Việt Nam với Hồi giáo các nước Đông Nam Á.
Đông Nam Á được coi là trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai sau Trung Đông, phân bố ở tất cả 11 quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, Malaysia và Brunei là hai quốc gia coi Hồi giáo là quốc đạo. Quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất trên thế giới hiện nay là Indonesia, với khoảng 200 triệu tín đồ Hồi giáo trên tổng dân số là 240 triệu người, tuy vậy, quốc gia này lại không coi Hồi giáo là quốc giáo. Nhưng vị trí, vai trò của nó trong đời sống xã hội Indonesia không hề bị giảm đi mà ngược lại, ngày càng được nâng cao. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, Indonesia là nước đứng đầu về xuất bản các tài liệu về Hồi giáo, nhất là tài liệu giáo dục dành cho trẻ em [27]. Ở Indonesia, tín đồ Hồi giáo sau khi tốt nghiệp đại học đa số được nắm giữ các chức vụ trọng yếu của đất nước như làm việc trong các bộ: nội vụ, tư pháp, ngoại giao, tài chính, … Mặc dù vậy, Indonesia vẫn là một nhà nước thế tục. Hiến pháp
50
Indonesia không dành cho Hồi giáo một vị trí đặc biệt như ở Malaysia. Ngoài ra, các cộng đồng Hồi giáo ở các nước Đông Nam Á khác đều là các cộng đồng thiểu số cả về số lượng tín đồ lẫn sắc tộc.
Malaysia là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, trong đó, tín đồ Hồi giáo chiếm trên 60% dân số của cả nước. So với các quốc gia lấy Hồi giáo là quốc giáo (với tỷ lệ tín đồ Hồi giáo thường trên 90% dân số) thì tỷ lệ tín đồ Hồi giáo so với số dân của Malaysia không phải là cao. Tuy vậy, Hồi giáo là tôn giáo chính thức (quốc giáo), có vị trí đặc biệt trong đời sống chính trị, văn hóa- xã hội của Liên bang Malaysia. Đó là tôn giáo của cộng đồng người Melayu - một cộng đồng dân tộc bản địa lớn nhất, nắm quyền lãnh đạo và có nhiều quyền lợi nhất ở Malaysia [61]. Để xây dựng nền văn hóa quốc gia, Malaysia đã lấy văn hóa Melayu làm cơ sở, trong đó, Hồi giáo là yếu tố quan trọng. Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Liên bang Malaysia nhưng không có người đứng đầu Hồi giáo toàn Liên bang mà người đứng đầu mỗi bang đồng thời đứng đầu Hồi giáo của bang mình. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tế đặt ra, năm 1968, Hội đồng Hồi giáo quốc gia Malaysia được thành lập để quản lý, điều hành công việc liên quan tới Hồi giáo và quan hệ với thế giới Hồi giáo. Điều đáng chú ý là, mặc dù Hồi giáo là quốc giáo trong khi còn 40% dân số theo các tôn giáo, dân tộc khác nhưng nhờ sự giải quyết đúng đắn trong chính sách tôn giáo, dân tộc nên Malaysia đã tránh được sự phát triển của chủ nghĩa ly khai như một số quốc gia trong khu vực. Hiện nay, có thể nói, Malaysia là một quốc gia Hồi giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với các cộng đồng Hồi giáo khu vực Đông Nam Á.
Hồi giáo du nhập vào khu vực Đông Nam Á bằng con đường hoà bình, qua quá trình giao lưu, buôn bán giữa các thương gia Hồi giáo đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Trung Đông với cư dân địa phương. Do đó, Hồi giáo không những không áp đặt giáo lý của mình một cách cứng nhắc mà bản thân nó cũng tự
51
điều chỉnh, dung hoà với văn hoá bản địa cho phù hợp với môi trường mới. Điều đó làm cho Hồi giáo ở khu vực này mang tính ôn hoà và ít ảnh hưởng của tư tưởng cực đoan, hiếu chiến.
