Chiến lược định giá cho danh mục hàng hóa

Một phần của tài liệu THIẾT KẾ CHIẾN LƯỢC MARKETING (Trang 29)

Doanh nghiệp sẽ xây dựng một “bộ giá bán” đảm bảo được lợi nhuận tối đa trên toàn bộ danh mục sản phẩm chứ không phải cho từng sản phẩm riêng rẽ. Việc định giá cho danh mục sản phẩm không đơn giản bởi các mặt hàng khác nhau đều có liên quan tới nhau về cầu, chi phí, và phải đương đầu với những mức độ cạnh tranh khác nhau.

Định giá cho chủng loại hàng hóa

Định giá cho chủng loại hàng hóa là định giá cho những sản phẩm có cùng chức năng, công dụng, được bán cho cùng một nhóm khách hàng. Thực chất của việc định giá cho chủng loại hàng hóa là tạo ra sự chênh lệch về giá với những đặc tính nổi trội của hàng hóa đó theo mục tiêu định trước của doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh nghiệp chào bán hai mặt hàng là A và B.

Mặt hàng A có chất lượng cao và giá cao.

Mặt hàng B có chất lượng trung bình và giá trung bình.

Nếu doanh nghiệp mong muốn đạt mục tiêu nâng cao mức tiêu thụ cho mặt hàng A thì họ có thể tạo ra khoảng chênh lệch về chất lượng nhiều hơn chênh lệch về giá cả.

Xác định giá cho hàng hóa phụ thêm không có tính bắt buộc

Một số sản phẩm chính được chào bán cùng với sản phẩm phụ thêm. Ví dụ: bán thêm khóa xe, giá đèo hàng…cho những người mua xe máy… Chúng là một số phụ tùng, chi tiết hàng hóa tiêu dùng bổ sung nhưng không có tính bắt buộc.

Nguyên tắc định giá hiệu quả là nếu doanh nghiệp muốn tạo cho mình một hình ảnh cung cấp danh mục hàng hóa hoàn chỉnh, họ có thể không lấy lãi ở sản phẩm bán kèm và coi đó là hành động nhằm gia tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm chính. Nếu doanh nghiệp thấy có cơ hội thu lợi nhuận cao từ những sản phẩm bán kèm, họ có thể phải giảm giá sản phẩm chính. Họ có thể lấy phần lợi nhuận của sản phẩm bán kèm bù cho sản phẩm chính.

Các doanh nghiệp văn phòng phẩm cũng thường áp dụng loại định giá này. Họ thường định giá giấy rẻ song các loại khác định giá cao song phải đảm bảo tiền doanh thu trang trải được mọi chi phí và có lãi cho cả sản phẩm chính và phụ.

Một số sản phẩm khi sử dụng buộc phải có những sản phẩm khác đi kèm. Chẳng hạn điện thoại di động phải có sim, máy in phải có mực, bàn cạo râu phải có lưỡi dao... Các nhà cung cấp này có thể thu lợi nhuận tối đa cho cả danh mục bằng cách định giá cao cho sản phẩm nào đem lại lợi nhuận cao cho dù sản phẩm đó là sản phẩm phụ hay sản phẩm chính và ngược lại.

Định giá cho sản phẩm phụ

Một số ngành sản xuất trong quá trình sản xuất người ta đồng thời thu được cả sản phẩm chính và một số sản phẩm phụ. Chẳng hạn, trong quá trình sản xuất gang thép chúng ta sẽ thu được xỉ thải. Xỉ thải này nếu chúng ta biết tận dụng có thể được sử dụng để làm phụ gia hoặc nguyên liệu sản xuất xi măng với những đặc tính ưu việt. Thường sẽ có hai tình huống xảy ra ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm chính. Thứ nhất, sản phẩm phụ không có giá trị thương mại, doanh nghiệp sẽ tốn thêm chi phí để xử lý, giá của sản phẩm chính sẽ chịu thêm cả khoản chi phí này. Thứ hai, nếu sản phẩm phụ có giá trị thương mại, doanh nghiệp có điều kiện giảm giá sản phẩm chính, giành lợi thế cạnh tranh. Nhà sản xuất thường áp dụng phương pháp “loại trừ giá trị sản phẩm phụ khỏi chi phí sản xuất sản phẩm chính”.

Một phần của tài liệu THIẾT KẾ CHIẾN LƯỢC MARKETING (Trang 29)