Miễn dịch học bệnh Gumboro

Một phần của tài liệu đánh giá khả năng bảo hộ, độ an toàn của vaccine nhược độc upm93 trong chăn nuôi gà công nghiệp (Trang 30 - 39)

Khi virus xâm nhập vào cơ thể, thì cơ thể sẽ đáp ứng lại trước hết bằng cơ chế miễn dịch không đặc hiệu, sau đó là cơ chế miễn dịch đặc hiệu.

Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu có thể là đáp ứng miễn dịch dịch thể, tạo ra các lớp globulin miễn dịch IgA, IgD, IgE, IgG, IgM có được đề cập đến nhưng chưa rõ (Silim,1992).

Túi Fabricius và tuyến ức (Thymus) là hai cơ quan trung tâm của hệ thống tạo miễn dịch của gia cầm. Túi Fabricius ở gà là trung tâm tạo tế bào Lympho B đóng vai trò quyết định trong miễn dịch dịch thể, cơ quan dạng Lympho, đây là cơ quan biệt hóa tế bào Lympho B chưa chín thành Lympho B chín trong hoạt động miễn dịch dịch thể. Tuyến ức tạo tế bào Lympho T và đóng vai trò quyết định trong miễn dịch tế bào.

Đối với bệnh Gumboro, miễn dịch dịch thể đóng vai trò chủ yếu và quan trọng nhất nên ở phần này chúng tôi chỉ đề cập đến miễn dịch dịch thể chống bệnh Gumboro ở gà.

Trong quá trình phát triển của phôi, túi Fabricius vừa hình thành thì đồng thời tiếp nhận phôi nguyên bào từ lòng đỏ đến để biệt hóa thành tế bào Lympho B. Vào ngày thứ 8 - 14 sau khi ấp, các nguyên bào Lympho B đã tập trung với số lượng lớn trong các nang tuyến của túi Fabricius. Ngày 16 - 17, các tế bào Lympho B đã trở nên thành thục và bắt đầu theo máu di chuyển đến tổ chức Lympho lần thứ 2 như: Gan, lách, hạch manh tràng... Sau khi gà nở, Lympho B tăng nhanh về số lượng và đạt đến đỉnh cao vào lúc gà 21 ngày tuổi.

Khi các kháng nguyên đi vào cơ thể, chúng sẽ được chọn lọc và gắn với Lympho B chín là một trong những điều kiện cơ bản cho sự phát triển đáp ứng miễn dịch dịch thể.

Khi kháng nguyên gắn vào các SIg trên tế bào Lympho B sẽ hình thành phức hợp "Kháng nguyên - SIg", các phức hợp này sẽ di động giữa các lớp của màng tế bào và nhanh chóng tụ lại ở một cực của tế bào, làm xuất hiện hình ảnh tế bào "đội nón" (Capoing).

Các tế bào Lympho B sau khi được kháng nguyên kích thích, chúng phân chia rồi biệt hóa thành các tương bào (Plasmocyte). Đây là những tế bào trực tiếp sản sinh ra kháng thể. Quá trình này phụ thuộc vào sự kích thích của kháng nguyên và sự hỗ trợ của tế bào Lympho T. Kháng thể dịch thể là các globulin miễn dịch (Ig - Immunoglobulin): IgA, IgE, IgD, IgM, IgG sẽ tham gia vào các quá trình đáp ứng miễn dịch khác nhau.

Các kháng thể dịch thể tồn tại trong cơ thể một thời gian nhất định. Trong thời gian đó, nếu có kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể thì kháng thể đặc hiệu sẽ kết hợp với kháng nguyên đó tạo thành một phức hợp kháng nguyên - kháng thể, kết quả là kháng nguyên bị loại trừ. Tất nhiên, khi kháng nguyên kích thích thì kháng thể không được sản sinh ngay mà phải qua một thời gian nhất định, thường là 5 - 7 ngày và đạt hàm lượng cao nhất sau 15 - 21 ngày, sau đó duy trì một thời gian rồi giảm dần trong vài tháng hoặc vài năm (phụ thuộc vào nhiều yếu tố).

