Nghiên cứu của USPHS (Division Of Health Statistic of U.S. Public Health Service) [22] với hai nhóm tuổi: 6-11 tuổi và 12-17 tuổi, tiến hành đo 8000 mẫu với
mỗi nhóm tuổi. Dùng phương pháp đo mẫu và chỉ số TPI để đánh giá khớp cắn, sắp xếp răng và các vấn đề khác của khớp cắn. Kết quả: 6-11 tuổi = 75% khớp cắn sai, 12-17 tuổi = 75% khớp cắn sai.
Nghiên cứu của bộ môn răng trẻ em và nắn chỉnh răng trường đại học nha Nairobi, Kenya 1996 với tên: “Mức độ phổ biến của khớp cắn sai ở trẻ em lứa tuổi 13-15 ở Nairobi Kenya” tiến hành trên 468 trẻ em nam và 451 trẻ em nữ.
Kết quả: 72% có khớp cắn sai. Trong đó: 93% khớp cắn trung bình, 19% khấp khểnh răng, 19% xoay răng, 10% khớp cắn chéo phía sau, 8% khớp cắn hở. Không có sự khác biệt giữa nam và nữ.
Năm 1998, NHANES III (The third National Health and Nutrition Examination Survey) đã nghiên cứu “ Tần suất sai khớp cắn và nhu cầu điều trị ở Mỹ” đã đưa ra kết quả: Tỷ lệ không đều vùng răng cửa xảy ra với số lượng lớn ở các chủng tộc, dân tộc, khoảng 35% người lớn có sắp xếp răng tốt ở hàm dưới, 15% khớp cắn sai có ảnh hưởng nặng tới chức năng, 20% có sự lệch hướng từ quan hệ cắn lý tưởng. ClII, ClIII phố biến ở Mexico và Mỹ. Khớp cắn sâu, hở: ít thấy. 57%- 59% dân của mỗi dân tộc có vài phần trăm cần điều trị nắn chỉnh.
Nghiên cứu của Nguyễn Văn Cát và cộng sự 1984-1985 [3] cho kết quả: 44,84% dân số ở miền Bắc có tỷ lệ lệch lạc răng hàm. 90% học sinh ở một số trường Hà Nội có lệch lạc răng hàm. Theo con số thống kê của Lê Thị Nhàn (1978) 60% tổng số học sinh tới nắn chỉnh răng tại khoa Răng Hàm Mặt Hà Nội có lệch lạc răng hàm. Hà Minh Thu thống kê trên 1000 học sinh (tại bệnh viện Răng Hàm Mặt) (1996) lứa tuổi 6-26 cho kết quả 96,1% có lệch lạc răng hàm.
1.4. Chỉ số nhu cầu điều trị nắn chỉnh
Có nhiều chỉ số được sử dụng để đánh giá nhu cầu điều trị nắn chỉnh: Chỉ số khớp cắn của Summers [23], chỉ số đánh giá trở ngại của lệch lạc khớp cắn Salzmann [24], chỉ số nhu cầu điều trị nắn chỉnh của Thụy Sỹ từ 1966. Chỉ số nhu cầu điều trị nắn chỉnh của Thụy Sỹ chỉ ra mức độ cần điều trị của học sinh là nhiều hay ít, được đánh giá theo cách xác định mức độ nghiêm trọng của lệch lạc khớp cắn để chia nhu cầu điều trị nắn chỉnh ra thành 5 mức độ:
Mức độ 1: Không có nhu cầu điều trị nắn chỉnh
Mức độ 2: Ít có nhu cầu điều trị nắn chỉnh
a. Độ cắn chìa 3,5 - 6mm, và hai môi chạm được nhau ở tư thế nghỉ. b. Có khớp cắn chéo vùng răng trước dưới 1mm.
c. Sự khác biệt của cắn chéo răng trước hoặc sau dưới 1mm giữa vị trí tiếp xúc lùi sau và lồng múi tối đa.
d. Có răng dịch chuyển sai vị trí từ trên 1 đến 2mm. e. Cắn hở phía trước hoặc phía sau từ trên 1 đến 2mm.
f. Khớp cắn sâu lớn hơn hoặc bằng 3,5mm và răng cửa dưới không chạm lợi hàm trên.
