Thị trường carbon

Một phần của tài liệu Nghiên cứu lượng carbon tích tụ của rừng Tràm (Melaleuca cajuputi Powell) tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (Trang 25 - 29)

Cùng với sự ra đời của Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu tại Rio de Janeiro năm 1992, Braxin, thị trường carbon cũng được hình thành và đi vào hoạt động theo cơ chế mua bán phát thải (IET), cơ chế phát triển sạch (CDM) và cơ chế đồng thực hiện (JI) được xác định trong Điều 6 của Nghị định thư Kyoto. Qua đó, thị trường carbon được cho là thị trường của môi trường, bởi vì đó là thị trường mua bán các chất khí gây ra

hiệu ứng nhà kính, vốn là các loại khí gây hại cho môi trường sống của con người [26].

Chương trình buôn bán khí thải châu Âu (EU ETS) là chương trình mua bán khí thải đầu tiên trên thế giới. Chương trình này yêu cầu các nước phải định mức và buôn bán phát thải trong giai đoạn kinh doanh. Định mức xả thải châu Âu (EUA) là tín dụng carbon từ hệ thống phát thải châu Âu (EU ETS). Một EUA tương đương một tấn CO2. EUA chỉ được buôn bán trong liên minh châu Âu và không được phân phát bởi những quốc gia nào không ký Nghị định thư Kyoto. Lên đến một giới hạn nhất định, nó cũng được phép nhập khẩu tín dụng carbon từ các nước thứ ba (CERs và ERUs) [13].

Ngoài ra, từ đầu năm 2012, EU chính thức áp dụng thuế carbon mới cho ngành hàng không, trong đó quy định mọi hãng hàng không có chuyến bay đến các nước thuộc khu vực này phải mua lại 15 % lượng khí thải CO2

của mình. Hãng nào không chấp hành sẽ phải đóng phạt 100 euro cho mỗi tấn và bị cấm bay trên không phận EU. Ước tính, trong năm đầu tiên, các hãng hàng không sẽ phải nộp thuế khoảng 700 triệu euro [43].

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, mặc dù suy thoái về kinh tế, nhưng thị trường carbon trên thế giới năm 2008 có tổng giá trị giao dịch tăng gấp đôi, đạt mức hơn 126 tỷ USD. Tuy nhiên, giao dịch qua các dự án CDM ở các nước đang phát triển giảm hơn 12 %, ở mức 6,5 tỷ USD với giá trung bình khoảng 16,8 USD/tấn. Theo số liệu thống kê, hiện nay bên “cung” chủ yếu của thị trường carbon là Trung Quốc (35,5 %), Ấn Độ (24,5 %), Braxin (6,25 %), Việt Nam (0,03 %). Các bên “cầu” chủ yếu của thị trường là Anh (28,11 %), Thụy Sỹ (20,35 %), Hà Lan (11,89 %), Nhật (11,43 %), Thụy Điển (6,39 %), Đức (5,72 %),… Các lĩnh vực tham gia thị trường chủ yếu là năng lượng (59,89 %), quản lý chất thải (18,16 %), sử dụng nhiên liệu (5,86 %), nông nghiệp (5,13 %), công nghiệp (4,67 %) [27].

Theo bản tin CDM 81 (3/2010), giá CER cho các dự án đã được đăng ký là 9,5 - 10,5 Euro. Tín chỉ carbon trong trồng rừng và tái trồng rừng khoảng từ 5 - 10 USD/tấn, do vậy giá trị bằng tiền của các lâm phần do CO2

hấp thụ có thể tính theo hai kịch bản là giá thấp và giá cao. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng giá thị trường thương mại CER ở thời điểm gần nhất làm cơ sở cho việc tính toán giá trị bằng tiền liên quan đến khả năng hấp thụ CO2

[13].

Tại châu Phi, dự án carbon rừng CDM đầu tiên đã thu hút được một mức giá 4 USD/tấn cho các khoản tín dụng carbon tạm thời (tCER). Ngân hàng Thế giới sẽ mua các khoản tín dụng cho một nửa số carbon tích lũy đến năm 2017 từ một dự án lâm nghiệp tại Ethiopia và Dự án hỗ trợ tái sinh tự nhiên ở Humbo. Đây là dự án rất quan trọng đối với châu Phi, một lục địa mà cho đến nay đã thu hút được rất ít đầu tư từ dự án CDM [40].