Khi kháng nguyên đưa vào cơ thể lần sau gọi là phương pháp "kháng nguyên nhắc nhở" thì thời gian sinh kháng thể sẽ sớm hơn và kháng thể sẽ sinh ra nhiều hơn. Nhờ vai trò đặc biệt của các tế bào B "nhớ" và T "nhớ". Đây là hiện tượng "trí nhớ miễn dịch". Dựa trên cơ chế này người ta áp dụng cho việc "tiêm phòng nhắc nhở" tạo miễn dịch cao cho đàn gà.

Sự hình thành kháng thể và quá trình đáp ứng miễn dịch phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: trạng thái sức khỏe của cơ thể, điều kiện ngoại cảnh, chăm sóc nuôi dưỡng,... nhưng quan trọng nhất là phụ thuộc vào bản chất kháng nguyên.

Cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, miễn dịch chống bệnh Gumboro gồm nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là phải tạo miễn dịch chủ động và miễn dịch bị động cho đàn gà.

Về nguyên lý, miễn dịch học bệnh Gumboro yêu cầu chặt chẽ sự phối hợp của hai loại miễn dịch chủ động và bị động để tạo sự miễn dịch bảo vệ cho gà dưới 6 tuần tuồi, đây là độ tuổi mẫn cảm với virus Gumboro.

2.6.1. Miễn dịch thụ động

Gà con có được miễn dịch là do nhận được kháng thể dịch thể đặc hiệu lớp IgG truyền từ mẹ qua lòng đỏ trứng. IgG của gà mẹ có miễn dịch theo đường máu tới ống dẫn trứng, qua lớp biểu mô đi vào túi lòng đỏ của trứng trong giai đoạn đang hình thành. Đến ngày thứ 11 sau khi ấp phôi, gà đã phát triển hoàn chỉnh thì lòng đỏ trứng qua nội bì vào mạch máu tới gà con và tồn tại trong một thời gian.

Kháng thể thụ động có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của virus cường độc Gumboro và phát sinh bệnh ở gà con trong những ngày tuổi đầu, chống lại sự suy giảm miễn dịch do virus Gumboro gây ra. Nhưng gà 1 ngày tuổi có kháng thể thụ động cao, túi Fabricius không được bảo vệ với virus cường độc Gumboro. Theo Lukert và Rifuliadi (1979) đã làm thí nghiệm công cường độc virus Gumboro cho gà con 1 ngày tuổi có hiệu giá kháng thể trung hòa bình quân là 1 : 654 và cho biết đã phân lập lại được virus cường độc Gumboro ở vùng trung tâm nang túi ngay sau khi gây nhiễm 3 ngày và virus tồn tại tới 14 ngày tuổi. Đây là lý do tại sao ở những vùng không an toàn dịch người ta khuyên các nhà chăn nuôi nên sử dụng loại vacine nhược độc cho gà con 1 ngày tuổi ngay tại nhà ấp, trước khi cho gà con tiếp xúc với môi trường (Rhone Merieux, 1992). Liều này không có ý nghĩa kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch

chủ động phòng bệnh Gumboro, mà chỉ để đảm bảo cho túi Fabricius của gà con đều được virus vaccine chiếm lĩnh thay cho việc túi Fabricius bị virus cường độc tấn công.

Hàm lượng kháng thể thụ động trong cơ thể gà con phụ thuộc vào khoảng thời gian từ khi dùng vaccine cho gà mẹ đến khi lấy trứng và hiệu giá kháng thể gà mẹ truyền cho gà con.

Theo Skeeles và cộng sự (1980), đàn gà bố mẹ được tiêm vaccine nhũ dầu có khả năng truyền cho gà con một lượng kháng thể tương đương với 90% lượng kháng thể ở gà mẹ tính theo hiệu giá kháng thể trung hòa.

