Caddy qua cái nhìn của Quentin

Một phần của tài liệu Nhân vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner (Trang 27)

7. Đóng góp của luận văn

1.2.Caddy qua cái nhìn của Quentin

Cũng như Benjy, cả không gian và thời gian của Quentin dường như đều lắng đọng mùi hương, hơi thở của Caddy. Mọi điều diễn ra xung quanh Quentin đều có hình bóng của Caddy. Dòng ý thức miên man của Quentin không rời rạc, vô thức như ở chàng khờ Benjy mà trái lại dòng ý thức ấy cuộn trào, giằng xé vô cùng dữ dội. Quentin, một chàng trai đa cảm nhưng thế giới mà anh ta nhìn cũng như sự đánh giá về Caddy lại bị khúc xạ bởi một trạng thái tinh thần căng thẳng tột độ.

Caddy là hình ảnh trở đi trở lại và giằng xé Quentin. Không gian, thời gian nào với Quentin cũng đều bị ám ảnh bởi Caddy, như mùi kim ngân ấm nồng, giam cầm Caddy ngự trị trong anh. Mùi hương từ cơ thể Caddy tỏa ra đã chiếm lấy, lan tỏa cả vào khắp không gian, ràng buộc và vấn vít Quentin, rồi Benjy. Mùi hương đó dường như đã hàm chứa quá nhiều Định mệnh, chờ đến ngày Phán xử; nhưng nỗi bất hạnh ấy như một lời nguyền không thể giải thoát. Những hình ảnh đẹp và buồn của Caddy cứ trở đi trở lại trong tâm trí Quentin. Mỗi lần Caddy xuất hiện là mùi kim ngân lại tràn đầy: “Mùi kim ngân trên mặt em, cổ em”; “Bữa tối lẽ ra em phải xuống rồi để mùi kim ngân hỗn độn đầy trong đó”, ngay cả khi Caddy thất tiết thì đó vẫn là mùi kim ngân, nhưng tình yêu và sự ghen tuông bệnh hoạn đã khiến cho Quentin thấy đó là mùi hương buồn thảm nhất “Thối rữa thành chất lỏng như những vật chết trôi nổi lềnh bềnh như cao su nhợt nhạt ướt nhũn đầy mùi kim ngân hỗn độn”.

Trong tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ, ở chương hai, nhân vật Quentin, là một sinh viên năm nhất của trường Harvard, anh ta luôn bị ám ảnh bởi thời gian và tội loạn luân - một tội mà anh ta tự suy diễn và gán ghép mình với cô em gái Caddy. Quentin yêu Caddy với một tình yêu khác với tình yêu của anh trai dành cho em gái, có tôn thờ, đắm say, hờn giận, ghen tuông. Triền miên trong dòng ý thức của Quentin là những ám ảnh về

