Ba kiểu nhân vật nữ chính giai đoạn văn học cuối thế kỷ XVIII – đầu

Một phần của tài liệu Nhân vật chinh phụ và cung nữ trong văn học trung đại Việt Nam qua Chinh phụ ngâm và Cung oán ngân khúc (Trang 65 - 72)

CHINH PHỤ NGÂM VÀ CUNG OÁN NGÂM KHÚC NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TÍNH NỮ

2.3. Ba kiểu nhân vật nữ chính giai đoạn văn học cuối thế kỷ XVIII – đầu

Giai đoạn văn học kỳ cuối XVIII - đầu XIX, các tác giả nhà nho rất có hứng thú với vấn đề tài – mệnh, hồng nhan bạc mệnh, sáng tác về kiếp hồng nhan với tư tưởng định mệnh “trách trời ghen ghét má hồng”. Trong văn chương thời kỳ này xuất hiện rất nhiều tác phẩm viết về số phận những phụ nữ bạc mệnh, qua đó đặt ra vấn đề hạnh phúc, quyền sống. Có ba kiểu nhân vật phụ nữ tạo cơn sốt với các nhà nho là chinh phụ, cung nữ và ả đào - kỹ nữ. Ba kiểu nhân vật này đều được các tác giả gắn với triết lý về hồng nhan bạc mệnh.

Chinh phụ là nhân vật nữ đầu tiên được sáng tác rầm rộ thời kỳ này. Tác phẩm

Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra đời khoảng năm 1742 đã có sức hấp dẫn rất lớn với các tác giả khác. Theo các tài liệu ghi ghép, có 7 bản dịch Chinh phụ ngâm ra thơ Nôm, trong đó có những bản xuất sắc gây tranh cãi đến ngày nay về dịch giả (của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm hay nhà nho Phan Huy Ích). Bên cạnh đó, có rất nhiều tác phẩm chịu ảnh hưởng sâu sắc của Chinh phụ ngâm, điển hình như Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa. Rất nhiều nhà nho hưởng ứng tư tưởng nữ quyền mà Đặng Trần Côn đặt ra trong tác phẩm. Nỗi niềm của người vợ xa chồng phải sống trong cô đơn, sầu tủi, khao khát tình yêu lứa đôi sum vầy đã gây xúc động lớn với nhiều tác giả khác.

Kiểu nhân vật chinh phụ không phải là mới trong văn học truyền thống phương Đông nhưng tới giai đoạn văn học này ở Việt Nam mới tạo nên cơn sốt. Chinh phụ xuất hiện trong hàng loạt những tác phẩm ngâm khúc dài đến hàng trăm câu. Chinh phụ - kiểu nhân vật nữ đời thường với thế giới tình cảm phong phú, chân thực, gần gũi - đã tạo nên bước đột phá mở ra trào lưu nhân đạo của văn học trung đại.

Sự xuất hiện của nhân vật chinh phụ trong Chinh phụ ngâm và phong trào dịch, sáng tác theo khúc ngâm này ít nhiều có căn nguyên từ bối cảnh lịch sử thời đại. Đặng Trần Côn (chưa rõ năm sinh, nhưng khoảng giữa năm 1710 và 1720) sống trong một thời kỳ nhiều biến loạn với nội chiến xảy ra liên miên. Sau những cuộc giao chiến giữa Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn đã lắng, nội bộ Bắc Hà từ khi Trịnh Giang lên cầm quyền (1729) sinh ra nhiều rối loạn. Chúa Trịnh lấn quyền vua Lê và để lấy tiền ăn tiêu xa xỉ, chúa Trịnh thẳng tay bóc lột nhân dân. Thuế má, sưu dịch

