Hệ thống bể thí nghiệm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống tôm cảnh Harlequin (Hymenocera picta Dana, 1852) (Trang 35)

M Ở ĐẦU

2.3.1.Hệ thống bể thí nghiệm

Bể nuôi tôm bố mẹ

Tôm bố mẹ được nuôi trong hệ thống lọc sinh học tuần hoàn (Hình 2.2). Mỗi cặp tôm bố mẹ được nuôi riêng biệt trong bể kính có thể tích khoảng 30 L (30 x 30 x 25 cm). Chất lượng nước được duy trì thông qua vai trò lọc của rong biển kết hợp với vi sinh vật. Đồng thời, các bể cũng được sục khí 24/24 để đảm bảo nhu cầu oxy hòa tan cho tôm bố mẹ.

Hình 2.2. Hệ thống bể nuôi tôm bố mẹ Bể ương nuôi ấu trùng

Bể nước tĩnh

Nghiên cứu ảnh hưởng của các loại thức ăn (TN 1) và thời điểm cho ăn (TN 2) lên sinh trưởng, phát triển và tỷ lệ sống của ấu trùng được thực hiện trong các bể nước tĩnh (Hình 2.3). Bể sử dụng làm bằng kính có thể tích 10L, được bao ngoài bằng túi nylon màu đen, để hạn chế ảnh hưởng của ánh sáng lên ấu trùng. Các bể ương được duy trì sục khí nhẹ 24/24 giờ trong suốt thời gian thí nghiệm.

Bể tuần hoàn

Hệ thống bể sử dụng cho thí nghiệm ảnh hưởng của mật độ ấu trùng và thức ăn lên sự phát triển và tỷ lệ sống của ấu trùng tôm Harlequin (TN - 3) được thực hiện trong hệ thống lọc sinh học tuần hoàn (Hình 2.4). Hệ thống được thiết lập dựa trên hệ thống ương nuôi ấu trùng giáp xác cảnh được mô tả bởi Calado và cộng sự (2003) và được bổ sung bởi chính Calado và cộng sự (2008) [57], [65].

Hình 2.4. Hệ thống bể ương nuôi ấu trùng tuần hoàn

Các bể thí nghiệm làm bằng composite, có dạng hình trụ và đáy cầu. Chiều cao tổng cộng của bể ương là 31 cm, trong đó phần trụ có độ cao là 21,5 cm và phần cầu có độ cao là 9,5 cm. Bể ương có đường kính 26 cm và có thể tích khoảng 10 L.

Mỗi bể ương được đặt hai cục lọc (ống PVC có gắn lưới lọc) có chiều dài và đường kính lần lượt là 10 và 5 cm. Hai cục lọc có kích thước mắt lưới khác nhau (105 và 400 µm) để lọc nước và loại bỏ thức ăn. Hai cục lọc được đặt cách mặt nước 3,5 cm, được gắn vào ống thoát nước ra ngoài hình chữ T, đường kính 1,5 cm. Chiều cao từ miệng bể xuống lỗ thoát nước ra là 7 cm.

Hệ thống lọc sinh học

Toàn bộ các bể ương được thiết kế thành 3 dãy song song, được nối với hệ thống lọc sinh học tuần hoàn sử dụng rong biển Caulerpa serrata để xử lý nước. Bể lọc rong biển có thể tích khoảng 600 L (2 bể, 101 x 57 x 51 cm) và diện tích bề mặt tương ứng là 1,0 m2. Bể lọc rong biển được sục khí mạnh liên tục 24/24 giờ.

Nước được bơm từ bể lọc lên bể chứa có thể tích là 250L đặt ở trên cao, với tốc độ bơm khoảng 3000 L/giờ. Nước được chảy qua một lưới lọc có mắt lưới là 48 µm. Bể chứa nước cũng được sục khí mạnh liên tục 24/24. Nước từ bể chứa được chảy tự động qua ống dẫn (2,5 cm), sau đó qua van và ống (1,5 cm) trước khi vào bể ương qua một lỗ nhỏ (0,6 cm) đặt ở giữa đáy bể để tạo sự luân chuyển nước đồng đều. Lưu tốc nước vào bể ương được duy trì 2 L/phút.

Nước từ bể ương được thoát ra qua cục lọc với kích thước mắt lưới khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Trong trường hợp vệ sinh bể, loại bỏ thức ăn cũ và chất thải, cục lọc mắt lưới lớn được sử dụng, đồng thời lưu tốc nước vào cũng được điều chỉnh tăng gấp đôi để quá trình loại bỏ được nhanh chóng. Sau đó, và trong phần lớn thời gian vận hành, cục lọc mắt lưới nhỏ được sử dụng nhằm mục đích chính là trao đổi nước và giữ thức ăn cũng như ấu trùng phân tán đều trong môi trường. Nước sau đó được thu vào một máng lớn trước khi chảy vào bể lọc rong biển.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống tôm cảnh Harlequin (Hymenocera picta Dana, 1852) (Trang 35)