Mức độ 3: Có nhu cầu điều trị nắn chỉnh trung bình.
a. Độ cắn chìa từ trên 3,5 - 6mm, hai môi không chạm nhau. b. Cắn khớp chéo răng trước từ trên 1 đến 3,5mm.
c. Khớp cắn chéo phía trước hoặc sau từ trên 1 đến 2mm giữa vị trí tiếp xúc lui sau và vị trí lồng múi tối đa.
d. Các răng chen chúc từ trên 2 đến 4mm.
e. Cắn hở phía trước hoặc phía sau từ trên 2 đến 4mm.
f. Khớp cắn sâu hoàn toàn, răng cửa hàm dưới chạm vào lợi hàm trên hoặc vòm miệng nhưng không gây tổn thương.
Mức độ 4: Nhu cầu điều trị nắn chỉnh lớn
a. Thiếu ít răng cần phải điều trị phục hình tiền chỉnh nha hoặc chỉnh nha để tạo khoảng trống (1 răng /1 cung răng).
b. Độ cắn chìa tăng lớn hơn 6mm nhưng nhỏ hơn hoặc bằng 9mm.
c. Cắn khớp chéo phía trước hơn 3,5mm nhưng không ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai và phát âm.
d. Cắn khớp chéo phía trước lớn hơn 1mm và nhỏ hơn 3,5mm gây khó khăn trong việc ăn nhai và phát âm.
e. Khớp cắn chéo phía trước hoặc phía sau lớn hơn 2mm giữa vị trí tiếp xúc lui sau và vị trí lồng múi tối đa.
f. Khớp cắn chéo không có sự tiếp xúc cắn khớp chức năng ở một hoặc cả hai múi ngoài.
g. Các răng chen chúc nhiều, lớn hơn 4 mm.
h. Khớp cắn hở ở phía trước hoặc phía bên lớn hơn 4mm. i. Khớp cắn sâu hoàn toàn, tổn thương lợi và vòm miệng.
j. Răng mọc một phần, bị cản trở mọc bởi răng bên cạnh. Có răng thừa.
Mức độ 5: Có nhu cầu điều trị nắn chỉnh nhiều nhất.
a. Cản trở mọc răng (trừ răng hàm lớn thứ ba) do răng chen chúc, có răng thừa, còn răng sữa, và các nguyên nhân bệnh lý khác.
b. Thiếu nhiều răng, có chỉ định làm phục hình (hơn 1 răng/1 cung răng) cần có phục hình tiền chỉnh nha.
c. Độ cắn chìa tăng lớn hơn 9mm.
d. Cắn khớp chéo phía trước lớn hơn 3,5mm gây khó khăn trong việc ăn nhai và nói.
e. Khe hở môi - vòm miệng và các bất thường về sọ mặt khác. f. Có răng sữa ngầm.
1.5. Các kết quả nghiên cứu chỉ số nhu cầu điều trị nắn chỉnh trong và ngoài nước
Các kết quả nghiên cứu của Mandall [25] ở trẻ em 14-15 tuổi trường Manchester cho thấy 48% không cần điều trị, 34% nhu cầu điều trị trung bình và 18% nhu cầu điều trị rất nhiều.
Trong khi J Indian Soc Pedod prev Dent-March 2007 nghiên cứu trên nhóm trẻ em Châu Á và Caucasian cho thấy yếu tố sức khỏe nha khoa với 18, 41% cần và rất cần điều trị, khá gần với kết quả của Mandall [25], nhưng nhóm có nhu cầu điều trị (bao gồm mức độ 3,4,5) là 44,2% - nhiều hơn một phần ba của dân số và vẫn còn ít hơn so với kết quả các nghiên cứu khác. Liên quan về mặt giới tính với nhu cầu điều trị chỉnh hình răng mặt cũng được nhiều nghiên cứu đề cập tới.