ngày một nặng khiến nhân dân khổ cực điêu đứng. Tình trạng này làm bùng phát các cuộc khởi nghĩa nông dân. Những năm cuối đời Vĩnh Hựu (1738 – 1740), giặc giã nổi lên khắp nơi. Thăng Long ở vào cái thế bốn mặt bị đánh. Ở trấn Đông (Hải Dương) có cuộc khởi nghĩa của anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, ở trấn Sơn Nam có Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chân, ở trấn Đoài (Sơn Tây) có Nguyễn Danh Phương. Ngoài ra còn có đội quân của Lê Duy Mật, giương cao ngọn cờ “phù Lê, diệt Trịnh” từ Trấn Ninh kéo tới quấy phá miền Sơn Tây, Hưng Hóa. “Khắp nơi giặc giã nổi dậy nhưng trạm báo tin không được nhanh chóng, phải hạ lệnh cho các lộ như Sơn Tây, Thanh Hóa đều phải đặt những đồn hỏa hiệu trên các đỉnh núi. Dùng dân sở tại ngày đêm canh giữ, hễ có biến động thì đốt lửa để báo hiệu” (Khâm định Việt sử thông giám) [36, tr. 107].

Đặng Trần Côn khi ấy đang làm tri huyện Thanh Oai, gần Thăng Long. Những cảnh nội chiến đầy tang tóc, máu lửa, đau thương ông đều mục kích. Vốn là quan văn ở hậu phương nên ông chú ý hơn đến cảnh người thân tiễn biệt binh lính ra trận, những mẹ già, vợ trẻ thấp thỏm lo âu. Cảnh tượng đó giúp người danh sĩ bất đắc chí có nguồn cảm hứng thuận lợi cho sự sáng tác. Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí có viết: “Sách Chinh phụ ngâm là bởi Hương cống Đặng Trần Côn soạn, nhân đầu đời Cảnh Hưng, việc binh nổi dậy, người ta đi đánh phải lìa nhà, ông cảm thời thế mà làm ra”. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Đặng Trần Côn làm Chinh phụ ngâm

khoảng năm đầu Cảnh Hưng – 1740, khi đó, ông chưa đầy 40 tuổi. Đương thời, Chinh phụ ngâm được nhiều học giả hết lời khen ngợi. Phan Huy Chú khen: “Lời ý lâm ly, khác lạ làm khoái miệng người”. Phan Huy Ích, một dịch giả của khúc ngâm, cũng đánh giá rất cao: Khúc Chinh phụ ngâm của tiên sinh làng Nhân Mục / Tình cao điệu lạ rải khắp rừng văn. (Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu tác).

Ngoài ra, không thể không kể đến những khúc ngâm bằng chữ Nôm dịch

Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Các bản dịch của Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Chú với thể song thất lục bát giúp khúc ngâm trở nên gần gũi, da diết và ám ảnh hơn. Tác phẩm Chinh phụ ngâm khơi dậy phong trào sáng tác về đề tài chinh phụ với những tác phẩm như Chinh phu ngâm của Hồng Liệt Bá, Chinh phụ ngâm bài văn phường sách Hàng Gai, Chinh phụ ngâm dạ tĩnh của Trúc Khê sao lục

Bối cảnh lịch sử xã hội đã tạo tiền đề cho sự ra đời của khúc ngâm viết về người chinh phụ, trở thành áng văn chương xúc động lòng người nhiều thời đại. Có thể nói, những biến động của xã hội tác động tới nhận thức và tư tưởng của tác giả, đưa đến sự xuất hiện của chinh phụ như là nhân vật nữ chính đầu tiên trong một tác phẩm dài hơi trong văn học trung đại Việt Nam. Chinh phụ là kiểu nhân vật của thời đại mặc dù không phải là mới trong văn học truyền thống phương Đông.

Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) được sáng tác sau

Chinh phụ ngâm vài thập kỷ. Thời kỳ này, nhân vật cung nữ lại trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà nho. Lê Hữu Trác trong cuốn Thượng kinh ký sự, viết năm Cảnh Hưng thứ 44 – 1783, khẳng định phong trào sáng tác về cung nữ: “Có cô Đặng tiểu thư nào đó giữ trong nhà một tập 30 bài thơ cung oán và ở kinh thành Thăng Long lúc đó có rất nhiều người chép loại thơ này”.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà thơ Việt Nam đã dành tập thơ dài hơi cho một đề tài mà các thi nhân Trung Quốc thường vịnh, sáng tác vẻn vẹn trong phạm vi bài vừa và nhỏ. Những tập thơ ấy phản chiếu phần nào chế độ hậu cung của chúa Trịnh vua Lê. Như đã mô tả trong chương 1, các chúa Trịnh nổi tiếng ăn chơi dâm dật. Trong cung lúc nào cũng có ba, bốn trăm phi tần, chưa kể cung nữ triều Lê. Trịnh Giang hoang dâm vô độ nên bị truất ngôi chúa. Trịnh Sâm cũng dâm loạn nên mắc bệnh “sợ nắng gió, cứ phải luôn ở trong cung, thắp nến suốt đêm ngày”. Vua chúa có hàng trăm cung nữ mà lại ốm yếu cho nên không thể đáp ứng hết được các cung nữ. Có những người cả đời không được vua vời đến. Vì vậy “trong cung đương thời có những thi khúc gọi là đại thạch – tiếng hát não nuột và ai oán” (Việt Nam phong sử, nhà nho Tiểu cao Nguyễn Văn Mạ ghi chép). Thêm vào đó, sự tranh giành của các phi tần chốn hậu cung cũng gây ra cảnh có người được vua sủng ái hết mực, có người bị bỏ rơi hoặc bị hãm hại đến nỗi phải đi lánh nạn như trường hợp ganh đua giữa Đặng Thị Huệ và Dương Ngọc Hoan.

Số phận bi thương của người cung nữ thời đại đã gây xúc động tới các nhà nho có tài mà số kiếp truân chuyên. Các tác giả như Nguyễn Gia Thiều, Vũ Trinh,

sống bị chèn ép, vì xã hội mục nát. Họ mượn cảnh ngộ của cung nữ để than thở, oán trách về sự bất hạnh của người tài sắc và cũng là một cách để tỏ bất bình trước thế sự. Phê phán chế độ cung nữ, cảm thương nỗi sầu tủi của những phi tần bị bỏ rơi chính là đóng góp vào tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ của nhà nho thời kỳ này.

Trong các tác phẩm viết về cung nữ, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều được đánh giá cao nhất, vượt trội hơn hẳn so với các tập thơ cung oán của các tác giả khác. Khúc ngâm là tiếng lòng khi ai oán thiết tha, khi uất hận, mạnh mẽ của người cung nữ bị thất sủng. Nguyễn Gia Thiều có thể viết một cách thấm thía như thế một phần bởi ông có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống chốn cung cấm. Ông ngoại của nhà thơ là chúa Trịnh Cương, cậu ruột là chúa Trịnh Doanh, anh em con cô con cậu là chúa Trịnh Sâm. Hai cô ruột của ông cũng làm phi tần trong phủ chúa. Khi ra làm quan, Nguyễn Gia Thiều từng giữ một số nhiệm vụ trong phủ. Đây chính là điều kiện để ông hiểu những chuyện hậu cung và số phận các cung nữ. Những điểm đặc biệt về thân thế tạo cơ sở cho Nguyễn Gia Thiều chọn người cung nữ làm nhân vật chính để thể hiện tư tưởng của mình. Cung nữ cũng là kiểu nhân vật truyền thống của văn học phương Đông nhưng trong văn học Việt Nam chỉ đến giai đoạn này mới được các nhà nho chú ý khai thác. Nguyễn Gia Thiều thêm vào nhiều yếu tố nhục cảm khi thể hiện khao khát hạnh phúc ái ân của người cung nữ bị bỏ rơi chốn cung cấm lạnh lẽo. Đây là bước đột phá trong văn chương của các nhà nho Việt Nam khi viết về người phụ nữ tài sắc gắn với nhu cầu tình dục bằng thái độ cảm thương, trân trọng. Màu sắc nhục cảm chính là một nét nữ quyền nổi bật trong khúc ngâm.

Chinh phụ và cung nữ là hai kiểu nhân vật truyền thống nhưng đến thế kỷ XVIII mới được sáng tác rầm rộ ở Việt Nam. Đặc biệt hai kiểu nhân vật này xuất hiện trong những khúc ngâm có dung lượng lớn, tạo nên bước đột phá so với những bài thơ nhỏ lẻ trước đó. Chinh phụ và cung nữ được chọn như điểm đột phát, khai mào dòng văn học của nhà nho viết về người phụ nữ dưới quan điểm nữ quyền. Hai kiểu phụ nữ bất hạnh trong xã hội thời này tạo nguồn cảm hứng cho các nhà nho nói

lên tiếng kêu thương cho hạnh phúc lứa đôi bị chia lìa, chà đạp, cho tiếng lòng khao khát hạnh phúc trần thế, bản năng.

Khi viết về chinh phụ và cung nữ, các tác giả đều gắn vào những tuyên ngôn về hồng nhan bạc mệnh. Đặng Trần Côn viết: Thủa trời đất nổi cơn gió bụi / Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên; Nguyễn Gia Thiều: Oán chi những khách tiêu phòng / Mà xui phận bạc nằm trong má đào. Tuy nhiên, hai kiểu nhân vật này không thật tiêu biểu cho triết lý đó. Những tuyên ngôn về hồng nhan bạc mệnh ở đầu hai tác phẩm chỉ là sao ngữ, vấn đề chính đặt ra là quyền sống, hạnh phúc trần thế của những người phụ nữ đó. Đến đầu thế kỷ XIX, xuất hiện kiểu nhân vật phụ nữ khác điển hình cho bi kịch kiếp hồng nhan hơn. Đó là nhân vật kỹ nữ - ả đào, những nghệ sĩ hát ca trù hành nghề tại nhà riêng của những bậc quý tộc hay trong ca quán phố phường. Ca trù vốn là một bộ môn nghệ thuật mang tính chất nghi lễ, thờ phụng được hát tại đình làng (xuất hiện từ thế kỷ XV) nhưng đến đầu thế kỷ XIX, ca trù chuyển thành nghệ thuật giải trí phục vụ nhu cầu của nhiều người, chủ yếu là giới văn nhân nho sĩ phong lưu, tài hoa ở thành thị. Người ả đào trở thành các nghệ sỹ chuyên nghiệp, chỉ đi hát và sống bằng nghề hát. Họ vừa mang tiếng là hạng xướng ca vô loài, vừa bị gắn thêm danh kỹ nữ, gắn với yếu tố tình dục. Ả đào là người mua vui cho giới quý tộc phong lưu nhưng lại bị khinh miệt và đẩy xuống đáy cùng của xã hội. Không chỉ bị người đời khinh rẻ, họ còn bị pháp luật thời phong kiến tước đi nhiều quyền lợi như: Phụ nữ làm nghề hát xướng không được lấy chồng quan lại hoặc con cái nhà quan lại. Con cái nhà hát xướng không được học hành, đi thi tiến thân…

Kiểu nhân vật này không chỉ là phụ nữ tài sắc bất hạnh nói chung mà gắn với địa vị xã hội. Nếu như chinh phụ, cung nữ mới chỉ đề cập đến nỗi khổ về tinh thần, thiếu thốn tình cảm, hạnh phúc ân ái vì họ thuộc tầng lớp quý tộc, đầy đủ vật chất thì kỹ nữ - ả đào là người phụ nữ tài sắc có thân phận thấp hèn, bị khinh rẻ trong xã hội. Kiểu nhân vật này hội tụ đầy đủ bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, cũng chính vì thế thể hiện tiếng nói nữ tiếng một cách mạnh mẽ, sâu sắc hơn.

