KỸ THUẬT MIÊU TẢ TÂM LÝ VÀ TÍNH NỮ
3.1. Những công thức miêu tả tính nữ
Hai tác phẩm cùng thuộc thể loại ngâm khúc, xuất hiện trong cùng thời đại, cùng trào lưu viết về người phụ nữ trong thế kỷ XVIII nên sử dụng những công thức miêu tả giống nhau. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi vào những mô típ miêu tả tâm trạng của người phụ nữ và yếu tố nhục cảm có trong cả hai khúc ngâm: Mô típ nỗi cô đơn trên chiếc giường trống vắng, mô típ giấc mơ gặp chồng, mô típ nỗi lo già, sự tích tình ái, mô típ vật dụng phòng the, mô típ ẩn dụ qua hình ảnh thiên nhiên.
3.1.1. Mô típ nỗi cô đơn trên chiếc giường trống vắng
Chiếc giường vốn là hình ảnh biểu trưng cho sự gắn bó của vợ chồng, cho niềm hạnh phúc ân ái. Khi nhắc đến chiếc giường trống trải là ngụ ý nói về sự chia lìa, đồng thời gợi lên sự thiếu thốn tình cảm, đời sống thân xác. Khi ở trên giường, người phụ nữ đối diện với nỗi cô đơn một cách thấm thía, sâu sắc nhất, cảm thấy nhớ nhung và khao khát nhất. Chinh phụ và cung nữ đều là những người vợ trẻ cô đơn, thiếu thốn tình cảm dù cảnh ngộ có khác nhau, người có chồng đi chiến trận xa, người bị bỏ rơi trong chốn cung cấm. Bởi vậy, để khắc họa nỗi trống trải của hai thiếu phụ ấy, các tác giả dựng lên hình ảnh người phụ nữ sầu tủi trên chiếc giường đơn độc.
Trong thơ trữ tình Trung Quốc, chiếc giường cũng mang ý nghĩa là đồ vật gắn với sự riêng tư. Lý Bạch từng có câu thơ nổi tiếng: “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương” (Tĩnh dạ tứ). Chiếc giường là nơi dễ bột phát những tình cảm cá nhân, sâu kín của con người. Nhưng với phụ nữ, giường còn gắn với chuyện vợ chồng. Giường đi kèm chiếu, chăn, màn, rèm… và mang ý nghĩa tượng trưng cho đời sống chăn gối. Nhà văn Nhật, Yamada Amy, từng viết tiểu thuyết Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường là câu chuyện thấm đẫm chất sex của một cô gái Nhật có lối sống hiện đại.
Nhà thơ Tào Phi của Trung Quốc từng nhắc đến hình ảnh chinh phụ trên chiếc giường trống trải trong bài thơ Tư chinh phu:
Sao chàng ở mãi nơi tha phương Để thiếp vò võ giữ phòng không
Ánh trăng sáng bạch giường thiếp ngủ.
Trong Chinh phụ ngâm, ngay trong những đoạn thơ đầu, chinh phụ đã nghĩ đến cảnh ngộ cô đơn của mình trong căn buồng của hai vợ chồng:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
(Câu 53 – 54)
Nhà thơ không đề cập cụ thể nhưng vẫn gợi ra hình ảnh chiếc giường của đôi uyên ương nhờ những vật dụng gắn với giường chiếu như chiếu, chăn… Nhiều câu thơ trong khúc ngâm khắc họa rõ hơn hình ảnh một thiếu phụ cô độc, héo hắt trên chiếc giường trong đêm:
Trời hôm, tựa bóng ngẩn ngơ
Trăng khuya, nương gối, bơ phờ tóc mai.
(Câu 187 – 188)
Cảnh giường chiếu lạnh lẽo, trống trải còn được gợi lên qua hình ảnh ngọn gió lay động bên màn:
Lá màn lay, ngọn gió xuyên
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
(Câu 329 – 330)
Trong Cung oán ngâm khúc, hình ảnh chiếc giường lạnh lẽo cũng được lặp đi lặp lại nhiều lần. Người cung nữ bị thất sủng nên hình ảnh giường chiếu lạnh ngắt được sử dụng rất đắc dụng và có sức gợi lớn:
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu
Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.
(Câu 223 – 224)
Lạnh lùng thay giấc cô miên
(Câu 227 – 228)
Chiếc giường đó đôi khi cũng được phóng chiếu ra thành hình ảnh phòng the trống trải:
- Trải vách quế gió vàng hiu hắt Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.
(Câu 1 – 2)
- Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi.
( Câu 215 – 216)
- Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.
(Câu 220 – 221)
- Tình rầu rĩ làm ngây nhĩ mục
Chốn phòng không như giục mây mưa.
(Câu 321 – 322)
- Huống chi cũng lạm phần son phấn Luống năm năm chịu cảnh buồng không.
