KỸ THUẬT MIÊU TẢ TÂM LÝ VÀ TÍNH NỮ
3.2. Những công thức miêu tả tâm lý
Hai khúc ngâm sử dụng nhiều công thức miêu tả tâm lý trong thơ trữ tình nói chung. Chúng tôi khảo sát ở những mô típ nổi bật như đăng cao trông ngóng, mô típ con người cô độc trong đêm, mô típ đếm thời gian, mô típ định vị thế giới bằng thân xác.
3.2.1. Mô típ đăng cao, trông ngóng
Mô típ thường thấy trong thơ ca cổ điển phương Đông khi diễn tả nỗi nhớ, chờ mong. Trông bốn phía thể hiện nỗi mong nhớ khắc khoải. Thường là con người nhỏ bé giữa thiên nhiên mênh mông, rợn ngợp.
Không chỉ các bài thơ viết về người phụ nữ mà trong các tác phẩm thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình, các nhà thơ phương Đông truyền thống thường sử dụng mô típ đăng cao. Đỗ Phủ từng có bài Đăng cao nổi tiếng:
Gió thổi, trời cao, tiếng vượn kêu rầu rĩ,
Bến nước trong, làn cát trắng, chim bay liệng vòng. Ngàn cây bát ngát lá rụng xào xạc,
Dòng sông dằng dặc, nước cuồn cuộn trôi.
Muôn dặm thu buồn, xót thân thường nơi đất khách, Suốt đời quặt quẹo, một mình lên ngắm trên đài. Gian khổ uất hận, mái tóc thêm ngả màu sương,
Lận đận vì mang nhiều bệnh mới phải ngừng chén rượu đục.
Với cảm quan vũ trụ, các nhà nho xưa thường đặt con người vào giữa thiên nhiên mênh mông. Trong công thức miêu tả của nhà thơ xưa, con người luôn được đặt giữa thiên nhiên. Con người suy tư trong bối cảnh thiên nhiên, trong tương quan vũ trụ. Nhân vật trữ tình thường cô đơn, chìm đắm, tan biến vào thiên nhiên, vũ trụ bao la. Như trong Chinh phụ ngâm, tác giả sử dụng kiểu không gian lữ khách, không gian vũ trụ (không gian cách biệt: núi, mây, dặm, khe, biển xa, ngút ngàn khơi, ngàn thông, tứ bề, chân trời – mặt đất, dặm đường mây phủ, mấy trùng, muôn dặm) đối lập với không gian phòng the: vách buồng, cô phòng.
Giống như người chinh phụ tan biến giữa rừng dâu xanh ngắt, con người càng lên cao, càng nhỏ bé giữa không gian rộng lớn. Bởi không gian vốn là sự cách trở rất lớn thời xưa. Đăng cao giữa thiên nhiên gợi lên nỗi niềm về thân phận, nỗi buồn trước cảnh chia lìa, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, người thân. Đăng cao như một cái cớ để tâm trạng dâng trào.
Đặng Trần Côn sử dụng rất nhiều công thức đăng cao trông ngóng và chìm đắm trong thiên nhiên. Ảnh hưởng của những bài thơ viết về đề tài ly biệt, chiến
tranh, tình yêu trong thơ ca Trung Quốc vốn sử dụng mô típ đăng cao một cách phổ biến, Chinh phụ ngâm có thể coi là bức tranh trông ngóng, trải từ đầu đến cuối. Trong khúc ngâm, có tới 10 từ “trông”.
Trước tiên, đó là hình ảnh con người nhỏ bé tan biến vào thiên nhiên bao la, càng trông càng thấy ngút mắt và mờ mịt:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
(Câu 60 – 61)
Con người nhỏ bé bị chìm khuất và xa cách khiến cõi lòng thêm buồn tê tái. Khi chồng vẫn đi biền biệt, hình ảnh chinh phụ lên lầu ngóng trông được lặp lại nhiều lần. Đăng cao là một công thức diễn tả chinh phụ một mình lẻ loi giữa vũ trụ bao la, trông về bốn hướng mịt mù. Bởi một mình nên tâm trạng khắc khoải hơn, da diết hơn.
Lên cao trông thức mấy lồng
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương?
(Câu 87 – 88)
Đặc biệt, trong Chinh phụ ngâm có một đoạn thơ dài tả nỗi niềm của chinh phụ khi trông về bốn hướng. Nàng trông khắp đông, tây, nam, bắc nhưng đều mù mịt, không thấy bóng chồng, chỉ có cánh đồng, núi non, sông nước…
Lòng theo song chửa thấy người Lên cao, mấy lúc trông vời bánh xe? Trông bên nam, bãi che mặt nước
… Trông đường bắc, đòi chòm quán khách … Non đông, thấy là hầu chất đông
… Sông tây, thấy nước dường uốn khúc … Trông tứ bề, chân trời mặt đất Lên xuống lầu, thấm thoát đòi phen Lớp mây ngừng mắt, luống nhìn
Biết đâu chinh chiến là miền Ngọc quan?
