Phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế việt nam thái lan (Trang 48 - 52)

Nhà nước cần có chính sách cụ thể để phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Thông qua sự hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế và tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, Việt Nam có thể phát triển được nền sản xuất nội địa, đồng thời nâng cao được khả năng cạnh tranh của hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Thái Lan.

Đối với một số mặt hàng nông sản có khả năng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan như cà phê, rau, quả,v.v... Nhà nước cần xây dựng quy hoạch, chọn lựa và có chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư vốn tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sau thu hoạch để đảm bảo sản phẩm làm ra có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng đều, giá thành hạ và khối lượng lớn. Việc tạo ra vùng sản xuất chuyên canh cho xuất khẩu sẽ giúp cho công tác quản lý chất lượng được thực hiện tốt từ khâu tuyển chọn giống, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc đến lựa chọn, đảm bảo chất lượng, khắc phục được tình trạng chất lượng kém, không ổn định và nguồn cung cấp nhỏ. Với chính sách này hàng nông sản của ta có thể xâm nhập được thị trường Thái Lan.

Chúng ta đang thực hiện tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phương hướng đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp. Như vậy, 10 năm tới cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ chuyển mạnh theo hướng: tăng nhanh tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo và giảm mạnh tỷ trọng hàng nguyên liệu thô. Để có cơ cấu hàng xuất khẩu như trên trong tương lai, nhà nước cần có một chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo (thực phẩm chế biến, đồ điện, điện tử gia dụng, điện tử- tin học (phần mềm), công nghệ viễn thông,v.v…) đầu tư theo chiều sâu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và tính độc đáo của sản phẩm, đa dạng hoá mặt hàng nhằm tăng nhanh khối lượng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Riêng đối với các doanh nghiệp lớn của nhà nước thuộc ngành điện tử-tin học, công nghệ viễn thông,v.v. (các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao), nhà nước cần có sự hỗ trợ về vốn và khuyến khích họ tập trung cho nghiên cứu cơ bản để tạo ra các sản phẩm công nghệ cao. Đối tượng áp dụng của chính sách là những doanh nghiệp chế biến và chế tạo có uy tín trên trường quốc tế.

Mặt hàng cà phê

Cà phê là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Thái Lan, nhưng hiện nay xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Thái Lan đang có xu hướng chững lại. Nguyên nhân là do sản lượng cà phê thế giới tăng do được mùa, giá cả hạ, chất lượng cà phê của ta lại chưa tốt và chưa ổn định. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu nhóm hàng này sang Thái Lan, ta cần phải có chính sách phát triển những vùng trồng chuyên canh để đảm bảo nguồn sản lượng ổn định và chú trọng đầu tư công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm:

- Đầu tư đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao tỷ trọng cà phê cấp độ cao vì loại cà phê này được thị trường Thái Lan ưa chuộng hơn và có khuynh hướng tiêu dùng tăng, hơn nữa xuất khẩu loại này thu được lợi nhuận cao hơn;

- Đổi mới tiêu chuẩn chất lượng và hoàn thiện công tác quản lý, kiểm tra chất lượng để vừa nâng cao uy tín cà phê Việt Nam trên thị trường Thái Lan, vừa góp phần tăng thêm kim ngạch xuất khẩu;

- Nâng cao vai trò của Hiệp hội Cà phê Việt Nam;

Có chính sách đúng đắn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến cà phê.

Mặt hàng gạo

Mặc dù đây là mặt hàng chủ lực của Thái Lan song gạo Việt Nam vẫn được xuất sang Thái Lan nhờ giá cả hợp lý. Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Thái Lan vẫn còn rất khiêm tốn so với số lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Để xuất khẩu gạo được cho Thái Lan (nơi được coi là vựa lúa Đông Á) thì

Việt Nam cần xây dựng được mối quan hệ lâu dài với các bạn hàng bằng cách ký các hợp đồng dài hạn hay thành lập liên doanh sản xuất chế biến gạo để xuất khẩu. Gạo xuất khẩu của Thái Lan có chất lượng rất cao nên gạo nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu qua chế biến để tái xuất. Việt Nam muốn xuất khẩu gạo sang Thái Lan nhiều hơn phải chú ý trước hết tới giá cả và chất lượng.

Mặt hàng thuỷ sản

Tuy kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Thái Lan tăng khá nhanh trong vài năm gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng không ổn định và còn cách xa tiềm năng xuất khẩu của ta. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu chưa ổn định, hàng thuỷ hải sản chưa đáp ứng tốt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Thời gian qua ta chủ yếu xuất nguyên liệu và sản phẩm sơ chế nên hiệu quả xuất khẩu còn thấp. Cần phải có các biện pháp khắc phục thực trạng này để đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ hải sản vào thị trường Thái Lan.

- Cần thành lập một hiệp hội các nhà sản xuất quốc tế để kiểm soát cung cầu thị trường.

- Nên thành lập một tổ chức bán hàng duy nhất. Tổ chức này đại diện cho cả quốc gia, bán hàng cho tất cả các nhà xuất khẩu với mục đích thống nhất giá để tránh tình trạng phá giá.

- Cổ phần hoá các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu để thu hút vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy tính năng động trong việc đa dạng hoá sản phẩm và tìm hiểu thị trường tiêu thụ;

- Tăng cường công tác tiếp thị để nắm bắt kịp thời những thay đổi về sở thích tiêu dùng trên thị trường Thái Lan nhằm cung cấp đúng những sản phẩm theo các tiêu chuẩn mà thị trường này có nhu cầu tại các thời điểm trong năm.

