Caddy qua cái nhìn của Jason

Một phần của tài liệu Nhân vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner (Trang 34)

7. Đóng góp của luận văn

1.3. Caddy qua cái nhìn của Jason

Trong Âm thanh và cuồng nộ, ba trong số bốn người kể chuyện đóng vai trò là nhân vật chính của tác phẩm. Với tư cách là nhân vật, Benjy, Quentin, Jason tham gia vào câu chuyện, thúc đẩy sự tiến triển của câu chuyện. Tuy nhiên, trong vai trò người kể chuyện, lại đồng thời là nhân vật trong truyện, Benjy, Quentin hay Jason không chỉ thuật lại những điều mắt thấy tai nghe mà còn tái hiện khách thể và bộc lộ chủ thể… Chính vì thế, tình cảm, hay cách nhìn nhận của mỗi người sẽ làm cho sự vật, sự việc họ nhìn trở nên đẹp đẽ hay xấu xa. Caddy là chủ để xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, là nơi để mỗi nhân vật trong tác phẩm giãi bày suy nghĩ của mình, nên mỗi người sẽ có cách khác nhau để đưa bức chân dung của Caddy đến với độc giả. Điều khó khăn cho độc giả là nhân vật Caddy hoàn toàn chỉ là nhân vật của quá khứ, đã biến mất khỏi thế giới thực tại của truyện, sống cuộc sống “ngoài vòng kiểm soát” của tác phẩm/ của người kể chuyện… Do đó Caddy xuất hiện như thế nào, và đánh giá về sự xuất hiện đó sẽ là hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan của mỗi người. Ba chương của tác phẩm là hiện tại và hồi ức đan xen của ba nhân vật trong gia đình Compson. Mỗi nhân vật gắn với một hoài niệm, độc lập nhưng các dòng chảy kí ức lại hòa quyện vào nhau, soi sáng cho nhau.

Nhân vật Caddy là hội tụ của mọi điểm nhìn. Ở chương ba của tác phẩm, Caddy hiện lên trong lời kể chuyện của Jason có vẻ như mờ nhạt về ngoại hình và tính cách hơn ở lời người kể chuyện Benjy và Quentin. Qua điểm nhìn của Benjy, Quentin, người đọc cũng đã đoán ra cậu em trai

33

Jason này dường như ít tình cảm với người chị Caddy của mình. Và đến chương ba của tác phẩm, tính cách, nhân sinh quan của nhân vật này đã được khắc họa đầy đủ, qua cách cư xử của anh ta với những người xung quanh. Mọi chuyện xung quanh cuộc đời của Jason vẫn xoáy sâu vào những sự việc mà Caddy đã gây ra cho hắn, hắn coi Caddy như một kẻ tội đồ, đầy lỗi lầm với hắn và dòng họ Compson.

Caddy trong con mắt Jason không được khắc họa bằng ngoại hình đẹp đẽ, đáng yêu như một nàng tiên giống như ở Benjy và Quentin, không có mùi “thơm như cây”, cũng không có “mùi kim ngân”, không có hình hài của hoa hồng hay ánh trăng mà đó là hình ảnh cau có: “Khi chúng tôi còn bé mỗi lần chị cáu không biết phải làm thế nào, môi trên chị thường giật giật. Mỗi lần nó giật răng chị lại hé ra một chút, và suốt thời gian đó chị cứ đứng ngây ra như tượng, không hề nhúc nhích trừ có môi trên giật giật để hở răng mỗi lúc một cao” [15, tr 295]. Ở điểm nhìn của Jason, Caddy hoàn toàn không được hiện lên với ngoại hình đẹp đẽ, hay sự yêu thương ân cần, mà Caddy chỉ được hình dung qua những giá trị vật chất mà Jason bị mất, nhìn vào Caddy Jason chỉ nhìn thấy hình hài của tiền, của ngân phiếu... Caddy là nguyên nhân của mọi tội lỗi, mọi xấu xa đối với cuộc đời Jason.

Trong tiểu thuyết Gothic truyền thống thế giới nhân vật thường được phân làm hai tuyến đối nghịch nhau là tuyến nhân vật độc ác chuyên gây hại như ác quỉ, bạo chúa, những gã săn lùng người dị giáo và tuyến nhân vật nạn nhân; ở tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ - kiểu tiểu thuyết Gothic miền Nam cũng có hai tuyến đối nghịch đó tuy rằng không rõ ràng, Jason có thể được xếp vào tuyến xấu xa, coi trọng giá trị vật chất hơn tình cảm, còn Caddy, Quentin, Benjy - những người có tâm hồn trong sáng, giàu cảm xúc được xếp vào danh sách đối lập với Jason. Bên cạnh đó tiểu thuyết Gothic Hoa Kì còn chú trọng đến hệ thống nhân vật với những thằng khờ, những kẻ loạn trí, những triết gia, những luật sư phải sống ẩn