(Câu 272 – 293)
Đoạn thơ hiện lên bức tranh tứ vọng (trông bốn bề). Bức tranh ấy được xây dựng theo mô hình ngũ hành, mô hình vũ trụ của phương Đông cổ: Theo mô hình này, hành thổ thuộc trung tâm, ứng với con người, còn ứng với bốn phương có kim
(phương Tây), mộc (phương Đông), thủy (phương Bắc), hỏa (phương Nam). Nhà thơ xưa thường sử dụng công thức trông bốn bề để nói về sự nhỏ bé của con người giữa thiên nhiên mênh mông.
Bức tranh tứ vọng có thể bắt gặp trong Định tình thi - bài thơ tình nổi tiếng của Phồn Khâm thời Lục Triều. Khi tả tâm trạng trông ngóng người yêu của một cô gái, tác giả đã dựng lên không gian tứ bề:
Hẹn với thiếp ở chốn nào? Bèn hẹn ở núi Lũng Tây …Hẹn với thiếp ở chốn nào? Bèn hẹn ở phía nam núi Sơn Nam. … Hẹn với thiếp ở chốn nào? Bèn hẹn ở bên núi Tây Sơn. … Hẹn với thiếp ở chốn nào? Bèn hẹn ở đỉnh núi Sơn Bắc.
… Mong chàng không thể đứng ngồi Đau xót não cả lòng. [36. tr. 80]
Cô gái ngóng nhìn mọi hướng để tìm người yêu nhưng chẳng thấy. Mô típ trông ngóng bốn bề của bài thơ được Đặng Trần Côn tiếp nhận và vận dụng trong khúc ngâm. Trong một đoạn thơ khác, Đặng Trần Côn sử dụng trực tiếp một số hình ảnh thơ của Định tình thi để diễn tả nỗi ngóng trông: “Hẹn cùng ta: Lũng Tây sầm ấy / Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm?” (bản dịch hiện hành) hay “Hẹn với thiếp ở chốn nào / Bèn hẹn ở núi Lũng Tây” (dịch sát nghĩa theo bản gốc của Đặng Trần Côn).
Đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, mô típ trông ngóng cũng được thể hiện đắc dụng. Khi Thúy Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, nàng âu sầu lên lầu trông tứ bề. Nhưng phía nào cũng mịt mù, mênh mông, khiến cho lòng nàng thêm sầu tủi, càng thấm thía thân phận càng nhỏ bé, bọt bèo của mình:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa Buồn trông mặt nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Trong Chinh phụ ngâm, trông ngóng có khi là đăng cao để ngắm trời sao:
Sửa xiêm, dạo bước tiền đường
Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẫn thờ Bóng Ngân hán khi mờ khi tỏ
Độ Khuê triền buổi có buổi không Thức mây đòi lúc nhạt, nồng
Chuôi sao Bắc Đẩu thôi đông lại đoài.
(Câu 311 – 315)
Chinh phụ không chỉ ngắm một lần mà còn lặp đi lặp lại nhiều lần, một mình đứng dõi sự biến đổi của các chòm sao, cảm nhận thời gian trôi qua.
Với Chinh phụ ngâm, chinh phụ trông người ở xa nên không gian mênh mông, bát ngát, tạo cảm giác sự xa cách muôn trùng. Trong khi đó, cung nữ là nỗi trông rất gần, trông xe vua đến nên tác giả lại khắc họa dáng trông ngóng nhiều hơn:
- Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ Gác thừa lương thức ngủ thu phong
(Câu 213 – 214)
- Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu
(Câu 229 – 230)
- Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ, Cành liễu mành bẻ thủa đương tơ.
(Câu 253 – 254)
Cung nữ không nhìn thấy cảnh mênh mông mà chỉ hiện lên với dáng vẻ bồn chồn, khắc khoải. Người cung nữ trông ngóng trong căn phòng nhỏ bé. Bởi vậy, không gian trong khúc ngâm là không gian phòng the cô quạnh: âm nhai, hang sâu, phòng tiêu, vách quế, cô phòng, phòng không…
Đêm tối luôn là thời gian của tâm trạng khi con người chỉ còn lại một mình, đối diện với bản thân mình nên tâm tư hiện lên rõ nhất. Trong thơ ca cổ điển, rất nhiều bài thơ thể hiện tâm trạng trong đêm. Nhân vật trữ tình thường suy tư về bản thân hoặc dậy lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người yêu. Đỗ Phủ từng có câu thơ: “Lộ tùng kim dạ bạch/Nguyệt thị cố hương minh” (Nguyệt dạ ức xá đệ). Đêm tối càng thích hợp hơn khi nhà thơ sử dụng như là không gian và thời gian khơi gợi tâm trạng của những người phụ nữ cô độc. Thơ Đường có những bài như Tử dạ ngô ca, Ô dạ đề… viết về nỗi niềm của người chinh phụ khắc khoải trong đêm. Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều đều sử dụng hiệu quả công thức này. Trong đêm, chinh phụ và cung nữ cảm nhận thấm thía nhất nỗi buồn xa chồng, nỗi thèm khát có đôi và nỗi tủi hờn về thân phận lẻ loi.
