Đánh giá chung về quan hệ đầu tư Việt Nam – Thái Lan

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế việt nam thái lan (Trang 45 - 47)

Thành tựu

Quan hệ đầu tư Việt Nam – Thái Lan mà cụ thể là đầu tư trực tiếp của Thái Lan vào Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp. Số dự án và giá trị nguồn vốn đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam nhìn chung tăng qua các năm. Quy mô của các dự án cũng ngày càng lớn. Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian tới sẽ có làn sóng đầu tư từ Thái Lan. Quan hệ đầu tư Thái Lan – Việt Nam đang hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Lý do là sau trận lụt lịch sử, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và Thái Lan đã nghĩ đến khả năng chuyển dự án, nhà máy sang Việt Nam. Theo một số chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, du lịch sẽ là lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới. Thái Lan không còn là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp... nên nhiều khả năng Việt Nam sẽ là nơi các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài quan tâm. Ông Nguyễn Thành Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, cho biết đầu tư của Thái Lan chuyển dịch thường xuyên từ trong nước ra nước ngoài nhằm giảm bớt rủi ro cũng như tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Việt Nam và một số nước đang phát triển trong khu vực sẽ là nơi sự chuyển dịch này hướng đến. Các ngân hàng Thái Lan như Kasikorn và Krung Thai cũng đã có kế hoạch vào Việt Nam cùng với các nhà đầu tư.

Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC vào năm 2015 cũng được các nhà đầu tư Thái Lan xem là cơ hội để thâm nhập sâu vào Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Cộng đồng này cho phép tự do đầu tư, thương mại và lưu chuyển hàng hóa. Vì vậy, đặt nhà máy ở Việt Nam, ngoài lợi thế về nhân công

còn có thêm lợi ích về mặt chi phí. Sản phẩm sản xuất từ Việt Nam sẽ dễ dàng được chuyển về Thái Lan hoặc đưa qua các thị trường khác.

Hạn chế

Mặc dù có sự phát triển rất tích cực trong thời gian gần đây nhưng quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước. Trong mối quan hệ này, Việt Nam chủ yếu đóng vai trò là nước tiếp nhận đầu tư từ Thái Lan chứ chưa có sự đầu tư đáng kể nào sang Thái Lan. Thêm vào đó, đầu tư trực tiếp của Thái Lan vào Việt Nam hiện nay mới chỉ chủ yếu tập trung vào: chế biến nông, hải sản, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, khai thác đá quý; khách sạn và du lịch; dịch vụ ngân hàng... Rất ít các dự án về sản xuất công nghiệp nặng hoặc nâng cấp hạ tầng cơ sở. Thái Lan hiện chưa có dự án đầu tư vào những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại tại Việt Nam.

Có thể giải thích điều này bằng các lý do sau đây: Thứ nhất, bản thân nền kinh tế Thái Lan cũng đang có nhu cầu đầu tư phát triển lớn, đặc biệt là cho các ngành công nghiệp hiện đại. Thứ hai, trình độ công nghệ kỹ thuật, khả năng quản lý... giữa Việt Nam và Thái Lan không cách biệt nhau nhiều. Thứ ba, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế (cơ sơ hạ tầng yếu kém, hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh...). Như vậy, ta nhận thấy rằng kỹ thuật bậc cao là một nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế. Do đó, cho đến lúc này đầu tư trực tiếp của Thái Lan vào Việt Nam chỉ có tác dụng đối với sự tăng trưởng kinh tế mà không có tác động đối với việc tăng cường hiệu quả kinh tế và cạnh tranh kinh tế của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay của Việt Nam thì việc sử dụng những công nghệ thích hợp để ngày càng tăng nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy sự chuyển giao công nghệ theo kiểu “đàn sếu bay” từ Thái Lan (và các nước ASEAN nói chung) sang Việt Nam cũng có tác dụng tích cực và cần được khuyến khích. Tất nhiên đầu tư trực tiếp của Thái Lan vào Việt Nam còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tính toán cho phù hợp với quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng tăng trưởng.

CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC KINH TẾ VIỆT NAM – THÁI LAN

Có thể thấy thấy tiềm năng phát triển kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam và Thái Lan là hết sức to lớn. Do đó, để quan hệ kinh tế thương mại hai nước ngày càng phát triển thì trong thời gian tới Việt Nam cần có những giải pháp để mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam và Thái Lan. Các giải pháp này không chỉ ở Nhà nước mà các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược thích hợp để thâm nhập thị trường Thái Lan.

Vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan, là yếu tố tích cực thúc đẩy mối quan hệ này phát triển. Nhờ những sự kiện ngoại giao cùng với điều kiện ổn định chính trị, kinh tế - xã hội trong nước đã tạo điều kiện cho quan hệ Việt Nam - Thái Lan có những bước tiến mới. Phía Việt Nam đã tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện nay, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là làm thế nào để khai thác các tiềm năng, thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế của hai nước phát triển.

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế việt nam thái lan (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w