Đặc điểm sinh trưởng và công dụng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu lượng carbon tích tụ của rừng Tràm (Melaleuca cajuputi Powell) tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (Trang 31 - 36)

Về sinh trưởng của rừng Tràm, Lâm Bỉnh Lợi và Nguyễn Văn Thôn (1972) đã nhận xét rằng rừng Tràm trồng ở những nơi có điều kiện thoát nước, rửa phèn tốt thì tăng trưởng nhanh hơn, thân cây thẳng đẹp, rừng Tràm mọc ở những nơi thấp trũng, úng thì gỗ chắc (nặng) hơn. Cây Tràm sinh trưởng mạnh thành quần thụ đơn thuần, tái sinh tự nhiên mạnh và lan tràn nhanh chóng trên đất phèn có độ pH trên dưới 4. Là loài cây ưa sáng, tán tương đối thưa, tăng trưởng nhanh trong 10 năm đầu và kết trái vào khoảng từ 5 - 7 tuổi [19].

Về công dụng, gỗ tràm dùng trong việc tạo tác nhà cửa tạm thời, làm các vật dụng và nông cụ ở nông thôn, làm cừ để đóng móng tường và nền tảng nhà đô thị, làm củi hoặc đốt máy tàu thủy hay để hầm than cho nghề rèn. Vỏ tràm trộn với dầu trong và bột chai, dùng làm đèn chai và để trét ghe. Lá tràm đem chưng cất sẽ có được dầu tràm, dầu tràm thay đổi tùy theo giống và nơi mà cây đã sinh sống [12].

Theo Phạm Thế Dũng (2008), Tràm có thể làm ván sàn, gỗ tràm làm ván ghép thanh. Dăm tràm có thể trộn với xi măng và các vật liệu khác làm gạch xây dựng có tích cách nhiệt và âm. Vỏ tràm có thể ép tạo ván có khả năng cách nhiệt, cách âm. Tác giả cũng đã nghiên cứu việc thu hồi dịch gỗ trong quá trình đốt, kết quả cho thấy: Dịch gỗ có nhiều công dụng để sát trùng, diệt khuẩn trong đất và kích thích hoạt động của vi sinh vật. Sử dụng dịch gỗ pha loãng từ 50 - 100 lần tưới cho đất hoặc trộn với bột than làm phân bón lót cho cây rất hiệu quả, nhất là đối với các loại rau, củ và đảm bảo an toàn. Nếu pha loãng 500 - 1000 lần, có thể phun lên lá như loài thuốc bảo vệ thực vật và kích thích sinh trưởng cho cây [7].

1.4.6. Những nghiên cứu về rừng Tràm

Theo Lê Công Khanh (1986), trong vùng Đồng Tháp Mười có rất nhiều Tràm, rừng Tràm ở đây có 2 loại: loại do con người trồng và loại mọc tự nhiên. Tác giả chỉ ra sự khác biệt về hình dáng giữa cây Tràm trồng và cây Tràm mọc tự nhiên với các đặc điểm như: Tràm trồng có lá mỏng, ốm và dài, mùi dầu dịu, cây mau lớn. Thân cây ngay, ít có nhánh và vỏ cây dễ tróc. Trái lại, Tràm mọc tự nhiên có lá hơi tròn, dày hơn, mùi dầu gắt và nồng hơn, cây lâu lớn, gốc to, thân nhỏ cong queo và có nhiều nhánh, gỗ chắc hơn. Cũng theo tác giả, những thí nghiệm trích lượng dầu trong lá tràm trồng ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho kết quả: mỗi ha hái được 3.500 kg lá, mỗi năm hái 4 lần (tương đương 14.000 kg lá/năm), trung bình mỗi kg lá có 7 gram dầu. Như vậy, mỗi 01 ha sản xuất được 98 kg dầu/năm [12].

Theo Dương Văn Ni (2000), Tràm là cây thân gỗ, thuộc họ Sim

(Myrtaceae) có nguồn gốc từ Úc Châu và ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có

một loài duy nhất được ghi nhận là Melaleuca cajuputi. Tác giả đã nghiên cứu khả năng cải tạo chất lượng nước của rừng Tràm tại Hòa An (Hậu Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang) bằng cách chọn

vùng trũng nhất hoặc nơi đất xấu nhất (năng suất lúa thấp) trong diện tích canh tác để trồng Tràm. Trong mô hình này, nước lũ được giữ lại trong lô Tràm và sau đó sử dụng để tưới ruộng lúa trong mùa khô. Nước tiêu ra từ ruộng lúa (nước phèn) cũng được bơm vào trong rừng Tràm. Nhờ khả năng lọc phèn của rừng Tràm mà nước phèn sau khi đi qua vẫn có thể sử dụng lại để tưới cho ruộng lúa… Kết quả là thời gian mưa càng dài thì lượng khí carbonic hòa tan trong nước mưa càng nhiều và làm giảm pH của nước mưa. Sau khi mưa, pH của nước mưa, nước mưa chảy qua tán Tràm và nước mưa chảy dọc qua thân cây đều tăng, trong đó, nước mưa và nước chảy qua tán lá tràm có giá trị cao nhất. Nguyên nhân có thể là do sự bốc hơi của khí carbonic hòa tan trong nước mưa và hoạt động của vi sinh vật. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất mô hình Nông - Lâm - Ngư kết hợp, trong đó rừng Tràm đóng vai trò là hồ chứa nước, hệ thống lọc phèn, nơi khai thác thủy sản, nơi cung cấp thu nhập lâu dài và là nơi bảo vệ tài nguyên môi trường trong nông nghiệp [20].

