đồng Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói, mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo Việt Nam với các cộng đồng Hồi giáo khu vực Đông Nam Á vô cùng phong phú, đa dạng. Bởi lẽ, ngoài nền tảng tôn giáo, còn có mối quan hệ dòng tộc và quan hệ hôn nhân được truyền bá và tồn tại trong bối cảnh lịch sử địa lý đã đưa họ đến với nhau gần gũi và sâu đậm hơn. Vì rằng, ở Việt Nam, ngoài phần đông tín đồ Hồi giáo là người Chăm còn có một bộ phận người Malaysia, Indonesia… cũng là những tín đồ Hồi giáo đã định cư và có cuộc sống gắn bó lâu đời với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hay, cộng đồng Hồi giáo Campuchia phần lớn là người Chăm từ Việt Nam sang định cư từ nhiều đời nay, ... Mối quan hệ dòng tộc và hôn nhân đó đã tạo nên nét đặc trưng riêng của Hồi giáo Việt Nam. Trong khi đó, các cộng đồng tôn giáo khác xây dựng nền tảng quan hệ chủ yếu dựa vào niềm tin tôn giáo. Chính yếu tố đặc trưng đó cho ta thấy khi xét đến quan hệ giao lưu giữa cộng đồng Hồi giáo Việt Nam với cộng đồng Hồi giáo các nước Đông Nam Á không thể tách rời yếu tố dân tộc với yếu tố tôn giáo.
Mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo nước ta với các cộng đồng Hồi giáo trong khu vực còn được thông qua những hoạt động của cơ quan Đại sứ quán của các quốc gia này ở nước ta. Gần đây, hội nghị Bộ trưởng phụ trách Hồi giáo của các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được tổ chức để bàn về vấn đề Hồi giáo trong khu vực. Mặt khác, thông qua tổ chức “Hiệp hội trăng lưỡi liềm đỏ” quốc tế của Malaysia và tổ chức phi chính phủ (NGO) cùng tác động tới Ban Điều phối viện trợ nhân dân của Việt Nam (PACCOM) nhằm tìm kiếm con đường để thành lập trung tâm Hồi giáo và
56
văn phòng đại diện Hội trăng lưỡi liềm đỏ ở Việt Nam. Hiện nay, hai tổ chức này thường xuyên liên lạc và cử Mohamad Jusop - một thành viên Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối tiếp nhận các nguồn tài trợ và nhằm mục đích mở rộng quan hệ giao lưu, tăng cường các hoạt động của quốc tế của cộng đồng Hồi giáo Việt Nam, trước hết là với cộng đồng Hồi giáo khu vực Đông Nam Á.
Quan hệ với cộng đồng Hồi giáo Malaysia: So với các cộng đồng Hồi giáo ở Đông Nam Á thì quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo Việt Nam với cộng đồng Hồi giáo Malaysia là đậm đà nhất. Trước khi Hồi giáo vào Việt Nam, hai cộng đồng này đã có mối liên hệ về chủng tộc, ngôn ngữ. Điều đáng kể nhất là việc vua Chiêm Thành có tên là Chế Mân kết hôn với công chúa Malaysia. Sau này, vào năm 1318, khi bị quân Đại Việt đánh bại, vua Chế Năng (con của Chế Mân) đã chạy sang Java (Malaysia), tức là về quê ngoại trú ngụ [112, p.199]. Về phương diện tôn giáo, mối quan hệ giữa Hồi giáo Việt Nam với Hồi giáo Malaysia đã hiện diện từ thế kỷ XVIII khi những người lính Chăm và Malaysia rút quân từ Chân Lạp về định cư cùng gia đình tả ngạn sông Tiền Giang và cù lao Katambong (Châu Đốc) [111, p.221]. Tại đây, người Malaysia dù là thiểu số nhưng vẫn giữ một vai trò quan trọng. Tại các trường học trước đây ở Châu Giang (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) - nơi được coi là trung tâm tôn giáo của Chăm Islam, kinh Qur’an được viết bằng tiếng Arập nhưng được chú thích bằng tiếng Malaysia. Ở TP. Hồ Chí Minh, người Hồi giáo Malaysia tập trung ở thánh đường Rahim Quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Những năm đầu của thế kỷ XX, nhiều vị chức sắc Hồi giáo Việt Nam được đào tạo tại Malaysia khi trở về quê hương truyền giảng lại giáo lý Hồi giáo cho bà con tín đồ luôn mang trong mình lòng ngưỡng mộ những người thầy từ Malaysia. Trong từng gia đình, đặc biệt là ở cộng đồng Hồi giáo An Giang, họ trao đổi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Chăm, còn những lúc
57
giao tiếp bên ngoài thì nói bằng tiếng Malaysia, kể cả thuyết giảng giáo lý cũng bằng tiếng Malaysia. Hơn nữa, mối quan hệ giữa họ càng trở nên khăng khít khi cộng đồng Hồi giáo Việt Nam thường xuyên nhận được sự trao đổi về giáo lý mang tính chính thống, quy củ từ những người Hồi giáo Malaysia.
