thống chính trị ở Trung Đông .
Sự hình thành thể chế chính trị tại các quốc gia Hồi giáo ngày nay là kết quả của quá trình đấu tranh giữa các lực lượng dân chủ với các đế quốc thực dân trong quá khứ (chủ yếu là Anh và Pháp). Hiện nay, trên thế giới có khoảng 47 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số (trên 50% tổng dân số) [89]. Theo CIA Factbook, trong số các quốc gia này, có 25 quốc gia theo chế độ cộng hòa tổng thống, 11 quốc gia theo thể chế cộng hòa nghị viện, 10 quốc gia theo chế độ quân chủ.
Tại các quốc gia theo chế độ quân chủ, bộ máy nhà nước thường chỉ có hai nhánh: hành pháp và tư pháp, không có nghị viện lập pháp. Những nước này, quan niệm chỉ có đấng Allah mới có quyền làm ra luật để quy định cách ứng xử của dân chúng trong xã hội. Nhà vua và các thành viên của hoàng tộc là thực thể duy nhất nắm trong tay quyền lực chính trị và là lãnh tụ tôn giáo tối cao của vương quốc. Tại Bahrain, dòng họ Al Khalifa và tại Kuwait, dòng họ Al Sabah nắm giữ mọi quyền hành pháp và lập pháp với nội các bao gồm chủ yếu là các thành viên hoàng gia, nắm các bộ quan trọng nhất (Dầu lửa, Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại giao). Tại Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), hai dòng họ chủ chốt cùng chia sẻ quyền lực: Al Maktoum tại Tiểu vương quốc Dubai nắm giữ vị trí Phó Tổng thống và Thủ tướng, Al Nahyan tại tiểu vương quốc Abu Dhabi nắm giữ vị trí Tổng thống. Arập-Xêút là trường hợp cá biệt, theo mô hình quân chủ Hồi giáo tuyệt đối. Đây là một
64
quốc gia phong kiến thần quyền, không có thiết chế chính trị rõ ràng, không có đảng phái, Quốc vương đồng thời là Thủ tướng và các vị trí quan trọng còn lại trong nội các (Thái tử kế vị, các Quốc vụ khanh, các Bộ trưởng chủ chốt) đều do các thành viên Hoàng gia đảm nhiệm. Vua cũng đồng thời bổ nhiệm các thẩm phán, các quan chức cao cấp trong Chính phủ, các thống đốc và các sĩ quan cao cấp trong quân đội (từ đại tá trở lên) và là người có quyền xét xử (tư pháp) cao nhất, là người có quyền ân xá. Mặc dù không có văn bản pháp luật nào hạn chế quyền lực của nhà vua, nhưng quyền lực của nhà vua cũng bị hạn chế nhất định bởi các điều răn trong kinh Qur’an. Kinh Qur’an đòi hỏi khi nhà vua trị vì phải tham khảo ý kiến nhân dân và cần phải được sự ủng hộ của các học giả tôn giáo. Arập- Xêút có một Hội đồng tư vấn và Hội đồng Hồi giáo tối cao để giúp đỡ và cố vấn cho nhà vua. Ngoài ra, ông còn có một Hội đồng Bộ trưởng để xây dựng và quản lý việc thực hiện các chính sách của Chính phủ.
Bên cạnh một số quốc gia theo chế độ quân chủ nêu trên, phần lớn các quốc gia Hồi giáo Trung Đông theo thể chế Cộng hòa Hồi giáo. Các quốc gia này trực tiếp bầu ra Hội đồng hiến pháp là cơ quan kiểm tra việc tuân thủ luật Hồi giáo. Hội đồng này bầu ra lãnh tụ tôn giáo, người nắm quyền tối cao về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ngoài Hội đồng hiến pháp, ở những quốc gia này còn có Hội đồng tư vấn Hồi giáo [17, tr.21:22].
