* Khái niệm “Cung về lao động”
Cung về lao động là tổng nguồn lao động do người lao động tự nguyện đem ra tham dự vào quá trình sản xuất xã hội, tức là tổng số nhân khẩu trong độ tuổi lao động có năng lực lao động cùng tổng số nhân khẩu không nằm trong độ tuổi lao động nhưng trong thực tế đang chính thức tham gia vào quá trình sản xuất xã hội.
Thông thường, khi nói đến cung trên thị trường lao động, người ta thường phân biệt rõ thành hai phạm trù: Cung thực tế và cung tiềm năng.
- Cung thực tế về lao động bao gồm tất cả những người đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật và những người đang bị thất nghiệp.
- Cung tiềm năng về lao động bao gồm những người đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật, những người thất nghiệp, những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động nhưng đang đi học, đang làm công việc nội trợ hoặc không có nhu cầu tìm việc.
* Các nhân tố ảnh hưởng đến cung lao động
- Yếu tố dân số:
Cung lao động là một bộ phận cấu thành của dân số, quy mô dân số đông và tăng nhanh sẽ tạo nên cung lao động lớn, nhưng không đồng thời mà sau một thời gian nhất định do cơ cấu tuổi xác định. Đến lượt mình, dân số lại
chịu ảnh hưởng của các quá trình sinh, tử, di dân và một số yếu tố khác liên quan đến chất lượng dân số.
- Các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hoá:
Các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hoá ảnh hưởng đến cung lao động thông qua các tác động của chúng đến mức độ tham gia lực lượng lao động của các nhóm dân số đặc trưng. Các yếu tố kinh tế có thể là tốc độ tăng trưởng GDP, mức thu nhập, các cơ hội việc làm và vị trí địa lý, đặc điểm tổ chức sản xuất và ngành nghề... Các yếu tố xã hội có thể bao gồm cơ hội tiếp nhận giáo dục, mức độ học tập, đào tạo qua các lớp; sự phân biệt đối xử, bình đẳng, bình quyền... Các yếu tố văn hoá có thể bao gồm phong tục tập quán, tôn giáo...