(Câu 215 – 216)
Trong Chinh phụ ngâm, hình ảnh phòng không cũng được nhắc đến nhiều lần:
Thiết một kẻ phòng không luống giữ Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau.
(Câu 329 – 330)
Giường chiếu, phòng the gắn với yếu tố tình dục bị tránh nhắc đến trong văn chương của các nhà nho chính thống trước đó. Trong văn chương diễm tình, giường chiếu là hình ảnh không thể thiếu. Đặng Trần Côn và Nguyễn Gia Thiều đều tìm thấy sự phù hợp trong công thức miêu tả này với cảnh ngộ của nhân vật chinh phụ và cung nữ. Trong văn học Việt Nam, hai ông là những người đầu tiên trong việc thể hiện tâm tư của người phụ nữ gắn với việc sử dụng tràn ngập hình ảnh mang yếu tố nhục cảm này.
Khắc họa nỗi mong ước được sum họp, được gần gũi với đức lang quân, các tác giả thường sử dụng mô típ giấc mơ gặp chồng. Giấc mơ cũng là một cách kín đáo thể hiện khao khát ái ân bị dồn nén, kìm hãm. Những khao khát tình yêu, tình dục không thể giải tỏa ra ngoài nên bị đẩy vào trong tiềm thức và chuyển vào những giấc mơ. Mô típ này được thể hiện trong Chinh phụ ngâm:
Bui còn hồn mộng được gần,
Đêm đêm thường tới giang tân tìm người. Tìm chàng thủa Dương đài lối cũ
Gặp chàng nơi Tương phố bến xưa
(Câu 259 – 262)
Giấc mơ được gặp gỡ, sum họp thể hiện nỗi nhớ mong đến khắc khoải, ám ảnh. Nhưng giấc mơ chỉ thỏa được cơn khát thiếu thốn tình cảm trong ảo mộng. Còn hiện thực hiện lên phũ phàng:
Sum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân! Giận thiếp thân lại không bằng mộng Được gần chàng bến Lũng thành Quan Khi mơ, những tiếc khi tàn,
Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không.
(Câu 263 – 268)
Sự đối lập giữa giấc mơ và hiện thực khiến chinh phụ càng thêm chua xót, tiếc nuối. Trong Cung oán ngâm khúc, cung nữ mơ trong lúc thức. Mơ là tái hiện lại thủa được yêu chiều khi xưa:
Giấc chiêm bao những đêm xưa Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày.
(Câu 324)
Đó là giấc mơ tình yêu hoan lạc, mơ lại quá khứ hạnh phúc khi được quân vương yêu chiều, sủng ái. Mơ thể hiện nỗi thèm muốn, ước ao khi đời sống thân xác thiếu thốn.
Vì với chinh phụ, phu quân ở mãi nơi chiến trường xa xôi, không thể tới gần, không biết tìm đâu nên nàng phải gửi nhớ nhung vào trong giấc mơ. Còn đối với
cung nữ, giấc mơ ấy có thể rất gần, rất dễ biến thành hiện thực, bởi vua ở ngay bên và ngài có thể ban ân ủng bất kỳ lúc nào. Thế nên cung nữ chờ mong trong thấp thỏm, mơ trong lúc thức, mơ mơ màng màng nghĩ đến vua, tưởng vua đến:
- Khi trận gió lung lay cành bích, Nghe rì rầm tiếng mác ngoài xa Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra
Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn.
(Câu 269 – 272)
- Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ.
(Câu 341 – 342)
Vẫn trong trạng thái tỉnh nhưng vì ngóng đợi, nàng tự huyễn hoặc mình là xe vua tới. Đó là giấc mơ thường trực mà có lẽ cung nữ đã trải qua hằng đêm. Vua ở rất gần khiến cho nàng luôn trông ngóng nhưng càng bi kịch hơn khi nỗi trông đợi kéo dài vô vọng.
Giấc mơ của hai người phụ nữ ấy không giống nhau nhưng đều là những khắc khoải, mong nhớ thường trực dồn vào trong tiềm thức. Mô típ này được sử dụng như một cách nói ngụ ý về khao khát hợp hoan.
