CHINH PHỤ NGÂM VÀ CUNG OÁN NGÂM KHÚC NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TÍNH NỮ
2.4. Nhân vật chinh phụ và cung nữ trong Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm khúc
oán ngâm khúc
Trong luận văn, khi phân tích về nhân vật chinh phụ, chúng tôi sử dụng bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành chứ không dựa vào nguyên bản chữ Hán của Đặng Trần Côn. Có thể việc sử dụng bản dịch sẽ không tạo được sự chính xác tuyệt đối khi trích dẫn, liệt kê các hình ảnh, từ ngữ để phân tích yếu tố tính nữ, tâm sự đời thường của nhân vật. Tuy nhiên về cơ bản, người viết không đi sâu vào vấn đề ngôn từ mà chủ yếu lấy tinh thần của ý thơ Chinh phụ ngâm, đã được bản dịch chuyển tải gần như trọn vẹn.
2.4.1. Nhân vật chinh phụ trong Chinh phụ ngâm
Với Chinh phụ ngâm, lần đầu tiên trong văn học trung đại Việt Nam, người chinh phụ được lựa chọn là nhân vật trung tâm trong một tác phẩm thơ có quy mô (tác phẩm ngâm khúc trải dài 470 câu thơ Hán trường thiên đoản cú trong nguyên tác, 408 câu thơ Nôm song thất lục bát). Không như hầu hết những tác phẩm viết về người phụ nữ trước đó đề cập tới vấn đề tiết hạnh, Chinh phụ ngâm là muôn vàn cảm xúc chân thực, đời
thường của người vợ xa chồng, là những khao khát về tình yêu đôi lúc mang màu sắc nhục thể. Lần đầu tiên, những khao khát ấy được nhà nho – người đàn ông – đề cập tới trong văn học, qua con mắt của phụ nữ hay ít nhất là giả định người phụ nữ nói. Người chinh phụ hiện lên với tình cảm nữ nhi, với những đặc điểm đậm yếu tố nữ giới. Đặng Trần Côn viết về người chinh phụ nhìn từ góc độ của con người thân xác chứ không phải chung chung người vợ có chồng đi lính, không ca ngợi sự hy sinh, tần tảo. Nhân vật tự xưng là thiếp, trình bày cái nhìn về giới từ bên trong. Nhân vật chinh phụ bày tỏ nỗi niềm của mình, hướng ra biên cương trông ngóng chinh phu và cất lên tiếng lòng nhớ mong, sầu tủi, cô quạnh nơi phòng khuê. Điểm nhìn bên trong này giúp cho những tình cảm thể hiện chân thực, gần gũi và da diết hơn, xúc động hơn.
Nhân vật chịnh phụ gắn với những hình ảnh đặc trưng của tính nữ khi hiện lên trong cách miêu tả về thân thể và các vật dụng gợi liên tưởng đến thân xác. Vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ quý tộc này được nhắc đến ở những từ như “dung nhan”, “má hồng”, “lưng eo”, “bồ liễu”, “mái tóc”, “gót” (chân)… Dáng vẻ, dung nhan và các đặc điểm thân thể người phụ nữ được hiện lên qua những từ chỉ các đồ vật gắn liền với nữ giới như xiêm (y), khăn, gương lược, kim, trâm, thoa, hài, son phấn… Chinh phụ là một người vợ trẻ đang tuổi xuân sắc, phải xa chồng đằng đẵng, thiếu thốn tình cảm và đời sống ái ân.
Điểm táo bạo của Chinh phụ ngâm so với các tác phẩm trước đó trong văn học trung đại Việt Nam là nói tới những khao khát trong cuộc sống chăn gối của vợ chồng. Khúc ngâm có những hình ảnh liên quan đến chuyện phòng the, ân ái mà văn chương nhà nho thường coi là vùng cấm. Không miêu tả trực tiếp và cụ thể nhưng nhiều từ ngữ được sử dụng có sức khơi gợi, như những vật dụng liên quan tới chiếc giường (gối, rèm, màn, chiếu, chăn), những đồ vật tượng trưng cho sự gắn kết vợ chồng (khăn, nhẫn, ngọc cài đầu, dây tơ hồng, thoa cung Hán, gương lầu Tần, sắt cầm, dây uyên, phím loan), những hình ảnh đôi lứa quấn quýt trong thiên nhiên (đôi lứa, chim liền cánh, cây liền cành, dập dìu, dan díu, ríu rít, sum vầy, gần
gũi tấc gang…). Những từ ngữ và hình ảnh này là một cách nói tế nhị về tình yêu đôi lứa, đời sống thân xác.
