Trên cơ sở khảo sát kinh nghiệm phát triển thị trường lao động của một số nước trong khu vực châu Á, chúng ta có thể rút ra một số bài học có giá trị cho việc tham khảo ở Việt Nam. Cụ thể có thể khái quát thành những nội dung sau:
- Thứ nhất, cần có những đột phá về tư duy và hoạch định cơ chế chính sách cho phù hợp.
Kinh nghiệm của các nước được khảo sát đều cho ta những gợi ý quan trọng trong vấn đề phải có sự đột phá về mặt tư duy. Chẳng hạn, Nhật Bản đã có những đột phá làm phá vỡ những thành kiến phong kiến, mở cửa tiếp cận với tri thức và tiến bộ khoa học - kỹ thuật phương Tây. Trung Quốc cũng đã thể hiện rõ những đột phá về lý luận trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc.
Điều quan trọng hơn nữa là cần hành động mạnh dạn, quyết đoán để không mất thời cơ phát triển khi có sự đột phá về tư duy. Các nước khác trong khu vực châu Á cung không phải là ngoại lệ, họ đã hoạch định và thực thi tích cực nhiều chính sách mạnh dạn để thúc đẩy nông nghiệp bứt phá và đồng hành với sự phát triển tiến lên của công nghiệp và đô thị.
Thứ hai, cần phát huy dân chủ ở nông thôn trong quá trình phát triển. Dân chủ ở nông thôn là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nông dân được tham gia thực sự vào việc lựa chọn và xây dựng các đề án phát triển cho chính mình. Hơn nữa, nông dân được tham gia vào quá trình giám sát việc thực thi chính sách địa phương và chính sách liên quan đến lợi ích của họ. Trung Quốc thực thi “chế độ tự trị thôn dân”, theo đó tuân thủ các nguyên tắc “dân chủ bầu cử, dân chủ quyết sách và dân chủ lãnh đạo”. Rõ ràng, các biện pháp của các nước này đã tranh thủ sự hợp tác của nhiều chủ thể kinh tế tham gia chia sẻ và cùng giải quyết những vấn đề xã hội do quá trình đo thị hóa và công nghiệp hóa đối với nông thôn và nông dân như việc làm, thu nhập, môi trường…
Thứ ba, phát triển chuỗi liên kết tương hỗ thành thị - nông thôn, công nghiệp - nông nghiệp.
Muốn phát triển nền kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng không thể không giải quyết hiệu quả chuỗi liên kết tương hỗ thành thị - nông thông, công nghiệp - nông nghiệp. Một khi các chuỗi liên kết kinh tế được thiết lập, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ diễn ra trôi chảy giữa các khu vực kinh tế và vùng miền trong cả nước, bao gồm nông thôn với các trung tâm công nghiệp và thương mại lớn. Nông nghiệp sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc tạo thềm nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực cho khu vực thành thị, công nghiệp. Mặt khác, công nghiệp và nông nghiệp sánh vai cùng nhau sẽ tạo ra thị trường cung - cầu rộng lớn cho nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp có thể phát triển ngay trong lòng nông thôn như kinh nghiệm của Nhật Bản đã làm. Sự liên kết công nghiệp - nông nghiệp được thiết kế dựa trên nền tảng tư duy sản xuất hàng hóa quy mô lớn với sự trợ giúp đắc lực của khoa học - công nghệ. Liên kết này tạo ra những cơ hội kinh tế mới, việc làm và thu nhập cao cho người lao động trong cả thành thị và nông thôn.
Thứ tư, Nâng cao năng lực sản xuất ở nông thôn.
Kinh nghiệm của các nước đi trước trong quá trình công nghiệp hóa cho thấy, sự phát triển toàn diện của nền kinh tế hiện đại không thể dựa trên năng nực sản xuất thấp kếm của khu vực nông thôn, nông nghiêp. Những can thiệp vĩ mô của Nhật Bản, của Trung Quốc đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn đã minh chứng cho điều này. Sự đồng bộ của kết cấu hạ tầng cứng và mềm nhằm bảo đảm cuộc sống của công đồng dân cư nông thôn và phát triển hiệu quả nền kinh tế nông thôn. Những cơ sở vật chất - kỹ thuật được ưu tiên hàng đầu là cơ giới hóa nông nghiệp, thủy lợi hóa nông nghiệp, hóa học hóa nông nghiệp, phát triển các cơ sở chế biến và bảo quản nông sản. Bên cạnh đó, cần đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh như điện sinh hoạt, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, trường học, bệnh viện, nước sạch... cho địa bàn nông thôn.
Việc cân nhắc và lựa chọn chiến lược phù hợp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và duy trì môi trường trong sạch là đòi hỏi sống còn cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế, phát triển bền vững còn biểu hiện ở các khía cạnh khác như đảm bảo dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển và hưởng thụ lợi ích từ sự phát triển cho mọi tầng lớp dân cư. Phát triển bền vững còn đòi hỏi đảm bảo việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiêu, cân bằng môi trường sinh thái. Nhật Bản là nước đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái trong sự phát triển nông thôn. Điều quan trọng nữa là duy trì bền vững xã hội như các giá trị văn hóa truyền thống làng xã, luật lệ và quy định nhằm xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, đủ khả năng tiếp cận với những tri thức mới của nhân loại. Các giá trị truyền thống phù hợp và các giá trị hiện đại thích ứng sẽ tồn tại đan xen và bổ trợ cho nhau, từ đó chúng góp phần làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nông thôn.
Chương 2
VẤN ĐỀ VIỆC LÀM NHÌN DƯỚI GÓC ĐỘ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG Ở KHU VỰC NÔNG THÔN VIỆT NAM
TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY