NHNN cần ban hành các quy chế và chỉ đạo các NHTMCP hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục chỉ đạo các NHTMCP cơ cấu lại những khoản nợ ngắn hạn, nợ khó đòi đang tồn đọng, ngănchặn nợ xấu phát sinh mới, nâng cao chất lượng và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động.
Tạo điều kiện cho các NHTMCP tăng quy mô vốn điều lệ và việc tăng vốn pháp định cũng cần có sự quản lý từ phía Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển và xây dựng nền tài chính tiền tệ quốc gia, tránh tình trạng tăng vốn hỗn loạn vì lợi ích cục bộ, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được. Trong quá trình tăng VĐL, NHNN có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hoạt động tăng vốn (trừ trường hợp bổ sung VĐL bằng nguồn lợi nhuận để lại) nhằm hạn chế và loại trừ các trường hợp có thể phát sinh như các hiện tượng tăng vốn nóng bằng cách các cổ đông đi vay vốn tại ngân hàng mình có cổ phần hoặc các ngân hàng khác để bổ sung vốn. Việc tăng vốn phải nhằm góp phần giải quyết những vấn đề ở tầm vĩ mô trong quản lý và đảm bảo tính thanh khoản trong hệ thống.
Cần tăng cường công tác thanh tra theo hướng giám sát từ xa đối với hoạt động của các ngân hàng nhằm cảnh báo và đề ra những biện pháp khắc phục vi phạm. Thanh tra tại chỗ cần tiến hành ngay khi phát hiện những vấn đề trầm trọng trong quá trình giám sát từ xa. Cụ thể, trong thời gian tới, NHNN cần:
Xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách để tạo điều kiện bình đẳng cho hoạt động các ngân hàng và phù hợp thông lệ quốc tế.
Tăng cường chất lượng công tác thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm, những rủi ro phát sinh mới.
Tạo điều kiện cho các NHTMCP có đủ điều kiện và có nhu cầu (có đủ vốn pháp định, hoạt động lành mạnh và nợ quá hạn dưới 5%, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban điều hành có đủ năng lực) được tăng vốn, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển thêm các dịch vụ mới nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển đủ sức cạnh tranh và hội nhập trong giai đoạn mới.