Sự phân bố các kiểu chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa các nhóm

Một phần của tài liệu Phân tích bộ nhiễm sắc thể (karyotype) ở những cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp và sinh con bị dị tật bẩm sinh (Trang 56)

Rối loạn NST kiểu chuyển đoạn hòa hợp tâm là một dạng của rối loạn cấu trúc NST kiểu chuyển đoạn. Người mang NST chuyển đoạn hòa hợp tâm có phenotype bình thường nhưng bộ NST có 45 chiếc, mất 2 NST tâm đầu và có thêm 1 NST chuyển đoạn. Trong quá trình phát sinh giao tử, tạo hợp tử và có thể sinh ra những đứa con hoặc là bình thường hoặc chết trong thời kỳ bào thai hoặc sinh ra bị dị tật bẩm sinh hoặc mang bộ NST giống như bố hoặc mẹ tùy theo kiểu chuyển đoạn. Vì vậy, ở những cặp bố mẹ này cần được tư vấn di truyền trước khi có thai hoặc làm các xét nghiệm (siêu âm, phân tích NST ở tế bào dịch ối, tua gai) trước khi sinh.

Trong số 8 trường hợp mang rối loạn NST kiểu chuyển đoạn hòa hợp tâm chúng tôi đã phát hiện thấy có sự chuyển đoạn giữa các NST nhóm D với nhóm D (D/D), sự chuyển đoạn giữa các NST nhóm D với các NST nhóm G (D/G) và sự chuyển đoạn giữa các NST nhóm G với các NST nhóm G (G/G).

Bảng 8. Sự phân bố các kiểu chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa các nhóm.

Sự chuyển đoạn giữa các nhóm Vợ Chồng

t(Dq;Dq) 3 1

t(Dq;Gq) 2 1

t(Gq;Gq) 1 0

Gilgenkrantz S [35] phân tích NST ở những cặp vợ chồng mang chuyển đoạn hòa hợp tâm đã có nhận xét rằng: sự chuyển đoạn xảy ra giữa các NST trong nhóm D: t(D/D) là hay gặp nhất trong đó hay gặp hơn là sự chuyển đoạn giữa NST số 13 với NST số 14: t(13q;14q) và sự chuyển đoạn giữa các NST nhóm D này cao hơn khoảng 6 lần so với sự chuyển đoạn giữa các NST của nhóm D với các NST của nhóm G: t(D/G). Ở những cặp vợ chồng mang chuyển đoạn giữa nhóm D với nhóm G: t(D/G) thì phần lớn là sự chuyển đoạn giữa NST số 14 với NST số 21: t(14q;21q). Sự chuyển đoạn giữa các NST trong nhóm G: t(G/G), trong đó sự chuyển đoạn giữa NST số 21 với NST số 21: t(21q;21q) là hay gặp hơn, còn sự chuyển đoạn giữa NST số 21 với NST số 22: t(21q;22q) là rất hiếm. Theo công bố của Stoll.C và cs khi phân tích NST của 391 cặp vợ chồng có con mắc hội chứng Down đã phát hiện được 5 người mẹ và 2 người bố mang NST chuyển đoạn hòa hợp tâm [62]. Khi phân tích NST của 1068 cặp vợ chồng J.P. Fryns và cs đã phát hiện trong số những người mang NST chuyển đoạn thì chuyển đoạn hòa hợp tâm xảy ra ở nữ cao hơn ở nam [32].

Trong nghiên cứu này chúng tôi đã phát hiện 8 trường hợp mang chuyển đoạn hòa hợp tâm bào gồm 6 trường hợp xảy ra ở người vợ và 2 trường hợp ở người chồng. Trong 8 trường hợp mang chuyển đoạn hòa hợp tâm có 4 trường hợp có kiểu chuyển đoạn giữa các NST nhóm D với nhóm D: t(D/D) trong đó phát hiện 3 trường hợp ở người vợ và 1 trường hợp ở người chồng. 3 trường hợp có kiểu chuyển đoạn giữa NST nhóm D với NST nhóm G: t(D/G) trong đó 2 trường hợp xảy ra ở người vợ và 1 trường hợp ở người chồng. 1 trường hợp có kiểu chuyển đoạn giữa NST nhóm G với NST nhóm G: t(G/G) xảy ra ở người vợ (bảng 8).

Như vậy, trong các trường hợp mang chuyển đoạn hòa hợp tâm này thì tần số xuất hiện của chuyển đoạn giữa NST nhóm D với NST nhóm D, t(D/D) là lớn nhất sau đó là chuyển đoạn giữa NST nhóm D với NST nhóm G, t(D/G), thấp nhất là chuyển đoạn giữa NST nhóm G với NST nhóm G, t(G/G), tỷ lệ tương ứng là 4/3/1 (bảng 8).