Theo Jacques Rolleet - giảng viên môn Khoa học chính trị ở Đại học Tổng hợp Rouen (Pháp), tác giả cuốn sách “Tôn giáo và chính trị”, truyền thống Hồi giáo không phân biệt người theo tôn giáo với người làm chính trị. Đối với một tín đồ Hồi giáo coi trọng truyền thống, hầu như không thể tách bạch người làm chính trị với người theo tôn giáo được. Do đó, ở các nước Hồi giáo, luật Hồi giáo (Shariah) luôn luôn chi phối mọi khía cạnh của đời sống toàn dân. Có thể khái lược vai trò của Hồi giáo đối với đời sống chính trị-xã
65
hội của các quốc gia có tín đồ Hồi giáo khu vực Trung Đông thành 3 nhóm chính sau:
- Các quốc gia công nhận Hồi giáo là nền tảng tư tưởng cho thể chế chính trị của mình. Ở các quốc gia này Luật Shariah và kinh Qur’an được thừa nhận là gốc rễ cho các luật hiện hành. Ngoài ra, Trong luật của họ không phân biệt rõ ràng giữa khái niệm thánh đường và nhà nước bởi vậy nhiều khi rất khó xác định ranh giới giữa giáo quyền và chính quyền. Ở một số quốc gia, các Ulama vừa đóng vai trò là nhà luật học vừa là nhà thần học hay có thể là cố vấn cao cấp cho chính quyền. Các quốc gia Hồi giáo điển hình cho nhóm này là Arập- Xêút, Iran, Afganistan.
- Những quốc gia mà Hồi giáo được thừa nhận trong hiến pháp như là tôn giáo quốc gia. Ở các quốc gia này, Hồi giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa. Dù không chi phối hoàn toàn như ở nhóm các nước nêu trên nhưng các đạo luật Hồi giáo vẫn là nền tảng cơ bản quy định quy tắc xử sự chung của xã hội. Các quốc gia tiêu biểu ở nhóm này là: Ai Cập, Iraq, Algieria...
- Những quốc gia có đông đảo tín đồ Hồi giáo tuy nhiên đã loại trừ ảnh hưởng của Hồi giáo ra khỏi đời sống chính trị. Phong trào thế tục hóa trong các nước Hồi giáo được bắt nguồn từ thế kỷ XIX, nhằm giải quyết mâu thuẫn ở các nước Hồi giáo sùng tín khi không thể phân biệt được ranh giới giáo quyền với chính quyền cũng như giữa giáo luật với pháp luật. Trong số các nước thuộc nhóm này, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tiêu biểu đi theo đường lối thế tục, đã thực hiện thành công cuộc cách mạng thế tục hóa xã hội Hồi giáo (với việc tuyên bố chấm dứt vai trò của Hồi giáo với tính cách là quốc giáo, cho ra đời nhà nước thế tục Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1923), đề cao các giá trị dân chủ và loại trừ các giá trị tôn giáo lạc hậu gây cản trở cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, Thổ Nhĩ
66
Kỳ đang có xu hướng “giải thế tục”, do Đảng của những người theo Hồi giáo lãnh đạo (Đảng công bằng và phát triển - AKP).
Ngoài ra, một số quốc gia có đông đảo tín đồ Hồi giáo nhưng không chỉ rõ Hồi giáo là quốc giáo hoặc tuyên bố là một quốc gia thế tục, như Syria, Nigieria... Với đặc thù nhiều quốc gia trong khu vực có hệ thống chính trị được xây dựng trên nền tảng độc tài, gia đình trị, chính quyền các quốc gia này đã tạo được ưu thế chính trị tuyệt đối so với các đối thủ chính trị khác bằng phương thức cai trị độc đoán, chuyên quyền. Trong bối cảnh sức mạnh các lực lượng chính trị đối lập bị triệt tiêu và hầu như không có khả năng trở thành thế lực thách thức của các chính quyền trong khu vực, chính các phong trào Hồi giáo đã tạo nên một lực lượng đối lập có khả năng đương đầu thực sự với các chính quyền đương nhiệm. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, người dân nhiều nước trong khu vực đã quay sang ủng hộ các lực lượng Hồi giáo trong các cuộc tổng tuyển cử tự do: Năm 2006, tận dụng sự thất vọng của người dân Palestine trước tình trạng tham nhũng, bất lực trong bộ máy chính phủ và thất bại trong quá trình đàm phán với Israel, lực lượng Hồi giáo
Hamas đã giành chiến thắng trước Fatah trong cuộc bầu cử địa phương tại Palestine với 77/132 ghế, kết thúc 40 năm thống trị của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO). Tại Kuwait, quốc gia duy nhất có Quốc hội dân cử tại vùng Vịnh, các lực lượng chính trị Hồi giáo thường xuyên giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử, gây sức ép buộc nhiều nội các phải từ chức.
