7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Ngôn ngữ đời sống, khẩu ngữ
Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành thì “thơ kháng chiến chống Pháp mang nhiều “nét đại chúng”, nét nghiệp dư hơn các giai đoạn sau. Điều đó là một phần do thơ kháng chiến đã được xây dựng nên từ phong trào văn nghệ quần chúng, là nền thơ “từ nhân dân mà ra”. Đó là một nền thơ còn gắn liền với phương châm “đại chúng” của văn nghệ kháng chiến. Nhưng khác với thơ dân gian, thơ kháng chiến có những định hướng lớn về tư tưởng và tình cảm. Các tác giả đã có ý thức coi thơ ca cũng là một vũ khí đánh giặc, một sự nhân danh đồng chí, đồng đội để nói lên những cảm xúc chung. Có thể nói, cái gốc nhân dân, cái nguồn dân gian là cội rễ của thơ kháng chiến chống Pháp.” [73, tr. 289] Như vậy, những yếu tố ngôn ngữ quần chúng, đại chúng chính là đặc điểm chung trong thơ các nhà thơ kháng chiến.
Ở thơ Phùng Quán, ta bắt gặp vốn từ dân gian, từ địa phương hết sức phong phú, được sử dụng một cách nhuần nhuyễn. Ví dụ như hình ảnh “cười như ngô rang” miêu tả tiếng cười giòn vang của những em bé; hình ảnh em bé “Cất tiếng hát tình tang/ Hoan hô anh vệ quốc đoàn/ Ăn sương nằm đất đánh tan quân thù/ Tính tình tang, tang tính tình”. Cụm từ “tính tình tang, tang tính tình” được đưa vào thể hiện âm điệu của những bài hát đồng dao của trẻ nơi thôn quê, khắc họa nét vui tươi, hóm hỉnh, tinh nghịch của những đứa trẻ. Hay trong câu thơ: “Để mát dạ những người đã khuất/ Người ta thường trồng cây đẹp rủ bóng lên nghĩa trang”, hai từ “mát dạ” được sử dụng rất tinh tế. Bởi hai chữ “mát dạ” thể hiện quan niệm của dân gian trong niềm tôn trọng cái chết, phần mộ của người đã khuất. Trong câu thơ miêu tả chị Sáu, Phùng Quán cũng sử dụng một cách so sánh của dân gian: “Hiền như bông lúa chín thơm giữa đồng”. Trong một số bài thơ,
Phùng Quán đưa vào những điệu hò, câu ca dân gian thể hiện sự chân chất, mộc mạc của những người lao động:
Sống ngâm da, chết ngâm xương
- Chiêm thua, mùa mất
- Đông chết se, hè chết lụt
- Muốn ăn cua rốc, ốc nhồi
Đem con mà gả cho người đồng chiêm
(Không có đề)
Phùng Quán biến tấu những câu hò, điệu hát dân gian thành lời đáp đối một cách rất khéo léo. Lời đối đáp lại thể hiện được không khí hăng say lao động sản xuất của những ngày kiến thiết miền Bắc.
