông qua chiến tranh quân sự.
Từ khi Liên Xô sụp đổ sự ủng hộ về vật chất và tinh thần không còn, phần lớn các lực lượng cánh tả từ bỏ đấu tranh vũ trang, chấp nhận đấu tranh nghị trường và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ lớn từ Cuba. Cuba tích cực tham gia vào tất cả các diễn đàn cánh tả khu vực, cùng các đảng này mày mò tìm hướng đi mới. Những nỗ lực này được thể hiện qua các cuộc gặp gỡ của Diễn đàn Sao Paulo mà Cuba là một trong 4 thành viên chủ chốt. Cuba cũng chủ động tổ chức các hội thảo quốc tế về khu vực như Cuộc gặp gỡ quốc tế về toàn cầu hóa tổ chức hàng năm tại Cuba. Những nỗ lực của Cuba đã đóng góp một phần quan trọng vào việc phục hồi phong trào cánh tả Mỹ Latinh, dẫn tới việc lên cầm quyền của các đảng cánh tả, tiến bộ trong đó có phong trào cánh tả Venezuela.
Những thành tựu mà Cuba giành được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, đặc biệt những thành tựu to lớn trong y tế, giáo dục, thể thao và phúc lợi xã hội đã nâng uy tín của Cuba lên rất cao ở Mỹ Latinh. Chỉ riêng tinh thần chống Mỹ kiên cường và tiếp tục tồn tại kiên trì trụ vững ngay trước sự bao vây, chống phá của một siêu cường lớn nhất thế giới đã giành được cảm tình sự kính trọng của tất cả các dân tộc Mỹ Latinh. Trong nhiều thập kỷ qua, Cuba luôn là tấm gương, là niềm kiêu hãnh của những người lao động Mỹ Latinh; các cuộc đấu tranh của nhân dân các nước luôn hướng tới những mục tiêu của cách mạng Cuba. Trong con mắt của bạn bè
Mỹ Latinh Cuba là biểu tượng của tinh thần cách mạng, là một đất nước tự do, bình đẳng, không có người bị bóc lột và kẻ bóc lột, nơi mà mọi người dân đều được đi học, đều được hưởng các dịch vụ y tế giáo dục, văn hóa, thể thao miễn phí, nơi mà mối quan hệ giữa người với người là mối quan hệ đoàn kết, hỗ trợ, thương yêu nhau vì mục tiêu chung là chủ nghĩa xã hội.
Kể từ khi Tổng thống Hugo Chavez lên cầm quyền năm 1998, cách mạng Venezuela đã và đang nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Cuba. Những thành tựu kinh tế, chính trị, đặc biệt là xã hội Venezuela trong những năm qua luôn gắn bó chặt chẽ với sự ủng hộ, giúp đỡ của Cuba. Do vậy, có thể nói Cuba là một trong những nhân tố quan trọng tác động trực tiếp và phong trào cánh tả Venezuela.
- Nhân tố Mỹ: Từ trước tới nay Mỹ luôn coi Mỹ Latinh là “sân sau”
của mình một cách tự nhiên và Mỹ Latinh cũng luôn bị phụ thuộc vào Mỹ về mọi mặt cả về kinh tế lẫn chính trị. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, tình hình trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp; xung đột Trung Đông có xu hướng lan rộng; Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng lớn mạnh với tham vọng trở thành những cực mới trên thế giới; sau một thời gian bị tụt hậu so với phương Tây thì Nga đang củng cố lại tiềm lực kinh tế, quân sự và dần lấy lại vị trí cường quốc của mình. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã đặt nước Mỹ trước nguy cơ khủng bố bất cứ lúc nào; Triều Tiên đã thử thành công vũ khí hạt nhân…. Trước tình hình đó Mỹ đã phải phân tán lực lượng để giải quyết một loạt các vấn đề trên thế giới, đặc biệt là vấn đề Trung Đông để đảm bảo ngồn năng lượng từ khu vực này. Kinh tế Mỹ những năm gần đây đang lâm vào khủng hoảng nên có phần hạn chế trong việc cùng một lúc phải phân bố tài lực cho nhiều nơi. Do phải tập trung vào các khu vực khác, trong khoảng hai thập kỷ qua Mỹ có phần lơ là khu vực sân sau của mình, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phong trào cánh tả Mỹ Latinh phục hồi và phát triển.
