1.2.1. Khái niệm
Cung nữ là loại nhân vật đặc biệt trong giới phụ nữ phong kiến. Khác với chinh phụ là một kiểu người của thời chiến, cung nữ là lớp người trong xã hội phong kiến, có quy mô nhỏ hẹp nhưng lại ẩn chứa nhiều điều phức tạp. Theo Từ điển tiếng Việt: “Cung nữ là người con gái phục vụ trong cung vua thời phong kiến”(1)
. “Cung nữ” thường được hiểu là chỉ những cô gái chưa chồng và có nhan sắc được tuyển vào cung làm thiếp và sinh con cho vua. Cung nữ cũng có thể được coi là những người vợ lẽ của vua. Nhưng khác với thường dân, số vợ lẽ này có khi lên đến hàng trăm, hàng nghìn người. Chế độ cung nữ của đế vương bắt nguồn từ chế độ đa thê trong xã hội nam quyền và hoàng đế là trường hợp điển hình nhất.
Tùy từng triều đại, cung nữ được gọi theo các danh xưng khác nhau. Chẳng hạn như cung tần mỹ nữ, phi tần mỹ nữ, cung phi… Ở một số triều đại, như triều Nguyễn, từ “cung nữ” lại được dùng theo nghĩa chung để chỉ cung tần mỹ nữ và cả những người hầu hạ trong cung với bổng lộc ít hơn rất nhiều. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan giải thích về chế độ cung nữ triều Nguyễn: “Cung nữ trong triều có hai loại danh phận nhưng đều là những người hầu hạ vua và gia đình nhà vua. Thứ nhất đó là những người con gái còn trinh, được vua tuyển vào để có quan hệ hôn nhân với vua. Thứ hai là được tuyển vào để hầu hạ cho gia đình vua, được gọi là cung nữ hay thị nữ, phục vụ việc vặt như quạt, têm trầu, đấm bóp. Do họ là những người không có địa vị trong xã hội phong kiến ngày xưa nên rất ít tài liệu ghi chép về họ [38, tr.1]. Cung nữ được nhắc đến trong Cung oán ngâm khúc được dùng với nghĩa là phi tần mỹ nữ, được tuyển vào để làm vợ vua. Ở đây, chúng tôi cũng mặc định sử dụng từ cung nữ theo nghĩa này.
Cung nữ gồm nhiều cấp bậc. Họ có danh phận, bổng lộc, có thể được thăng, giáng chức tùy theo sự sủng ái của vua. Cung nữ có địa vị đặc biệt vì là thiếp của đế vương với quyền lực cao nhất. Họ có những ân sủng, bổng lộc mà một phụ nữ bình thường không thể có được. Tuy nhiên sống trong chốn cung cấm nhiều phép tắc, ganh đua, âm mưu, giữa hàng trăm nghìn cung tần khác, họ chịu rất nhiều thiệt thòi, đau khổ, thăng trầm, có khi được lên đến đỉnh cao danh vọng, có khi chịu cảnh cô đơn cho đến khi già, thậm chí còn bị giam ở lãnh cung hoặc bị bức chết nếu phạm vào những điều cấm kỵ trong cung.
Cung nữ là từ du nhập từ Trung Quốc. Ở Trung Quốc, chế độ cung nữ chính thức bắt đầu từ thời nhà Tần, kéo dài hàng trăm năm cho đến khi kết thúc thời phong kiến. Việt Nam khi xây dựng chế độ phong kiến, triều đình cũng được thiết lập dựa theo mô hình triều đình Trung Quốc. Cung nữ bởi vậy có thể xuất hiện từ thời Đinh và tan rã khi Bảo Đại thoái vị năm 1945, chấm dứt chế độ phong kiến kéo dài gần 1.000 năm. Ngay từ thời Bảo Đại, số lượng cung tần mỹ nữ đã hạn chế rất nhiều bởi vị vua này ảnh hưởng của văn hóa Tây sau khi đi du học tại Pháp. Khi yêu Nam Phương hoàng hậu, Bảo Đại đã thề sẽ chỉ lấy mình nàng, công khai phê phán và bãi bỏ chế độ đa thê. Trong Con rồng An Nam, Bảo Đại viết: “Nhân bàn đến vấn đề nạp phi, tôi tuyên bố thẳng: Tôi phá bỏ cái tục đa thê của người Việt”.
Có thể nói, cung nữ là kiểu nhân vật gắn với lịch sử triều đình phong kiến. Sau nghìn năm, họ cũng kết thúc số phận khi chế độ tan rã. Cung nữ giờ không còn nhưng số phận của họ có sức hấp dẫn và ám ảnh người đời sau qua các tác phẩm văn học và sự tái hiện trên phim ảnh.
