Nhóm giải pháp về công tác thực tiễn

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án tiến sĩ đạo đức phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ phật giáo tt huế hiện nay (Trang 33 - 36)

Cùng với nhóm giải pháp về nhận thức, Luận án cũng đề xuất 4 nhóm công tác thực tiễn nhằm hiện thực hóa nhận thức và nâng cao hiệu quả của đạo đức Phật giáo trong giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo.

Trước hết cần phát huy mối liên kết của các chủ thể giáo dục (tổ chức Thanh vận, GĐPT, gia đình, nhà trường...) trong việc tổ chức các hoạt động, các hình thức và chương trình giáo dục nhằm phát huy những giá trị tương đồng giữa đạo đức Phật giáo và đạo đức xã hội mới, những yếu tố tích cực của GĐPT để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo.

Để thực hiện được điều đó, cần tiếp tục đổi mới và củng cố các tổ chức Thanh vận, nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động ở tổ chức Đoàn cơ sở, tăng cường bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo và chính sách tôn giáo cho đội ngũ cán bộ Thanh vận, sao cho các tổ chức này thực sự là tổ chức của tuổi trẻ, có khả năng tổ chức phong trào hành động cách mạng, đáp ứng nhu cầu đa dạng và có sức hấp dẫn, đoàn kết tập hợp thanh thiếu niên, trong đó có thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo để giáo dục. Chú trọng xây dựng Đội TNTP trong trường học gắn liền với các loại hình Đội trên địa bàn dân cư. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, ý thức công dân cho thanh thiếu niên, trong đó có thanh thiếu niên Phật giáo, thông qua các chương trình hoạt động ngoại khóa, các phong trào thanh niên; chương trình giảng dạy về lịch sử, đạo đức công dân... trong trường học; chú trọng đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao ở vùng sâu, vùng xa...

Xác định vai trò quyết định, chi phối của huynh trưởng trong quá trình phát triển của GĐPT và chất lượng giáo dục Thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo. Cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ huynh trưởng và định hướng bổ sung một số nội dung giáo dục của GĐPT sao cho phù hợp với đạo đức mới. Đề cao vai trò của Giáo hội Phật giáo các cấp trong quản lý, định hướng phát triển của GĐPT.

Cần phải xây dựng hệ thống cơ quan tham mưu về quản lý tôn giáo các cấp đủ mạnh về số lượng, chất lượng, cán bộ am hiểu sâu về công tác tôn giáo để quản lý và vận động đồng bào tôn giáo.

KẾT LUẬN

Qua những thăng trầm lịch sử, Phật giáo, tín đồ Phật giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo và diện mạo riêng cho đời sống xã hội xứ Huế. Vì vậy, dù trải qua nhiều biến cố, Huế vẫn giữ gìn, duy trì, ổn định được nền văn hóa và đạo đức xã hội. Lối sống, phong cách và đạo đức thanh thiếu niên TT Huế được hình thành và phát triển bởi nền văn hoá Huế, truyền thống của nhân dân TT Huế, trong đó có sự đóng góp của Phật giáo, đạo đức Phật giáo.

Trong bối cảnh đất nước bị ngoại xâm, thực dân Pháp áp dụng chính sách văn hóa nô dịch để làm suy thoái đạo đức xã hội, Phật giáo đã phát huy các yếu tố hợp lý của đạo đức Phật giáo để giáo dục thanh thiếu niên thông qua hình thức tu học GĐPT. Ngày nay với đặc thù của TT Huế, trong bối cảnh mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa có nhiều tác động tiêu cực làm suy thoái đạo đức xã hội. Trong bối cảnh ấy, chính triết lý Vô thường, Vô ngã, tinh thần bình đẳng, đạo hiếu, từ bi hỷ xả, giữ Giới, thực hành Thập thiện... của Phật giáo sẽ góp phần giáo hóa con người, giúp cho thế hệ trẻ giảm thiểu những cám dỗ, khuyến khích họ quan tâm đến cộng đồng, xây dựng đời sống thiện, sống có trách nhiệm, coi trọng nhân bản, coi trọng thiên nhiên.

Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhất là về nhân sinh quan, thế giới quan nhưng phải khách quan khẳng định rằng: Đạo đức Phật giáo có nhiều điểm phù hợp với đạo đức mới và có tác động tích cực đến hình thành nhân cách, đạo đức thanh thiếu niên (Phật giáo). Đạo đức Phật giáo, GĐPT thực sự có những đóng góp nhất định trong giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, khi nghiên cứu đạo đức Phật giáo đối với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế qua mô hình GĐPT phải trên quan điểm toàn diện, không thành kiến, không thoát ly khỏi các điều kiện cụ thể và đặt đúng nó vào điều kiện lịch sử nó đang tồn tại.

Để phát huy các giá trị của đạo đức Phật giáo đối với giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế qua GĐPT cần những giải pháp tổng hợp, kết hợp hài hòa giữa nhà trường-gia đình-xã hội trong giáo duc thanh thiếu niên. Trước hết là cần có quan điểm khách quan, khoa học về những vấn đề tôn giáo, Phật giáo, đạo đức Phật giáo và GĐPT; cần nhìn nhận vai trò của đạo đức Phật giáo trong giáo dục thanh thiếu

niên tín đồ Phật giáo TT Huế qua mô hình GĐPT. Đó là hình thức tu học của thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo lấy đạo đức Phật giáo làm cốt lõi để đào tạo, giáo dục; góp phần hình thành đạo đức nhiều thế hệ thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế.

Tiếp tục củng cố, xây dựng các tổ chức Thanh vận đủ mạnh, với phương thức tập hợp đa dạng, hiệu quả và phù hợp với thanh thiếu niên tín đồ các tôn giáo trong đó có Phật giáo. Qua đó, giáo dục nhận thức chính trị, tư tưởng, truyền thống đạo đức cách mạng và trách nhiệm công dân... định hướng phát triển thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Phát huy vai trò chủ đạo giáo dục đạo đức của nhà trường, các đoàn thể chính trị xã hội song song với phát huy các yếu tố tích cực của mô hình giáo dục GĐPT đối với thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo. Cần có những giải pháp tác động tích cực trong việc điều chỉnh nội dung giáo dục, phương thức giáo dục, đội ngũ huynh trưởng để GĐPT ngày càng phát triển đúng hướng; phát huy hết các mặt tích cực của đạo đức Phật giáo và tiệm cận với các giá trị đạo đức xã hội mới. Đề cao vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quản lý, định hướng phát triển của GĐPT.

Tiếp tục nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn, xác lập các quan điểm đúng đắn liên quan đến Phật giáo, đạo đức Phật giáo và GĐPT trong giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo nhằm phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và đấu tranh ngăn chặn những tác động tiêu cực đến đạo đức thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo là vấn đề có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn ở TT Huế trong điều kiện hiện nay. Trên cơ sở đó có thái độ ứng xử, hài hoà và tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về các vấn đề tôn giáo, trong đó có Phật giáo, đạo đức Phật giáo, GĐPT; luôn đặt vấn đề tôn giáo, Phật giáo, GĐPT và các đoàn thể tôn giáo khác trong mối quan hệ nhạy cảm của vấn đề quản lý xã hội.

Do nội dung Luận án quá rộng và là vấn đề mới, nhạy cảm, vì vậy những vấn đề rút ra từ kết quả nghiên cứu và hoạt động thực tiễn của bản thân tác giả trên đây chỉ là những nhận định và giải pháp bước đầu, chắc chắn vẫn còn không ít nội dung của Luận án cần được bổ sung và hoàn thiện.

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án tiến sĩ đạo đức phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ phật giáo tt huế hiện nay (Trang 33 - 36)

w