P. aeruginosa đề kháng tự nhiên với khá nhiều loại KS thông dụng, nhất là những chủng gây nhiễm trùng bệnh viện [19]. Tuy vậy, vẫn còn một số KS có hiệu quả điều trị tốt như các penicillin bán tổng hợp (ticarcillin), ureidopenicillin (piperacillin), cephalosporin thế hệ 3(ceftazidim), carbapenem( imipenem, meropenem), monobactam(aztreonam), aminoglycosid (amikacin, gentamycin), ciprofloxacin và polymyxin (polymycin B và colistin).
1.5.4 Acinetobacter:
Acinetobacter spp đề kháng với nhiều loại KS khác nhau. Kể từ những năm 1975, các chủng Acinetobacter spp ngày càng kháng lại nhiều KS. Trong các báo cáo giám sát gần đây, các chủng phân lập được trên lâm sàng đã kháng lại nhiều KS như aminoglycosid, cephalosporin thế hệ ba, fluoroquinolon, penicillin phổ rộng và các monobactam. Tỷ lệ đề kháng với ciprofloxacin, gentamycin, piperacillin và ceftazidim trong một nghiên cứu tiến hành trên 100 khoa hồi sức cấp cứu ở năm nước châu Âu là hơn 50% [79]. Ở các nước khác nhau thì kiểu cách đề kháng khác nhau tuỳ thuộc vào các loài và sự khác biệt về sử dụng KS. Một nghiên cứu ở Anh gần đây với hơn 595 chủng Acinetobacter spp được phân lập cho thấy 89% các chủng A. baumannii đề kháng với ceftazidim và hơn 40% đề kháng với ciprofloxacin hoặc gentamycin [45]. Nhóm carbapenem là KS có hiệu lực mạnh nhất nhưng một số báo cáo mới đây cũng cho thấy ngày càng có nhiều chủng kháng lại với các KS nhóm này, đặc biệt là imipenem và meropenem [45], [79].
Một số nghiên cứu trong nước như nghiên cứu của tác giả Ngô Chí Cương về NTH do A. baumannii tại bệnh viện Bạch mai (2008) cho thấy nhóm cephalosporin thế hệ 3,4 bị đề kháng với tỷ lệ rất cao: ceftazidime 71,4%, ceftriaxone 77,9%, cefepime 73%. Nhóm fluoroquinolon cũng bị đề kháng cao: ciprofloxacin 70,9%, levofloxacin 78,7%. Ngay cả nhóm KS mới như carbapenem thì tỷ lệ đề kháng imipenem tới 42,8% [5].
Hiện nay, tỷ lệ A. baumannii đa kháng KS ngày càng cao, đặc biệt ở các khoa hồi sức tích cực [79]. Trong trường hợp này, chỉ có KS colistin là có tác dụng với A. baumannii [45], [79]. Các loài Acinetobacter khác như
Acinetobacter lwoffii, Acinetobacter junii, Acinetobacter johnsonii thường ít liên quan đến nhiễm trùng bệnh viện và thường nhạy cảm với KS [28].
1.5.5 Enterobacter:
Enterobacter kháng các KS nhóm beta - lactam do sinh men beta - lactamase được mã hoá bởi các gen nằm trên plasmid; đề kháng các KS nhóm cephalosporin do sinh cephalosporinase, enzym này được mã hoá trên nhiễm sắc thể [7].
Enterobacter thường đề kháng với nhóm aminosid: với amikacin là 1,5%, gentamycin là 50% -55%; đề kháng với fluoroquinolon từ 10% - 25% [21].
1.5.6 S. aureus:
Từ những năm 1940, người ta đã thấy những chủng S. aureus kháng penicillin, sau khi KS này được đưa vào sử dụng. Sự kháng methicillin và các KS khác thuộc nhóm beta - lactam cũng bắt đầu xuất hiện, sau khi methicillin được sử dụng [4]. Báo cáo của WHO (1997) cho biết tỷ lệ S. aureus kháng methicillin (MRSA: Methicillin resistance staphylococcus aureus) thay đổi theo từng khu vực. Tỷ lệ S. aureus phân lập từ máu sinh beta - lactamase cũng thay đổi theo từng nước. Báo cáo cho thấy rằng các KS methicillin, amikacin, gentamycin, fluoroquinolon có tỷ lệ kháng cao ở Trung quốc từ 71,7% - 84,2%, ở Việt nam tỷ lệ kháng các KS này thay đổi từ 8,9% - 30,3% [10].