Mối quan hệ chặt chẽ đó vẫn được duy trì đến ngày nay là do Malaysia là một trong hai quốc gia Hồi giáo Đông Nam Á, với nhiều thiết chế liên quan đến Hồi giáo được thiết lập như: Tổ chức phúc lợi Hồi giáo toàn Malaysia, Công ty bảo hiểm Hồi giáo, Ngân hàng Hồi giáo không lợi tức, Đại học quốc tế Hồi giáo, v.v…là nơi sẵn sàng tiếp nhận những sinh viên, trí thức Hồi giáo ở Việt Nam. Được đi học về giáo lý ở Mecca hay các nước Trung Đông vẫn là niềm mơ ước của không chỉ người Hồi giáo Việt Nam, nhưng do cản trở về mặt địa lý, trong khi Malaysia ở ngay bên cạnh lại có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nên quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo Việt Nam với cộng đồng Hồi giáo Malaysia trong việc học đạo, hành đạo vẫn chặt chẽ hơn với các nước Trung Đông.
Một yếu tố quan trọng khác làm nền tảng cho mối quan hệ này là tại Malaysia hiện nay có khoảng trên 40.000 người Chăm Islam từ Việt Nam và Campuchia chủ yếu di cư đến trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam và nạn diệt chủng Polpot ở Campuchia, tập trung nhiều nhất ở Kelantan [16, tr.244]. Những người này vẫn thường xuyên liên hệ qua lại với thân nhân ở Việt Nam.
Quan hệ với cộng đồng Hồi giáo ở Campuchia: Như đã trình bày, Hồi giáo ở An Giang và Tây Ninh có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng Hồi giáo Campuchia từ xa xưa (trước đây là Chân Lạp). Từ thế kỷ XV, XVI, do những biến cố lịch sử, một số người Chăm đã lưu tán sang Chân Lạp, khi đó họ còn theo tôn giáo Bàlamôn, tại đây, họ có quan hệ với nhóm người Malaysia theo Hồi giáo và đã tiếp nhận tôn giáo của nhóm này. Hiện nay,
58
phần lớn tín đồ Hồi giáo Campuchia là người Chăm, với khoảng hơn 400.000 người, cư trú tập trung ở tỉnh Kompong Cham. Những tập quán, lối sống của cộng đồng này có rất nhiều điểm tương đồng với người Chăm Islam ở miền Nam Việt Nam, như: sống thành các cộng đồng ven sông rạch với nghề chính là đánh cá, dệt vải, buôn bán nhỏ. Do có cùng nguồn gốc dân tộc, cùng tôn giáo, cộng đồng Chăm Islam ở Nam bộ với cộng đồng Hồi giáo Campuchia có mối quan hệ đặc biệt khăng khít qua các cuộc hôn nhân và buôn bán qua lại. Vào thời kỳ Polpot thi hành chính sách diệt chủng, rất nhiều tín đồ Hồi giáo người Chăm ở Campuchia đã bỏ trốn sang Việt Nam như tại tỉnh Đồng Nai khoảng 3.000 người, An Giang khoảng hơn 700 người và Tây Ninh khoảng 800 người. Tại những nơi đây, họ được những người đồng đạo cưu mang, giúp đỡ để ổn định cuộc sống. Ngày nay, mối quan hệ giữa cộng đồng Chăm Islam Việt Nam và cộng đồng Chăm Islam Campuchia vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh “Hồi giáo hóa” trên thế giới hiện nay, kéo theo sự gia tăng các hoạt động quốc tế của tín đồ, chức sắc Hồi giáo Việt Nam, Campuchia chính là cửa ngõ để họ thâm nhập vào thế giới Hồi giáo.
Với cộng đồng Hồi giáo Indonesia, hiện nay vẫn còn một nhóm tín đồ Hồi giáo gốc Indonesia sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Indonesia cũng là nước tiếp nhận nhiều sinh viên Hồi giáo Việt Nam du học dưới sự tài trợ của Ngân hàng phát triển Hồi giáo. Ở Thái Lan cũng có một nhóm khoảng 5.000 người Chăm Islam sinh sống tại Pattani. Những trung tâm Hồi giáo ở Thái Lan đều có quan hệ ít nhiều với cộng đồng Hồi giáo Việt Nam.