1.2.1.Quá trình hình thành và phát triển của Hồi giáo ở Việt Nam.
Trước khi Hồi giáo truyền bá vào Việt Nam, các vương triều nhà nước Chămpa đã có sự tồn tại và phát triển của nhiều nền tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, đặc biệt là Bàlamôn giáo và Phật giáo. Các tôn giáo này có vai trò quan trọng không chỉ tác động và chi phối toàn diện lĩnh vực đời sống xã hội của cư dân Chăm, mà nó đã chi phối cả hoạt động của nhà nước này một thời gian dài, cho đến khi Hồi giáo xuất hiện.
Về vấn đề lịch sử du nhập và truyền bá Hồi giáo vào cộng đồng dân cư Chăm ở Việt Nam, có thể tìm thấy nhiều sử liệu khác nhau với công trình nghiên cứu của nhiều nhà sử học. Ông Ed Huber cho biết, ông đã tìm thấy trong Tống sử có đoạn văn như sau: “Cũng có (ở xứ Chàm) nhiều trâu sống trên núi, nhưng người ta không dùng để cày bừa, mà chỉ để tế thần. Lúc giết trâu họ đọc lời cầu nguyện: “Allahu akbar” (Đấng Allah vĩ đại) [112, p.13] . Lời cầu nguyện đó chính là câu kinh cầu nguyện đề cao Thượng đế Allah của người tín đồ Hồi giáo. Ở một sử liệu khác, Aymonier cũng cho biết ông đã tìm thấy trong các truyện truyền kỳ lịch sử của Chămpa có đoạn viết: “Vào năm con chuột, một người có bản chất Ovlah đã hành động cho sự tận thiện,
31
tận mỹ của vương quốc Chiêm Thành. Nhưng dân chúng lại bất bình nên người ấy đã hiến cả thể xác lẫn linh hồn cho Thượng đế và sang cư trú 37 năm ở Mecca, sau đó ông trở về vương quốc Chiêm Thành”. Theo Nguyễn Văn Luận, tác giả cuốn “Người Chàm Hồi giáo miền tây Nam phần Việt Nam” thì vua Ovlah trị vì nước Chămpa từ năm 1000 đến năm 1036. Sự kiện này trùng hợp với việc khảo cổ tìm thấy hai tấm bia ký ở miền Nam Chiêm Thành, một tấm niên hiệu 1039 và tấm kia được xác định niên hiệu khoảng từ năm 1025 đến năm 1035. Đầu thế kỷ XVI, một người Hồi giáo ở Tanger (Marocco) có tên là Ibubatutah đi du lịch sang Trung Quốc, đã ghé qua một số vùng biển Đông, trong đó có xứ Tawalisi, vùng này được đoán định là đất Chămpa xưa. Theo ông, ở đó ông đã gặp công chúa Chămpa tên là Urdiya, “biết nói tiếng Thổ và viết thạo tiếng Arập”. Sử liệu này cho thấy dấu hiệu của sự xuất hiện Hồi giáo ở vương quốc Chămpa đã có từ trước đó, ….
Tuy còn có ý kiến chưa đồng thuận, song, căn cứ vào những sử liệu nói trên đây cùng với những cứ liệu về dân tộc học, khảo cổ học và điều kiện địa lý, lịch sử của dân tộc Chăm trong mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, có thể đi tới một nhận định chung rằng: Hồi giáo có mặt ở vương quốc Chămpa từ rất sớm - khoảng vào thế kỷ IX đến thế kỷ X qua các thương nhân Arập, Ấn Độ, Ba Tư. Nhưng Hồi giáo không phát triển, có lẽ vì lòng sùng tín thần thánh Bàlamôn giáo, tập tục, lễ nghi cùng chế độ mẫu hệ đã bén rễ ăn sâu, trở thành truyền thống trong xã hội Chămpa, trải qua hơn nghìn năm không dễ gì thay đổi. Vì vậy, ở vương quốc Chămpa vào khoảng trước năm 1470 Hồi giáo chưa phải là tôn giáo chính thống của người Chăm.
Đến thế kỷ XV - kể từ sau biến cố Chà Bàn (Bình Định) năm 1470, khi Nhà nước Chiêm Thành suy vong thì Hồi giáo mới chính thức và có chỗ đứng trong cộng đồng dân cư Chăm ở Việt Nam. Khi đó, một bộ phận cư dân Chămpa lưu tán sang các bán đảo thuộc Malaysia, Indonesia ngày nay, rồi lại
32
tiếp tục lưu tán và định cư ở Chân Lạp (Campuchia ngày nay); một bộ phận khác - trong đó có những người Hoàng tộc của Chămpa vẫn ở lại Việt Nam sinh sống. Trong quá trình lưu cư ở Campuchia, cư dân Chăm tiếp xúc với người Malaysia theo Hồi giáo và đã cải đạo Bàlamôn để theo Hồi giáo. Khi trở về Việt Nam (chủ yếu là các tỉnh duyên hải miền Trung), số người Chăm theo Hồi giáo này đã cổ suý đồng bào Chăm Bàlamôn theo Hồi giáo. Tuy nhiên, do đặc điểm tổ chức - xã hội của cộng đồng cư dân Chăm, với chế độ mẫu hệ và truyền thống tín ngưỡng - tôn giáo bản địa nên bộ phận theo Hồi giáo ở đây đã “Chăm hóa” Hồi giáo chính thống và sản sinh ra một tôn giáo riêng của người Chăm - Hồi giáo Bàni.