26

tình yêu tội lỗi của mình. Caddy tồn tại trong Quentin với muôn hình vạn dạng: mùi kim ngân, mùi hương, đóa hồng… Những hình ảnh đó xuất hiện với những đối cực vừa mong mang thoáng qua, vừa chen đặc cả hơi thở của anh: “Chỉ là em chạy mất khi tôi nghe thấy. Trong tấm gương em đang chạy trước khi tôi kịp hiểu gì. Nhanh thoăn thoắt, đuôi áo vắt lên cánh tay em chạy khỏi gương như một áng mây, tấm voan cuộn từng dải lấp loáng gót chân em mỏng mảnh và tay kia em kéo vội áo lên vai, chạy khỏi gương làn hương theo những đóa hồng, giọng nói thì thào bên trên vường Địa đàng. Rồi em băng qua ngõ, tôi nghe thấy những gót chân em rồi trong ánh trăng như một áng mây, cái bóng bập bềnh tấm voan chạy qua thẩm cỏ vào tiếng gào khóc…” [15, tr. 123-124]. Hình ảnh Caddy đối với Quentin thật đẹp đẽ như một thiên thần, nhưng mong manh khó nắm bắt và dễ dàng vụt mất ngay trước mắt. “Tôi chạy xuống đồi trong khoảng chân không đầy tiếng dế ấy như một hơi thở lướt qua mặt gương em nằm trong nước đầu gối lên đồi cát nước chảy quanh hông em dường như có ánh sáng trong nước váy em ướt sũng một nửa bập bềnh bên sườn em theo dòng nước trong những con sóng nặng nề chẳng đổ về đâu tự phục hồi những chuyển động của mình tôi đứng trên bờ tôi ngửi thấy mùi hoa kim ngân trên mặt khe suối không khí dường như lấm tấm mùi kim ngân và tiếng dế râm ran một chất ta cảm thấy trên da thịt…” [15, tr. 215]. Nếu như với Benjy yêu sự thanh khiết ở chị gái mình bằng việc cảm nhận bởi khứu giác, ngửi thấy chị mình “có mùi cây”, thì Quentin cũng cảm nhận sự thanh khiết ấy bằng mùi hoa kim ngân trên da thịt Caddy. Nhưng Caddy của Benjy đẹp, thân thương, dễ nắm bắt còn Caddy của Quentin thì lại thật mông lung, hư ảo “mặt em như một mảng trắng nhòa được tóc em đóng khuôn trên tràn cát mờ ảo” [15, tr. 216].

Những hình ảnh liên quan đến Caddy hiện về như những ám ảnh khôn nguôi, day dứt. Không chỉ dừng lại ở đó cả chương còn có những câu văn

27

lặp lại nhiều lần, dàn trải hoặc liên tục mang âm hưởng day dứt về Caddy. Hình ảnh Caddy được tái hiện cùng ám ảnh về tội loạn luân của Quentin. Anh ta thừa nhận là yêu em gái của mình đến mức phải tự tử vì tội lỗi đó. Nhưng nỗi đau khổ, dằn vặt nhất mà Quentin nếm trải đó là việc Caddy không còn trong sáng nữa. Cùng một câu chuyện về quan hệ của Caddy với người tình của nàng, với Benjy sẽ có cách ứng xử khác và Quentin sẽ có cách ứng xử khác, kèm theo đó là sự việc được kể khác nhau và hình ảnh Caddy hiện lên cũng không giống nhau qua từng điểm nhìn của mỗi người. Khi Benjy bắt gặp Caddy và Charlie tình tự, cậu đau đớn và cảm giác như bị chia sẻ tình cảm, cảm giác như mọi mùi hương, mọi sự trong trắng của Caddy đều đã biến mất. Benjy không biết làm gì hơn ngoài việc gào thét. Ngay lập tức Caddy vồ vập chạy tới bên Benjy, vỗ về cậu và rời khỏi người yêu… Chỉ cần Caddy hứa rằng “sẽ không như vậy nữa” là dường như mọi “tội lỗi” của cô đều tan biến, mùi thơm như cây lại trở về và lại trong sáng, thanh khiết. Caddy hiện lên đẹp đẽ, đáng yêu và ân cần dưới con mắt của Benjy. Nhưng với Quentin thì ngược lại, sự việc Caddy ngồi bên người tình cứ ám ảnh anh ta không sao rũ bỏ được. Mối tình giữa Caddy và Dalton Ames luôn bám riết tâm trí Quentin. Đó là nguyên nhân sâu xa đẩy Quentin tới tình trạng tuyệt vọng. Trong tâm tưởng của Quentin, anh luôn tôn thờ Caddy như một biểu tượng thiêng liêng của sự trong trắng, của cái đẹp, như một “Đức mẹ Đồng trinh”. Anh yêu Caddy - yêu chính người em gái ruột của mình với một tình yêu tôn thờ sự trong trắng đó, như yêu sự trong trắng của Đức mẹ Đồng trinh. Cho đến khi Caddy thất tiết với Dalton Ames, Quentin cảm thấy mọi thứ như hoàn toàn đổ vỡ ngay trước mắt anh ta, khiến cuộc đời với anh ta chẳng còn nghĩa lý gì. Vết thương ấy càng ngày càng cào cấu tâm can của Quentin, khiến anh thường xuyên nhắc đến tội loạn luân của mình, như một nỗi đau khôn tả