- Các cơ sở ngành cần phải phát huy nội lực, tiếp tục xây dựng và phát triển công nghệ truyền thống nhằm tăng lượng thuỷ sản đã qua chế biến hoặc bảo quản tươi để phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Về lâu dài cần phải đầu tư trang thiết bị, phương tiện bảo quản và phương tiện chế biến hiện đại để mang lại hiệu quả tốt như: máy sấy tôm cá, kho trữ lạnh mini. Ngoài ra, để tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn phải chú ý cải tiến kiểu dáng, mẫu mã bao bì, thương hiệu...Doanh nghiệp nên linh động với bất cứ mức giá nào.

Thời gian tới, chúng ta cần phải chú trọng phát triển mặt hàng cá xuất khẩu. Hiện nay, chúng ta chủ yếu xuất khẩu tôm, trong khi đó nhu cầu về cá trên thị trường rất lớn mà vẫn chưa khai thác được vì từ trước tới nay ta thường đánh bắt cá bằng thủ công, bảo quản không tốt, chất lượng kém nên bạn hàng ít mua. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải đánh cá xa bờ và dùng phương tiện đánh bắt và bảo quản hiện đại thì mới đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Việt Nam cần khai thác mạnh hơn nữa ưu điểm của một nước vùng nhiệt đới rất phù hợp cho việc phát triển các loaị rau quả có chất lượng cao. Hàng năm giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Thái Lan cũng chiếm từ 1,5 - 1,8 triệu USD. Mặt hàng này của Việt Nam có chất lượng khá tốt giá cả phải chăng nên rất được ưa chuộng tại thị trường Thái Lan và thị trường Thế giới. Hiện nay, số lượng rau quả chủ yếu là do sản xuất từ người dân nên không đồng bộ về chất lượng, chủng loại và thời gian. Khó có thể tập trung trong một khoảng thời gian ngắn, điều đó đã làm giảm đi rất nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu nên chúng ta cần phải có biện pháp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường Thái Lan và thị trường thế giới. Như:

- Cần phải áp dụng công nghệ sản xuất túi, bao bì, thùng đựng trái... nhằm nâng cao chất lượng và cả hình thức mẫu mã, đảm bảo cho việc vận chuyển xa, đáp ứng thị hiếu trong nước và xuất khẩu.

- Cần phải tăng cường các biện pháp khuyến nông, phổ biến khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân, tuyên truyền sâu rộng quy trình sản xuất sạch, không dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nhằm tăng tỷ trọng các sản phẩm nông sản sạch, nâng cao giá bán sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì thị trường Thái Lan hiện nay cũng đòi hỏi nông sản sạch.

Mặt hàng dệt may

Thái Lan là một thị trường với quần áo thuộc loại mốt nhất thế giới, loại hàng này rất phong phú về số lượng, chủng loại cũng như mẫu mã song Việt Nam vẫn xuất khẩu được sang thị trường này do giá rẻ bởi giá nhân công rẻ.

Hàng may mặc Việt Nam và hàng tơ tằm, một loại hàng đặc biệt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan có giá trị khoảng 2 triệu USD/ năm so với tổng giá trị xuất khẩu loại hàng này là 1 tỷ USD thì còn quá nhỏ bé, chưa thực sự khai thác được thị trường Thái Lan. Hàng dệt may Việt Nam chủ yếu là hàng gia công và phải sử dụng nguyên liệu phụ nên gây ra những bất lợi như giá thành phải tăng lên cao. Hiện nay, mặt hàng này của ta đang phải cạnh tranh rất gay gắt với sản phẩm của Trung Quốc và Indonesia. Do đó, khả năng xuất khẩu trực tiếp hàng dệt may sang Thái Lan là rất khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, duy trì chỗ đứng hiện có và mở ra triển vọng phát triển trên thị trường Thái Lan, các doanh nghiệp cần nghiên cứu biện pháp chuyển dần sang phương thức bán trực tiếp để thu được hiệu quả cao hơn và ổn định hơn, và phải có những nỗ lực cần thiết để nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá mẫu mã, tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp theo hướng mua nguyên liệu - bán thành phẩm và xuất khẩu sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá cao, giảm tỷ trọng gia công và xuất khẩu qua nước thứ ba, từng bước tạo lập tên tuổi và khẳng định uy tín của sản phẩm dệt may trên thị trường Thái Lan, hợp lý hoá quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.

Mặt hàng điện tử - tin học

Đây là hàng mới, có triển vọng xuất khẩu sang Thái Lan. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập linh kiện về lắp ráp và xuất khẩu. Vì vậy, hiệu quả xuất khẩu thấp. Do đó, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu mặt hàng này, Việt Nam phải tăng tỷ lệ nội địa hoá của sản phẩm. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhu cầu hàng điện tử - tin học trên thị trường thế giới sẽ hồi phục và phát triển mạnh trong những năm sắp tới. Đây là một thuận lợi cho ngành điện tử - tin học Việt Nam và cho xuất khẩu hàng điện tử - tin học sang thị trường Thái Lan trong giai đoạn tới.

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế việt nam thái lan (Trang 48 - 52)