Trở lại lịch sử truyền bá Hồi giáo, khi mới ra đời, để chinh phục thế giới Arập và bành trướng thế lực, Muhammad chủ trương mở rộng "đất thánh" bằng các cuộc thánh chiến. Sự truyền bá Hồi giáo đến Đông Nam Á trong đó có Việt Nam bị cản trở bởi các đại dương nên không thể tấn công bằng các cuộc thánh chiến, với khẩu hiệu: "thanh gươm - vó ngựa - kinh Qur'an" mà các giáo sĩ truyền đạo phải thông qua các thương thuyền theo con đường mậu dịch để truyền bá và phát triển Hồi giáo ở khu vực này. Chính vì sự truyền bá bằng con đường hòa bình nên Hồi giáo nơi đây đã chịu sự chi phối bởi bản sắc văn hoá lâu đời của cư dân Chăm với truyền thống Bàlamôn giáo và chế độ mẫu hệ. Điều này khác hẳn với những nơi Hồi giáo bành trướng bằng những cuộc chiến tranh chinh phục, ở đó Hồi giáo mang tính chính thống hơn.
Vào năm 1840, quân nhà Nguyễn do Trương Minh Giảng là quan bảo hộ nước Chân Lạp bị quân An Dương (Chân Lạp) đánh bại, phải kéo quân lui về vùng thượng nguồn sông Tiền - vùng An Giang ngày nay. Cùng thời kỳ này (1854 -1858), cũng nổi lên cuộc dấy binh ở Campuchia do Tuon Set It - người Malaysia lãnh đạo cũng bị thất bại đã kéo quân sang lánh nạn ở vùng
33
đất An Giang ngày nay. Vì vậy, số đông binh sĩ của hai lực lượng này đều là những tín đồ Hồi giáo người Chăm và Malaysia cũng đi theo. Từ Châu Đốc, người Chăm Hồi giáo đã chuyển đến nhiều vùng khác ở Nam Bộ, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Tiền Giang... dần dần hình thành các cộng đồng người Hồi giáo ở các tỉnh miền Nam gọi là Chăm Islam. Tuy nhiên, cộng đồng Chăm Islam ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ khác với các cộng đồng Chăm Bàni ở Bình Thuận, Ninh Thuận ở mức độ “Hồi giáo hóa”. Vì vậy, do yếu tố tín ngưỡng, văn hoá của cộng đồng cư dân Chăm và thời điểm du nhập nên Hồi giáo ở Việt Nam có sự khác biệt nhất định giữa các vùng, với việc hình thành hai khối Chăm Hồi giáo là: Chăm Islam và Chăm Bàni.
- Cộng đồng Chăm Islam: Như đã trình bày ở trên, do trong quá trình tiếp nhận Hồi giáo và cộng cư với người Melayu Hồi giáo, cộng động Chăm Islam biểu lộ đức tin và thực hiện giáo luật Hồi giáo một cách chính thống hơn những người Chăm Bàni ở Ninh Thuận và Bình Thuận và có nhiều điểm tương đồng với các cộng đồng Hồi giáo Đông Nam Á. Hiện nay, Chăm Islam tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Trà Vinh, Ninh Thuận, v.v… với số lượng khoảng 29.000 tín đồ. Đây cũng là cộng đồng đại diện cho Hồi giáo Việt Nam tham gia các hoạt động quốc tế.