28

Ames” [15, tr. 121]. Caddy trong tâm trí của Quentin đẹp vô cùng, nhưng cái đẹp ấy lại bị chi phối bởi một tâm hồn đang căng thẳng tột độ. Anh phân tích mọi hành động, mọi cử chỉ của Caddy bằng cái nhìn đầy dò xét và “áp chế” Caddy trở thành những gì mà anh ta muốn. Ước muốn của Quentin là gìn giữ sự trinh tiết ở người em gái Caddy và chính điều này đã đẩy anh ra phạm tội loạn luân - như lời tự thú của anh ta, có thể bằng cách đó khiến mình và em gái mình cùng đọa địa ngục, nơi anh có thể bảo vệ em gái mình mãi mãi và giữ em gái mình nguyên vẹn mãi mãi trong ngọn lửa vĩnh hằng.

Khi mười bốn tuổi, Caddy đã mất đi sự trinh trắng, và từ đây khởi đầu cho sự sụp đổ của gia đình Compson. “Mày có đứa em gái nào không? Không nhưng chúng nó toàn bọn điếm. Mày có đứa em gái nào không. Một thoáng em. Bọn điếm. Không phải điếm một thoáng em đứng trong khung cửi Dalton Ames. Dalton Ames. Dalton Shirts. Trước nay tôi cứ tưởng chúng là vải kaki, hàng kaki quân khu cho tới khi tôi biết chúng là hàng lụa thô Trung Hoa hoặc flannel cực mịn vì chúng làm gương mặt anh ta nâu đến thế, mắt anh ta xanh đến thế. Dalton Ames. Thiếu hẳn sự thanh nhã. Trang phục sân khấu. Đúng là hàng mã, sờ mà xem…” [15, tr. 137].

Ở trường đoạn này, có thể thấy William Faulkner đã gợi cho người đọc rất nhiều liên tưởng bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật. Cùng với các kể chuyện xuyên suốt toàn tác phẩm (đặc biệt là ở ba chương đầu) là độc thoại nội tâm, là sự đồng hiện, cho thấy quá khứ và hiện tại… Ngay trên văn bản, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy cách thể hiện con chữ khác nhau: chữ in nghiêng và chữ in đứng, ngay trong một câu, cũng có hai cách thể hiện văn bản. Đó là dấu hiện nhận biết quá khứ và hiện tại, quá khứ xen lấn hiện tại và hiện tại chìm đắm trong quá khứ. Cách thể hiện đó càng thể hiện nội tâm phức tạp của Quentin và dòng ý thức hướng nội của Quentin. Tất cả chỉ để thể hiện sự day dứt, đau đớn của Quentin khi cô em

29

gái Caddy của mình thất tiết, khi sự trong trắng của Caddy không còn. Mọi thứ, mọi điều với Quentin chỉ xoay quanh, nghiến sâu và thực tại đau đớn ấy, anh chìm đắm trong dòng ý thức miên man không thể nào thoát ra được. Nghĩ tới sự thất tiết của Caddy, Quentin nghĩ ngay đến “bọn điếm”,