Đặc điểm nổi bật của Hồi giáo khu vực này là sự liên kết các cộng đồng Hồi giáo qua việc cùng chia sẻ văn hoá Melayu. Các cộng đồng Hồi giáo ở Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Thái Lan đều nói tiếng Melayu, còn lại các cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Philippines thì cùng ngữ hệ Melayu-Polynesian (nói và hiểu được 70% - 80% tiếng Melayu) [60, tr.22]. Như vậy, tiếng Melayu đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp của các cộng đồng Hồi giáo trong khu vực, là sợi dây gắn chặt các cộng đồng này hơn trong các mối quan hệ. Bên cạnh sự tương đồng về ngôn ngữ, các cộng đồng này còn có nhiều phong tục, tập quán giống nhau như các lễ nghi, trang phục, ẩm thực, v.v... Hơn nữa, Hồi giáo ở Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá Ấn Độ và đều có một giai đoạn rất phát triển vào khoảng thế kỷ XV-XVII.
Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở các nước Hồi giáo Trung đông đã diễn ra phong trào phục hưng Hồi giáo. Nội dung của nó là cải cách tôn giáo nhằm đưa thế giới Hồi giáo trở lại thời kỳ hoàng kim của mình, biểu hiện điển hình của phong trào này là cải cách giáo dục trong Hồi giáo. Phong trào này đã thu hút đông đảo tầng lớp tín đồ, đặc biệt là giới trí thức Hồi giáo (được gọi là Ulama) tham gia. Nó đã nhanh chóng lan ra khắp các cộng đồng Hồi giáo trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Tại đây, đã sản sinh ra một lực lượng Ulama hùng hậu, đặc biệt ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Brunei. Với xu hướng tìm về cội nguồn tôn giáo của mình, các
Ulama ở Đông Nam Á không chỉ nâng cao nhận thức về tôn giáo, về trình độ giáo dục cho quần chúng tín đồ của cộng đồng mình mà còn là một tầng lớp lãnh đạo mới với vai trò là một lực lượng chính trị hùng hậu. Phong trào phục hưng Hồi giáo ở các nước Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ từ những năm 70
52
của thế kỷ XX trở lại đây. Phong trào này một mặt tuyên truyền phát triển đạo, nâng cao và củng cố trách nhiệm tôn giáo của tín đồ, mặt khác, nó đẩy mạnh sự cố kết cộng đồng tôn giáo trong mỗi nước cũng như trong phạm vi toàn khu vực. Sự cố kết các cộng đồng Hồi giáo trong khu vực xuất phát từ tinh thần “anh em” của người Hồi giáo là không phân biệt quốc gia, dân tộc, tầng lớp xã hội, cùng nhau chia sẻ lúc hoạn nạn, khó khăn. Tinh thần này còn là điểm nhấn trong chính sách ngoại giao của các nước lấy Hồi giáo là quốc đạo như Malaysia, Brunei.
Như đã trình bày ở trên, ngôn ngữ của người Chăm thuộc ngữ hệ Melayu - Polynesian nên văn hóa Chăm nói chung có nhiều điểm tương đồng với văn hóa của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á. Về văn hóa dân gian, trong lễ hội Rija của cộng đồng Chăm, các vị chức sắc đọc bài cúng lễ và đối đáp bằng ngôn ngữ Melayu, hay lễ hội Rija praong của người Chăm ngày nay có quan hệ với lễ hội Makyaong cổ truyền của người Melayu ở khu vực Đông Nam Á [23]. Hơn nữa, người Chăm lại tiếp thu Hồi giáo từ người Malaysia, do đó từ sinh hoạt tôn giáo đến lối sống của cộng đồng Hồi giáo Việt Nam đều có nhiều nét tương đồng với các cộng đồng Hồi giáo khác trong khu vực. Họ cùng thuộc về một phái của hệ phái Sunni - phái Shafi’y, cùng tuân thủ một nguyên tắc đạo đức tôn giáo là coi tất cả những những người Hồi giáo là anh em, cùng chung ý chí bảo vệ cộng đồng của mình. Cũng giống phần đông các cộng đồng Hồi giáo trong khu vực, cộng đồng Hồi giáo Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, luôn đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm trước đây và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, cộng đồng Hồi giáo Việt Nam có những điểm khác biệt so với các cộng đồng Hồi giáo khác trong khu vực, đặc biệt ở mức độ Hồi giáo hoá. Có thể nói, người Melayu ở Malaysia hay người Aceh ở Indonesia, người Moro ở Philippines tuân thủ giáo luật Hồi giáo nghiêm ngặt hơn người Chăm
53
Hồi giáo ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân của điểm khác biệt này là do nền tảng xã hội của người Chăm Hồi giáo ở Việt Nam là chế độ mẫu hệ - một chế độ xã hội hoàn toàn trái ngược với xã hội phụ quyền của thế giới Hồi giáo. Vì thế, Hồi giáo vào người Chăm ở Việt Nam không những không áp đặt những nguyên lý của mình một cách tuyệt đối mà còn bị “Chăm hoá” làm mềm đi tính chính thống của Hồi giáo nguyên thuỷ.