Theo Baxendale và Lutticken (1981) dùng vaccine vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh Gumboro cho gà bố mẹ sẽ kích thích tạo ra lượng kháng thể thụ động ở gà con đủ bảo hộ chúng trong 4 đến 5 tuần đầu, trong khi nếu tiêm cho gà mẹ vaccine nhược độc thì kháng thể thụ động ở gà con chỉ tồn tại và bảo hộ cho chúng từ 1 đến 3 tuần đầu.

Theo Lucio và Hitchner, (1979) khi hiệu giá kháng thể trung hòa Gumboro nhỏ hơn 1 : 100 thì 100% gà mẫn cảm với virus Gumboro, nghĩa là đàn gà có khả năng nhiễm bệnh. Hiệu giá từ 1 : 100 đến 1 : 600 đàn gà được bảo hộ 40%, còn nếu hiệu giá trung hòa từ 1/600 trở lên thì đàn gà chắc chắn được bảo hộ.

Menender - NA và cộng sự (1986) đã nghiên cứu gà mái đẻ 34 - 64 tuần, tiêm vaccine Gumboro sống trong quá trình phát triển và tiêm vaccine chết ở tuần 20 thấy gà con có kháng thể bảo hộ đến hết ngày thứ 14. Hiện nay, trên thế giới đang sử dụng rộng rãi vaccine Gumboro vô hoạt để tiêm phòng cho đàn gà giống trước khi vào đẻ ( khi gà được 18 tuần) và cứ sau 24 tuần thì nhắc lại nhằm nâng cao hàm lượng kháng thể đặc hiệu trong cơ thể gà mẹ, tạo kháng thể thụ động trong cơ thể gà con trong những ngày mới nở.

Việc nghiên cứu kháng thể bị động của gà con cho phép xác định thời gian và số lần dùng vaccine thích hợp để bảo hộ được đàn gà không mắc bệnh Gumboro.

Cũng như nhiều bệnh khác, sự đáp ứng miễn dịch bị động trong bệnh Gumboro ở gà có thể gây trở ngại cho sự kích thích đáp ứng miễn dịch chủ động. Vì vậy, việc lựa chọn thời điểm thích hợp để dùng vaccine cho gà tới nay vẫn là vấn đề phức tạp. Để tiêm vaccine hiệu quả, hiệu giá kháng thể thụ động phải nhỏ hơn 1 : 64 (Skeeles, 1979). Theo Hafez, (1991) thời gian bán phân của kháng thể thụ động truyền từ gà mẹ sang là ± 4 ngày.

2.6.2. Miễn dịch chủ động

Miễn dịch chủ động là miễn dịch thu được sau khi gà mắc bệnh khỏi hoặc sau khi gà được tiêm chủng bằng vaccine nhược độc hoặc vaccine vô hoạt.

Đối với gà con được dùng vaccine sống nhược độc để phòng bệnh Gumboro. Miễn dịch đạt được sau 14 ngày ở một tỷ lệ nhất định, nhưng đến 21 ngày sau khi dùng vaccine thì 100% gà có miễn dịch. Từ 20 - 30 ngày, miễn dịch đạt đến đỉnh cao, được duy trì một thời gian rồi giảm dần.

Biện pháp tạo miễn dịch bằng các đưa vaccine vào cơ thể gia cầm là biện pháp phòng bệnh tích cực. Vaccine sau khi đưa vào cơ thể, đến các cơ quan có thẩm quyền miễn dịch, kích thích sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu. Những kháng thể này tồn tạo trong các dịch sinh học trong cơ thể như: máu, hệ bạch huyết...

Kháng thể dịch thể Gumboro trong máu có thể phát hiện và định lượng bằng các phản ứng huyết thanh học (Lukert và Hitchner, 1984). Gà ở độ tuổi còn non có thể dùng vaccine qua đường miệng là có thể tạo ra kháng thể nhưng ở gà trưởng thành thì phải được tiêm vaccine vô hoạt nhũ dầu theo đường tiêm bắp thịt hoặc dưới da mới có miễn dịch, nếu dùng theo đường tiêu hóa thì không hiệu quả (Hitchner, 1976). Theo Hitchner, (1976) khi hiệu giá kháng thể trung hòa trong cơ thể gà lớn hơn 1 : 600 thì gà có khả năng chống lại virus cường độc.