Một cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp đã được PR Scarbrough và cs phát hiện ở người chồng mang chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa NST số 13 (thuộc nhóm D) với NST số 14 (thuộc nhóm D), karyotype của chồng 45,XY,t(13q;14q), người vợ mang chuyển đoạn tương hỗ cân bằng giữa NST số 7 và NST số 13, karyotype là 46,XX,t(7;13)(p21;q22) [61]. Anil Biricik và cs phân tích NST và lập karyotype của một cặp vợ chồng phát hiện người chồng mang NST chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa NST số 15 (thuộc nhóm D) với NST số 15 (thuộc nhóm D), người chồng có karyotype là 45,XY,t(15q;15q), người vợ có karyotype bình thường 46,XX. Cặp vợ chồng này có tiền sử 11 lần sảy thai liên tiếp [14].

Như vậy, trong các nghiên cứu ở những cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp có mang chuyển đoạn hòa hợp tâm thì trong chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa NST nhóm D với NST nhóm D hay gặp là sự chuyển đoạn giữa NST số 13 và NST số 14, t(13q;14q). Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng phát hiện các trường hợp mang chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa NST nhóm D với NST nhóm D phần lớn xảy ra giữa NST số 13 và NST số 14, một dạng chuyển đoạn thường gặp nhất ở người [13], trong 4 trường hợp mang chuyển đoạn giữa NST nhóm D với NST nhóm D được phát hiện có 3 trường hợp là chuyển đoạn giữa NST số 13 và NST số 14, t(13q;14q), gặp ở 2 người vợ và 1 người chồng, 1 trường hợp là chuyển đoạn giữa NST số 13 và NST số 13, t(13q;13q), gặp ở 1 người vợ (bảng 9).

Bảng 9. Sự phân bố các kiểu chuyển đoạn giữa các NST trong các nhóm

Các kiểu chuyển đoạn Vợ Chồng

t(Dq;Dq) t(13q;13q) t(13q;14q) 1 2 0 1 t(Dq;Gq) t(14q;21q) 2 1 t(Gq;Gq) t(21q;21q) 1 0

Stoll.C và cs [62] khi phân tích 391 cặp bố mẹ sinh con mắc bệnh Down tác giả đã phát hiện 7 cặp bố mẹ mang NST chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa NST số 14 (nhuộc nhóm D) và NST số 21 (thuộc nhóm G), karyotype ở những người mẹ là 45,XX,t(14q;21q) và ở những người bố là 45,XY,t(14q;21q).

Khi phân tích NST và lập karyotype ở 100 cặp vợ chồng có con mắc hội chứng Down Nguyễn Văn Rực đã phát hiện 1 cặp vợ chồng, trong đó người vợ có karyotype bình thường (46, XX), người chồng mang NST chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa NTS 21 (thuộc nhóm G) với NST 21 (thuộc nhóm G), karyotype là 45, XY, t(21q;21q) [5]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phát hiện 1 trường hợp là người vợ mang chuyển đoạn hòa hợp tâm giữa NST số 21 với NST số 21, karyotype là 45,XX,t(21q;21q). Nguy cơ về sinh sản của những cặp vợ chồng này hoặc là sảy thai hoặc sinh con Down.

Robinson W.P [60] nhận xét rằng: ở những cặp vợ chồng mang chuyển đoạn hòa hợp tâm nếu xảy ra giữa các NST trong 1 cặp tương đồng thì nguy cơ về sinh sản ở những cặp vợ chồng này hoặc là sảy thai hoặc sinh con bị dị tật bẩm sinh. Nếu sự chuyển đoạn xảy ra giữa các NST khác cặp tương đồng thì nguy cơ về sinh sản ở các cặp vợ chồng này hoặc là sảy thai hoặc sinh con bị dị tật bẩm sinh hoặc sinh ra những đứa trẻ bình thường. M.Azim (2003) đã có kết luận rằng những cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp và đã có con bị dị tật bẩm sinh cần được thăm khám, xét nghiệm NST từ đó đưa ra những lời khuyên di truyền nhằm hạn chế việc sinh ra những đứa trẻ dị tật [16].

Dưới đây là karyotype của một số bệnh nhân mang chuyển đoạn hòa hợp tâm được phát hiện trong nghiên cứu của chúng tôi.

Một phần của tài liệu Phân tích bộ nhiễm sắc thể (karyotype) ở những cặp vợ chồng sảy thai liên tiếp và sinh con bị dị tật bẩm sinh (Trang 56)