Muốn ăn cơm trắng, cá tươi
Thì về làm rể với người đồng chiêm! Trạm bơm sắp sửa mọc lên
Đồng xưa một vụ cộng thêm hai mùa Ai thèm ăn rốc, ăn cua
Đến đâu thì đến xin chừa đồng em Mất công lặn lội đi tìm
Rốc, cua đã hóa cơm mềm cá tươi
(Không có đề)
Phùng Quán đã thành công khi sử dụng những hình ảnh gần gũi, những logic đời sống, những cặp hình ảnh luôn đi cùng nhau: con cá – nước, cành củi – ngọn lửa, cây đàn – dây đàn; rễ cây – đất. Những cặp sự vật, hiện tượng luôn song hành ấy khẳng định cho tình yêu, sự gắn bó của chàng trai với cô gái. Phùng Quán đã chạm đến cái mà Phan Ngọc gọi là “tính nhạc của thơ”: “Giác quan ta không tiếp nhận trực tiếp hình ảnh, âm thanh của thế giới bên ngoài và của thế giới nội tâm, mà các hình ảnh ấy có gây được cảm xúc hay không chỉ là căn cứ vào điểm nó có phù hợp với cách ta khái niệm hóa bằng ngôn ngữ hay không. Điều này thấy rõ trong cái gọi là tính nhạc của thơ. Một câu thơ được gọi là dịu dàng, dồn dập, vang dội, hay bay bổng, vân vân, chỉ khi nào cách tổ chức âm thanh cũng phù hợp với
nội dung được diễn đạt cũng dịu dàng, dồn dập, vang dội hay không.” [57, tr. 29]
Con cá lội chán nước Ngọn lửa chán củi cành… Chỉ khi mô
Con sông chán chảy Ngọn gió chán thổi Cây đờn chán giây Bàn tay chán ngón Cái nón chán quai Vừng trăng chán soi Rễ cây chán đất Đến bấy chừ Anh mới chán chộ mặt em
(Trăng hoàng cung)
Ngôn ngữ đời sống trong thơ Phùng Quán được thể hiện ở một số phương diện: cách sử dụng từ địa danh, dùng nhiều khẩu ngữ, đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ, có cả những từ thô tục. Cách đưa tên địa danh vào trong thơ Phùng Quán không chỉ là những địa danh khô cứng mà là những địa danh gắn với tình cảm, gắn với niềm tự hào của nhân vật trữ tình. Như những hình ảnh “sông Hương dềnh cao chạm bờ cỏ”, “Huế - của – tôi”, “Máu chúng tôi ngập cầu Ma Thiên Lãnh”, “Việt Bắc/ Trường Sơn/ núi cao/ rừng rậm/ Đồng Tháp Mười/ mỏi cánh cò bay/ Rừng Điện Biên/ hai vạn kẻ thù tan xác tại đây!” Những câu thơ liệt kê một loạt địa danh nhưng không hề khô cứng, mà nhịp nhàng, uyển chuyển như bước chân đi.
Là dốc Nam Giao, là cầu Bạch Hổ Là bến đò Trường Súng tôi thường qua Là con đường từ Ngục – Giàng – Xây
đến Trung Bộ Phủ
(Tự bạch)
Phải có một sự am hiểu sâu sắc về các địa danh, Phùng Quán mới có thể từ dáng người, cách làm việc mà nhận ra người của vùng đất đó. “Nhìn nét lưng và
dáng người đậm chắc/ Tôi tự nhủ thầm: Cô gái này chắc người Yên Trung/ Vùng nghèo nhất quê hương chiêm trũng/ Con trai giỏi đơm đó, đặt lờ/ Con gái thạo nghề mò cua, đánh dậm.” (Không có đề) Cũng sự am hiểu đó, khi viết về biểu tượng cây chổi, Phùng Quán đã nêu một loạt tên địa danh kèm theo tên chổi: “Miền Tây, miền Đông châu thổ sông Cửu Long/ Chổi tàu cau, cọng dừa hình giẻ quạt/ Quảng Ngãi, Quảng Nam: Chổi chít/ Thừa Thiên, Quảng Trị: Chổi rành/ Chổi xể: Quảng Bình/ Phú Thọ, Tuyên Quang: Chổi cọ/ Kinh Bắc, Thái Bình: Chổi lông, chổi rơm/ Yên Bái, Cao Bằng: Chổi mây, chổi giang.” (Xưng tụng cây chổi)
Không chỉ là những địa danh trên đất Việt, Phùng Quán còn đưa vào những địa danh đặc trưng cho các đất nước khác. Phùng Quán chưa bao giờ ra khỏi nước Việt, nhưng cách ông viết về những vùng đất khác trên thế giới lại rất tinh tế. Điều này có thể giải thích từ góc độ của lí luận văn học, nhà văn là người có đôi mắt nhìn suốt sáu cõi, có tấm lòng trải suốt ngàn đời, ngồi bên bàn viết mà tư tưởng có thể mở đến những vùng đất bất kì. “Sang Xa-ha-ra/ tìm một em bé/ Chăn lạc đà dưới bão cát cháy lưng/ Đến Ca-li-phuốc-ni tìm một nông dân/ tắm mồ hôi/ dưới rừng nho núi chuối!/ Tới Hê-rô-si-ma/ tìm một cô gái/ Tóc cài hoa thơm đang hái trái đào/ Qua sông Vôn-ga soi bóng những con tàu/ Tìm bà mẹ vừa trồng bông vừa hát/ con trai mẹ/ ngã xuống chân Tổ quốc/ Đêm mùa thu/ gió tuyết đẫm trăng sao.” (Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi)
Những thổ ngữ địa phương được nhà thơ sử dụng rất chuẩn: “gié sớm, gié muộn”, “tẻ cau”, “nếp mỡ.” Những ngôn ngữ đời thường được đưa vào giúp cho lời thơ có âm hưởng vui tươi, pha chút dí dỏm: “Tôi vội chào cô bước đi mắc cỡ/ Lòng buồn cười tự nhủ/ - “Bé cái nhầm!” Có lúc Phùng Quán còn văng tục trong thơ: “Trời sinh giống cỏ chó má gì”. Phùng Quán cũng đưa vào thơ những từ ngữ độc thoại, đối thoại để mở rộng khả năng phản ánh cho thơ:
- Súng nớ của mi!