Tác giả Maple và cộng sự đã nghiên cứu sự kháng thuốc của 106 chủng
S. aureus kháng methicillin từ 21 nước trên thế giới và đã công bố rằng sự đề kháng lại gentamycin, amikacin hoặc erythromycin được ghi nhận trên 90% các chủng. Mức độ đề kháng các KS khác như sau: clindamycin 60%, chloramphenicol 39%, tetracyclin 86%, ciprofloxacin 17%, nhưng tất cả các chủng này đều nhạy với vancomycin [60].
Tác giả May khi nghiên cứu nhiễm khuẩn tụ cầu ở 15 khoa nhiễm khuẩn ở Pháp cho thấy hơn 90% các chủng này kháng gentamycin và quinolon, 80% kháng lại clindamycin. Cũng như tác giả Maple, tác giả May không thấy có sự kháng lại các glycopeptid như vancomycin và teicoplanin [62].
Ở nước ta, vấn đề kháng KS của S. aureus cũng được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu. Mặc dù tỷ lệ kháng còn khác nhau đối với từng loại KS ở từng nghiên cứu nhưng nhìn chung đều thấy rằng hiện nay tụ cầu vàng đã kháng với nhiều loại KS cũ như: penicillin, ampicillin, chloramphenicol, tetracyclin.... Tụ cầu vàng với một số KS còn nhạy cảm cao như oxacillin, cephalotin, gentamycin, vancomycin, … [1], [15], [21], [26], [31].
1.5.7 S. pneumoniae:
Phế cầu nói chung vẫn là một VK còn nhạy cảm với các KS thường dùng. Người ta thường dùng penicillin, cũng có thể dùng cephalosporin. Điều đáng lưu ý ở đây là sự kháng KS của phế cầu ngày càng tăng, đặc biệt với penicillin, chloramphenicol và cotrimoxazol [3].
Nhiều chủng S. pneumoniae kháng KS xuất hiện trong những năm đầu 1970 ở Papua New Guinea và Nam Mỹ, nhưng nhiều loại kháng KS hiện nay xuất hiện khắp toàn cầu và tăng rất nhanh từ 1995. Theo sau sự kháng lại penicillin là sự kháng lại cephalosporin và nhiều loại thuốc khác. Tỷ lệ kháng penicillin tăng từ dưới 0,02% ở năm 1987 lên 3% ở năm 1994 và 30% ở một số cộng đồng ở Mỹ và 80% ở một số nước khác vào năm 1998. Sự kháng lại
một số KS khác xuất hiện đồng thời: cotrimoxazol 26%, cefotaxim 9%, macrolide 30% và 25% kháng lại nhiều loại thuốc khác [3].
Ở Việt nam trong những năm gần đây đã có hiện tượng S. pneumoniae
kháng với nhiều KS thường dùng như chloramphenicol, cotrimoxazole, erythromycin. Nghiên cứu của tác giả Lê Đăng Hà và cộng sự tỷ lệ kháng KS của S. pneumoniae năm 1997: cotrimoxazol 66%, erythromycin 30,5%, chloramphenicol 45% [9].
1.5.8 Enterococcus:
Là tác nhân gây bệnh khá quan trọng trong nhiễm khuẩn tim mạch cũng như các nhiễm trùng gan mật. Các trường hợp NTH do VK này có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng nặng với tỷ lệ tử vong cao hơn 30%. Gần đây, đã xuất hiện các chủng kháng lại các KS nhóm beta - lactam và aminosid làm cho việc điều trị NTH do VK này ngày càng khó khăn.
Theo WHO (1997) về mức độ đề kháng của Enterococcus với KS cho thấy tỷ lệ kháng ampicillin thay đổi tuỳ theo từng quốc gia: Ở Hàn quốc là 29%, ở Philippin là 21%, ở Singapore là 13,9% còn ở Việt nam là 15%. Tỷ lệ kháng vancomycin cũng vậy: ở Hồng kông và Singapore không thấy có chủng nào kháng vancomycin nhưng ở Philippin có 9,4% chủng Enterococcus spp
kháng vancomycin và ở Việt nam con số này là 17,5% [74].
Tại Việt nam, nghiên cứu của Đoàn Mai Phương (2003) tại bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỷ lệ Enterococcus đề kháng ampicillin là 20,8%.
Enterococcus nhạy cảm vừa với fluoroquinolon. Tỷ lệ đề kháng norfloxacin là 50% và ciprofloxacin là 40%. Nghiên cứu của tác giả không thấy xuất hiện các chủng Enterococcus kháng vancomycin [22].
CHƯƠNG 2
ĐỐI TƯỢNG, VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU