MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DỰ BÁO NHU CẦU ĐIỆN NĂNG 2.1 Khái niệm chung

Một phần của tài liệu Dự báo nhu cầu điện năng việt nam từ năm 2008 đến 2015 (Trang 25)

2.1. Khái niệm chung

Nhu cầu điện năng là số liệu đầu vào rất quan trọng, quyết định rất lớn chất lượng của việc quy hoạch hệ thống điện.

Trên cơ sở định hướng phát triển ngành điện người ta xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống điện cho từng giai đoạn 5 năm có xét đến triển vọng 10-15 năm sau. Các quy hoạch phát triển này đôi khi còn có tên gọi là “tổng sơ đồ phát triển điện lực” cho một giai đoạn nối tiếp nhau, trong đó phần triển vọng cho tương lai sẽ được cập nhật và hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Dữ liệu đầu vào quan trọng để lập quy hoạch hệ thống điện là dự báo nhu cầu điện năng cho từng mốc thời gian trong tương lai. Thông thường khi dự báo người ta xem xét ba kịch bản khác nhau: kịch bản cơ sở với mức tăng trưởng trung bình đã thống kê có xét đến xu thế phát triển trong tương lai; kịch bản cao (lạc quan) với giả định là tương lai sẽ có tình huống tốt đẹp hơn dự kiến và kịch bản thấp (bi quan) đề phòng có những khả năng xấu hơn dự kiến.

Vai trò của dự báo nhu cầu điện năng có tác dụng rất to lớn, nó liên quan đến quản lý kinh tế nói chung và quy hoạch hệ thống điện nói riêng. Dự báo và quy hoạch là hai giai đoạn liên kết chặt chẽ với nhau của một quá trình quản lý.

Trong mối quan hệ ấy, phần dự báo sẽ góp phần giải quyết các vấn đề cơ bản sau:

- Xác định xu thế phát triển của nhu cầu điện năng

- Đề xuất những yếu tố cụ thể quyết định những xu thế ấy

- Xác định quy luật và đặc điểm của sự phát triển của nhu cầu điện năng và phụ tải điện.

Nếu công tác dự báo nói chung mà dựa trên lập luận khoa học thì sẽ trở thành cơ sở để xây dựng các kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt đối với ngành năng lượng, tác dụng của dự báo càng có ý nghĩa quan trọng, vì điện năng liên quan chặt chẽ với tất cả các ngành kinh tế quốc dân, cũng như đến mọi sinh hoạt bình thường của người dân. Do đó, nếu dự báo không chính xác sai lệch quá nhiều về khả năng cung cấp, về nhu cầu điện năng thì sẽ dẫn đến hậu quả không tốt cho nền kinh tế. Chẳng hạn, nếu chúng ta dự báo phụ tải quá thừa so với nhu cầu sử dụng dẫn đến hậu quả là huy động nguồn quá lớn, làm tăng vốn đầu tư, có thể gây tổn thất năng lượng lên. Ngược lại, nếu chúng ta dự báo phụ tải quá thấp so với nhu cầu thì sẽ không đủ điện năng cung cấp cho các hộ tiêu thụ và tất nhiên sẽ dẫn đến việc cắt bỏ một số phụ tải một cách không có kế hoạch gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân.

Có ba loại dự báo theo thời gian: dự báo ngắn hạn (1-2 năm), dự báo trung hạn (3-10 năm) và dự báo dài hạn (15-20 năm). Riêng đối với dự báo dài hạn (còn gọi là dự báo triển vọng) thì mục đích chỉ là nêu ra các phương hướng phát triển có tính chất chiến lược về mặt kinh tế, về mặt khoa học kỹ thuật nói chung không yêu cầu xác định chỉ tiêu cụ thể.

Để thực hiện được việc quy hoạch hệ thống điện cho tương lai 15-20 năm cần phải có số liệu dự báo của các ngành kinh tế quốc dân khác. Nhưng việc quy hoạch của các ngành kinh tế quốc dân khác lại thương làm sau nên xác định một cách chính xác độ tăng của phụ tải điện là rất khó khăn.

Một phần của tài liệu Dự báo nhu cầu điện năng việt nam từ năm 2008 đến 2015 (Trang 25)