Sự xa cách chồng khiến chinh phụ luôn cảm thấy căn phòng cô quạnh, giường chiếu lẻ loi, đơn chiếc:
Chàng thì ở cõi xa mưa gió Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
(Câu 53-54)
Nàng nhớ về thời gian vợ chồng còn quấn quýt bên nhau:
Phết phong lưu đương chừng niên thiếu Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên
(Câu 121 – 122)
Nàng nhắc đến những kỷ vật của hai người, tượng trưng cho tình vợ chồng gắn bó:
- Thoa cung Hán của ngày xuất giá Gương lầu Tần dấu đã soi chung - Nhẫn đeo tay mỗi khi ngắm nghía Ngọc cài đầu thủa bé vui chơi - Hương gượng đốt hồn đà mê mải Gương gượng soi, giọt lại châu chan - Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại ngùng.
Thực tại lẻ loi khiến chinh phụ càng thêm khao khát được gần gũi, tái hợp:
- Những mong cá nước sum vầy Bao giờ đôi ngả nước mây cách vời?
(Câu 115 – 116)
- Ước gì gần gũi tấc gang
Giở niềm cay đắng để chàng tỏ hay.
(Câu 167 – 168)
Thiếu phụ cô đơn trên chiếc giường trống vắng gửi nỗi nhớ nhung, khao khát được gần gũi, gặp chồng qua giấc mộng:
Bui còn hồn mộng được gần
Đêm đêm thường tới giang tân tìm người.
Những khao khát ấy rất chân thành, tự nhiên. Người phụ nữ nhớ chồng không thể không nghĩ đến những ái ân, mặn nồng của hai người. Xúc cảm bản năng ấy không bị che giấu, né tránh mà được tác giả thể hiện một cách tế nhị với thái độ trân trọng, cảm thương.
Trong Chinh phụ ngâm, những đau khổ vì thiếu thốn hạnh phúc ái ân và sự khao khát đời sống thân xác trọn vẹn chỉ được thể hiện một cách sâu kín, nhẹ nhàng. Tiếng nói của người phụ nữ quý tộc ấy dù sao vẫn thanh nhã nên được các nhà nho chấp nhận. Màu sắc yêu đương, nhục cảm chưa mạnh bạo, cụ thể như trong
Cung oán ngâm khúc và đi ngược đạo đức phong kiến như trong Truyện Kiều. Bởi vậy nỗi niềm của chinh phụ cũng không gây tranh cãi nhiều với các nhà nghiên cứu sau này khi đánh giá về các giá trị khúc ngâm. Nhưng dù mới thể hiện một cách kín đáo, tình yêu mang màu sắc nhục cảm cũng là một nét mới trong văn chương của các nhà nho Việt Nam. Màu sắc nhục cảm khiến người chinh phụ hiện lên một cách chân thực, đời thường và gần gũi. Qua đó có thể thấy, quan điểm của nhà nho Đặng Trần Côn về người phụ nữ đã cởi mở và tiến bộ hơn rất nhiều. Nhà thơ đi sâu hơn vào những tâm sự chốn khuê phòng, coi những rung cảm ấy là tự nhiên, hợp lý chứ không gạt bỏ và coi thường. Đây là một khía cạnh của tư tưởng nữ quyền sẽ được các tác giả sau khai thác sâu hơn.
Viết về người phụ nữ quý tộc có chồng đi chinh chiến, tác giả không đi vào nỗi khổ vật chất mà xoáy vào sự thiếu thốn tình cảm lứa đôi, đặc biệt là trong đời sống thân xác. Người chinh phụ còn trẻ phải sống thiếu vắng chồng, luôn cảm thấy xót xa cho tấm thân cô quạnh, héo hon của mình chốn khuê phòng và thân gian lao của chồng nơi chiến địa. Thương thân, xót thân là một khía cạnh bảo vệ giá trị con người phàm trần, tự nhiên. Người chinh phụ không nghĩ tới hình ảnh oai hùng, thi vị của chồng nơi trận mạc, không mơ tưởng chồng lập công danh mà nghĩ đến cảnh chết chóc, gian nguy và càng thương chồng hơn:
- Thương người áo giáp bấy lâu
- Xót người lần lữa ải xa
Câu thơ tập cổ tứ thơ trong bài Quan san nguyệt của Lý Bạch nhưng đã thay đổi điểm nhìn. Ở thi phẩm của tác giả Trung Quốc, người chinh phu ở nơi chiến trường nghĩ về sự vất vả của bản thân và tưởng tượng ra nỗi buồn của người vợ ở nơi quê nhà. Còn trong khúc ngâm, người vợ chốn khuê phòng hướng tới miền ải xa, tưởng tượng, xót xa và nhớ nhung. Qua điểm nhìn người phụ nữ, ý thơ trở nên da diết hơn. Chinh phụ sầu nhớ bởi thương chồng vất vả, gian lao, thân bị đày đọa nơi chiến địa không biết sống chết ra sao.
Trong Chinh phụ ngâm, từ “thân” được nhắc đến 4 lần, bên cạnh nhiều từ khác chỉ thân xác. Chinh phụ luôn cảm thấy sự cô độc, lẻ loi của tâm thân mình, ví mình với ngọn đèn trong đêm. Tác giả không miêu tả người chinh phụ ở phẩm chất tất bật, tần tảo hy sinh vì chồng, gia đình nhà chồng (chỉ có một đoạn ngắn nói về sự lo toan việc nhà). Còn lại, toàn bộ khúc ngâm là nỗi xót xa của người vợ trẻ cho bản thân, cho cảnh mòn mỏi chờ chồng:
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ
Trăng khuya, nương gối bơ phờ tóc mai
(Câu 187 – 188)
Dung nhan bơ phờ vì vắng chồng. Thân tiều tụy còn được đặc tả cụ thể:
- Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo
(Câu 191 – 192)
- Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói… Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?
(Câu 233 – 236)
Người phụ nữ đang tuổi xuân xanh nhưng không còn muốn làm đẹp và ngày càng trở nên héo hắt, u sầu:
Quyên ca ghẹo làm rơi nước mắt Trống tiều khua, như rứt buồng gan Võ vàng đổi khác dung nhan
Khuê ly mới biết tân toan dường này.
(Câu 249 – 242)
Thân cô độc thấm đầy lệ rơi:
Vì chàng, lệ thiếp nhỏ đôi
Vì chàng, thân thiếp lẻ loi một bề Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn?
(Câu 255 – 258)
So sánh như hòn vọng phu:
Lòng này hóa đá cũng nên
E không lệ ngọc mà lên trông lầu.
(Câu 295 – 296)
Trong nỗi thương thân, chinh phụ còn lo tuổi xuân trôi qua nhanh mà chồng chưa trở về. Nỗi sợ già ám ảnh nàng:
Oán sầu nhiều mối tơi bời
Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều thân.
(Câu 355 – 356)
Chinh phụ lo lắng vì chờ đợi trong mòn mỏi mà tuổi xuân trôi qua, lo nhan sắc tàn phai không còn được chồng yêu như nàng Trác Văn Quân. Tự xót xa, than thở về thân xác héo mòn, tuổi xuân trôi qua không phải là sự ích kỷ cá nhân của chinh phụ chỉ biết nghĩ về bản thân mà khía cạnh của tư tưởng nhân đạo. Thân xác là một giá trị cần bảo vệ, trân trọng. Người phụ nữ đang tuổi xuân sắc mà phải xa chồng, phải héo hon, mòn mỏi vì chờ chồng chính là một bi kịch của con người cá nhân, của phận má hồng trong thời loạn lạc.
Chinh phụ ngâm có thể coi là bức tranh tâm trạng muôn vàn cung bậc cảm xúc của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến. Lần đầu tiên những tình cảm nữ nhi được thể hiện tự nhiên, dào dạt, mạnh mẽ trên các dòng thơ. Người phụ nữ - tính nữ vốn gắn với tình cảm, không phải là lý trí. Thơ ca của các nhà nho trước đây thường
là nói chí, phát biểu đạo lý, nếu có thể hiện tình cảm cá nhân cũng rất chừng mực, tiết chế, đặc biệt đối với tình cảm nữ nhi lại càng né tránh. Với Chinh phụ ngâm, toàn bộ 408 câu thơ song thất lục bát trong bản dịch đều là tâm sự, nỗi lòng của người chinh phụ chốn khuê phòng. Khảo sát trên bản dịch hiện được dùng phổ biến, những từ trực tiếp chỉ nội tâm được Đặng Trần Côn sử dụng rất nhiều: tình (4 lần), lòng – tâm (20 lần), dạ (2 lần). Những từ này đều được dùng để chỉ cảm xúc tự nhiên khởi phát từ nội tâm trước những tác động của ngoại cảnh chứ không phải là tâm đạo lý bị khiểm soát của Nho gia. Bên cạnh đó, có hàng chục tính từ miêu tả nội tâm được huy động sử dụng như: nhớ (5 lần), sầu (7 lần), buồn (5 lần), rầu (3 lần), sầu (7 lần), xót (3 lần), oán (2 lần)… Đi kèm là những từ láy miêu tả như: ngùi ngùi, ngẩn ngơ, ngổn ngang, cay đắng, bơ phờ, thơ thẩn, đằng đẵng, thăm thẳm, thiết tha, sùi sụt, thoi thót… Tác giả khắc họa tâm trạng ở rất nhiều cung bậc, khi âm thầm, khi da diết, mạnh mẽ. Đó là những tâm trạng phức tạp và đầy mẫu thuẫn trong tình yêu.
