4. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu
3.2.4. Chiến lược truyền thông, quảng bá địa phương
- Tiếp tục triển khai thực hiện Hội nghị xúc tiến đầu tư.
Hội nghị xúc tiến đầu tư không còn xa lạ đối với Phú Thọ và các tỉnh khác. Mặc dù việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư là rất tốn kém và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là tổ chức ở nước ngoài. Tuy nhiên, tỉnh Phú Thọ cần có những bước đột phá trong việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. Theo đó, tỉnh cần thiết lập mối quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài đang hiện diện ở tỉnh Phú Thọ trong việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Phú Thọ tại các quốc gia của họ. Tỉnh có thể thông qua các doanh nghiệp nước ngoài hiện tại đóng trên địa bàn để hỗ trợ tổ chức Hội nghị ở quốc gia của họ.
- Lôi kéo những nhà đầu tư có thương hiệu mạnh.
Trong kinh doanh nói chung, việc sử dụng hình ảnh nhân vật nổi tiếng trở thành khách hàng của doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong marketing địa phương, việc sử dụng hình ảnh các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh cũng có tác dụng lôi kéo rất mạnh các nhà đầu tư khác đến đầu tư vào địa phương. Do đó, tỉnh Phú Thọ cần có chính sách nhằm lôi kéo nhà đầu tư có thương hiệu mạnh, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Quan tâm đến hoạt động chăm sóc nhà đầu tư.
Đây là những hoạt động của địa phương hướng đến phục vụ lợi ích của nhà đầu tư sau khi triển khai dự án. Tỉnh Phú Thọ cần có biện pháp tìm hiểu nghiên cứu nhu cầu của nhà đầu tư, thường xuyên cập nhật để có được những hành động kịp thời nhằm chăm sóc nhà đầu tư ngày một tốt hơn.
Từ năm 2006, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng tuyến du lịch về cội nguồn. Từ năm 2008 đến nay, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình đã xây dựng, liên kết tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc. Liên kết là biện pháp tốt nhất nhằm gia tăng sức mạnh của khu vực để tạo ra địa bàn rộng lớn hơn với nhiều tiềm năng hơn trong thu hút đầu tư phát triển nhằm thay đổi căn bản tình trạng kém phát triển về kinh tế và xã hội của khu vực. Đặc biệt là tăng cường liên kết phát triển du lịch ba tỉnh Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái.
Chính quyền, các cơ quan thực hiện xúc tiến đầu tư cần có sự bàn bạc nhằm đi đến thống nhất nội dung phối hợp xúc tiến đầu tư trên quan điểm phát triển vùng chứ không phải chỉ là nỗ lực phát triển cho một địa phương duy nhất. Các sản phẩm lãnh thổ được thiết kế trên cơ sở đại diện cho vùng để chào đón các nhà đầu tư.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư.
+ Phú Thọ cần có chương trình, kế hoạch xúc tiến tổng thể trên cơ sở xác định rõ đối tượng, mục tiêu, phương thức XTĐT.
+ Đảm bảo sự phối hợp giữa các cấp, các đơn vị về XTĐT. Đó là sự phối hợp về XTĐT giữa Phú Thọ và Trung ương, giữa các cơ quan XTĐT trong nước và nước ngoài, giữa các Sở ban ngành của Phú Thọ. Hiện tại, có nhiều đơn vị tiến hành XTĐT như Sở KH-ĐT, các trung tâm XTĐT thuộc các BQL KCN… Sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động XTĐT.
+ Các trung tâm XTĐT tổ chức khâu hỗ trợ trong suốt quá trình nhà đầu tư hoạt động ở tỉnh Phú Thọ. Điều này cho phép làm giảm sự không hài lòng của nhà đầu tư cũng như trợ giúp họ trong các tình huống khó khăn như vấn đề giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông, điện nước yếu kém.
+ Xem xét khả năng xã hội hóa công tác XTĐT bởi lẽ công tác XTĐT còn mang ý nghĩa tạo ra một hình ảnh đáng tin cậy về môi trường kinh doanh của Phú Thọ trong mắt bạn bè quốc tế.
+ Ngoài việc nâng cao chất lượng thông tin cho nhà đầu tư, cần phải xây dựng và đảm bảo tính chuyên nghiệp của bộ máy cơ quan XTĐT.
+ Đa dạng hóa, đa phương hóa các phương thức XTĐT cùng với việc tạo điều kiện giúp các nhà đầu tư đã vào Phú Thọ làm ăn thành công, nhằm tác động trực tiếp tới việc khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cũng như khích lệ các nhà đầu tư mới vào Phú Thọ.
Các trung tâm XTĐT của Phú Thọ có thể sử dụng nhiều công cụ, đặc biệt là để truyền phát hình ảnh hấp dẫn về địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
* Quảng cáo: các Trung tâm xúc tiến cần dành một phần lớn ngân sách cho hoạt động quảng cáo thông qua các tờ báo khác nhau (báo hàng ngày như Thời báo kinh tế Việt Nam, tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Kinh tế & Dự báo, Bộ KH- ĐT hay Vietnam Investment Rewiew….). Những quảng cáo này thường gắn kèm “thư trả lời”, có mục đích là xác lập quan hệ với những nhà đầu tư quan tâm đến địa phương/địa điểm đầu tư và có thể xác định được các nhà đầu tư tiềm năng.
* Interrnet: các Trung tâm xúc tiến phải phát triển các trang web nhằm cung cấp thông tin trên mạng internet. Phương tiện này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thu thập nhanh chóng những thông tin cơ bản về Phú Thọ. Đây là công cụ giao tiếp rất mạnh và hiệu quả của tỉnh đối với các nhà đầu tư tiềm năng.
* Ấn phẩm - Bản tin: việc phát hành Bản tin không chỉ là phương tiện duy trì quan hệ với các nhà đầu tư hiện tại mà còn tạo ra khả năng thu hút thêm các nhà đầu tư đang quan tâm đến Phú Thọ. Ví dụ như Bản tin bất động sản Việt nam, Bản tin đầu tư Bất động sản Việt nam….).
* Tổ chức hội thảo và tham gia hội chợ triển lãm: hình thức này đề cập đến mối quan hệ trực tiếp hơn giữa nhà đầu tư và những người đại diện của các Trung tâm xúc tiến của Phú Thọ. Trong đa số các trường hợp, hội thảo và diễn đàn XTĐT được thực hiện tại thủ đô.
Một số công cụ XTĐT đã được Sở KH-ĐT, các địa phương và KCN sử dụng. Tuy nhiên, cần đảm bảo tính tổng thể, nhất quán khi sử dụng các công cụ này.
- Kêu gọi sự ủng hộ của Chính Phủ.
Chính Phủ giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, trong hoạt động đầu tư, Chính Phủ cũng giữ vai trò chỉ đạo và
dẫn dắt cũng như định hướng đầu tư vào địa phương. Trước hết, tỉnh Phú Thọ cần kêu gọi sự ủng hộ của Chính Phủ ở phương diện tài chính, dành ưu đãi cho những dự án ODA, đầu tư phát triển các công trình của Trung ương đặt tại Phú Thọ, giới thiệu nhà đầu tư có thương hiệu của nước ngoài đầu tư vào tỉnh Phú Thọ.
- Sử dụng đồng bộ các kỹ thuật xúc tiến đầu tư. Sau khi đã xác định được nhà đầu tư mục tiêu, Phú Thọ cần đưa ra các chương trình truyền thông mang thông điệp về môi trường đầu tư và truyền tải tới các nhà đầu tư đó. Các chương trình truyền thông cần phù hợp và trợ giúp thông điệp về định vị (hình ảnh lãnh thổ mà Phú Thọ muốn xây dựng trong tâm trí của nhà đầu tư nước ngoài mục tiêu).
- Lựa chọn thông điệp truyền thông hấp dẫn và phù hợp.
Về mặt nguyên lý, chính quyền tỉnh Phú Thọ cần đưa ra những thông tin hữu ích và tin cậy trong đó phản ánh đầy đủ chính sách của Phú Thọ về thu hút đầu tư; và cũng cần chắc chắn rằng mình đang nói những điều mà các doanh nghiệp thực sự muốn nghe.
