IV/ VẤN ĐỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI KHI VIỆT NAM GIA NHẬP WTO.
1/ Lợi thế trong tranh chấp kinh doanh thương mại khi gia nhập WTO
- WTO đề cao tính công khai, minh bạch trong cạnh tranh thương mại và đặc biệt là công bằng, bình đẳng giữa các thành viên khi giải quyết tranh chấp thương mại. Với “cơ chế đồng thuận nghịch” trong quy trình giải quyết tranh chấp của WTO thì quyền và lợi ích của các nước yếu sẽ được bảo vệ. - WTO dành riêng cho các nước đang phát triển như Việt Nam những quy tắc “ưu đãi” đặc biệt trong tranh chấp thương mại.
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bao giờ cũng trải qua các bước tham vấn (Hội đồng tham vấn) và phán quyết. Đối với những nước đang phát triển, WTO sẽ đặc biệt xem xét các điều kiện kinh tế. Trong quá trình tham vấn, các nước đang phát triển sẽ được gia hạn so với thời gian tham vấn thông thường, cụ thể là: Trong tham vấn, nếu tham vấn là biện pháp do một nước thành viên đang phát triển áp dụng thì các bên có thể đồng ý kéo dài thời gian tham vấn thông thường. Nếu vào cuối giai đoạn tham vấn, các bên không thể đồng ý kết thúc tham vấn thì chủ tịch DSB có thể kéo dài thời gian tham vấn.
Ngoài ra, trong giai đoạn xét xử của Ban hội thẩm thì: Khi tranh chấp xảy ra giữa một nước thành viên đang phát triển với một nước thành viên phát triển, căn cứ vào yêu cầu của nước thành viên đang phát triển, Ban hội thẩm phải có ít nhất một hội thẩm viên từ nước đang phát triển. Nếu bị đơn là nước thành viên đang phát triển, Ban hội thẩm phải dành đủ thời gian cần thiết để thành viên này chuẩn bị và đệ trình lý lẽ bào chữa của mình. Trong giai đoạn thực thi phán quyết của DSB thì DSB cho phép dành sự quan tâm đặc biệt đối với các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của các nước thành viên đang phát triển. Cuối cùng vấn đề hỗ trợ về mặt pháp lý: Ban thư ký WTO
có 1 chuyên gia chuyên trách và 2 tư vấn gia độc lập làm việc bán chuyên trách để thực hiện việc tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho các nước thành viên đang phát triển trên nguyên tắc tôn trọng tính trung lập, khách quan, đồng thời Ban thư ký cũng tiến hành việc tổ chức các khoá đào tạo đặc biệt về hệ thống giải quyết tranh chấp cho các nước phát triển.
2/ Những khó khăn đối với thành viên là nước đang phát triển tham gia
vào hệ thống giải quyết tranh chấp WTO
Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam có thể vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để khiếu nại các biện pháp của thành viên mà Việt Nam cho rằng vi phạm pháp luật WTO và gây thiệt hại cho Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng đứng trước thách thức bị các thành viên khác khiếu nại về việc Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ của mình trong WTO. Dù trong trường hợp nào thì Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn khi muốn tham gia có hiệu quả vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. 2.1/ Khó khăn về tài chính
Đây là khó khăn lớn nhất khi áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO trong thương mại quốc tế đối với thành viên là nước đang phát triển chính là vấn đề tài chính. Trước tiên, khi tham gia vào vụ kiện, các nước phải trả chi phí tư pháp mà đối với nước đang phát triển thì đó là một khoản chi phí không nhỏ. Bên cạnh đó là những tổn thất về lợi ích kinh tế và thương mại mà các nước này phải gánh chịu trong suốt quá trình tranh chấp đang được giải quyết. Thậm chí, trong trường hợp nước đang phát triển là nguyên đơn thắng kiện thì cũng không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong suốt thời gian bị đơn thực hiện phán quyết.