Đặt trong khung cảnh đêm tối, các tác giả lại sử dụng những hình ảnh gắn với kiểu thời gian này như “chiếc đèn”, “chiếc bóng”, “ánh trăng”, “bóng huỳnh” (đom đóm). Những hình ảnh này gợi lên sự cô độc, lẻ loi. Nguyễn Văn Trung trong Ca tụng thân xác cắt nghĩa về hình ảnh chiếc bóng: “Bóng do ánh sáng phản chiếu (ánh trăng, mặt trời) không đưa tới khám phá thân xác cho bằng đưa tới cảm thức về một số phận nào đó của mình. Người ta chỉ để ý tới bóng của mình khi đứng một mình bên cầu, bên thềm, lúc chiều tà trăng thanh. Cảnh đó, bóng đó thường gợi lên nỗi niềm cô độc và người cô độc coi bóng mình như bạn đường, như người tri kỷ để tâm sự, than vãn về thế sự, thăng trầm đổi thay” [51, tr. 37].
Đỗ Lai Thúy trong Nguyễn Gia Thiều – Đối thoại giữa người và bóng từng thống kê số lần xuất hiện hình ảnh chiếc bóng trong Cung oán ngâm khúc: “Thế giới của Nguyễn Gia Thiều tràn ngập những bóng: bóng dương (bóng người đàn ông, nhà vua): Cái đêm hôm ấy hôm gì/ Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng, Bóng dương bên ấy đứng trông bên này, bóng thỏ (mặt trăng): Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ; bóng đèn: Bóng đèn tà nguyệt tẻ mùi ký sinh / Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u; bóng nguyệt: Khi bóng nguyệt chênh vênh trước ốc, bóng bội hoàn (đồ trang sức bằng vàng ngọc): Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh; bóng huỳnh (đom đóm): Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh / Vách sương nghi ngút đèn xanh lờ mờ; bóng câu (bóng ngựa, bóng thời gian): Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi / Những hương sầu phấn tủi bao xong; bóng râm: Hang sâu chút hé mặt trời lại râm; chiếc bóng (chỉ người cung nữ):
lần lần; bào ảnh (bóng nước, bóng sáng): Sóng cồn cửa bể nhấp nhô / Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh; nhân ảnh (bóng người): Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương / Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm... Một thế giới trập trùng bóng”.
Chinh phụ và cung nữ đều một mình đối diện với chiếc đèn, chiếc bóng, chỉ có những vật ấy mới hiểu hết tâm sự sâu kín của họ. Bản thân họ cũng giống như những vật ấy, lẻ loi, leo lét thức trong đêm. Những hình ảnh này được lặp đi lặp lại trong hai khúc ngâm:
- Ngoài rèm, thước chẳng mách tin Trong rèm dường đã có đèn biết chăng? Đèn có biết dường bằng chẳng biết Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi. Buồn muôn nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người, khá thương.
Chinh phụ ngâm (câu 193 – 197)
- Lạnh lùng thay giấc cô miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u. … Một mình đứng tủi ngồi sầu
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa.
Cung oán ngâm khúc (câu 227 – 332)
- Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ Vẻ tiêu hao lại võ hoa đèn
Cung oán ngâm khúc (câu 301 – 302)
- Đêm phong vũ lạnh lung có một, Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh Vách sương hót gió đèn xanh lờ mờ.
Cung oán ngâm khúc (câu 345 – 348)
Trong khúc ngâm của người cung nữ, đêm tối dường như kéo dài triền miên. Căn phòng của cung nữ có thể là nơi lộng lẫy, cao sang nhưng luôn được ví với hang sâu âm u:
- Hang sâu chút hé mặt trời lại râm. - Đuốc vương giả chí công là thế Chẳng soi cho đến khóe âm nhai.