Truyền thông và quảng bá bao gồm toàn bộ các hoạt động của Phú Thọ nhằm truyền thông và khuếch trương hình ảnh của tỉnh ra bên ngoài. Đó có thể là chính sách xây dựng một Phú Thọ “xanh, sạch, đẹp” hoặc chủ trương cải thiện CSHT, giao thông đô thị để thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch... Truyền thông và quảng bá cần là những hành động cụ thể để củng cố ý tưởng quảng bá địa phương, nó cung cấp những thông tin theo cách thức hấp dẫn và thuyết phục nhất cho các nhà đầu tư về Phú Thọ cũng như đặc điểm của tỉnh mà các nhà đầu tư có quan tâm.
Một địa phương có thể có nhiều sự lựa chọn chiến lược truyền thông và quảng bá khác nhau. Có bốn chiến lược lớn thu hút khách tham quan, cư dân và nhân công, kinh doanh và công nghiệp, cho việc tăng xuất khẩu. Đó là các chiến lược truyền thông và quảng bá hình ảnh, quảng bá các điểm hấp dẫn, quảng bá hạ tầng cơ sở và quảng bá con người.
+ Quảng bá hình ảnh: Một trong những mục tiêu của truyền thông quảng bá hình ảnh là xây dựng và phát triển một khẩu hiệu (Slogan) hấp dẫn và đáng tin cậy. Nó phải chứa đựng và truyền tải những thông tin mang tính mô tả và thuyết phục
về địa phương. Chẳng hạn, Slogan của Phú Thọ có thể là “Phú Thọ - Trung tâm lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”. Tất nhiên, chỉ có khẩu hiệu thôi sẽ không đủ để tạo ra và khuếch trương hình ảnh của địa phương, nhất là khi nó không phải là một phần của chiến lược marketing rộng lớn hơn. Để chiến lược quảng bá hình ảnh thành công, bản thân hình ảnh của địa phương phải có giá trị và phải được quảng bá qua nhiều kênh khác nhau.
+ Truyền thông quảng bá các điểm hấp dẫn: Quảng bá hình ảnh chung của một địa phương có thể không đủ để làm tăng tính hấp dẫn quan trọng của địa phương. Địa phương còn cần phải đầu tư và khuếch trương các điểm hấp dẫn cụ thể. Gắn với tỉnh Phú Thọ là khu di tích lịch sử Đền Hùng, Suối nước khoáng nóng Thanh Thủy, đầm Ao Châu Hạ Hòa...
+ Truyền thông quảng bá hạ tầng cơ sở: Trong hầu hết các thông điệp truyền thông quảng bá địa phương thì CSHT đóng một vai trò quan trọng. Chính CSHT làm cho hình ảnh và sức hấp dẫn của địa phương tăng lên.Trong số các CSHT, đường giao thông và mạng thông tin liên lạc được quan tâm nhất. Phát triển CSHT giao thông làm dễ dàng quá trình trao đổi kinh tế giữa các vùng, địa phương và làm giảm chi phí vận chuyển, lưu kho cho các cơ sở sản xuất. Mặt khác, nhiều địa phương nhấn mạnh khả năng về công nghệ thông tin cũng như những ưu thế ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh như là một lợi thế thu hút các nhà đầu tư. Hoạt động đầu tư còn tập trung vào các khu đô thị, các chung cư, hệ thống điện nước, mạng lưới phân phối hàng hoá phục vụ sinh hoạt… Hướng đầu tư này tạo ra hình ảnh là địa phương rất quan tâm đến cuộc sống của người lao động sẽ làm việc trong các dự án đầu tư.
+ Truyền thông quảng bá thông qua hình ảnh cá nhân: Sử dụng hình ảnh con người là một tiếp cận chiến lược của marketing lãnh thổ. Truyền thông quảng bá thông qua hình ảnh cá nhân có các dạng như quảng bá qua những nhân vật nổi tiếng, những nhà lãnh đạo của tỉnh có uy tín, các nhân tài, những người có tinh thần khởi nghiệp và những người đã chuyển đến tỉnh Phú Thọ.