Người chinh phụ trải qua mọi nỗi niềm, từ lúc tiễn chồng ra trận cho đến suốt nhiều năm cách xa. Các nhà nghiên cứu đã chia khúc ngâm thành những mảng tâm trạng khác nhau: Nỗi buồn buổi chia tay, thương chồng vất vả, hiểm nguy, nỗi nhớ chàng (than cách trở, lỗi hẹn thư), nỗi lẻ loi, nỗi trông ngóng, nỗi sầu muộn khi cảnh gợi sầu, nỗi chán nản (lười trang điểm, nản lòng), nỗi nhớ mong (mộng được gần, trông bốn bề), nỗi ngờ vực (hối hận vì để chồng đi, ngờ vực chồng không nhớ vợ), nỗi lo già, nỗi ao ước được sánh đôi, nỗi khẩn cầu ngày hợp hoan, khúc ca khải hoàn. Tâm trạng ấy không chung chung, đơn giản một chiều mà rất đa diện, thể hiện nỗi lòng của người phụ nữ tại nhiều thời điểm khác nhau. Sự xa cách không chỉ khiến chinh phụ thương nhớ, lo lắng, trông chờ mà còn trỗi dậy niềm sầu tủi, cô quạnh, sự hối hận và ngờ vực tình cảm của chồng.
Tâm trạng u sầu bắt đầu từ những dòng đầu tiên của khúc ngâm, khi chinh phụ nghe tiếng trống giục quân, dù lúc ấy hình ảnh chàng vẫn rất oai phong, lẫm liệt, vẫn mang đầy khát vọng lập công danh:
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng
(Câu 15-16)
Đôi uyên ương quyến luyến không nỡ chia xa, tình cảm rất đỗi tự nhiên của lứa đôi mà những nho gia xưa có thể phê phán kẻ trượng phu ấy ở lòng yếu đuối “bịn rịn thê noa”:
Nhủ rồi tay lại cầm tay
Bước đi một bước dây dây lại dừng.
(Câu 31-32)
“Lòng dằng dặc buồn”, chinh phụ ngẩn ngơ trông theo bước chân chồng dần xa:
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
(Câu 51-52)
Cảnh chia tay ấy dù còn mang nhiều tính ước lệ về hình ảnh nhưng là những tình cảm chân thực, tự nhiên đầu tiên trong văn học trung đại Việt Nam khi viết về cảnh ra trận. Vẫn khí phách hào hùng của một tráng sĩ nhưng bao trùm lên là nỗi sầu của người vợ lan tỏa khắp không gian, đất trời. Những tình cảm bột phát này thường chỉ thấy ở trong ca dao, như “Thùng thùng trống đánh ngũ liên/Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”.
Thời gian đằng đẵng không nhận được tin chồng, không thấy ngày trở lại, tâm trạng của chinh phụ càng thêm ngổn ngang, chất chồng. Nỗi nhớ, nỗi buồn được thể hiện trực tiếp:
Câu 163: Nhớ chồng trải mấy sương sao
149: Buồn muôn chẳng nói lên lời
204: Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa
213: Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
214: Nỗi nhớ chàng dàu dạu nào xong…
Sầu chất chồng, tưởng như có thể đông cứng thành vật hữu hình:
Muộn chứa đầy hãy thổi làm cơm.
Trong những cung bậc cảm xúc ấy, chinh phụ đã có những lúc đầy bi quan, mâu thuẫn. Nàng hối hận vì đã để chồng ra trận đi lập công danh:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
(Câu 297 – 298)
Sau nhiều năm nếm trải nỗi cô đơn, sầu tủi vì chồng đi chiến trận chưa về, chinh phụ nhận ra rằng công danh là thứ phù phiếm và điều nàng mong ước là hạnh phúc được sum vầy. Khúc ngâm là những cung bậc cảm xúc đời thường phức tạp và sâu sắc, là tiếng lòng xuất phát từ con tim của người phụ nữ đa cảm chứ không phải là những câu thơ khô khan, giáo lý, lệch lạc về nữ giới như trong văn thơ thời kỳ trước đó. Lần đầu tiên tiếng lòng sôi nổi và đầy thiết tha của người phụ nữ được thể hiện cụ thể và đầy trân trọng như thế.
Không chỉ thể hiện những tâm sự một cách kín đáo, Chinh phụ ngâm còn có những ý thơ bày tỏ trực tiếp quyền sống, quyền được hạnh phúc vợ chồng của người phụ nữ trẻ. Nàng nói đến quy luật kết đôi của tạo vật trong vũ trụ, từ đó liên hệ tới bi kịch của bản thân luôn phải sống lẻ loi, đơn chiếc.
Nàng nói lên sự bất công của tạo hóa khi để đôi lứa bị chia lìa, ngăn cách:
Trách trời sao để lỡ làng
Thiếp rầu thiếp, lại rầu chàng chẳng quên Chàng chẳng thấy chim uyên ở nội
Cũng dập dìu chẳng vội phân trương… Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay