K pneumoniae:

Một phần của tài liệu Vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết và mức độ kháng kháng sinh của chúng tại bệnh viện Bạch Mai từ 01-01-2011 đến 30-06-2011 . (Trang 78)

Cùng với E.coli, K. pneumoniae cũng đang ngày càng đề kháng lại nhiều loại KS thông thường. Tuy nhiên, mức độ nhạy cảm với các nhóm KS của K. pneumoniae trong nghiên cứu này còn khá tốt. Ở hai nhóm aminoglycoside và fluoroquinolon, tỷ lệ nhạy cảm đối với từng loại KS trong hai nhóm này là tương đối cao giống nhau ở mức 81,8%. So với E. coli, K. pneumoniae ít đề kháng hơn với nhóm cephalosporin thế hệ 2, thế hệ 3 (18,2%). VK cũng đề kháng thấp với KS ức chế beta - lactamase. Carbapenem vẫn là nhóm KS có tác dụng tốt. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện 9,1% tỷ lệ VK trung gian với ertapenem (bảng 12).

Qua bảng kết quả có thể thấy, ở cả 3 nhóm KS có tỷ lệ đề kháng tương đối giống nhau (18,2%). Điều đáng lo ngại là sự đề kháng KS xuất hiện ngày càng tăng và ở cả nhóm B hay C. Như vậy, trong trường hợp cần chọn KS bổ sung hay thay thế cho nhóm A sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhóm B, C cũng xuất hiện tỷ lệ đề kháng tương đối lớn.

4.3.3 Kết quả xác định ESBL ở hai chủng E. coli và K. pneumoniae:

Kết quả ở bảng 13 cho thấy tỷ lệ sinh ESBL ở hai chủng là 35,4%.

K. pneumoniae, E. coli tiết men beta - lactamase phổ rộng đề kháng lại các thế hệ cephalosporin, kể cả thế hệ 3 và 4. Khả năng sản sinh ESBL lan truyền nhanh chóng giữa các VK chủ yếu qua trung gian plasmid [96]. Tỷ lệ phân lập khác nhau rất nhiều trên toàn thế giới, trong khu vực địa lý và đang nhanh chóng thay đổi theo thời gian. Tại Hoa Kỳ từ năm 1990 - 1993 một chương trình khảo sát của các đơn vị chăm sóc đặc biệt của 400 bệnh viện ghi nhận sự gia tăng từ 3,6% - 14,4% các chủng sinh ESBL của K. pneumoniae. Số liệu gần đây từ chương trình này cho thấy vào năm 2003, có 5,8% chủng E. coli

được phân lập từ khoa hồi sức tích cực và 20,6% K. pneumoniae có khả năng sản xuất ESBL. Tại Việt Nam, một nghiên cứu đa trung tâm tìm hiểu tình hình đề kháng các KS trên các trực khuẩn Gram (-) được công bố năm 2009 đã cho thấy một tỷ lệ rất đáng báo động với VK E. coli (63,8%), K. pneumoniae (66,4%) sinh ESBL [30]. Các nghiên cứu cũng cho thấy, có mối liên quan rõ ràng giữa mức độ đề kháng và việc tăng sử dụng cephalosporin hoạt phổ rộng, đặc biệt là ceftazidime. Điều này đã tạo nên một áp lực chọn lọc cho sự xuất hiện các chủng ESBL. Ngoài ra, việc sử dụng KS không theo hướng dẫn có thể dẫn đến hiện tượng ‘tổn hại phụ cận” (collateral damage), nghĩa là khi lạm dụng KS này để điều trị sẽ dấn đến hiện tượng một số VK tăng khả năng đề kháng với nhóm KS khác. Các VK E. coli, K. pneumoniae

một khi đã tiết được ESBL thì sẽ không chỉ đề kháng được với các KS thông thường hay KS cephalosporin tất cả các thế hệ mà còn có thể đề kháng lại với các aminoglycoside, fluoroquinolon, tetracyclin và cotrimoxazol [30], [43].

Việc phân lập được các chủng sinh ESBL trong máu lại càng làm cho việc điều trị NTH trở nên gặp nhiều khó khăn do sự đề kháng với nhiều loại KS. Giải pháp điều trị KS hữu hiệu trong trường hợp này là sử dụng nhóm carbapenem hoặc các beta - lactam phối hợp với chất ức chế beta - lactamase

như acid clavulanic, sulbactam hay tazobactam [57].

Một phần của tài liệu Vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết và mức độ kháng kháng sinh của chúng tại bệnh viện Bạch Mai từ 01-01-2011 đến 30-06-2011 . (Trang 78)