Mỹ Latinh những năm gần đây luôn gặp sự phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia khu vực này, đặc biệt là chính sách kinh tế, thương mại tạo nên khuynh hướng muốn thoát khỏi sự lệ thuộc một chiều vào Mỹ, độc lập hơn với Mỹ. Phản ứng ngày càng mạnh của các chính phủ Mỹ Latinh đang trở thành thách thức đe dọa vị trí độc tôn của Mỹ. Khuynh hướng này được thể hiện rõ qua việc các nước này tăng cường quan hệ với Cuba, phản đối Mỹ về việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ FTAA, tẩy chay ứng viên Mexico được Mỹ ủng hộ vào chức Tổng Thư ký Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA). Khuynh hướng này còn được thúc đẩy bởi sự xâm nhập và gia tăng ảnh hưởng ngày càng mạnh của EU và Trung Quốc ở khu vực này. Từ năm 1999 EU đã lập cớ chế Hội nghị Thượng đỉnh EU – Mỹ Latinh. Sự hợp tác kinh tế - thương mại Mỹ Latinh – EU; Mỹ Latinh – Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn và chịu mất ảnh hưởng ở khu vực sân sau của mình. Cùng với việc gây sức ép rất mạnh về kinh tế đối với các chính phủ cánh tả, tiến bộ mới lên cầm quyền ở các nước Mỹ Latinh, Mỹ đang tích cực hậu thuẫn và tiếp tay cho các lực lượng đối lập tìm cách lật đổ các chính phủ tiến bộ trong khu vực. Mặt khác Mỹ cũng đẩy nhanh tiến trình ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương với từng nước, tăng cường sự hiện diện quân sự ở Mỹ Latinh với Kế hoạch Colombia và Kế hoạch Puebla – Panama; xây dựng những căn cứ quân sự triển khai nhanh, sẵn sàng can thiệp quân sự trong thời gian vài tiếng vào bất cứ địa điểm nào tại Mỹ Latinh.
Thực tế gần đây ở Mỹ Latinh cho thấy, Mỹ đang quay lại với các sân sau truyền thống của mình, quan tâm hơn tới khu vực này, đặc biệt là có những bước đi mới, biện pháp mới để đối phó với các chính phủ cánh tả mà họ coi như những chiếc gai cần phải loại bỏ như Venezuela, Bolivia, Ecuador, Nicaragua. Mỹ đang nỗ lực tập trung củng cố, tập hợp phe đối lập ở các nước
này tuyên truyền, xúi bẩy, kích động nhân dân biểu tình bạo động nhằm lật đổ các chính phủ cánh tả này.
Riêng đối với Venezuela, Mỹ có mối quan tâm đặc biệt, bởi Venezuela là một trong những nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng nhất của Mỹ với khoảng 1,4 đến 1,8 triệu thùng mỗi ngày tùy vào thời điểm. Venezuela càng trở nên quan trọng hơn đối với Mỹ khi gần đây trữ lượng dầu khí của Venezuela được xác định lên tới 315 tỷ thùng [50], cao nhất thế giới và giá nhiên liệu tăng cao trong nhưng năm gần đây. Do nguồn nhiên liệu dồi dào đó mà trong suốt nhiều năm, tuy căng thẳng giữa hai nước nhiều lúc đã lên đỉnh điểm nhưng Mỹ vẫn chưa một lần tuyên bố cấm vận Venezuela như vẫn từng làm với các nước khác; khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela cũng vì thế mà ít đi.
Tuy nhiên, tình hình Venezuela gần đây đã buộc Mỹ phải tính toán lại chính sách của mình. Tổng thống Hugo Chavez công khai chống Mỹ, thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga, mua vũ khí của Nga, sẽ tập trận chung với Nga với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược và các tàu chiến có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga ngay tại vùng biển Caribe, đe dọa trực tiếp an ninh của Mỹ. Những động thái mà Mỹ đang thực hiện tại Venezuela cho thấy Mỹ quyết tâm lật đổ chính quyền Hugo Chavez bằng mọi cách không loại trừ khả năng ám sát. Chính vì sự can thiệp thô bạo của Mỹ ngày 11/9/2008 Tổng thống Hugo Chavez cũng đã ra lệnh trục xuất Đại sứ Mỹ, đồng thời triệu hồi đại sứ Venezuela tại Washington về nước và tuyên bố: “Chính phủ Mỹ hiện nay phải chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa các nước trong khu vực và Washington bởi Mỹ đang đứng đằng sau tất cả các âm mưu gây mất ổn định về chính trị tại Mỹ Latinh” [22, tr. 34].
- Các nhân tố khác: Nga, Trung Quốc, EU, OPEC … cũng đang tăng
tăng mạnh trong những năm gần đây và vượt cả Mỹ ở một số nước. Hợp tác kinh tế, thương mại cũng có bước nhảy vọt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Chính việc các cường quốc này tăng cường quan hệ đầu tư, kinh tế, thương mại với Venezuela và Mỹ Latinh đang đe dọa vị trí độc tôn của Mỹ tại khu vực này. Việc Venezuela mở rộng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác này giúp tránh được sự phụ thuộc trong quan hệ kinh tế thương mại vào Mỹ; đặc biệt việc Venezuela tăng cường hợp tác quân sự với Nga trong bối cảnh quan hệ giữa nước Nga và các nước phương Tây đang căng thẳng cũng làm giảm phần nào khả năng Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp vào Venezuela. Đồng thời việc thúc đẩy mạnh hợp tác năng lượng với Trung Quốc và các nước khác giúp Venezuela trong tương lai có thể đa dạng hóa được các thị trường năng lượng, không chỉ phụ thuộc vào thị trường năng lượng Mỹ.