1.2.2. Chế độ cung nữ và số phận của họ trong lịch sử
1.2.2.1. Trong lịch sử Trung Quốc
Hoàng đế Trung Quốc nổi tiếng vì nhiều thê thiếp. Theo các ghi chép của sử gia, Tần Thuỷ Hoàng có đến ba nghìn cung nữ. Doanh Chính đã cho xây 270 tòa cung điện ở một vùng rộng 200 dặm tại Hàm Dương, mỗi tòa chứa đầy mỹ nữ, số lượng không dưới một vạn. Thời Hán Vũ Đế, con số cung nữ lên tới 18.000. Vua
Thành đế, Hoàn đế có tới 5.000 phi tần. Tấn Võ đế Tư Mã Viêm có hơn một vạn. Chuyện Hán Vũ đế ghi: Bề trên (Hán Vũ đế) có thể 3 ngày không ăn mà không thể một ngày không có đàn bà. Ông xây cung Quang Minh, đưa vào đó 2.000 mỹ nữ người Yên, Triệu, tuổi 15-20, người đủ tuổi 30 cho lấy chồng. Đời Đường, Đường Thái Tông đuổi cung nhân ra hai lần, mỗi lần 3 nghìn.
Một ông vua độc chiếm tới hàng nghìn, hàng vạn người đẹp, điều vô lý này lại được pháp luật phong kiến chấp nhận, ủng hộ. Bởi vua là người có quyền lực tối cao, họ tự coi mình là thiên tử, bá chủ thiên hạ. Như câu nói: “Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân mạc phi vương thần” (Khắp thiên hạ không có đất nào không phải đất của nhà vua, người ở trên đất ấy không ai không phải thần dân của vua). Cả gầm trời này đều là của đế vương, tất nhiên tất cả người đẹp đều là người của một người. Vua có thể lấy bất cứ ai họ thích dù đối phương có đồng ý hay không và họ gọi đó là ân điển. Vua tuyển chọn nhiều người đẹp vì muốn đẻ thật nhiều con cái, có người nối dõi. Tuy nhiên, mục đích trước mắt là các hoàng đế lấy nhiều thê thiếp để thỏa mãn sự dâm dục không giới hạn. Cung nữ thực chất là công cụ ăn chơi của vua. Chính vì ham sắc dục mà các hoàng đế Trung Quốc chết sớm rất nhiều. “Trong hơn 300 vị hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc, hơn 65% sống không quá bốn mươi tuổi. Trong 19 hoàng đế đời Bắc Ngụy, đã tới 10 chết trước năm 30 tuổi” [25, tr. 9]. Nhiều vị vua dâm dật và đối xử với cung nữ rất độc ác. Trong Bạo chúa Trung Hoa có đoạn kể: “Tôn Hạo còn ra lệnh cho đào sông dẫn nước vào cung Chiêu Minh, khi không vừa ý cung nữ nào, liền đem ra chém vứt xuống sông hoặc dìm xuống nước cho đến chết” [40, tr. 89]. Tần Thủy Hoàng từng chôn sống 3 nghìn nhan sắc yêu kiều trong cung A phòng.
Hoàng thượng chọn cung nữ thông qua những đợt tuyển chọn khắt khe, quy mô lớn. Sử sách đã ghi những đợt tuyển chọn đại quy mô thời Hán, thời Minh. Chẳng hạn đời Minh Hiến Tông, Thiên Khải nguyên niên (1620): “Lần ấy, có tới 5.000 cô gái tuổi từ 13 đến 16, tập trung về hoàng cung. Ngày thứ nhất loại bớt những người quá cao, quá lùn, quá mập, quá gầy đã hơn 1.000 người. Ngày thứ hai còn lại 4.000
người vào phúc tuyển bị quan sát kiểm tra kỹ từng bộ phận, chỉ cần hơi có khuyết điểm là bị loại, còn lại hơn 2.000 người. Ngày thứ 3 chọn lọc lại lần nữa, bọn thái giám xét nét xăm xoi từng chút một, lần này chỉ còn lại 1.000 người, được tiến cung toàn bộ. Vào cung rồi lại có các cung nhân cao tuổi thẩm tra, từ 1.000 người chỉ chọn được 300 người, 300 nữ nhân ấy đều trở thành hạng cung nữ cấp thấp nhất. Một tháng sau lại tuyển chọn 300 cung nữ ấy lần nữa, chủ yếu là xét về mặt nhân phẩm tính tình, cuối cùng chọn ra 50 người đẹp nhất được phong làm hạng phi tần và chính thức được làm thê thiếp hoàng đế” [25, tr. 12]. Những người được chọn hẳn phải có sắc nước hương trời, tài sắc toàn vẹn đến nhường nào. Thế nhưng khi đã được vào cung, không phải mỹ nữ nào cũng được hưởng ân điển của nhà vua.