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực có thể phát triển theo cơ chế phát triển sạch (CDM) để bán chứng chỉ giảm phát thải (CERs) với khả năng thu lợi lớn như tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và thu hồi, tận dụng các loại khí đồng hành từ các mỏ dầu làm khí đốt cho các nhà máy nhiệt điện… bao gồm một số dự án điển hình sau:

- Tại tỉnh Lâm Đồng, một số Công ty thủy điện và cung cấp nước sạch sử dụng “dịch vụ” cung cấp nước và chống xói mòn, rửa trôi gây hiện tượng bồi lắng hiện đang trả tiền cho những người dân sống ở nơi đầu nguồn nhằm đảm bảo rừng không bị chặt phá và các “dịch vụ” do rừng cung cấp được duy trì (Michael Jenkins, 2010) [27].

- Tại tỉnh Hòa Bình, từ năm 2009 dự án trồng rừng sạch đã được triển khai thực hiện tại hai xã Xuân Phong và Bắc Phong thuộc huyện Cao Phong với 240 hộ dân tham gia. Mục tiêu của dự án là phủ xanh 309 ha rừng, nhằm đem lại lợi ích cho người dân địa phương thông qua việc bán chứng chỉ

carbon dưới sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại học Lâm nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu sinh thái rừng và Môi trường (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) và sự hỗ trợ về giống, chi phí chăm sóc của Công ty Honda Việt Nam. Đến nay, những cây Keo tai tượng đang phát triển tốt và phủ xanh kín những quả đồi. Theo tính toán của các nhà khoa học, trong thời hạn 16 năm rừng có thể hấp thụ khoảng 43.000 tấn khí carbon. Như vậy, dự án sẽ thu về 25,49 tỷ đồng, trong đó 22,54 tỷ đồng là từ bán lâm sản và 2,95 tỷ đồng từ bán chứng chỉ carbon. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong đợi, người dân cần phải chăm sóc, bảo vệ rừng thật tốt trong thời gian tới, vì dự án trồng rừng này đã được cấp chứng nhận CDM quốc tế [41].

- Tại tỉnh An Giang, dự án CDM xây dựng hệ thống xử lý nước thải thủy sản thu hồi biogas phát điện đã được khởi công vào tháng 12 năm 2010 tại Xí nghiệp chế biến thủy sản Thuận An 1, huyện Châu Phú. Đây là dự án CDM đầu tiên trong lĩnh vực này ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là dự án CDM khởi đầu cho 21 dự án tương tự tiếp theo trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo tính toán, tổng công suất từ 21 dự án này đạt khoảng 25 MW, tương đương 1.177.900 tấn CO2/năm. Giá đấu thầu mỗi tấn CO2 trên thị trường quốc tế hiện nay từ 5 - 20 USD/tấn tùy thời điểm. Tập đoàn điện lực quốc gia Đức đã cam kết mua toàn bộ chứng chỉ CERs đối với các dự án này ngay sau khi các nhà máy phát điện đi vào hoạt động [42].

- Cũng tại An Giang, còn có dự án CDM trong lĩnh vực xử lý nước thải trang trại nuôi heo với quy mô 6.000 con tại 37 trang trại (50 con/trang trại) và mỗi trang trại là một tiểu dự án. Năng lượng tạo ra là khí biogas từ chất thải nuôi heo để làm chất đốt sẽ cung cấp miễn phí cho chủ trang trại, riêng lượng điện phát từ biogas sẽ bán lại cho chủ trang trại với giá rẻ hơn giá điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Ước tính toàn bộ dự án sẽ giảm phát thải

được 37.000 tấn CO2/năm và sản lượng điện là 14.500 kWh/ngày. Viện Năng lượng Thụy Điển tham gia dự án này và phía Thụy Điển cam kết mua chứng chỉ CERs từ dự án với giá khởi điểm 10 USD/tấn CO2 [42].

- Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khí gas được thu hồi từ khu chôn lấp của bãi rác Gò Cát (Bình Tân) đã được sử dụng để phát điện. Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh) cũng có nhà máy phát điện với công suất 12 MW dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm nay và đi vào hoạt động vào năm sau. Đây là lĩnh vực có thể phát triển thành dự án CDM bán chứng chỉ CERs [42].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu lượng carbon tích tụ của rừng Tràm (Melaleuca cajuputi Powell) tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w