3.1.3. Mô típ nỗi lo già
Gắn với tâm lý của người phụ nữ là nỗi sợ già, sợ tuổi xuân trôi qua khiến mình không còn xinh đẹp, hấp dẫn. Người chinh phụ lo mình như Trác Văn Quân về già bị chồng chán. Trác Văn Quân đời Hán, sắc đẹp, văn hay, góa chồng sớm. Cảm vì tiếng đàn của Tư Mã Tương Như, nàng bỏ trốn theo. Sau, Văn Quân già, Tương Như muốn cưới thiếp. Văn Quân bèn viết khúc Bạch đầu ngâm, tỏ ý quyết tuyệt, Tương Như cảm động, bèn thôi. Điển nàng Văn Quân được sử dụng trong nhiều bài thơ tình của Trung Quốc. Đặng Trần Côn cũng nhắc lại câu chuyện này khi viết về nỗi lo của chinh phụ:
Người đời thấm thoát qua màu xuân xanh. Oán sầu nhiều mối tơi bời
Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân? Kìa Văn Quân mỹ miều thủa trước E đến khi đầu bạc mà thương Mặt hoa nọ gã Phan lang
Sợ khi mái tóc pha sương cũng ngừng. Ngừng nhan sắc đương chừng hoa nở Tiếc quan âm lần lữa, gieo qua
Ngừng mệnh bạc, tiếc niên hoa Gái tơ mấy chốc sảy ra nạ dòng.
(Câu 331 – 342)
Chinh phụ sợ thời gian trôi qua cùng nỗi sầu muộn vì xa chồng khiến nàng “mái tóc pha sương”, “ngừng nhan sắc”. Nhan sắc là tài sản của người phụ nữ nên chinh phụ lo sẽ không còn sức hấp dẫn, không được chồng yêu quý khi mình trở nên già nua, héo hắt. Nỗi niềm ấy là sự thể hiện của tính nữ và tâm lý con người đời thường.
Trong Cung oán ngâm khúc, cung nữ cũng lo tuổi xuân trôi nhanh, má nheo phấn mốc, không còn hấp dẫn đấng quân vương nếu một ngày nàng được vời đến. Với cung nữ, nhan sắc là yếu tố hàng đầu để được vua sủng ái, khi không còn nhan sắc, người đẹp dễ dàng bị thất sủng. Người cung nữ trong khúc ngâm hiểu được thực tế nghiệt ngã ấy nên nàng lo lắng sắc đẹp không còn, mặc dù thực tại đã không được vua đoái hoài:
Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi Những hương sầu phấn tủi bao xong. Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa.
(Câu 353 – 354)
Nỗi lo già của chinh phụ và cung nữ là nỗi lo có thực bởi trong xã hội nam quyền xưa, số phận của người phụ nữ rất bấp bênh. Đàn ông có quyền năm thê bảy
thiếp, đặc biệt như vua có đến hàng trăm nghìn cung nữ nên họ có thể cưới các cô gái trẻ trung, xinh đẹp hơn và bỏ mặc vợ trước. Đặng Trần Côn và Nguyễn Gia Thiều hiểu được tâm lý này nên hai ông nhấn mạnh đến nỗi lo già của nhân vật trong khúc ngâm. Đây cũng là một khía cạnh bày tỏ nỗi lo xa, nhìn trước về tương lai “mệnh bạc” của nhân vật. Ý thức về nhan sắc, tuổi xuân và sự lo lắng nhan sắc tàn phai là một trong những công thức thể hiện giới của các nhà thơ cổ điển.
3.1.4. Sự tích tình ái
Trong thơ ca trung đại, tác giả thường không trực tiếp miêu tả sự quấn quýt của vợ chồng và cảnh ái ân cụ thể như văn học hiện đại. Các tác giả thường dựa vào điển và những sự tích tình ái để ngụ ý nói về tình yêu, tình phu thê mang màu sắc nhục dục. Chỉ cần nhắc đến một từ, một hình ảnh trong điển là có thể gợi lại ý nghĩa câu chuyện đó. Nhiều từ ngữ đến nay được dùng phổ biến và người ta hầu như quên sự tích gốc gác từ đó, chẳng hạn như từ “mây mưa”. Nhưng nhiều từ ngữ, hình ảnh chỉ được dùng ở thời xưa, nên nếu không đọc chú thích sẽ khó hiểu được ý tứ của câu thơ như “gậy rút đất”, “tranh tỷ dực”... Trong hai khúc ngâm, tác giả sử dụng nhiều sự tích tình ái để miêu tả chuyện nhục dục.
Trong Chinh phụ ngâm, khi viết về cảnh vợ chồng chia lìa, Đặng Trần Côn sử dụng những hình ảnh như “sắt cầm”, “dây uyên”, “phím loan” bị hỏng. Những từ này đều mang ý nghĩa tượng trưng cho tình vợ chồng:
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại ngùng.
(Câu 207 – 208)
Theo chú thích của Lại Ngọc Cang, “sắt cầm” là hai thứ đàn cổ, sắt có hai mươi lăm hay năm mươi dây, cầm có năm hay bảy dây, cùng hòa với nhau nghe du dương, êm đềm nên tượng trưng cho tình vợ chồng. “Dây uyên” là chỉ tiếng đàn hòa thuận của vợ chồng: Loài vịt trời đẹp, con trống là uyên, con mái là ương, bay đôi không rời nên tượng trưng cho tình vợ chồng hòa hợp. “Phím loan” – chim loan, cũng tượng trưng cho tình vợ chồng. Những hình ảnh trên cũng được dùng trong
Đặng Trần Côn còn dùng những điển chỉ mong ước được tới gần người yêu:
Gậy rút đất, ỷ khôn học chước
Khăn gieo cầu, nào được thấy tiên?
