Mỗi học sinh đều phải làm bài tập ở nhà mỗi ngày và không một học sinh nào được phép ngoại lệ.

Một phần của tài liệu Các câu chuyện giáo dục (Trang 27 - 29)

Là người lớn, chúng ta đã quen với những hạn định cuối cùng, với những ngày hẹn, với áp lực phải đúng giờ. Chúng ta phải thanh toán các hóa đơn vào một hạn định nào đó, phải hoàn thành những công việc nào đó, và phải hoàn tất các công việc của mình một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Khi nói với các học sinh của thầy về công việc và những gì đòi hỏi họ, thầy tiếp cận chuyện này theo quan điểm công việc là một phần việc làm của học sinh. Thầy muốn học sinh học cách phải hoàn thành đúng giờ và hoàn thành tốt công việc của mình ngay từ lúc còn nhỏ.

Cách thầy làm là mỗi học sinh phải hoàn thành một phần bài tập ở nhà mỗi ngày. Đây có phải là việc làm gần như không thể làm nổi chăng? Không hẳn là như thế. Nếu làm tôt điều này, ta có thể tập cho mỗi đứa trẻ hoàn thành mọi bổn phận của mình vào đúng lúc mà thật ra điều này chỉ cần một chút cố gắng. Có ba điều thầy đã làm để biến điều ấy thành hiện thực.

Thứ nhất là phạt ở lại trường sau giờ học. Nếu không làm bài tập ở nhà, trẻ sẽ bị phạt ở lại lớp vào ngày hôm sau để làm thêm bài tập tại chỗ. Điều này là có kết quả, nhưng ta không thể chỉ trông chờ vào... hình phạt. Nếu tất cả những gì ta làm là phạt trẻ thì ta sẽ không thể đạt được kết quả tốt.

Thứ hai là niêm yết công khai. Thầy cho treo một tấm biển ở ngoài lớp, trên đó ghi rõ liên tiếp trong bao nhiêu ngày toàn thể học sinh trong lớp đã làm đầy đủ bài tập ở nhà. Trên tấm bảng này ghi:

Toàn thể học sinh trong lớp đã hoàn thành bài tập ở nhà của mình trong... ngày liên tiếp.

Mỗi ngày, sau khi kiểm tra xem từng học sinh đã làm bài tập ở nhà như thế nào, thầy lại thay đổi con số trên bảng. Trẻ rất thích điều này và đó là một nguồn động viên tích cực đối với chúng. Trong 10 ngày đầu liên tiếp, trẻ không được thưởng gì cả. Tuy nhiên, mỗi ngày kể từ sau ngày thứ 10 trở đi khi cả lớp tiếp tục hoàn thành bài tập ở nhà thì hôm sau thầy lại có thưởng cho cả lớp. Đây là cách để thầy nhận ra một điều: mỗi học sinh trong lớp của thầy đều có ý muốn hoàn tất bài tập ở nhà một cách đúng đắn.

Thứ ba là thầy dùng sức ép của bạn bè đồng lứa. Ta không sao hình dung nổi lớp học đã xôn xao như thế nào khi một em học sinh quên làm bài tập ở nhà và đẩy lớp học trở lại điểm xuất phát ban đầu là “0 ngày liên tiếp” đâu. Thật thế, thầy không la rầy đứa trẻ đã phá vỡ cái vệt thành tích này. Gánh nặng dư luận ấy thường đã quá sức chịu đựng của em ấy rồi.

Lấy thí dụ như em D. Khi phá vỡ cái vệt thành tích này của cả lớp, em dường như chẳng để tâm. Đó chỉ là thái độ của em. Được thôi, cả lớp đã “tính sổ” với em ấy về việc này. Thầy đã chứng kiến các bạn trong lớp nhìn soi mói bạn ấy, thầy lại quan sát thấy các bạn trong lớp đã làm ầm ĩ với bạn ấy vào buổi ăn trưa, đã “lên lớp” bạn ấy rằng có biết thế nào là bổn phận của người học sinh đối với bài tập ở nhà không... và thầy đã không nói gì. Thầy hiểu bạn ấy đã hứng chịu toàn bộ cơn giận dữ này của cả lớp và bạn ấy sẽ không còn dám “ngựa quen đường cũ” nữa.

Hay lấy thí dụ về trường hợp của một bạn nữ khác là A. Những trách cứ của cả lớp hẳn đã làm bạn ấy bực mình, mà quả thật bạn ấy đã tỏ thái độ bất cần rằng sẽ vẫn cứ không làm bài tập ở nhà. Bởi vậy, thầy nói với cả lớp, nếu bạn ấy không hoàn thành bài tập ở nhà thì đừng ai nói năng gì với bạn ấy, bởi nếu như các bạn trong lớp lại nhắc nhở thì thầy nghĩ bạn ấy cũng lại không chịu tiếp thu mà lại có thái độ lì lợm như trước. Khi bạn ấy lủi thủi một thân một mình vì chẳng bạn nào chơi với mình thì có cơ may lớn hơn là bạn ấy sẽ làm tốt công việc của mình.

Lại lấy trường hợp của H, cô học sinh giỏi nhất và siêng năng nhất của lớp... và rồi bạn ấy lại đã trở thành em học sinh phá vỡ vệt thành tích liên tiếp của lớp vào ngày thứ 42. Lần ấy, thầy bước đến bàn học của em để kiểm tra xem em ấy đã làm bài chưa thì em bật khóc nức nở. Đã xảy ra một lỗi lầm mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải.

Một phần của tài liệu Các câu chuyện giáo dục (Trang 27 - 29)