Năm 1999, Burden và cộng sự [26] nhận thấy nhu cầu điều trị nắn chỉnh ở nam giới cao hơn nữ một cách rõ rệt, phù hợp với những phát hiện của J Indian Soc Pedod prev Dent-March 2007 - con trai có nhu cầu điều trị lớn hơn (p = 0,001).
Trong khi đó, nghiên cứu của Mandall và cộng sự [25] cũng như Ucuncu [27] cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa con trai và con gái về khía cạnh này.
Nghiên cứu của Wang G, HaggU, Linh J [28] năm 1999 “Nhu cầu điều trị nắn chỉnh răng hàm của trẻ em Trung Quốc tại Hồng Kông” mẫu nghiên cứu gồm 765 trẻ em lứa tuổi 12, dùng chỉ số IOTN đánh giá nhu cầu điều trị nắn chỉnh răng hàm cho kết quả: 12% mức độ 1(không cần can thiệp); 18% mức độ 2 (nhu cầu điều trị ít); 33% mức độ 3 (nhu cầu điều trị trung bình); 33% mức độ 4 (cần thiết điều trị) và 4% mức độ 5 (rất cần điều trị). 2/3 số trẻ em không hài long với bộ răng của mình nhưng chỉ có 40% trẻ em muốn điều trị nắn chỉnh răng hàm.
Nghiên cứu của Abdullah MS, Rock WP năm 2001 [29] “ Đánh giá nhu cầu điều trị nắn chỉnh răng hàm của 5112 trẻ em Malaysia dùng chỉ số IOTN và chỉ số DAI”, cho kết quả như sau: tỷ lệ trẻ em phải điều trị sức khỏe răng miệng ở mức 4-
5 là 47,9% và 22% phải điều trị thẩm mỹ răng ở mức 8-10 và chỉ số DAI là 24,1% cần điều trị. Kết hợp cả 2 chỉ số có 30% trẻ em cần phải can thiệp điều trị nắn chỉnh răng hàm.
1.5.1. Nghiên cứu về chỉ số thẩm mỹ nha khoa (DAI)
Theo nghiên cứu của Esa [14] và cộng sự năm 2001 “Dịch tễ học của sai khớp cắn và nhu cầu điều trị của học sinh 12-13 tuổi”, trong đó có 747 nữ và 772 nam. Kết quả là, 62,6% không cần điều trị chỉnh nha, chỉ có 7% có khuyết tật sai khớp cắn bắt buộc phải điều trị. Sai khớp cắn định rõ trong nghiên cứu này có ý nghĩa thống kê về giới và nơi ở của đối tượng. Mức độ DAI trung bình không có ý nghĩa khác nhau giữa trẻ em Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ. Mức độ DAI và tỷ lệ nhu cầu nắn chỉnh có ý nghĩa phù hợp với bề ngoài và chức năng xã hội (p<0,01). Nghiên cứu của Baca-Garcia [30] và cộng sự năm 2004 “Sai khớp cắn và nhu cầu điều trị nắn chỉnh ở một nhóm thiếu niên Tay Ban Nha sử dụng chỉ số thẩm mỹ răng”. Mẫu nghiên cứu 744 học sinh ở thành thị và nông thôn phía nam Tây Ban Nha tuổi 14-20 và không được điều trị chỉnh nha. Kết quả: mức độ DAI trung bình là 25,6%. Phân bố 4 mức độ DAI: không có bất thường hoặc sai khớp cắn 58,6%; sai khớp cắn rõ 20,3%; sai khớp cắn trầm trọng 11,2%; sai khớp cắn rất trầm trọng 9,9%. Mức độ DAI trung bình không có ý nghĩa thống kê khác nhau giữa các giới và vùng ở nhưng có khác về mức độ xã hội ( p<0,05).
Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Khang [31] năm 2002 “ Nghiên cứu cơ cấu và biện pháp can thiệp một số bệnh răng miệng trong quân đội”. Nghiên cứu chỉ số DAI cho 1564 đối tượng quân dân có kết quả DAI<25 có 90,65%; DAI 26-30 có 7,27%; DAI 31-35 có 2,08% và DAI>36 không có trường hợp nào chiếm 0%.