2.2/ Khó khăn về nguồn nhân lực
Các nước đang phát triển thường thiếu nguồn nhân lực với các kiến thức chuyên môn cụ thể về giải quyết tranh chấp của WTO, trong điều kiện đó, khi tham gia vào các vụ kiện, nước thành viên là nước đang phát triển thường phải thuê đại diện cho mình trong quá trình giải quyết tranh chấp và phải chịu tốn kém không nhỏ.
a/ Khó khăn về luật sư trong nước
Cả nước có hơn 3.900 luật sư có giấy phép hành nghề nhưng số luật sư đủ trình độ tiếp cận các vụ việc có yếu tố nước ngoài thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giới kinh doanh cho rằng việc tư vấn pháp luật và bảo vệ doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế vẫn là sân chơi của các luật sư nước ngoài.Các vụ kiện lớn như cá tra, cá ba sa, giày xuất khẩu hay vụ kiện của Vietnam Airline hầu hết đều do luật sư nước ngoài đảm nhiệm Những khó khăn đối với luật sư trong nước:
- Thiếu nhiều kỹ năng
Luật sư Việt Nam vừa thiếu kỹ năng đàm phán, không thông hiểu luật pháp quốc tế lại thiếu ngoại ngữ. Đó là những trở ngại lớn khiến doanh nghiệp Việt Nam không trông chờ được vào luật sư trong nước mà phải nhờ tới luật sư nước ngoài. Hiện giờ, vẫn có rất ít luật sư hoạt động trong mảng Luật thương mại quốc tế. Đây là lỗ hổng lớn vì với xu thế hội nhập, các hoạt động kinh tế quốc tế sẽ thành một bộ phận của nền kinh tế trong nước. Luật sư Việt Nam thường hoạt động trong tranh tụng trước toà án. Thời gian gần đây, nhiều luật sư Việt Nam đã mở rộng sang lĩnh vực tư vấn pháp luật nhưng hoạt động tranh tụng và tư vấn pháp luật tách rời nhau, ít luật sư hoạt động trong tư vấn thương mại. Hạn chế này đã làm giảm chất lượng dịch vụ tranh tụng tại tòa án trong các vụ án có yếu tố nước ngoài vì thực tiễn cho thấy trong các vụ án có yếu tố nước ngoài hoạt động tư vấn pháp luật trong
tố tụng là rất cần thiết và cũng là một trong những yêu cầu rất khắt khe của khách hàng nước ngoài.
Một điểm yếu mà ngay cả những người trong cuộc cũng phải thừa nhận là chưa có sự phối hợp giao lưu học hỏi kinh nghiệm kể cả khi thất bại trong tranh tụng. Hiện tượng các tổ chức hành nghề luật sư nói chung hoạt động riêng lẻ, theo kiểu “mạnh ai nấy làm” là phổ biến. Các luật sư chưa tập hợp lại để tăng sức mạnh tuy cũng đã có dấu hiệu của sự liên kết cùng thực hiện những vụ án nước ngoài có quy mô lớn.
- Đào tạo còn yếu:
Nhiều ý kiến cho rằng môi trường trong nước chưa tạo điều kiện giao lưu học hỏi cho các luật sư Việt Nam. Nguyên nhân đầu tiên chính là đào tạo kém. Không một trường luật nào ở Việt Nam dạy về kỹ năng đàm phán, kỹ năng tiếp thị cho sinh viên luật. Đội ngũ luật sư trong nước thường có kiến thức cơ bản vững chắc về luật pháp Việt Nam và hệ thống luật pháp trong nước nhưng họ thường thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng phân tích cần thiết. Đây là điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa luật sư trong nước và luật sư nước ngoài. Về lâu dài các luật sư và trợ lý Việt Nam nên phối hợp với các luật sư quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn về pháp luật. Thay vì yêu cầu sinh viên luật học thuộc một khối lượng lớn các giáo trình chỉ mang tính chất hàn lâm, không thực dụng nên dạy sinh viên luật về những kỹ năng lý thuyết và thực hành nền tảng, có tính chất thực tế, kể cả kỹ năng đàm phán, tiếp thị, soạn thảo văn bản, phân tích, giải quyết vấn đề,… Các luật sư Việt Nam nên coi trọng việc nâng cao kỹ năng tiếng Anh, có thể yêu cầu tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong các trường luật.
Trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu đào tạo và tăng cường năng lực của luật sư trở nên vô cùng cấp thiết. Các luật sư cần phải đáp ứng cả những nhu cầu về dịch vụ pháp lý mới xuất hiện như lĩnh vực thuế, luật thương mại
quốc tế, luật thương mại khu vực, luật nội địa của một số nước ASEAN, tranh chấp trong một số quan hệ đặc thù như hành chính thị trường chứng khoán, thương mại điện tử,…
b/ Về Thẩm phán
- Rào cản về ngoại ngữ
Việt Nam sau ngày gia nhập WTO các vụ tranh chấp thương mại sẽ tăng rất nhiều, nhưng hiện giờ lực lượng thẩm phán trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thẩm phán Việt Nam vừa thiếu kỹ năng xét xử không thông hiểu luật pháp quốc tế lại thiếu ngoại ngữ.
Trước đây, trong hệ thống toà án ở nước ta hiện nay rất khó có một thẩm phán có trình độ về lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung chứ chưa nói đến những vấn đề cụ thể như thương hiệu, nhãn hiệu,… Đó là chưa kể đến “điểm yếu” ngoại ngữ. Gần đây, một chương trình hợp tác với chính phủ Thụy Sĩ ngành toà án được cử 10 thẩm phán sang Anh để đào tạo nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, rà soát đi rà soát lại vẫn không có một thẩm phán nào đủ điều kiện được đi học. May mà xét tiếp đến thư ký toà án thì cuối cùng mới tìm ra đủ người. Đó là những trở ngại lớn khiến nhiều người thiếu tin tưởng vào thẩm phán. Hiện giờ, vẫn có rất ít thẩm phán có thể hoạt động trong mảng Luật thương mại quốc tế bởi một nguyên nhân cơ bản đầu tiên đó chính là rào cản về ngôn ngữ.
- Thiếu kỹ năng
Gia nhập WTO, sự sẵn sàng về năng lực thẩm phán để xử lý các vấn đề phát sinh tranh chấp có yếu tố nước ngoài có lẽ còn rất nhiều khó khăn, cần có thêm nhiều thời gian mới đáp ứng được mong đợi. Điều này rất dễ hiểu vì xuất phát điểm về năng lực của Toà án và thẩm phán là thấp so với yêu cầu hội nhập đặt ra và việc nâng cao năng lực không phải là công việc “một sớm một chiều”. Lĩnh vực kinh doanh thương mại là một tổng hợp đa
ngành, không đơn thuần chỉ mở Bộ luật Dân sự, Luật thương mại, Luật đầu tư là xong. Trước kia, khi yếu tố nước ngoài chưa xuất hiện nhiều, các tranh chấp chỉ giải quyết giữa các doanh nghiệp, cá nhân trong nước, tức là chỉ áp dụng “nội luật” thôi thì thẩm phán không vấp phải nhiều khó khăn. Hiện nay, thực sự thẩm phán khi giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài rất bị “vướng” cả mặt pháp luật lẫn kiến thức lĩnh vực xảy ra tranh chấp. Nhiều ý kiến cho rằng, môi trường trong nước chưa tạo điều kiện giao lưu học hỏi cho các thẩm phán Việt Nam, nguyên nhân đầu tiên chính là đào tạo kém. Hiếm có trường luật nào ở Việt Nam dạy chuyên sâu về kỹ năng xét xử cho sinh viên luật. Có thể có một nhận xét khách quan: Đội ngũ thẩm phán Việt Nam thường có kiến thức cơ bản vững chắc về pháp luật Việt Nam và hệ thống luật pháp trong nước nhưng họ thường thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng phân tích cần thiết, đặc biệt kiến thức pháp luật quốc tế. Về lâu dài, các thẩm phán và thư ký nên phối hợp với các tổ chức quốc tế, Toà án các nước trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn về pháp luật. Chương trình giảng dạy ở các trường luật cần phải được cải cách. Thay vì yêu cầu sinh viên luật học thuộc một khối lượng lớn các giáo trình chỉ mang tính chất hàn lâm, không thực dụng nên dạy sinh viên luật về những kỹ năng lý thuyết và thực hành nền tảng, có tính chất thực tế, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề…Các sinh viên Việt Nam nên coi trọng việc nâng cao kỹ năng tiếng Anh, có thể yêu cầu tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong các trường luật.