Phương pháp đa hồi qui (Simple-E) [8]

Một phần của tài liệu Dự báo nhu cầu điện năng việt nam từ năm 2008 đến 2015 (Trang 57)

Nhu cầu điện năng của mỗi ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, dân dụng và ngành khác trên phạm vi toàn quốc được dự báo trên cơ sở xây dựng hàm hồi quy biểu thị mối tương quan giữa tiêu thụ điện năng của mỗi ngành trong quá khứ với các biến phụ thuộc. Cụ thể như sau:

- Nhu cầu điện cho ngành Công nghiệp = f(GDP công nghiệp, giá điện cho công nghiệp, điện năng tiêu thụ cho công nghiệp năm trước, giá một số nhiên liệu thay thế như than, dầu DO, FO).

- Nhu cầu điện cho dân dụng = f(GDP tổng/dân số, dân số, giá điện sinh hoạt, điện năng tiêu thụ cho năm trước).

- Nhu cầu điện cho ngành thương mại - dịch vụ = f(GDP tổng/dân số, dân số, giá điện cho dịch vụ, điện năng tiêu thụ năm trước cho dịch vụ - thương mại).

- Nhu cầu điện cho ngành nông nghiệp = f(GDP nông nghiệp, giá điện nông nghiệp, điện năng tiêu thụ cho nông nghiệp năm trước).

- Nhu cầu điện cho các ngành khác = f(GDP tổng, dân số, giá điện bình quân, tiêu thụ điện cho ngành khác năm trước).

Nhu cầu điện năng toàn quốc sẽ bằng tổng nhu cầu điện năng của các ngành. Nhu cầu điện năng của từng ngành, từng vùng sẽ được dự báo trên cơ sở tỷ trọng tiêu thụ điện của mỗi vùng/toàn quốc theo từng ngành và tỉ trọng GDP của từng vùng/toàn quốc theo từng ngành.

Sau khi đã dự báo tổng nhu cầu điện thương phẩm, đánh giá % tỉ lệ tổn thất và tự dùng sẽ tính được tổng nhu cầu điện sản xuất.

Từ các phương pháp dự báo nhu cầu điện năng giới thiệu ở phần trên, trong luận văn này chúng ta chọn ba phương pháp để xác định nhu cầu điện năng của Việt Nam, cụ thể:

1. Phương pháp san bằng hàm mũ;

2. Phương pháp xác định toán tử dự báo tối ưu;

3. Phương pháp ngoại suy với phương trình có dạng đa biến: Yi = a1xi1 + a2xi2 + ... + amxim + ei

Việc chọn ba phương pháp trên để dự báo nhu cầu điện năng Việt Nam xuất phát từ những lý do chính sau:

- Các phương pháp trên có cơ sở lý luận chặt chẽ và ít đòi hỏi kinh nghiệm của người thực hiện việc dự báo;

- Các phép tính phức tạp liên quan đến ma trận nghịch đảo, ma trận chuyển vị, ... sẽ được giải quyết rất đơn giản và chính xác nhờ phần mềm MATLAB (chi tiết được trình bày trong chương 3).

Với các phương pháp được chọn và số liệu thống kê có được từ năm 1990 đến năm 2007, trong luận văn này chúng ta sử dụng 6 biến độc lập đó là: 1. GDP; 2. giá trị sản lượng công nghiệp -xây dựng; 3. giá trị sản lượng nông - lâm - thuỷ sản; 4. giá trị dịch vụ; 5. GDP bình quân đầu người và 6. dân số của Việt Nam để tính toán xác định nhu cầu điện năng Việt Nam từ năm 2008 đến 2015.

Để đảm bảo việc tính toán dự báo nhu cầu điện năng Việt Nam từ năm 2008 đến 2015 được chính xác và tin cậy, chúng ta sẽ tiến hành triển khai thực hiện như sau:

- Bước 1: So sánh chất lượng dự báo của các phương pháp dựa trên các số liệu quá khứ. Cụ thể ta sử dụng số liệu thống kê từ năm 1990 - 1999 và các chương trình tính toán cho cả ba phương pháp (được mô phỏng trong phần mềm MATLAB) để dự báo nhu cầu điện năng Việt Nam từ năm 2000-2007 và so sánh với các số liệu thực tế của giai đoạn này. Từ các kết quả so sánh, ta sẽ chọn ra hai phương án dự báo có sai số nhỏ nhất.

- Bước 2: Sử dụng số liệu thống kê từ năm 2000-2007 và hai phương án chọn ở bước 1 để tính toán dự báo nhu cầu điện năng Việt Nam từ năm 2008-2015.

- Bước 3: Phân tích chọn ra bộ số liệu tối ưu để dự báo nhu cầu điện năng Việt Nam giai đoạn từ năm 2008-2015.

Chương 3

Một phần của tài liệu Dự báo nhu cầu điện năng việt nam từ năm 2008 đến 2015 (Trang 57)