trường và mỗi khi gặp ai em hãy chào hỏi họ, chẳng hạn em nói: “Em chào thầy S” hoặc “Chào cô H. Cô mặc chiếc áo dài đẹp quá”.
Thầy hi vọng khi trở nên từng trải hơn trong cuộc sống, các học sinh của thầy sẽ học cách nhận biết những người sống và làm việc quanh mình và cố làm cho những người mới vào làm hay nơi họ sống cảm thấy thoải mái và thân thiện với môi trường quanh
mình. Thầy muốn các học sinh tập thói quen học biết tên của những người quanh chúng và luôn cố gắng tỏ ra thân ái, lịch sự với mọi người. Thầy nghĩ điều ấy làm cho môi trường sống và làm việc sẽ thoải mái, vui thích hơn và mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong những môi trường này.
Thầy nghe nhiều thầy cô giáo nói rằng họ cảm thấy chìa khóa tạo nên một môi trường học đường thành công là xây dựng những lớp học có qui mô nhỏ hơn. Thầy thấy không nhất thiết phải như thế. Thầy đã đi tham quan nhiều ngôi trường lớn với hơn cả ngàn học sinh và mỗi lớp chỉ có chưa đến 22 học sinh.
Tuy nhiên, trong những ngôi trường như thế, bọn trẻ dường như bị lọt thỏm và mất hết những nét riêng tạo nên bản sắc của chúng. Tại một trường tiểu học, các thầy cô phải dạy những lớp trên 30 học sinh, nhưng ai cũng vẫn cảm thấy thoải mái như đang ở nhà bởi vì các thầy cô đều biết nhau và tin cậy lẫn nhau. Thầy nghĩ chìa khóa thành công không phải là ở chỗ có bao nhiêu học sinh trong một lớp cho bằng là bầu không khí thân thiện thoải mái mà bọn trẻ cảm thấy.
Khi dạy ở một ngôi trường ở vùng quê, thầy cảm thấy ở đó đã hình thành một sự tin cậy và một cảm giác thoải mái. Bà hiệu phó là một con người khác thường. Bà cư xử giống như một người mẹ của các thầy cô giáo và của cả học sinh. Bà thuộc tên từng học sinh và được tất cả chúng yêu mến. Cũng có cả những thầy cô giáo đã dạy ở đây từ bốn đến năm năm qua và được học sinh yêu mến, kính trọng.
Mặt khác, lại có những cô giáo mới về trường hằng năm. Để cùng nhau tạo nên sự thống nhất trong toàn trường, thầy yêu cầu bọn trẻ sớm thuộc tên của tất cả các thầy cô giáo trong trường. Thầy cảm thấy nếu như bọn trẻ biết rõ mọi người trong trường thì chúng sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Chúng càng biết nhiều người lớn bao nhiêu thì càng có nhiều người quan tâm đến chúng bấy nhiêu mỗi khi chúng gặp rắc rối hay cần giúp đỡ.
Hơn nữa, cũng là một người thầy nên thầy cảm thấy sung sướng khi học sinh biết thầy là ai và kéo đến trò chuyện với thầy. Hãy cứ thử hình dung một thầy giáo mới bước vào trường lần đầu.
Thầy giáo hay cô giáo ấy dễ cảm thấy căng thẳng khi bước vào một môi trường mới và lạ, lại lo lắng không biết bọn trẻ có ưa mình không. Ở nhiều trường, thầy cô giáo có những sinh hoạt để chào mừng những thành viên mới, nhưng thầy nghĩ điều này sẽ càng có hiệu quả hơn nếu như học sinh cũng có thể bày tỏ một thái độ thân thiện và niềm nở tương tự.
K.T.