2.7. Phòng và trị bệnh Gumboro

2.7.1. Phòng bệnh

* Phương pháp vệ sinh tổng hợp

Như đã trình bày ở phần trước, virus Gumboro có sức sống dẻo dai trong môi trường thiên nhiên. Chúng có thể tồn tại trong chuồng gà tới 122 ngày, đây chính là nguồn bệnh tiềm tàng và nguy hiểm... do đó phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh thú y để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của mầm bệnh:

- Đảm bảo sự cách ly của khu chăn nuôi với các hoạt động khác, tránh sự tiếp xúc của khu vực chăn nuôi với xung quanh. Khu nuôi cần có hàng rào ngăn cách.

- Phải tăng cường công tác vệ sinh chăn nuôi thú y, giữ đúng các nguyên tắc khử trùng, tiêu độc, tổng tẩy uế, phun thuốc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi định kì bằng các loại hóa chất mà virus Gumboro mẫn cảm như formalin, chloramin ...

- Áp dụng triệt để nguyên tắc "cùng vào, cùng ra". Sau mỗi đợt nuôi cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, sát trùng triệt để và có thời gian để trống chuồng hợp lý.

- Khi một trại có dịch bệnh xảy ra, phải thông báo cho thú y và có kế hoạch làm vệ sinh, tổng tẩy uế bằng Formol 5%.

* Vaccine phòng bệnh Gumboro

Do đặc điểm cấu tạo đặc biệt nên virus Gumboro có sức đề kháng rất cao trong tự nhiên, khả năng tồn tại và lan truyền rất lớn, tính chất dịch tễ của bệnh là rất phức tạp. Các biện pháp vệ sinh thú y, chăm sóc nuôi dưỡng, kiểm dịch... là các biện pháp đóng góp tích cực trong phòng dịch, song chưa hoàn toàn ngăn được bệnh xảy ra. Biện pháp cơ bản để khống chế bệnh là tạo miễn dịch cho gà. Do bệnh thường sảy ra ở gà con nên việc chú ý tạo miễn dịch cho gà con là vô cùng quan trọng. Nhiều tác giả cho biết khi dùng vaccine Gumboro cho gà mẹ thì miễn dịch thụ động có thể kéo dài 1 - 3 tuần. Vấn đề chính trong

tạo miễn dịch chủ động là xác định được thời gian thích hợp để dùng vaccine. Điều này phụ thuộc vào hàm lượng kháng thể thụ động, đường truyền vaccine và tính kháng nguyên của virus vaccine. Muốn cho lịch dùng của vaccine đạt hiệu quả tốt, ngoài việc chú ý tới hàm lượng kháng thể của gà con, người ta còn phải đặc biệt lưu tâm đến yếu tố môi trường, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng đối với đàn gà.

Theo Lukert và cộng sự, (1984) ở Mỹ có 4 loại vaccine phòng bệnh Gumboro là:

- Vaccine sống nhược độc: Có độc lực tương đối cao có thể gây suy giảm miễn dịch và gây bệnh lâm sàng cho gà mẫn cảm. Loại này không được các nhà sản xuất vaccine sản xuất một cách thường xuyên và chỉ được dùng cho gà thịt thương phẩm ở những trại đã từng có bệnh Gumboro.

- Vaccine nhược độc hoàn toàn: Virus vaccine đã được mất hoàn toàn độc lực nhưng còn tính kháng nguyên mạnh. Vaccine này không gây suy giảm hệ miễn dịch và không gây bệnh lâm sàng cho gà mẫn cảm, có thể dùng cho gà mọi lứa tuổi.

- Vaccine nhược độc trung gian: vaccine này được làm từ virus đã được giảm độc lực, độc lực ở mức trung gian giữa 2 loại trên.

