Giải pháp mở rộng cho vay ngắn hạn tại VPBank chi nhánh Hà Nộ
3.3.4. Nâng cao chất lượng thẩm định
Thẩm định là việc đánh giá tổng quan về phương án sản xuất, từ đó xác định được số tiền thu được từ phương án, số tiền phải bỏ ra, lợi nhuận thu được và rất nhiều chỉ tiêu khác. Đây là nhân tố quyết định việc có cho vay hay không đối với một phương án sản xuất.Rừ ràng chất lượng thẩm định được nâng lên thì sẽ nâng cao được hiệu quả cho vay của ngân hàng. Nhưng có một mâu thuẫn là nếu quy trình thẩm định của ngân hàng quá kĩ càng,thủ tục phức tạp sẽ làm giảm số lượng khách hàng đến vay vốn, trong khi đó hoạt động cho vay lại mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng thương mại. Do vậy để nâng cao chất lượng thẩm định thì chi nhánh Hà Nội cần thực hiện các giải pháp sau:
• Nâng cao chất lượng thu thập thông tin:
Để công tác thẩm định được tốt, đòi hỏi phải có đầy đủ các thông tin cần thiết cho quá trình thẩm định như những thông tin về người vay, về doanh nghiệp, về phương án vay vốn.Ngoài ra còn có những thông tin khác liên quan như thông tin về thị trường, về môi trường kinh tế, chính trị xã hội, thông tin về lĩnh vực kinh doanh của người vay... Các thông tin này có đầy đủ ngân hàng mới có thể đưa ra được quyết định đúng đắn. Trong nền kinh tế cạnh tranh gay gắt đòi hỏi thông tin càng phải nhanh nhạy và chính xác, do đó chi nhánh cần xây dựng cho mình những nguồn cung cấp thông tin thường xuyên, chính xác và với chi phí thấp nhất. Cán bộ tín dụng có thể thu thập thông tin từ những nguồn như:
- Thông qua các thông tin có được từ các báo cáo của người vay như: báo cáo thu nhập, bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo bán hàng… Các báo cáo này cho thấy các số liệu trong nhiều năm đã qua, vì vậy giúp ngân hàng có cơ sở dự đoán tình hình của doanh nghiệp trong tương lai gần. Ngân hàng sử dụng các báo cáo này để ước tính nhu cầu vốn , trong đó có nhu cầu tài trợ, đánh giá khả năng sinh lời và khả năng hoàn trả nợ vay, các thiệt hại có thể xảy ra nếu khách hàng không trả tiền vay, giá trị tài sản có thể phát mại khi cần thiết…Tuy nhiên thông tin thu thập từ hồ sơ của khách hàng có nhược điểm là mức độ tin cậy
không cao vì những thông tin này do chính khách hàng cung cấp, chưa được kiểm chứng và xử lý.
- Phỏng vấn trực tiếp bao gồm việc gặp gỡ trực tiếp người vay vốn, tham quan nhà xưởng, văn phòng, nói chuyện với giám đốc và người lao động, xem xét tài sản đảm bảo… Trong khi phỏng vấn cần làm rõ các thông tin như: mục đích vay vốn, tình hình tài chính người vay và khả năng trả nợ, đội ngũ cán bộ, trình độ quản lý, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Phỏng vấn trực tiếp giúp ngân hàng loại trừ các báo cáo “ma”, cảm nhận được cái đang diễn ra, qua đó đánh giá được triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.Thông tin có được qua phỏng vấn có ưu điểm là thông tin mới nhất, đồng thời qua nghệ thuật phỏng vấn cán bộ tín dụng có thể loại bỏ được một số thông tin gây nhiễu để từ đó chắt lọc thông tin chính xác hơn. Ngoài ra qua việc phỏng vấn còn có thể bổ sung thêm thông tin về khách hàng mà hồ sơ vay chưa thu thập đầy đủ.
- Mua hoặc tìm kiếm thông tin qua các trung gian như đối tác làm ăn của doanh nghiệp, từ các ngân hàng mà doanh nghiệp đã từng quan hệ, từ các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp, từ các tổ chức chuyên cung cấp thông tin hoặc từ phương tiện truyền thông. Có rất nhiều người vay lần đầu tiên đến với ngân hàng hoặc chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.Tìm hiểu những khách hàng này trong thời gian ngắn là không đơn giản. Do đó mua hoặc tìm kiếm thông tin qua các trung gian giúp ngân hàng phân tích người vay qua các mối liên hệ của họ, cho thấy uy tín, tình trạng rủi ro, phát triển hay suy thoái.
- Từ những thông tin lưu trữ tại ngân hàng: Đây là những thông tin mà trước kia ngân hàng đã thu thập khi khách hàng quan hệ tín dụng với ngân hàng và được lưu trữ để sử dụng cho những lần quan hệ sau. Nguồn thông tin này rất quan trọng vì nó đã được kiểm chứng độ tin cậy, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc phân tích. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là lạc hậu theo thời gian và không phải lúc nào cũng phù hợp cho việc phân tích.
Để việc thu thập thông tin được chính xác hơn, VPBank Hà Nội cần có bộ phận tư vấn thông tin. Nhiệm vụ của bộ phận này là: Thu thập và lưu trữ thông tin về khách hàng vay vốn, thu thập các yếu tố vĩ mô và vi mô tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hoặc có nhiệm vụ tư vấn pháp luật, công nghệ cho bộ phận tín dụng. Những thông tin do bộ phận này cung cấp, kết hợp với những thông tin cán bộ tín dụng thu thập được sẽ giúp nâng cao tính chính xác của quá trình thẩm định, góp phần nâng nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay của ngân hàng.
• Nâng cao chất lượng công tác xử lý thông tin
Thông tin đầy đủ, chính xác mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để việc thẩm định được chính xác. Nếu việc xử lý thông tin không được chính xác thì mọi thông tin thu được cũng chỉ là vô nghĩa. Do đó việc thu thập thông tin phải đi liền với xử lý thông tin.Tuỳ theo loại hình doanh nghiệp mà ngân hàng chọn ra một số chỉ tiêu cơ bản, phản ánh được rõ nét tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và tiến hành xem xét các số liệu này cả về tương đối lẫn tuyệt đối.
Khi ngân hàng phân tích các báo cáo tài chính cần phân tích theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Phân tích theo chiều ngang cho thấy sự biến động theo thời gian, sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Còn phân tích theo chiều dọc cho thấy sự hợp lý trong cơ cấu các khoản mục để từ đó xem xét khả năng, năng lực của doanh nghiệp để biết được điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp.Trong khi phân tích cần xem xét đến sự thay đổi của các tỷ lệ và so sánh với các chỉ tiêu của ngành để đánh giá một cách chính xác.
Bên cạnh việc phân tích các chỉ tiêu định lượng, việc phân tích các chỉ tiêu định tính cũng hết sức quan trọng. Đó là việc đánh giá tư cách đạo đức của người vay, khả năng quản lý của ban lãnh đạo.Ngày nay trong lĩnh vực kinh doanh, năng lực, kinh nghiệm và tầm nhìn của người lãnh đạo có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp do đó ngân hàng cần chú trọng tới vấn đề này khi thẩm định cho vay.