1.5.2. Nghiên cứu, đánh giá mức độ phù hợp giữa các chỉ số mức độ thẩm mỹ (AC) và nhu cầu điều trị nắn chỉnh (IOTN) của các tác giả trong và ngoài nước
Theo nghiên cứu Anneli M. Johansson and Marie. Follin (2005) [30] “Đánh giá mức độ thẩm mỹ (AC) dựa vào các chỉ số nhu cầu điều trị nắn chỉnh răng hàm (IOTN) của các bác sĩ chỉnh nha tại Thụy Điển” đã đưa ra kết qua như sau: các bác sỹ chỉnh hình răng mặt Thụy Điển đưa ra kết quả không trùng khớp với bảng xếp hạng của 10 bức ảnh trong AC của IOTN của Brook and Shaw
(1989). Xếp hạng của họ là 1, 2, 3, 4, 6, 5, 7, 9, 8, 10. Do vậy mức độ thẩm mỹ phải được hạ xuống, có nghĩa là nhiều người được coi là cần điều trị. Ranh giới phân chia giữa không cần phải điều trị và nhu cầu điều trị nên được rõ ràng hơn. Một nghiên cứu của C.Dhanni, M.Saify, B.Goutham, S.Kulkarni [32] về “Mối liên hệ giữa tình hình kinh tế xã hội đến tình hình và nhu cầu điều trị chỉnh hình răng” – (2008) trên một nhóm dân cư tuổi từ 13-25 tại Udaipur, Rajasthan, Ấn độ, cho thấy: quy chuẩn để đánh giá nhu cầu điều trị và nhu cầu tự nhận thức để điều trị chỉnh hình răng phổ biến hơn ở tầng lớp có điều kiện kinh tế cao hơn so với tầng lớp có điều kiện kinh tế thấp. Do đó tác giả đi đến kết luận: tình trạng kinh tế xã hội ảnh hưởng nhiều đến chuẩn mực đo lường mức độ thẩm mỹ và nhu cầu chỉnh nha của người dân.
1.6. Sự thay đổi của khớp cắn
Mặt phẳng tận cùng giữa răng hàm sữa thứ hai hàm trên và răng hàm sữa thứ hai hàm dưới có ảnh hưởng đến vị trí và loại khớp cắn khi mọc răng hàm lớn thứ nhất vĩnh viễn.
Khi răng dịch chuyển trước và sau (trong quá trình nhai) có thể gây nên mòn mặt tiếp xúc và mòn khớp cắn dẫn đến làm giảm độ rộng của răng chiều trước sau. Kết quả làm giảm chu vi cung hàm 5-10mm hoặc hơn sau khi hoàn chỉnh mọc răng vĩnh viễn ở tuổi thiếu niên. Khấp khểnh nhẹ của răng cửa dưới có xu hướng tăng nếu giai đoạn đầu răng sắp xếp tốt, hoặc khấp khếnh nhẹ ban đầu sẽ trở nên xấu hơn. Sự thay đổi này xuất hiện sớm ở tuổi 17-18 hoặc muộn hơn ở tuổi 20. Ở trẻ em khi hai hàm cắn lại thì tất cả răng hàm trên (ngoại trừ răng hàm sữa thứ hai) đều cắn khớp với hai răng đối diện ở hàm dưới. Ở răng hàm dưới cũng vậy trừ răng cửa dưới.
1.7. Các nguyên nhân gây sai khớp cắn
Nguyên nhân lệch lạc răng đã được chia thành 3 nhóm sau đây:
• Yếu tố môi trường
• Yếu tố di truyền
• Các nguyên nhân khác
1.7.1. Ảnh hưởng của môi trường
Ảnh hưởng của sự cân bằng trên bộ răng được biểu rõ hơn khi quan sát ảnh hưởng của những loại áp lực khác nhau. Do sự đáp ứng sinh học, thời gian tác dụng của lực quan trọng hơn cường độ lực.