Văn thơ về nhân vật kỹ nữ - ả đào đã xuất hiện từ những thế kỷ trước với một số bài Đường luật như Lão kỹ ngâm của Thái Thuận, trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông, Đào Nương của Trịnh Căn… Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XX, nhân vật này mới nở rộ. Chủ yếu, hình ảnh người ả đào được tái hiện trong các tác phẩm hát nói của các văn nhân - nghệ sỹ mê thưởng thức ca trù. Kỹ nữ - ả đào được đề cập đến trong nhiều sáng tác của các nhà nho tài tử nhưng được thể hiện nổi bật và ám ảnh nhất trong thơ Nguyễn Du. Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Du rất nhiều lần tiếp xúc và chứng kiến số phận bất hạnh của các ca kỹ vì thế những bài thơ của ông đều chứa đầy thương cảm khi viết về kiểu nhân vật này. Truyện Kiều - tác phẩm tâm huyết nhất của Nguyễn Du - là tiếng kêu đứt ruột về số phận của người kỹ nữ tài sắc Thúy Kiều. Cô gái xinh đẹp và tài năng sống trong gia đình vương giả bị đẩy vào cuộc sống của một kỹ nữ “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, chịu số kiếp lênh đênh 15 năm lưu lạc. Khi Kiều bị bán vào lầu xanh, nhà thơ xót xa cho tấm thân liễu yếu đào tơ của nàng bị đánh đập, làm nhục. Đặc biệt, Nguyễn Du có quan niệm rất thoáng về chữ trinh. Kiều phải bán mình để chuộc cha nên “chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Suốt 15 năm trải qua hai nhà chứa và nhiều người đàn ông nhưng Kiều không chọn cái chết để bảo toàn trinh tiết như đạo lý Nho giáo thường rao giảng. Với Nguyễn Du, giá trị con người không nằm ở trinh tiết mà ở vẻ đẹp tâm hồn và quyền sống thân xác, bởi vậy ông viết về nàng Kiều với sự cảm thương, trân trọng, ngợi ca.

Nguyễn Du còn viết về nhân vật kỹ nữ - ả đào trong nhiều tác phẩm khác như

Văn chiêu hồn, Văn tế thập loại chúng sinh, trong các bài thơ như Dương phi cố sự,

Điếu la thành ca giả, Độc Tiểu Thanh ký, Long thành cầm giả ca. Nhà thơ đã xuất phát từ tình cảm của mình để cảm thông những phụ nữ tài sắc bị chà đạp, khinh rẻ chứ không đứng từ góc độ một nhà nho với những đạo lý hà khắc, cực đoan của Nho giáo để phán xét. Đến Nguyễn Du, nữ quyền trong văn học của nhà nho Việt Nam trung đại mới đạt tới đỉnh cao.

Ba kiểu nhân vật chinh phụ, cung nữ và kỹ nữ - ả đào đều do các tác giả nhà nho - những người đàn ông học sách thánh hiền - sáng tác, tạo nên tiếng nói nữ quyền sôi nổi trong giai đoạn văn học cuối XVIII - đầu XIX. Trong bối cảnh Tống nho - nho giáo cực đoan - ảnh hưởng tới văn hóa Việt Nam, các nhà nho vẫn tiếp cận nữ quyền theo cách riêng của họ. Sự xuất hiện của các kiểu nhân vật nữ đậm yếu tố giới đã tạo nên dòng văn học nhân đạo độc đáo thời kỳ này. Nhân vật kỹ nữ -

Một phần của tài liệu Nhân vật chinh phụ và cung nữ trong văn học trung đại Việt Nam qua Chinh phụ ngâm và Cung oán ngân khúc (Trang 65 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)