Vì vậy, chính quyền nhiều quốc gia Hồi giáo trong khu vực luôn coi các lực lượng này là đối thủ tiềm tàng, có khả năng thách thức sự cai trị của mình và do đó triển khai nhiều biện pháp nhằm kiềm chế hoạt động của các thế lực Hồi giáo. Nhiều nước tìm cách hạn chế tối đa hoạt động của các phong trào Hồi giáo, giám sát chặt chẽ, đồng thời sẵn sàng sử dụng các vũ lực trấn áp khi cần thiết: ban hành luật khẩn cấp (hạn chế tự do ngôn luận, cấm tụ tập đông
67
người, cho phép bắt giữ không cần xét hỏi...), đàn áp và đặt hoạt động của các đảng Hồi giáo ra ngoài vòng pháp luật... Tổ chức “Anh em Hồi giáo", phong trào Hồi giáo lớn nhất thế giới với hệ thống cơ sở, mạng lưới tại nhiều các quốc gia Trung Đông đã nhiều lần bị cấm hoạt động tại Ai Cập và bị đàn áp thẳng tay tại Syria [98].
Trong thế giới Arập hiện nay, một sự quan tâm sâu sắc về bản sắc và sự thống nhất Hồi giáo đã và đang được thúc đẩy. Các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại đã tăng cường và thắt chặt các mối quan hệ giữa các dân tộc Hồi giáo. Số lượng người hành hương Mecca tăng vọt chứng tỏ nhận thức ngày càng cao về một bản sắc chung của những người Hồi giáo đến từ những miền đất xa xôi. Số lượng sinh viên từ Đông Nam Á và Châu Phi đến học tập tại các trường học ở Trung Đông cũng không ngừng gia tăng để truyền bá tư tưởng và thiết lập các mối quan hệ cá nhân xuyên biên giới quốc gia. Các cuộc hội thảo và tư vấn thường xuyên và ngày càng tăng giữa các trí thức Hồi giáo và các giáo sĩ. Các băng đĩa truyền bá các bài thuyết giáo của Hồi giáo đã vượt biên giới quốc gia đến với các nước khác. Ý thức về một sự đoàn kết Hồi giáo cũng được thể hiện và được khuyến khích trong các hành động của các nhà nước và tổ chức Hồi giáo quốc tế. Năm 1969, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nước Hồi giáo được tổ chức tại Rabat. Sau đó, năm 1972, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) được thành lập (nay đổi tên là Tổ chức hợp tác Hồi giáo), có trụ sở chính ở Jeddah, Arập-Xêút. Hiện nay, hầu hết các nước có số lượng tín đồ Hồi giáo đông đều tham gia tổ chức này. Đây là tổ chức liên quốc gia tôn giáo duy nhất hiện nay. Bên cạnh đó, chính phủ các nước như Arập-Xêút, Iran, Lybia đã cấp tài chính và ủng hộ các tổ chức phi chính phủ như Đại hội tài chính và ủng hộ các tổ chức phi chính phủ như Đại hội Hồi giáo thế giới, Liên đoàn thế giới Arập, cũng như các thể chế, các phong trào Hồi giáo, v.v… nhằm củng cố lòng tin và nuôi dưỡng các nguồn lực trong thế giới Hồi giáo [32, tr.240].
68
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điểm yếu của Hồi giáo là ý thức không chặt chẽ. Nguyên nhân của nó là Hồi giáo đã bị chia rẽ bởi các trung tâm quyền lực. Mỗi trung tâm quyền lực đó đều mong muốn sử dụng bản sắc Hồi giáo phục vụ cho lợi ích của mình. Hơn nữa, thế giới Hồi giáo chỉ có thể thống nhất khi có một nhà nước Hồi giáo chủ chốt. Nhà nước đó phải hội tụ các điều kiện như: có nguồn lực kinh tế, sức mạnh quân sự, năng lực tổ chức, bản sắc Hồi giáo và sự cam kết trao vai trò lãnh đạo cả về chính trị lẫn tôn giáo cho thế giới Hồi giáo. Nhưng lịch sử cho thấy chưa có một quốc gia Hồi giáo nào có đủ quyền lực và sự hợp pháp cần thiết về văn hoá và tôn giáo để có thể đảm nhiệm vai trò đó và được thừa nhận là người đứng đầu thế giới Hồi giáo, kể cả Arập-Xêút. Việc thiếu một nhà nước chủ chốt của Hồi giáo là một nhân tố chính dẫn đến các cuộc xung đột bên trong và bên ngoài thế giới Hồi giáo. [32, tr.242].