Khi đặt một lực nhai mạnh trên răng, dây chằng nha chu vốn thấm đầy dịch sẽ hoạt động như một “lò xo” chống sốc, giữ răng trong một chốc lát trong khi xương ổ răng uốn cong và răng bị dịch chuyển một đoạn ngắn cùng với xương. Nếu lực nhai mạnh kéo dài hơn vài giây, sẽ cảm thấy đau, và do đó lực nhai sẽ ngừng lại nhanh chóng. Loại lực mạnh, ngắt quãng từng cơn sẽ không có ảnh hưởng trên vị trí lâu dài của răng.
Nghiên cứu năm 1907 của Angle [10] khẳng định phương pháp chế biến thực phẩm hiện đại làm cho con người thay đổi chế độ ăn từ ăn cứng sang ăn mềm có thể là nguyên nhân lệch lạc khớp cắn. Butler’s Field [33] nghiên cứu về hình thái, đặc điểm mọc răng, số lượng răng của răng người cổ đại thấy: do phải sử dụng răng để nhai nghiền các thực phẩm thô nhiều nên người cổ đại thường mọc đủ răng khôn, kích thước của nhóm răng trước và răng sau lớn hơn và ít gặp tình trạng mọc răng lệch lạc hơn so với răng của người hiện đại.
1.7.1.2. Các ảnh hưởng do thói quen xấu tuổi học đường ảnh hưởng đến lệch lạc khớp cắn
• Thói quen mút ngón tay [34], [35]:
Khớp cắn ban đầu của trẻ trước khi có thói quen xấu quan trọng trong chẩn đoán để xác định những lệch lạc gây ra bởi thói quen xấu hay có sự tham gia của yếu tố di truyền. Rakosi đã nghiên cứu trên 693 trẻ em có thói quen mút ngón tay và thấy rằng khoảng 60% trẻ đã dừng thói quen xấu này trước 2 tuổi và phần lớn trong nhóm trẻ này có khớp cắn bình thường, trong khi đó 413 trẻ kéo dài thói quen xấu này qua 4 tuổi đều có lệch lạc khớp cắn và từ đó ông ta đưa ra kết luận rằng mút ngón tay kéo dài là nguyên nhân gây ra lệch lạc khớp cắn ở những trẻ em này. Graber cũng có kết luận tương tự là mút ngón tay được coi như là hiện tượng bình thường ở trẻ em dưới 2 tuổi và lệch lạc răng miệng vĩnh viễn sẽ xảy ra khi mà trẻ kéo dài thói quen xấu này qua 4 tuổi. Những nghiên cứu về tỉ lệ thói quen xấu này ở
trẻ em cho thấy xuất hiện nhiều nhất ở trẻ 6 – 7 tháng tuổi và giảm tới 0 ở trẻ 14 tuổi. Mút ngón tay cho dù chỉ xuất hiện một thời gian ngắn ở trẻ nhỏ cũng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của răng, xương ổ răng, Theo Graber lệch lạc vĩnh viễn sẽ xảy ra khi trẻ qua 4 tuổi do mút ngón tay không chỉ trực tiếp gây ra lệch lạc răng mà nó cũng làm tăng thêm những rối loạn chức năng của hệ thống cơ quanh miệng, đặc biệt là cơ cằm và gây ra hoạt động bù trừ dẫn đến đẩy lưỡi, và tác động lâu dài các hoạt động mất cân bằng của hệ thống cơ lên răng và xương ổ răng liên quan gây ra những biến dạng ngay cả khi các thói quen xấu đó đã chấm dứt.
Tác động của mút ngón tay bao gồm tác động trực tiếp và tác động gián tiếp: - Tác động trực tiếp:
+ Đẩy răng cửa trên ra phía ngoài. + Đẩy răng cửa dưới vào trong. + Khớp cắn hở.
+ Hạn chế sự phát triển theo chiều đứng của các răng trước, các răng hàm mọc thụ động do có khoảng trống lâu ngày dẫn tới thay đổi hướng phát triển của XHD lên trên và ra sau quá mức tạo khớp cắn hở do xương.
+ Hàm trên bị hẹp dẫn tới khớp cắn chéo phía sau 1 hoặc 2 bên.