nhưng ngay sau khi khẳng định Caddy là điếm thì Quentin lại phủ nhận ngay “không phải điếm”. Quentin thương yêu Caddy là bởi sự trong trắng, trinh tiết của cô, nhưng khi sự trong trắng và trinh tiết đó không còn thì Quentin căm giận, phẫn uất. Có thể thấy, sự sa ngã của Caddy gây ra một cú sốc tâm lý quá lớn cho Quentin. Khi nghĩ đến sự thất tiết của Caddy, Quentin lập tức nghĩ tới kẻ đã cùng Caddy làm nên tội đó: Dalton Ames. Tâm trí hoảng loạn khiến Quentin vừa nghĩ đến Dalton Ames lại vừa nghĩ tới loại vải Dalton. Quentin ghét Dalton Ames, ghét vải Dalton… để khẳng định tình yêu lớn lao của mình dành cho em gái Caddy. Dẫn theo nhà nghiên cứu Huy Liên, “do Quentin ngăn cản quan hệ tình dục giữa Caddy với Dalton, đồng thời lại ngăn cản cuộc hôn nhân giữa hai người, Caddy buồn bực, phẫn uất, rồi nổi loạn bằng cách có quan hệ lăng nhăng với nhiều người. Tình trạng này đã làm mất uy tín và danh giá của gia đình Compson. Quentin đau đớn tuyệt vọng. Rồi Caddy lấy Herbert, một gã con nhà giàu mà cô không yêu, rồi Herbert từ bỏ cô và Caddy không trở về nhà mình, mà sống cuộc sống giang hồ…” [18, tr. 273-274]. Chính điều đó đã khiến cho cả gia đình Compson dần dần suy sụp, đau đớn nhất có lẽ phải kể đến chàng khờ Benjy và người anh Quentin. Caddy từ cái đẹp trong trắng, tinh khiết, đã trở nên lạc lối, sa đọa trong cái nhìn của Quentin. Với Quentin, cái đẹp và sự trinh trắng lại chính là lẽ sống, gắn liền với số phận Caddy. Và khi cái đẹp đã bị hủy diệt trong con người Caddy, cô không còn trinh trắng nữa thì cuộc sống với Quentin chẳng còn ý nghĩa gì.

Quentin không đủ mạnh mẽ để đưa ra bất kỳ một quyết định nào, do vậy luôn rơi vào trạng thái sợ hãi, điên loạn. Anh yêu thương Caddy nhưng lại

30

không làm cho Caddy được hạnh phúc, mà lúc nào cũng xoáy sâu vào bất hạnh và sự sa đọa đó của Caddy. Toàn bộ chương 2 là dòng “độc thoại nội tâm hướng nội” [18, tr. 265], những đoạn hồi tưởng chen lấn vào nhau khiến cho thời gian cũng bị xáo trộn và vô trật tự. Ngay khi kết tội Caddy, Quentin lại giải thích trong đau đớn: “Hãy nhớ rằng Caddy cũng là một người đàn bà. Em cũng hành động với những lý lẽ của đàn bà.

Sao em không đưa anh ta vào nhà, Caddy? Sao em làm như một mụ đàn bà da đen ngoài đồng ngoài rãnh trong bụi trong bờ lẩn lút mê cuồng nơi rừng tối” [15, tr. 137-138]. Vì quá tổn thương tinh thần khi Caddy gây tội lỗi, Quentin phải làm những việc khiến cô em gái phải giận giữ: “sao anh cứ dính vào việc của em anh không hiểu rằng như thế chẳng ích gì hay sao…” [15, tr. 252]. Nhiều khi Quentin biết rằng có thể Bố nói đúng: Đàn bà không bao giờ đồng trinh. Sự trong sạch là một trạng thái tiêu cực và vì thế phản tự nhiên. Chính tự nhiên đang làm con đau khổ chứ không phải Caddy”, thế nhưng ám ảnh về sự mất trinh tiết của Caddy lúc nào cũng giày xéo tâm trí Quentin không lúc nào nguôi.

Có thể thấy, cũng giống như Benjy, trong lòng Quentin, Caddy cũng giữ một vị trí vô cùng quan trọng, tình yêu thương của Caddy với Quentin cũng giống như tình yêu của một người mẹ dành cho Quentin. Có lẽ cũng chính vì tình yêu thương lớn lao của Caddy, mà cả Benjy, cả Quentin đều dành tất cả mọi điều tốt đẹp để nghĩ về cô, mọi chuyện, mọi diễn biến cuộc đời họ đều liên quan đến Caddy. Ở chương hai, câu chuyện của Quentin chủ yếu tập trung vào Caddy; đúng ra là xoáy sâu vào nỗi thất vọng tột cùng trước sự sa ngã của cô em gái. Cả Benjy và Quentin cùng kể về một câu chuyện, cùng là người trong cuộc nhưng Benjy nhìn sự việc khách quan hơn còn Quentin lại chìm đắm vào dòng suy tư triền miên.