- Vaccine vô hoạt có bổ trợ nhũ dầu: dùng cho gà bố mẹ. Loại này chỉ được dùng cho gà bố mẹ bằng cách tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, kháng thể tạo ra được truyền sang túi lòng đỏ. Lượng kháng thể thụ động này có thể bảo vệ gà con trong những ngày đầu mới nở.

Virus nhược độc Gumboro có thể truyền ngang (qua tiếp xúc) trong đó vaccine nhược độc trung gian có khả năng truyền ngang mạnh hơn vaccine nhược độc hoàn toàn. Theo Winterfield, (1962) không thấy có sự truyền ngang của virus vaccine khi dùng vào lúc 16 ngày tuổi và nếu có thì chúng không đủ độc lực để gây bệnh. Tác giả đã thử nghiệm chủng virus vaccine tự

chế bằng cách truyền liên tiếp qua 6 đời gà đều không thấy triệu chứng lâm sàng của bệnh.

Nếu gà con sinh ra từ gà bố mẹ không có miễn dịch với bệnh Gumboro, có thể dùng vaccine nhược độc ngay từ lúc 1 ngày tuổi, lần hai vào lúc 10 - 14 ngày tuổi và sau 7 - 10 ngày dùng lần ba. Nhưng nếu gà con đã có kháng thể thụ động từ gà bố mẹ truyền cho thì nên dùng vaccine khi hàm lượng kháng thể thụ động đã giảm xuống.

Hiện nay, ở Viêt Nam để phòng bệnh Gumboro cho đàn gà, đã có nhiều loại vaccine Gumboro sản xuất trong nước và vaccine nhập ngoại như:

- Vaccine Gumboro nhược độc, đông khô của NAVETCO. Vaccine được sản xuất từ chủng virus Gumboro nhược độc trung gian nuôi cấy trên môi trường tế bào xơ phôi gà một lớp

Vaccine dùng cho gà con 1 ngày tuổi trở lên, dùng lần 2 vào các ngày tuổi 5 - 10 và 20 - 25 ngày tuổi dùng lần 3

- Vaccine Gumboral CT và Bur 7: Vaccine nhược độc dùng cho gà con của hãng Rhone Meriex (Pháp)

- Vaccine Gumboriffa: Vaccine vô hoạt nhũ dầu dùng cho gà giống 18-20 tuần tuổi

- Vaccine Nobilis GumORo D78: là vaccine nhược độc đông khô. Mỗi liều có ít nhất 4lg TCID50 virus Gumboro chủng D78. Vaccine có thể dùng cho gà từ 7 - 28 ngày tuổi. Thời điểm tối ưu để chủng ngừa tùy thuộc vào mức độ của kháng thể mẹ truyền.

- Vaccine Nobilis 228E: Vaccine nhược độc, đông khô phòng bệnh Gumboro, phát triển trên tế bào phôi trứng. Mỗi liều có ít nhất 2lg EID 50 virus Gumboro dòng 228E. Lịch chủng vaccine căn cứ vào loại gà và cách chủng ngừa trước cho gà bố mẹ.

Hướng dẫn:

+ Gà thịt có nguồn gốc từ đàn bố mẹ chỉ chủng với vaccine nhược độc có thể chủng từ 7 - 14 ngày tuổi

+ Gà thịt có nguồn gốc từ đàn bố mẹ được tái chủng vaccine vô hoạt trước đó, có thể chủng từ 14 - 17 ngày tuổi

+ Gà hậu bị đẻ từ gà bố mẹ có chủng vaccine nhược độc, có thể được chủng từ 14 - 21 ngày tuổi

+ Gà hậu bị đẻ có nguồn gốc từ gà bố mẹ được tái chủng vaccine vô hoạt trước đó, có thể được chủng từ 21 - 28 ngày tuổi

Một phần của tài liệu đánh giá khả năng bảo hộ, độ an toàn của vaccine nhược độc upm93 trong chăn nuôi gà công nghiệp (Trang 30 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w