- Cộng đồng Chăm Bàni: Do trải qua những giai đoạn thăng trầm của thời cuộc, sống trong thôn ấp biệt lập, sự cô lập giữa họ với những người Hồi giáo chính thống ngày càng tăng, nên họ đã pha trộn những lễ nghi Hồi giáo chính thống với Bàlamôn giáo và tín ngưỡng bản địa. Mặc dù hàng năm vẫn định được ngày tháng lễ và ngày ăn chay đúng với Hồi lịch thế giới nhưng tính chính thống của Hồi giáo Arập mất dần để phù hợp với cộng đồng người Chăm miền Trung, bị “Chăm hoá” dần dần và hình thành một tôn giáo mang
34
đậm bản sắc riêng của dân tộc Chăm - Chăm Bàni. Hiện nay, số lượng tín đồ Chăm Bàni khoảng hơn 45.000 người, tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ảnh hưởng của giáo luật Hồi giáo đối với Chăm Bàni bị hạn chế và không được thực hiện một cách chặt chẽ, những quy định trong giáo luật và những kiêng cấm đối với tín đồ chỉ thực hiện một cách tượng trưng. Việc đạo dường như được xem là việc riêng của các vị chức sắc, họ có thể thay mặt tập thể đảm trách những nghĩa vụ của Thượng đế đã truyền phán cho mọi tín đồ Hồi giáo qua Thánh kinh Qur’an. Do đó, những tín đồ Hồi giáo trong thôn, ấp chỉ cần biết một số kinh sách, mà không bị ràng buộc bởi những luật lệ Hồi giáo như cầu nguyện mỗi ngày, nhịn ăn tháng Ramadan… Giới chức sắc Bàni hành đạo theo phương pháp truyền khẩu, nên dường như không còn ai hiểu được nội dung của kinh Qur’an nữa. Cơ sở thờ tự của Hồi giáo Bàni gọi là chùa, thay vì mở cửa hàng ngày đón tiếp tín đồ thì lại đóng cửa quanh năm và ngày mở cửa được xem xét rất kỹ, kèm theo những lễ tục long trọng. Chức sắc Chăm Bàni gồm vị đứng đầu là Po Gru, tiếp đến là Mưm, Tip (Tiếp), Chang. Vai trò của các chức sắc Hồi giáo Bàni đối với tín đồ rất lớn, chức sắc có quyền lợi vật chất và tinh thần, chi phối sâu sắc đến đời sống tín ngưỡng, xã hội của tín đồ. Nếu như trong xã hội Hồi giáo chính thống, vai trò của phụ nữ bị coi thấp thì trong Hồi giáo Bàni người phụ nữ lại được coi trọng do ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ: Phụ nữ có quyền đến thánh đường như nam giới, là người quyết định về vật chất trong các buổi lễ, không trùm khăn che mặt khi ra đường, có quyền đi hỏi cưới chồng và chồng phải phụ thuộc vào vợ và gia đình nhà vợ. Trong tháng Ramưwan (Ramadan), toàn thể chức sắc Bàni đều mang đồ đạc vào sống trong chùa suốt tháng để tín đồ mang lễ vật đến cúng, còn việc nhịn ăn của các chức sắc chỉ có ý nghĩa tượng trưng trong 03 ngày đầu tháng Ramưwan. Hiện nay, tín đồ Chăm Bàni chiếm khoảng 58% tín đồ
35
Hồi giáo ở Việt Nam, chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Có thể khái quát một số đặc điểm của Hồi giáo Việt Nam như sau: - Hồi giáo ở Việt Nam không nhiều và chủ yếu là trong cư dân Chăm. So với các tôn giáo ngoại sinh ở Việt Nam, tỷ lệ tín đồ Hồi giáo tăng chậm trong thời gian qua, ngoài một bộ phận cải đạo Bàni theo Islam ở Ninh Thuận vào những năm 60 của thế kỷ XX, số tín đồ theo Hồi giáo qua con đường "truyền đạo" không đáng kể và chủ yếu là tăng tự nhiên.
- Dân cư hình thành theo các nhóm cộng đồng (Jammaah), một bộ phận không lớn cộng cư với người Kinh và các dân tộc anh em. Tuy nhiên, tính cộng đồng - nét truyền thống của tổ chức xã hội trong cư dân Chăm vẫn là lối sống đặc trưng của người Chăm Hồi giáo.
- Hồi giáo nước ta có sự khác biệt giữa các vùng, trong đó Chăm Islam có mối quan hệ thường xuyên với Hồi giáo thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ đó, ngoài yếu tố tôn giáo còn có quan hệ đặc trưng của con người là thân tộc.
- Người Chăm Hồi giáo có truyền thống gắn bó và đồng hành cùng toàn dân tộc. Ngược dòng lịch sử, khi còn là một nhà nước Chămpa (Chiêm Thành) độc lập, hai dân tộc Kinh - Chăm đã từng có truyền thống gắn kết cùng chống giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Truyền thống đoàn kết cùng chống giặc ngoại xâm đó là một minh chứng lịch sử như cuộc kháng chiến đánh đuổi quân nhà Hán xâm lược từ những năm đầu công nguyên, quân Java hồi thế kỷ VIII, quân Nguyên - Mông hồi thế kỷ XIII… Hơn thế nữa, truyền thống đó của hai dân tộc đã hun đúc cùng sát cánh bên nhau tạo nên sức mạnh quật cường dưới ngọn cờ khởi nghĩa của phong trào Tây Sơn chống lại tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn hồi cuối thế kỷ XVIII. Khi vương triều cuối cùng của nước Chămpa bị suy vong hồi thế kỷ XV,
36
đồng bào Chăm đã trở thành một dân tộc chính thức trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào Chăm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và hội nhập với cộng đồng các dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc. Đặc biệt là có quá trình cống hiến, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến, nhiều gia đình là cơ sở nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, được Đảng và Nhà nước tuyên dương. Chỉ tính ở một huyện đồng bào Chăm Bàni thuộc tỉnh Bình Thuận đã có một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hai bà mẹ Việt Nam anh hùng, 23 liệt sĩ và 472 gia đình "có công với nước". Đồng bào Chăm Hồi giáo luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đoàn kết cùng toàn dân tộc làm tốt nghĩa vụ công dân ủng hộ sự nghiệp đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo. Đồng thời, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc dân tộc với truyền thống văn hoá phong phú, đa dạng đã góp phần làm giàu kho tàng văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hoá Việt Nam.