Ước muốn của Quentin là gìn giữ sự trinh tiết ở người em gái Caddy và chính điều này lại đẩy anh ta phạm tội loạn luân. Bi kịch của Quentin ở

31

chỗ khi đã đạt được ước nguyện anh ta lại tự dằn vặt bởi ám ảnh tội lỗi. Quentin tự an ủi, tự đưa ra những lý lẽ bao biện cho sự thất tiết của Caddy, rằng điều đó là bình thường: “Ở miền Nam này, người ta xấu hổ vì còn trinh. Bọn choai choai. Bọn người lớn. Đều nói láo về chuyện đó. Bởi vì chuyện đó chẳng mấy ý nghĩa với đàn bà, bố nói. Ông bảo là bọn đàn ông bày đặt ra chuyện trinh tiết chứ không phải đàn bà. Bố nói chuyện đó cũng như cái chết: chỉ là một trạng thái được dành cho kẻ khác và tôi nói, Nhưng tin chuyện đó có sao đâu và ông nói, Đấy là điều đáng buồn của mọi sự, chẳng riêng gì chuyện trinh tiết, và tôi nói, Tại sao không phải là con mà lại là em con mất trinh và ông nói, Đó cũng là lý do làm mọi sự thành đáng buồn; có thay đổi điều ấy cũng chẳng đáng gì…” [15, tr. 120]. Trên hành trình tìm đến cái chết, Quentin luôn thổn thức nhớ đến Caddy với nỗi tuyệt vọng cùng cực. Hình ảnh Caddy được tái hiện cùng ám ảnh về tội loạn luân của Quentin. Anh ta thừa nhận là yêu em gái của mình đến mức phải tự tử vì tội lỗi đó. “Bố ơi con đã phạm Các con đã làm điều đó chưa Chúng con không chúng con không làm thế Chúng mình đã làm thế chưa…

…chúng ta đã làm làm sao anh biết điều đó nếu em hãy đợi một chút anh sẽ nói cho em biết làm sao đó là một tội lỗi chúng mình đã phạm một tội lỗi khủng khiếp không thể che giấu được đâu em tưởng là có thể nhưng hãy khoan…” [15, tr. 214]. Dù cảm nhận được tinh yêu của Quentin, nhưng Caddy không thể để Quentin phạm tội loạn luân. Caddy chấp nhận đương đầu với nỗi đau khổ, tuyệt vọng, tâm trạng hoảng loạn, cuồng nộ của anh trai. Caddy là ám ảnh tội lỗi của Quentin, nhưng người đọc cảm kích vì qua những dòng ý thức lẫn lộn, giằng xéo của Quentin, vẫn thấy hiện lên một Caddy thật mạnh mẽ, kiên cường. Cô bất chấp mọi thứ, không lạc lối trước tình yêu mù quáng của anh trai, cô không phải là kẻ tội đồ để cùng “đọa địa ngục” cùng phạm tội loạn luân để rồi chết cùng Quentin, để

32

giữ sự trinh nguyên trong trái tim Quentin mãi mãi.

Mỗi hình ảnh Caddy hiện về trong trí nhớ của Quentin đều là những hình ảnh gợi sự mất mát và chia ly, hình ảnh về đám cưới, hình ảnh Caddy ngồi với Dalton Ames… Có lẽ vì thế mà nhân vật Caddy không xuất hiện mà chỉ tồn tại qua dòng tâm thức của mỗi nhân vật.

Một phần của tài liệu Nhân vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner (Trang 27)