- Súng ni của tao!
- Súng tao to hơn!
(Chiều hành quân)
Hay lời độc thoại của Sáu với mẹ:
Sáu nhớ lời mẹ bảo:
- Bao giờ tóc con chấm ngang lưng, Mẹ mua cho chiếc khăn màu hoa lí
- Thôi mẹ đừng mua nữa!
Tóc con mẹ sẽ không bao giờ dài, Còn mười lăm phút nữa thôi
(Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo)
Trong thơ Phùng Quán có rất nhiều những câu thơ “khẩu hiệu”, sử dụng cấu trúc câu giả định-kết quả, những câu thơ ngắn chỉ sử dụng động từ, sử dụng những từ mệnh lệnh, cầu khiến “phải”, “xin”: “Tôi sẽ đi với em […] Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường/ Tôi sẽ bị trời chu đất diệt!” (Kinh cầu nguyện buổi sáng). “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét” (Lời mẹ dặn). “Có tôi! Đi trong hàng ngũ tiên phong” (Chống tham ô lãng phí). “Phải lấy ngực mình lấp lỗ châu mai/ Phải lấy thân mình làm giá súng!” (Tôi tự hào chế độ nước tôi). “Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể.” (Hôn) “Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả/ Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã.” (Di chúc chiến sĩ).
Có lúc, ông lại sử dụng những từ hô đáp, kêu gọi sự đồng vọng từ những sự vật, hiện tượng, con người. Kết hợp cùng với điệp từ hô đáp “ơi” là những đại từ phiếm chỉ, những danh từ chung và riêng, tạo nên được sự đồng nhất, tạo nên sức mạnh, sức lay động của lời hiệu triệu.
Ơi cô ơi bác Ơi chị ơi anh Ơi trái dừa xanh Ơi con chim trắng Ơi Ba Vì nắng Ơi Cửu Long mưa Ơi tím hoa cà Ơi vàng nong kén
Ơi mù động biển Ơi mây Trường Sơn Ơi nhạc, ơi thơ Ơi…ơi…ơi…ơi
(Bài ca về Nguyễn Văn Trỗi)
Có nhiều lúc Phùng Quán chơi chữ rất tài tình, sử dụng những từ địa phương, những thể biến âm của từ để tạo thành các cặp từ đồng nghĩa nhưng biến âm: “hoa”-“huê”, “đàn-đờn”, “nỏ”-“ná”, “biển” – “bể”, “đào” – “điều”.
Như hoa như huê Đều là thơm ngát Như đàn như đờn Đều ngăn tiếng nhạc Như hận như hờn Đều là bất khuất Như nỏ như ná Đều là giết giặc Như biển như bể Đều là mênh mông Như đào như điều Đều màu nhiễu thắm
(Bài ca về Nguyễn Văn Trỗi)
Cách Phùng Quán sử dụng nhuẫn nhuyễn và phong phú ngôn ngữ đời sống, khẩu ngữ trong thơ đã làm nên tính chất thơ ca của ông: thứ thơ đơn giản, mộc mạc, chân chất, mà nói như ông lầ có thể “thô nhám”, nhưng quan trọng nhất đó là thơ “tải đạo”.