V/ SỰ THAY ĐỔI CỦA PHÁP LUẬT KHI VIỆT NAM GIA NHẬP WTO.
4/ Thứ tư, củng cố đội ngũ cán bộ tư pháp
Việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp nòng cốt về WTO và hội nhập kinh tế quốc tế đã được khẳng định là có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, công việc này đến nay vẫn còn được tiến hành chậm và chưa được quan tâm đúng mức. Việc chuyển dịch nhân tài của nhà nước sang khu vực tư nhân là nguy cơ lớn. Vì vậy, không chỉ là việc bồi dưỡng và đào tạo lực lượng chuyên gia pháp lý kế cận mà còn phải tính đến cả lực lượng chuyên gia tư pháp đang thực thi công vụ trên phạm vi toàn quốc. Nếu vấn đề đó không được xử lý đúng thì khu vực nhà nước sẽ thiếu hụt những chuyên gia về lĩnh vực này. Chưa kể việc WTO yêu cầu phải thực thi pháp luật thống nhất trên toàn lãnh thổ của nước thành viên, nên mọi cán bộ, công chức cơ quan pháp luật phải đáp ứng những đòi hỏi nhất định theo yêu cầu của tổ chức đó. Trách nhiệm của ngành là phải rà soát chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên và các công cụ, phương tiện giảng dạy để có giải pháp đổi mới, có chính sách, chế độ phù hợp. Chú trọng việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế và WTO bằng tiếng Anh. Đặc biệt là vai trò của đội ngũ luật sư có trình độ năng lực, để tham gia vào việc tư vấn pháp luật cho các hoạt động thương mại quốc tế của nhà nước cũng như doanh nghiệp, kể cả tham gia vào giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại. Hiện nay đội ngũ này còn nhiều hạn chế về kiến thức pháp luật, nhất là pháp luật quốc tế, thương mại quốc tế và kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp thương mại. Việc thường xuyên đánh giá, tuyển chọn những luật sư giỏi, trẻ tuổi, có trình độ ngoại ngữ để cử đi tu nghiệp ở nước ngoài, học tập tại các hãng luật quốc tế; hoặc mời chuyên gia quốc tế vào tổ chức đào tạo trong nước, để có những thế hệ luật sư đáp ứng được nhu cầu hội nhập đang là vấn đề rất cấp bách.