(Câu 293 – 294)
“Gậy rút đất”, “khăn gieo cầu” đều rút ra từ các sự tích Trung Hoa, diễn tả mong ước được tới bên người yêu.
Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều cũng sử dụng điển để miêu tả tình vợ chồng quấn quýt.
Tranh tỷ dực nhìn ưa chim nọ
Đồ liên chi lần trỏ hoa kia
(Câu 185 – 186)
“Tranh tỷ dực” là bức tranh vẽ đôi chim chắp cánh cùng bay, hình ảnh tượng trưng cho tình cảm âu yếm của vợ chồng. “Đồ liên chi” cũng là bức tranh vẽ hai cây chung một cành. Đây là hình ảnh lấy từ thơ Bạch Cư Dị trong Trường hận ca cũng dùng phổ biến trong thơ ca cổ điển của Trung Quốc. Theo giai thoại của Trung Quốc, có đôi vợ chồng chạy giặc, bị rơi xuống hồ và chết, năm sau ở hồ ấy mọc lên hai bông hoa sen cùng chung một đài. Chinh phụ ngâm cũng sử dụng những hình ảnh này: “Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh / Nọ loài chim chắp cánh cùng bay” hay “Liễu sen là thức cỏ cây / Đôi hoa cùng dính đôi dây cùng liền”.
Hai khúc ngâm còn dùng nhiều điển khác để chỉ tình cảm khăng khít của vợ chồng, như “hoa tịnh đế” (hoa nở từ một giò), “đệm hồng thúy”, “bóng bội hoàn”, “dải đồng”, “giấc hoành môn”…
Trong Cung oán ngâm khúc, tác giả sử dụng nhiều lần điển “xe dê”, “dương xa” (xe do dê kéo) để nói về chuyện hưởng lạc của vua với các cung nữ. Tấn Vũ đế có nhiều cung phi, mỗi lần đế với họ, ông ta đi chiếc xe dê không có người điều khiển. Muốn được vua ân ái, các cung phi lấy lá dâu tằm muối rắc trước phòng mình để dử dê vào.
Hầu hết các điển trong hai khúc ngâm đều rút ra từ các sự tích được ghi chép trong kinh sách nên rất khó hiểu với độc giả thời sau. Đây là một hạn chế làm giảm đi
tính hấp dẫn của tác phẩm với độc giả số đông. Tuy nhiên, với các tác giả, điển lại là một phương thức giúp miêu tả hàm súc và đạt được tính nhã trong văn chương.
3.1.5. Mô típ vật dụng phòng the
Mô típ sắc dục chỉ có ở các tác phẩm miêu tả con người phàm trần. Các nhân vật thánh nhân được miêu tả vượt lên trên cám dỗ xác thịt, nếu có nhắc đến thì sẽ là phép thử để khẳng định sự kiên trì lý tưởng. Sắc dục được coi là sự giải thiêng khi muốn hạ bệ thánh nhân. Trong các tác phẩm viết về con người thánh nhân không nhắc tới những thứ vật chất, đời thường, đặc biệt là các vật dụng phòng the. Những vật dụng này thường đi kèm với những nhân vật phản diện. Chẳng hạn như trong Lục Vân Tiên, khi viết về những kẻ tiểu nhân, xấu xa như Trịnh Hâm, Bùi Kiểm… tác giả nhắc đến kiểu không gian vật chất, liên quan tới căn phòng, gối chăn… Những nhân vật này chỉ nghĩ đến điều tà dâm, thủ đoạn xấu xa và được Nguyễn Đình Chiểu xếp vào loại nhân vật phản diện.
Với hai khúc ngâm, ngổn ngang những từ ngữ chỉ vật dụng liên quan tới chuyện phòng the, ân ái. Lần đầu tiên các tác giả đưa cái đời thường vào văn học với thái độ trân trọng, đồng tình chứ không nhằm hạ bệ hay khinh miệt. Chuyện sinh hoạt đời thường, đời sống bản năng là một sự sáng tạo của hai ông. Những hình ảnh vật dụng này tạo nên một không gian sinh hoạt đời thường, con người bản năng, chân thực.
Cũng phải nói rằng, vấn đề sắc dục không được miêu tả một cách trực tiếp như trong văn học hiện đại mà vẫn được thể hiện một cách ước lệ và tế nhị. Đề cao tính