Địa vị, sinh hoạt của các cung nữ khác nhau do sự đãi ngộ của hoàng đế: Có người đạt đến địa vị cao sang, có người đau khổ cả đời, có người từng được sủng ái mà kết cục bi thảm. Nhìn bên ngoài, họ được ăn mặc lụa là gấm vóc, ăn sơn hào hải vị, làm vẻ vang dòng họ, nhưng thực tế, họ chịu rất nhiều nỗi khổ. Trước tiên đó là nỗi khổ về sinh lý. Có hàng trăm nghìn cung nữ cùng phục vụ cho một ông chồng. Vì vậy có người hàng năm trời không thấy mặt vua. Đã vậy, không phải vị vua nào cũng sung sức. Họ cũng là người bình thường, thậm chí một số người thể lực kém bình thường. Làm sao họ thỏa mãn sinh lý và tâm lý hết cho các người đẹp? Trịnh Huyền thời Hán chú thích Lễ ký có viết: “Chu Thiên tử có 120 thê thiếp ban đêm cùng ngủ với thiên tử theo thời gian quy định rất nghiêm khắc, căn cứ vào địa vị các thê thiếp mà quyết định thời gian được cùng ngủ với vua ngắn hay dài. Thí dụ như 30 ngày trong một tháng, một mình vương hậu được chiếm hai đêm, ba phu nhân chiếm hai đêm, chín tần chiếm hai đêm, 27 thế phụ chiếm sáu đêm, 81 nữ ngự chiếm 18 đêm. Như vậy người chiếm ưu thế nhất tức là hoàng hậu cũng chỉ nửa tháng mới đến phiên mình vào hầu vua, còn các tần, thế phụ, nữ ngự cứ nửa tháng, 9 người chia nhau một lần” [25, 16].
Chuyện có cung nữ cả đời không thấy mặt vua không phải là chuyện hiếm. Có người héo hon trong cung, không được thấy mặt vua cho đến chết. Có người từng
một thời được sủng ái nhưng khi có tuổi, nhan sắc tàn phai, bị lãng quên. Như Trần Hoàng hậu của Hán Vũ đế, không tiếc bỏ ra 300 cân vàng mời Tư Mã Tương Như làm bài Trường môn phú, khắc họa cuộc sống cô đơn sầu tủi của bà trong cung Trường Môn. Vũ Đế xem xong cảm động, trở lại yêu thương bà nhưng sau lại chán. Sau bà bị phế ngôi hoàng hậu, về cung lạnh lẽo. Theo sử ghi, trong hậu cung Đường Thái Tông, cung nữ rất nhiều, có nhiều người tiến cung lúc 12, 13 tuổi, đến 35, 36 vẫn chưa được gặp mặt vua một lần. Đường Thái Tông nghe lời khuyên của Trưởng tôn hoàng hậu, một lần cho về đến 3.000 cung nữ. Đến khi vua mất, các phi tần chưa có con cũng không thể lấy chồng khác như bao phụ nữ dân dã. Họ bị đưa vào chùa, cắt tóc làm ni cô.
Các cung nữ phải chờ đợi, trông ngóng vua cả đời và chỉ được thờ một người cho đến chết. Để thoát khỏi cảnh trống trải, giành được sự yêu chiều của vua, tìm cách thăng tiến, các cung nữ phải đấu đá nhau, có khi cái giá phải trả là mất mạng. Triệu Phi Yến cùng em gái Triệu Hợp Đức dùng mọi thủ đoạn để lên ngôi hoàng hậu của Hán Thành đế. Sau vì không có con mà đang tâm giết hết những bà phi đang mang thai, sinh con nhỏ. Đến thời Bình đế, bà bị truy cứu tội danh, bị ép tự sát. Chuyện Quách Thị bức chết hoàng hậu của Tào Phi, chuyện Võ Tắc Thiên khi ấy đang là Chiêu nghi, vu oan hãm hại hoàng hậu để được lên địa vị cao nhất. Những cuộc chiến âm thầm chốn hậu cung hẳn đời nào cũng có.
Tác giả cuốn Bí mật Hoàng hậu cung phi Trung Quốc từng tổng kết, các phi tần mỹ nữ muốn được vua sủng ái cần có các yếu tố: sắc, đức, có con và có quyền thế. Đâu phải cung nữ nào cũng may mắn có đủ các yếu tố trên. Vì vậy, họ dễ bị vua thất sủng, bỏ quên, thậm chí bị những người đẹp khác hãm hại, đẩy xuống chốn lãnh cung cho đến chết.
Chế độ cung nữ là một đặc trưng của vị hoàng đế thời phong kiến. Trong suốt hơn nghìn năm lịch sử, hoàng đế Trung Quốc nổi tiếng là nhiều thê thiếp. Giữa hàng ngàn, hàng vạn cung nữ, có mấy người được vua sủng ái và trở thành phi tần? Những số phận đau khổ của các người đẹp chốn hậu cung nhiều không kể xiết. Thế
nhưng, sống trong xã hội nam quyền với chế độ đa thê và sự độc tôn của hoàng đế, những người đẹp không thoát khỏi cảnh ngộ này. Nỗi niềm bất hạnh của mỹ nữ làm rung động trái tim của các thi nhân có dịp vào chốn cung đình. Bởi vậy đã có biết bao bài thơ của các thi sĩ Trung Quốc viết về đề tài này, cám cảnh số phận của họ.
1.2.2.2. Trong lịch sử Việt Nam
Các vua Việt Nam xây dựng triều đình theo mô hình Trung Quốc bởi vậy cũng có chế độ hậu phi tương tự. Theo sự phát triển của các triều đại, số lượng cung phi ngày càng tăng lên. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, thời Lý Thái Tông (1028 – 1054) số hậu và phi là mười ba người, ngự nữ mười tám người, nhạc kỹ một nghìn người. Trong Việt Nam phong sử có ghi: “Đời nhà Lê, thường tuyển mỹ nữ vào hầu trong cung nhiều đến hàng trăm, có người suốt đời không được vua vời! Cho nên trong cung đương thời có những thi khúc gọi là “đại thạch”, tiếng hát não nuột và ai oán. Nhà Trịnh, số mỹ nữ bị bức vào phủ chúa, theo lời một giáo sĩ Tây phương tên là Saint Phalles, có tới ba bốn trăm (không kể cung nữ của vua Lê)” [50, tr. 21].
Đàng Trong, dưới thời chúa Võ Vương cũng có đến ba trăm cung nữ(1)
. Triều Nguyễn: “Trong đời sống thường nhật, có lẽ vua Minh Mạng là người được hưởng nhiều thú vui nhất trong các vua Nguyễn ở chốn phòng the. Số phi tần trong cung vua chưa rõ bao nhiêu, chắc phải đến, 5 – 6.000 người. Năm Minh Mạng thứ 6, mùa xuân tháng giêng, trong kinh kỳ ít mưa, nhà vua lấy làm lo, chỉ dụ cho quan thượng Bảo khanh là ông Hoàng Quỳnh rằng: hai, ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ tự đâu mà đến thế nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là trong thâm cung, cung nữ nhiều mà âm khí uất tắc mà nên như vậy ư? Nay bớt đi cho ra 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy”, [4, tr. 26].
Số lượng cung nữ trong triều chắc hẳn không thể bằng các vị vua Trung Quốc nhưng kiểu ăn chơi và sự tàn ác có thể không kém. Theo Việt Nam sử lược của Trần
(1) Theo cuốn Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Hà Nội, 1944, tr. 75, thì giáo sỹ Koffler rất được Võ Vương tin dùng. Ông này có thể tự do ra vào cung vua cũng như nơi ba trăm cung tần ở.
Trọng Kim, Lê Long Đĩnh (trị vì 1005 – 1009) vì hoang dâm quá độ nên lâm triều không đủ sức ngồi mà phải “ngọa triều”. Từ thời Lê Uy Mục, Lê Tương Dực trở đi, việc ăn chơi của các vua chúa trong cung cấm mới trở nên gay gắt. Lê Duệ (Uy Mục đế, ở ngôi từ 1505 – 1509) đêm nào cũng cùng bọn cung nhân say rượu tuý luý, khi say giết cả người hầu. “Lê Tương Dực tuy để các quan ra văn thư làm phép khuôn mẫu cho việc trị bình muôn đời, cấm các quan không được sai người dắt mối đĩ để vui chơi, nhưng có sẵn người thì cũng không nề hà gì không hưởng thụ. Vua sai bọn nữ sử (đàn bà con gái trong cung) trần truồng chèo thuyền chơi trên hồ Tây… vua cùng đi chơi thích lắm” [52, tr. 77].
Trong Hoàng Lê nhất thống chí do Ngô Thì Chí viết, ghi chép chuyện vua Lê Cảnh Hưng đã huy động hàng trăm cung nữ bày thế đánh trận Ngụy - Thục - Ngô để mua vui. Chính Trịnh Giang vì hoang dâm vô độ. Trịnh Sâm cũng do ăn chơi quá nhiều mà mắc bệnh sợ nắng, gió, suốt ngày phải đóng cửa, thắp nến ở trong cung... “Thời Lê – Trịnh chế độ cung nữ lại đặc biệt vô nhân đạo. Có khi cha, con, cháu cùng dùng chung một số. Mỗi đời lại tuyển thêm một số mới. Số cung nữ tiến cung mỗi ngày một nhiều. Nhưng cứ ba bốn đời, bọn vua chúa mới chịu thải hồi bớt” [50, tr. 21].
Sự ăn chơi, hưởng lạc của vua chúa được thể hiện ngay ở tên gọi của các cung,