Trong khi phong trào ly khai gắn liền với Hồi giáo diễn ra với các cấp độ khác nhau ngày càng phổ biến ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á thì ở Việt Nam cộng đồng Hồi giáo luôn gắn bó với dân tộc và chung sống hoà bình cùng các cộng đồng tôn giáo khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi nói đến phong trào ly khai của người Hồi giáo ở các nước Đông Nam Á, người ta thường đề cập đến vấn đề Hồi giáo và chủ nghĩa dân tộc. Trừ các nước như Malaysia, Brunei là những nước gắn chủ nghĩa dân tộc với Hồi giáo, còn lại ở các nước khác các cộng đồng Hồi giáo chỉ là thiểu số. Các chính sách đồng hoá văn hoá và khai thác tài nguyên thiên nhiên của chính phủ các nước này đối với khu vực cư trú của các cộng đồng thiểu số Hồi giáo đã khiến cho họ bất bình và nổi dậy. Khi đó, họ đã sử dụng Hồi giáo như biểu tượng của mình và là ngọn cờ để tập hợp và thống nhất đấu tranh chống lại sự “thống trị của người đa số cầm quyền”. Cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam, mặc dù là cộng đồng thiểu số cả về mặt tôn giáo và sắc tộc, nhưng đến nay hầu như không có sự va chạm với chính quyền, nên chưa xuất hiện luận điệu kích động kiểu như “chính quyền kỳ thị, kiểm soát chặt chẽ tín đồ Hồi giáo” hay tư tưởng ly khai như một số cộng đồng Hồi giáo khác trong khu vực [60] .
Cũng như các tôn giáo khác ở Việt Nam, văn hoá, đạo đức tôn giáo trong Hồi giáo có nhiều điểm tương đồng với văn hoá, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Có thể nói rằng, chủ nghĩa xã hội là tiền đề cho Hồi giáo phát huy những nhân tố tích cực, hạn chế tiêu cực để Hồi giáo có thể thực hiện lý
54
tưởng vì hạnh phúc con người, nhất là trong xu thế thế tục hoá của các tôn giáo hiện nay. Chính từ những điểm tương đồng mà văn hoá, đạo đức trong Hồi giáo có những đóng góp đáng kể vào việc hình thành lối sống, nếp sống, phong tục, tập quán của một bộ phận người Việt Nam, có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng một nền văn hoá mới - nền văn hoá tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hiện nay.
Trong xu thế toàn cầu hoá tôn giáo đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, tinh thần nhập thế của Hồi giáo vào các lĩnh vực của đời sống và xã hội cũng làm cho xu thế thế tục hoá trong Hồi giáo diễn ra một cách sâu sắc hơn. Việc quần chúng tín đồ Hồi giáo Việt Nam tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo là biểu hiện sinh động của tinh thần nhập thế trong Hồi giáo theo xu hướng lành mạnh, phục vụ lợi ích dân tộc, được hướng dẫn bởi những yếu tố tương đồng giữa lý tưởng tôn giáo của Hồi giáo và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, trong đó, chủ nghĩa xã hội luôn là tiền đề cho Hồi giáo phát huy những giá trị tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập với lợi ích dân tộc, trong cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam vẫn tồn tại những vấn đề phức tạp, đó là những trở ngại nhất định trong quan hệ giữa Nhà nước và cộng đồng Hồi giáo. Quá khứ đã để lại trong một bộ phận người Chăm sự mặc cảm, kỳ thị khá nặng nề với người Kinh, đây là vấn đề có tính lịch sử nhưng thường bị các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng, thực hiện chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân, với sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tôn giáo và chính sách dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã tạo mọi điều kiện để các dân tộc, tôn giáo khác nhau được bình đẳng, được phát triển mọi mặt. Xuất phát từ chính sách đúng đắn trên, đa số tín đồ, chức sắc Hồi giáo Việt
55
Nam đều yên tâm làm ăn, sinh sống, tuân thủ luật pháp, sống “tốt đời, đẹp đạo” tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.