Căn phòng lạnh lẽo ấy lại được đặt trong đêm tối âm u. Nếu như ở Chinh phụ ngâm, ngoài đêm còn có nhiều hình ảnh chiều, hoàng hôn là thời gian gợi nhớ chồng, gợi nhớ sự khao khát đoàn tụ thì ở Cung oán ngâm khúc, lại dày đặc thời gian đêm tối. Bởi đêm khuya là lúc cung nữ có thể được vua vời tới ban ân điển, mưa móc hoặc sẽ là thời gian trông ngóng, cô đơn nhất. Người cung nữ đã bị thất sủng nên đêm tối trở nên kéo dài triền miên. Nỗi niềm dường như đều được bộc bạch trong khung cảnh đêm thâu. Cung nữ cảm nhận rất rõ ràng và sâu sắc về sự kéo dài của đêm cũng như cảm giác quạnh vắng, lạnh lẽo, thê lương:
- Trong cung quế âm thầm chiếc bóng Đêm năm canh trông ngóng lần lần
(Câu 209 – 210)
- Đêm năm canh lần nương vách quế
(Câu 237)
- Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền
(Câu 226)
- Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.
(Câu 219 – 221)
3.2.3. Mô típ đếm thời gian
Cảm thức về thời gian luôn có trong thơ ca cổ điển. Các nhà nghiên cứu thường nói đến kiểu thời gian tâm lý “ba thu dồn lại một ngày dài ghê” (Truyện Kiều). Nhân vật trữ tình luôn được đặt vào một thời gian nào đó, thường là những kiểu thời gian gợi tâm trạng như mùa thu, mùa xuân, chiều muộn, hoàng hôn, đêm thâu…. Vì vậy trong thơ trữ tình thường có những bài mang tiêu đề gắn với thời gian như Xuân tứ, Thu tứ, Dạ đề…
Các tác giả xưa cũng thường dùng hình ảnh ước lệ để chỉ thời gian như bóng câu qua cửa, thoi đưa, sương sao; những hình ảnh tượng trưng cho mùa như hoa đào, chim oanh, quyên ca… Trong thơ ly biệt, thường có mô típ nhân vật trữ tình đếm thời gian, cảm nhận sự biến đổi của thời gian qua hình ảnh thiên nhiên ước lệ. Trong hai khúc ngâm, mô típ đếm thời gian cũng được sử dụng rất hiệu quả vì các tác phẩm này đều diễn tả sự trông ngóng của người phụ nữ xa chồng. Nỗi ngóng đợi được nhấn mạnh, khắc sâu qua cách cảm nhận về thời gian đằng đẵng. Mô típ đếm thời gian được sử dụng với tần suất dày đặc trong hai tác phẩm.
Nhân vật đếm thời gian theo năm:
- Nhớ chàng trải mấy sương sao (mấy năm) Xuân từng đổi mới, đông nào có dư?
Kể năm đã ba tư cách diễn
Rối lòng thêm nghìn vạn ngổn ngang
Chinh phụ ngâm (Câu 163 – 164)
- Một năm một, nhạt mùi son phấn Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi
Chinh phụ ngâm (câu 317 – 318)
- Huống chi cũng lạm phần son phấn Luống năm năm chịu phận buồng không.
Cung oán ngâm khúc (câu 313 – 314)
Đếm thời gian theo mùa trôi qua:
- Thủa lâm hành, oanh chưa hót liễu Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca ….
Nay đào đã quyến gió đông Phù dung lại rã bên sông, ba xòa.
Chinh phụ ngâm (Câu 125 – 126)
- Trải mấy xuân, tin đi tin lại, Tới xuân này, tin hãy vắng không Thấy nhàn, luống tưởng thư phong
Nghe hơi sương, sắm áo bông, sẵn sàng.
Chinh phụ ngâm (câu 177 – 180)
Đếm thời gian theo giờ, khắc, đêm:
- Khắc giờ đằng đẵng như niên Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Chinh phụ ngâm (câu 203 – 204)
- Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền.
Cung oán ngâm khúc (câu 225 – 226)
- Đêm năm canh lần nương vách quế
Cung oán ngâm khúc (câu 237)
Nhân vật đếm thời gian lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Thời gian trôi đi tạo nên cảm giác về sự xa cách biền biệt, sự ngóng trông đến mòn mỏn, khắc khoải của chinh phụ và cung nữ. Ở cung nữ, thời gian trong đêm tối thường được sử dụng nhiều hơn. Cung nữ đếm từng canh giờ, mòn mỏi đợi chờ trong mỗi đêm khiến một đêm luôn kéo dài lê thê. Thời gian được nhắc đến trong hai khúc ngâm đều không cụ thể mà chủ yếu là thời gian ước lệ, thời gian tâm lý. Thời gian chờ đợi trôi đi rất chậm: “Khắc giờ đằng đẵng như niên” nhưng thời gian tuổi trẻ lại vùn vụt trôi qua: “Thoi đưa ngày tháng ruổi mau” hay “Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi / Những