2.2.2. Hồi giáo và những biến động chính trị ở Trung Đông hiện nay.
Đầu năm 2011, một loạt những biến động chính trị đã diễn ra ở các nước Trung Đông và Bắc Phi, bắt đầu ở Tunisia, tiếp diễn ở Ai Cập và lan toả sang các nước Yemen, Algeria, Jordan, Libya, Syria, Bahrain, Iran và những quốc gia Arập khác. Đi tìm nguyên nhân của những sự kiện trên, nhiều nhà nghiên cứu chính trị thế giới đã đưa ra nhiều lý do, song, có thể nói rằng, trong các cuộc “cách mạng” ở các nước Arập hiện nay, Hồi giáo chính trị không có biểu hiện rõ nét. Những biến động đó hoàn toàn không giống với những gì đã xảy ra ở Iran đầu năm 1979, chúng cũng không giống với quá trình Hồi giáo hóa đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ những năm đầu thế kỷ XXI và trước đó là vấn đề Hồi giáo trong đời sống chính trị - xã hội ở Pakistan.
Cuộc “cách mạng Hoa Nhài” ở Tunisia được khởi đầu từ vụ tự thiêu của một thanh niên Hồi giáo bán hàng rong để phản đối việc cảnh sát thu giữ và đập phá xe hàng rau quả của mình vì lý do không có giấy phép kinh doanh.
69
Người thanh niên này đã tốt nghiệp đại học nhưng không thể tìm được việc làm theo ngành nghề đã được đào tạo và đành phải chọn nghề bán rau quả ở chợ để kiếm sống. Tin tự thiêu của người thanh niên Tunisia lập tức lan truyền trên các mạng xã hội, châm ngòi cho vụ biểu tình của dân chúng nước này để bày tỏ sự bất bình trước tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và tham nhũng và nhân đó đòi Tổng thống Ben Ali từ chức.
Các hành động tự thiêu được lặp lại ở các nước Arập có vấn đề kinh tế- xã hội và tâm lý xã hội giống Tusinia như: Ai Cập, Algeria, Yemen. Theo gương người dân Tusinia, “cách mạng màu” đã lan tới các nước này như một hội chứng. Tất nhiên, trong các hành động tự thiêu này chứa đựng một thứ chủ nghĩa biểu tượng nào đó. Nhưng biểu tượng đó hoàn toàn không phải là của Hồi giáo, không xuất phát từ truyền thống Hồi giáo. Hồi giáo cấm tự tử và đây là một trong những luận điểm nền tảng của kinh Qur’an mà những người này không thể không biết. Nhưng những người này đã coi thường những quy định của Hồi giáo. Hơn nữa, với những hình ảnh ghi lại những gì đã xảy ra tại quảng trường At-Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập, người ta dễ dàng nhận thấy những hành động phi Hồi giáo của những người biểu tình. Họ giơ cao cánh tay với hai ngón giữa kết thành hình chữ V, chữ cái đầu tiên của từ Vitory, chứ không phải chỉ giơ cao một ngón tay như những tín đồ Hồi giáo vẫn làm để biểu thị tính đồng nhất của những người theo tôn giáo độc thần chống lại những người theo phái tự do - vô đạo. Tất nhiên, trong đám đông những người biểu tình có cả những người giơ cao một ngón tay và những người giơ cao hai ngón tay kết hình chữ V. Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa những người Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa tự do hay còn gọi là lực lượng cánh tả trong các cuộc biểu tình. Trên một bức ảnh được lưu truyền rộng rãi trên các trang mạng người ta thấy các tín đồ Kitô giáo nắm tay thành vòng tròn xung quanh những tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện. Điều
70
này nói lên sự hợp tác giữa người Kitô giáo với người Hồi giáo trong cuộc biểu tình.
Tại quảng trường At-Tahrir, địa điểm chính của cuộc biểu tình, người Islam giáo và người Kitô giáo cùng với những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây và những người theo đường lối cánh tả cùng hô vang khẩu hiệu đòi Mubarak phải từ chức. Tại đây người ta không thấy xuất hiện những khẩu hiệu mang tính chất thuần túy tôn giáo, đại loại như “Hồi giáo - đó là sự quyết định!”. Đây là khẩu hiệu mà trước đó tổ chức “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập và các nước Arập khác thường sử dụng trong các cuộc biểu tình của mình. Phong trào “Anh em Hồi giáo” là một đảng phái chính trị được thành lập từ năm 1928, đến năm 1954 thì bị cấm hoạt động và sau đó hoạt động bán công khai