34

dật… các nhân vật này có điểm mới mẻ là đều mang khuyết tật không chỉ ở trên cơ thể mà cả trong tâm hồn, tức là có sự khập khiễng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Trong Âm thanh và cuồng nộ, gần như nhân vật nào cũng bị ám ảnh bởi sự điên loạn, cả Benjy, Quentin, Jason…

Trong số bốn anh chị em trong gia đình, Jason có lẽ là kẻ tỉnh táo hơn hẳn, tuy nhiên hắn cũng không thoát khỏi dòng máu điên trong cơ thể. Benjy là một thằng bé tội nghiệp, mắc chứng khùng điên từ khi mới lọt lòng, Quentin là kẻ điên loạn trong dòng tâm thức truyền miên về cô em gái Caddy của mình, còn Jason thì hoảng loạn, quay cuồng với những tư tưởng không liền mạch và không logic… Vì thế trong dòng tâm tư bấn loạn của Jason, Caddy cũng được hiện lên với cảm xúc riêng, mang đậm tính cá nhân, với cái nhìn đầy miệt thị, căm hận.

Jason luôn muốn đối lập mình với các anh chị em trong gia đình. Từ nhỏ, khi chơi cùng Quentin, Caddy, Benjy và con của gia đình nô lệ da đen trong nhà, Jason đã muốn tách biệt mình ra khỏi bọn họ. Trong khi Quentin, Benjy vô cùng yêu quý Caddy, coi Caddy là niềm hạnh phúc lớn lao thì Jason lại ghét cay ghét đắng Caddy. Ngay tử nhỏ, hắn đã muốn xung đột với Caddy và không bao giờ muốn nghe lời chị. Ở trong lời người kể chuyện là Benjy ở chương một, chúng ta sẽ thấy điều đó:

“Tôi sẽ mách chị cho mà xem”. Jason nói.

Anh khóc. “Mày mách rồi thôi”, Caddy nói. “Giờ thì còn mách gì nữa?”. …

“Ngủ bây giờ thì sớm quá”, Caddy nói. “Có bao giờ đi ngủ sớm thế này đâu?”

“Thì tối nay”, Dilsey nói. “Ông bảo là các cô các cậu phải lên gác khi nào ăn xong. Các cô cậu nghe thấy ông nói chứ?”

“Bố bảo phải nghe lời tôi”, Caddy nói. “Tôi không nghe lời chị”, Jason nói.

35

“Mày phải nghe”, Caddy nói. “Đi nào, làm như tao bảo”. [15, tr. 47]. Cũng giống như Quentin và Benjy, Caddy cũng gắn bó với cuộc đời của Jason, tuy nhiên sự gắn bó ấy càng khiến cho hắn cảm thấy bực bội, khó chịu. Jason coi Caddy là người gây nên thảm họa cho gia đình Compson.

Jason khác với những đứa con của gia đình Compson (Quentin, Caddy, Benjy), hắn là kẻ tàn nhẫn, thực dụng, hám tiền và nhìn sự vật trong giá trị thực dụng của nó. Không có vấn đề hạn chế trí não như Benjy cũng như bị phân tâm bởi tình cảm, tình yêu như Quentin, Jason nhìn thằng vào thực trạng sắp suy vong của gia đình, mà mọi tội lỗi khởi nguồn từ Caddy. Jason cho rằng chính Caddy là nguyên nhân trực tiếp và sâu xa dẫn đến cuộc sống nghèo khó hiện tại của gia đình Compson. Mọi thứ xoay quanh anh ta đều quy ra tiền, quy ra giá trị vật chất. Hắn cho rằng sự nghèo khó hiện tại là do Caddy, hắn mất việc ở ngân hàng cũng là do Caddy. Nhắc đến Caddy, Jason nghĩ ngay đến quan hệ giữa chị với Herbert, mối quan hệ lẽ ra mang lại cho anh ta một vị trí tốt ở ngân hàng, nhưng cuộc hôn nhân đó tan vỡ, và Jason đương nhiên mất việc. Ngay cả khi Caddy đã rời khỏi gia đình để khỏi mang tiếng xấu cho dòng họ Compson, đến tìm Jason để thăm hỏi con gái Quentin của mình thì cũng bị Jason đay nghiến: “Chị định mở miệng nhưng tôi chặn họng ngay. Tôi nói, “chị đã làm tôi mất việc một lần rồi, chị muốn tôi mất việc ở đây nữa sao”… Căm ghét Caddy, Jason luôn tỏ ra cay nghiệt với cô, và nhẫn tâm với mọi người trong gia đình… Bởi hắn khác với Caddy, hắn không có tình yêu thương quảng đại, rộng lượng ban tặng yêu thương và được yêu thương. Hắn chỉ cầu lợi và nghĩ về những giá trị vật chất. Khi chỉ còn lại Jason là người duy nhất nối dõi, duy trì nòi giống của dòng họ Compson (trên thực tế thì hắn là người cuối cùng của dòng họ vì không có vợ), hắn vẫn tỏ ra ích kỷ, nhẫn tâm với những người ruột thịt nhất của hắn: “Tôi chẳng có thì giờ để đi Harvard như Quentin hay uống say đến ngã xuống huyệt như bố. Tôi phải làm việc.