Thái Thành Lượm (2004), nghiên cứu về Tràm cừ lai trên đất rừng ngập nước theo mùa ở Nam Việt Nam nhằm mục tiêu nâng cao sản lượng rừng trồng và cải thiện chất lượng thân cây. Kết quả hai loại Tràm cừ địa phương (Melaleuca cajuputi) và loài Tràm cừ nhập nội từ Australia

(Melaleuca leucadendra) có xuất xứ Weipa Qld có thể lai với nhau bằng

phương pháp lai nhân tạo, kiểm soát việc thụ phấn trên cá thể ưu trội và tạo ra được cây lai trồng thành rừng khép tán; cây lai sinh trưởng chiều cao vượt trội hơn cây bản địa và xấp xỉ với loài cây nhập nội, trong 2 năm đầu mỗi năm sinh trưởng hơn 2 m về chiều cao và D1,3 vượt trội hơn cây nhập nội, sinh trưởng bình quân hàng năm đường kính từ 1,7 cm đến 1,8 cm; đường kính tán cây lai sinh trưởng gần bằng với cây nhập nội và cao hơn cây bản địa [15].

Phạm Xuân Quý (2006), ứng dụng mô hình sản xuất Nông - Lâm - Ngư kết hợp, trong đó ứng dụng mô hình Tràm - Lúa - Cá tại rừng Tràm vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An. Kết quả áp dụng mô hình kết hợp này cho lãi và thu nhập thực tế cao hơn mô hình canh tác lúa độc canh. Từ kết quả của mô hình, tác giả đã đề xuất ứng dụng mô hình sản xuất Nông - Lâm - Ngư kết hợp là Tràm - Lúa - Cá - VAC cho hộ gia đình nông dân vùng đất phèn tỉnh Long An [24].

Dương Văn Ni và Nhóm hợp tác nghiên cứu Việt - Nhật (2005), trong nghiên cứu về “Trồng rừng Tràm trên những vùng đất chua nặng ở Đồng bằng sông Cửu Long và công dụng thương phẩm của nó” đã đưa ra kết luận:

- Tràm thích hợp với đất chua ẩm ướt, không đòi hỏi cải tạo đất, không cần nhiều công sức và có thể trồng trên đất chua thoát nước kém. Tuy nhiên, do giá thị trường của cây Tràm giảm mạnh sau khi đạt đỉnh vào năm 2004 và sẽ tiếp tục giảm nữa nên nhiều hộ nông dân đã chuyển từ Tràm sang các cây trồng khác, kể cả lúa.

- Hầu hết rừng Tràm được trồng là để làm cừ móng. Thông thường, Tràm trồng lần đầu được đốn làm cừ móng lúc 7 năm. Sau lần trồng thứ hai, Tràm được sử dụng làm cừ móng chỉ sau 5 đến 6 năm trồng.

- Sản phẩm của rừng Tràm là mật ong, cỏ bàng (mọc dưới tán rừng, dùng làm chổi hay đồ thủ công để tăng thêm thu nhập) và dầu thơm (rất ít).

- Về giá bán: Sau khi tỉa thưa, tùy thuộc vào phẩm chất gỗ và mật độ cây, bình quân 7.000 - 10.000 cây/ha, giá bán trung bình năm 2004 là 30 - 40 triệu đồng/ha, thấp nhất 15 triệu đồng/ha, cao nhất 60 triệu đồng/ha [21].

Lê Anh Tuấn (2011), trong nghiên cứu “Xây dựng biểu sinh khối và biểu dự trữ carbon cho rừng Tràm (Melaleuca cajuputi) từ 2 - 10 tuổi ở khu vực Thạnh Hóa, tỉnh Long An”, tác giả sử dụng phương pháp rút mẫu điển hình theo cấp tuổi để bố trí các ô tiêu chuẩn. Mỗi cấp bố trí 3 ô, tổng cộng có

18 ô tiêu chuẩn và kích thước mỗi ô là 200 m2. Kết quả nghiên cứu cho thấy: - Mật độ, đường kính, chiều cao, tiết diện ngang và trữ lượng rừng đều có biến động lớn theo tuổi. Sau 12 năm trồng, mật độ cây bị chết là 52 % do sự khác biệt về tiêu chuẩn cây con, mật độ cây và lập địa khác nhau.

- Giữa sinh khối tươi và sinh khối khô của những bộ phận trên mặt đất của cây có mối quan hệ rất chặt chẽ với Dcv và H thân cây. Tác giả sử dụng mô hình Gompertz để dự đoán sinh khối tươi và sinh khối khô các bộ phận theo cấp Dcv và phương trình Y = α*Da*Hb để dự đoán theo 2 cấp Dcv và H.

- Tổng sinh khối và sinh khối từng bộ phận thân, cành, lá của cây có mối quan hệ rất chặt chẽ với đường Dcv và H thông qua mô hình Gompertz.

- Tổng khối lượng carbon dự trữ trong những lâm phần thay đổi rõ rệt theo tuổi. Trong đó, tuổi 4 là 5,84 tấn/ha, tuổi 8 là 35,36 tấn/ha và tuổi 12 là 45,23 tấn/ha. Khối lượng carbon dự trữ trong các bộ phận thân, cành, lá với tỷ lệ trung bình tương ứng là 57,9 %, 23,7 % và 18,3 %.

- Tuổi thành thục số lượng đối với tổng khối lượng carbon dự trữ ở phần trên mặt đất của rừng Tràm là 8 năm [30].

Chương 2

MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu lượng carbon tích tụ của rừng Tràm (Melaleuca cajuputi Powell) tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w