36

Nhưng dĩ nhiên nếu mẹ muốn tôi theo dõi nó xem nó làm gì thì tôi có thể bỏ việc ở cửa hiệu và kiếm một chỗ làm đêm” [15, tr. 259]. Jason còn tính ra ngay trị giá bó hoa mà Caddy mang về trong ngày giỗ bố đáng giá 50 đô la: “dù sao tôi cũng chẳng ngạc nhiên”, tôi nói. “Cái gì chị chẳng dám. Chị cần ai. Kệ xác mọi người, chị cần quái gì” [15, tr. 287]. Và hắn cho rằng sự trở về của Caddy là vô ích vì chẳng còn gì mà chia chác nữa: “Chị quan tâm quá đấy, bố chết là lẻn ra đây ngay. Nhưng chẳng được gì đâu. Chị đừng tưởng có thể lợi dụng dịp này mà về. Đã lấy ngựa mà không cưỡi nổi thì phải đi bộ thôi”…[15, tr. 288].

Ngay từ mở đầu chương ba, lời kể chuyện của Jason đã tỏ ra cay nghiệt - cay nghiệt với chính giọt máu - đứa con gái đáng thương của Caddy: “Đã là điếm thì suốt đời vẫn là điếm, tôi đã bảo mà” [15, tr. 258]. Nghĩ về Caddy, Jason cho rằng Caddy là một con điếm không hơn không kém, và đến cô cháu gái Quentin - con của chị gái mình, Jason cũng tàn nhẫn và gọi là con điếm.

Chính Jason đã cố tình cắt đứt mọi mối dây liên hệ của Caddy với cuộc sống của những người thân: “Ở nhà không ai biết đến cả tên chị”, tôi nói. “Chị biết thế không? Không còn ai biết chị và hắn và cả Quentin nữa”, tôi nói “Chị biết thế không?” [15, tr. 288]. Chính Jason đã làm xấu đi hình ảnh của Caddy trong gia đình Compson và chôn vùi đi tên tuổi của cô.

Có thể thấy, “Jason là một nhân vật chà đạp lên mọi lý tưởng và đạo lý của xã hội” [18, tr. 279]. Trong dòng ý thức Jason, cả thế giới luôn luôn phân tích, lí giải cắt nghĩa theo chính những gì hắn nghĩ và cho là đúng, mà không bị ám ảnh bởi bất kì quan niệm, bất kì một lời nói nào của người khác. Jason đem cái giọng cao ngạo, bề trên ra hành hạ mọi người không từ một ai. Khác với Quentin luôn bị ràng buộc bởi rào cản đạo đức, luân lí, Jason ngược lại, bất chấp tất cả. Những suy nghĩ mỉa mai của Jason về dòng họ, về gia đình chứng tỏ sự ngự trị của một vị thánh mới, đó là đồng

37

tiền. Đối với hắn, mọi người và mọi hành động của họ đều quy về hai quan hệ với hắn, có lợi hoặc có hai, có ích hay phiền nhiễu. Y từng tuyên bố: “Tôi cũng thấy mừng vì mình không có cái lương tâm để cứ phải nâng niu, ấp ủ suốt ngày như một con chó cưng ốm” [15, tr. 268]. Với Jason, sự ra đi của Caddy dường như đánh dấu sự không tồn tại của cô trong gia đình Compson. Jason đã tìm mọi cách làm cho Caddy biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống.

Tuy dòng độc thoại nội tâm của Jason có phần “tỉnh táo” hơn Benjy, Quentin, nhưng tâm hồn ấy vẫn ẩn chứa sự bế tắc, hỗn loạn. Chính điều này đã khiến cho hình ảnh Caddy hiện lên muôn vẻ nhưng lại không đầy đủ và còn bị khúc xạ bởi tâm trạng không bình thường. Caddy do đó vẫn như một ẩn số với người đọc.

Một phần của tài liệu Nhân vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)