C Dân số-Kế hoạch hóa gia đình 572.000 660.000 615.000 644.000 770
Y TẾ VIỆT NAM
3.1.1. Trong nước
Môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và với y tế nói riêng
Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành tháng 12/1987 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cơ bản cho các hoạt động đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam. Trước đòi hỏi của thực tế và sự góp ý của các nhà đầu tư nước ngoài, Luật đã có một số lần được sửa đổi, bổ sung, nổi bật là các lần sửa đổi vào những năm 1996 và năm 2002 nhằm tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những mục tiêu trọng điểm và những lĩnh vực ưu tiên, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hướng vào xuất khẩu và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Bằng việc cho ra đời Luật đầu tư 2005 và Luật Doanh nghiệp 2005 (cùng có hiệu lực từ 1/7/2006), Chính phủ Việt Nam đã tạo ra bước tiến dài trong việc điều chỉnh, cải tiến để tạo thêm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài như được quyền đầu tư kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những việc cơ quan Nhà nước cho phép. Nguyên tắc này được áp dụng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước từ năm 2000, nay được áp dụng chung cho cả khu vực nước ngoài. Ngoài ra việc đẩy mạnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài, chỉnh sửa thuế thu nhập cá nhân theo hướng hạ thấp mức thuế, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, giảm giá dịch vụ viễn thông xuống ngang bằng mức giá tại các nước trong khu vực, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng lĩnh vực đầu tư, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư vào một số lĩnh vực trước đây chưa cho phép như viễn thông, bảo hiểm, kinh doanh siêu thị… do vậy đó tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.
Những biện pháp cải cách trên đó trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần khôi phục và tăng nhanh nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2005. FDI tăng nhanh trở lại còn do các nguyên nhân quan trọng khác như sự ổn định về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng; nền kinh tế tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao; công cuộc đổi mới kinh tế theo cơ chế thị trường tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; mức sống của người dân được nâng cao góp phần làm tăng mức cầu nội địa; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, uy tín và thương hiệu của các loại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trên các thị trường thế giới ngày càng được nâng cao.
Kết quả, Việt Nam đã thu hút được một lượng FDI ngày càng lớn: hầu như từ con số không vào năm 1986, đã tăng lên tới 3,2 tỷ USD năm 1997, sau đó do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đó giảm xuống trong các năm 1998-2000 (có năm chỉ thu hút được 1,58 tỷ USD như năm 1999). Những năm gần đây, FDI vàoViệt Nam đã được phục hồi và có xu hướng tăng trở lại, từ 2,6 tỷ USD năm 2001 đã tăng lên 5,8 tỷ USD năm 2005. FDI tăng lên không chỉ hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và phương thức kinh doanh hiện đại, khai thác các tiềm năng của đất nước, đào tạo tay nghề và giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động Việt Nam.
Thực trạng hệ thống pháp lý về hợp tác công tư và đầu tư trong y tế
Các quy định về KCB( Khám chữa bệnh) và y tế dự phòng trong Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã được ban hành gần 20 năm, từ đó đến nay, thực tiễn đã có nhiều thay đổi, một số quan hệ xã hội mới nảy sinh nhưng chưa có quy phạm pháp luật đồng bộ để điều chỉnh như quyền và nghĩa vụ của người bệnh, của người hành nghề và của các cơ sở KCB; công nhận chất lượng đối với cơ sở KCB; sai sót chuyên môn kỹ thuật và giải quyết khiếu nại của người bệnh; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong KCB... Đây là các khoảng trống pháp luật cần phải được điều chỉnh.
Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về y tế đó, có 3 văn bản pháp lý quy định chung về khám chữa bệnh, bao gồm:
- Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 11/7/1989: Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân được Quốc hội ban hành năm 1989 - đạo luật đầu tiên về y tế trong suốt bốn ngàn năm lịch sử thành lập nước và pháp quyền Việt nam - đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành y tế trong lĩnh vực lập pháp. Đây là đạo luật quy
định về y tế, về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Luật này quy định về vệ sinh, phòng chống dịch bệnh; thể dục thể thao, điều dưỡng và phục hồi chức năng; khám bệnh, chữa bệnh; y học, dược học cổ truyền; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; bảo vệ sức khoẻ người cao tuổi, thương binh, bệnh binh, người tàn tật và đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện kế hoạch hoá gia đình và bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, trẻ em; thanh tra nhà nước về y tế.
- Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 12/7/2006: được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/5/1995. Đây là nền tảng pháp lý hỗ trợ cho việc huy động toàn xã hội tham gia phòng chống AIDS. Luật này quy định về các biện pháp phòng chống nhiễm HIV/AIDS, quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử, bảo đảm quyền con người, vấn đề quản lý nhà nước đối với công tác phòng chống nhiễm HIV/AIDS.
- Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân ngày 25/02/2003: Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành, cùng với pháp luật về công ty, pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật về công ty, pháp luật về doanh nghiệp tư nhân, một hệ thống y, dược tư nhân được hình thành bên cạnh hệ thống y, dược nhà nước đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng của nhà nước trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đây là những văn bản hết sức quan trọng phù hợp với định hướng của Nhà nước về xã hội và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ y tế. Chưa bao giờ quyền được khám, chữa bệnh của nhân dân lại được mở rộng và chú trọng đến chất lượng như hiện nay. Trên 13,000 cơ sở hành nghề y tư nhân với 85 bệnh viện tư đã giúp cho người dân có điều kiện chọn lựa cơ sở khám, chữa bệnh có chất lượng và tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế nhà nước và y tế tư nhân.
Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm ban hành ngày 21/11/2007 tại kỳ họp thứ 2 Quốc Hội khoá XII quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; chống dịch; các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người.
Bên cạnh việc cho phép, tạo hành lang pháp lý cho hệ thống tư nhân, các chiến lược y tế quốc gia thậm chí đã xây dựng các chỉ tiêu phát triển về giường bệnh tư nhân. Quyết định 153/2006/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết
định số 30/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh đã xác định: Đến năm 2010, đạt tỷ lệ tối thiểu là 20,5 giường bệnh/10.000 dân (trong đó có 2 giường bệnh tư nhân). Đến năm 2020, đạt tỷ lệ tối thiểu là 25,0 giường bệnh/10.000 dân (trong đó có 5 giường bệnh tư nhân);
Ngày 1/4/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 42-KL/TW về Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trong đó nêu rõ “Hệ thống y tế công lập phải giữ vai trò chủ đạo, đặc biệt trong việc giữ vững định hướng công bằng hiệu quả, phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, hệ thống y tế công lập phải được tiếp tục mở rộng và phát triển. Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư, phát triển bệnh viện công, đổi mới cơ chế hoạt động của các bệnh viện công để hoạt động ngày càng năng động, hiệu quả. Không cổ phần hoá bệnh viện công lập hiện có; khuyến khích xã hội hóa, xây dựng và thành lập mới bệnh viện cổ phần, bệnh viện liên doanh, cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện tư nhằm tăng thêm số lượng cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ sở dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, tăng khả năng lựa chọn của người dân đối với các dịch vụ y tế; vừa bảo đảm có đủ cơ sở cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến ban đầu”.
Nhiều chính sách và quy phạm pháp lý về xã hội hóa công tác y tế đã cho phép và khẳng định sự đối xử bình đẳng của Nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa (trong đó có y tế). Nghị định 69/2008/NĐ-CP đã quy định: “Cơ sở thực hiện xã hội hóa được tham gia cung cấp các dịch vụ công do nhà nước tài trợ, đặt hàng; tham gia đấu thầu nhận các hợp đồng, dự án sử dụng nguồn vốn trong và ngoài nước phù hợp với chức năng nhiệm vụ hoạt động theo quy định của pháp luật” và “Cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về y tế, được phép tổ chức khám, chữa bệnh cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế và do người có thẻ bảo hiểm y tế tự lựa chọn nơi khám, chữa bệnh”.
3.1.2. Quốc tế
Việt Nam là địa chỉ rất tốt để đầu tư vào y tế, nhưng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chủ yếu đến những dự án bệnh viện cao cấp, phục vụ đối tượng có mức thu nhập khá trở lên.
Hiện nay, một bộ phận người dân Việt Nam có mức thu nhập cao có xu hướng đi khám chữa bệnh ở Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Thái Lan. Bộ Y tế ước tính, mỗi năm có hơn 30.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, với tổng chi phí hơn 1 tỷ USD.
Vậy nên, nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường Việt Nam và họ chủ yếu quan tâm tới phân khúc bệnh viện cao cấp, phục vụ các đối tượng là người nước ngoài làm việc ở đây, kiều bào về nước hoặc người dân trong nước có mức thu nhập khá trở lên. Ở phân khúc này, khách hàng mới có thể chi trả mức viện phí bình quân trên 10 triệu đồng/ngày.
Bẹânh viện FV (Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) là một ví dụ. “Với tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD, FV bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2003. Nhưng phải 4 năm sau, FV mới bắt đầu có lãi và tình hình kinh doanh trở nên sáng sủa hơn. Dự kiến, năm nay, FV tiếp nhận hơn 230.000 bệnh nhân, đạt doanh thu gần 40 triệu USD, tăng 5 triệu USD so với năm 2011”, ông Jean Marcel Guillon, Tổng giám đốc FV cho biết.
Có thể nói, trong lĩnh vực y tế, sau thị trường Singapore và Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến thị trường Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Parkway sẽ đầu tư Bệnh viện quốc tế Thành Đô (quận Bình Tân, TP.HCM), vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, dự kiến vận hành trong quý I/2013, với 319 giường bệnh. Bệnh viện đặt mục tiêu phục vụ hơn 60.000 bệnh nhân nội trú và ngoại trú trong năm đầu hoạt động, sau đó sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2014.
Theo chủ đầu tư, sau khi bệnh viện đầu tiên đi vào hoạt động, nếu điều kiện thuận lợi, họ sẽ triển khai xây dựng bệnh viện thứ hai trong năm 2013.
Như vậy, dù luồng vốn FDI vào y tế còn rất khiêm tốn (theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2012, chỉ có 73 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội, với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD), nhưng các mô hình bước đầu hoạt động hiệu quả như trên đang khiến các nhà hoạch định chính sách Việt Nam kỳ vọng nhiều hơn vào chất lượng dòng vốn FDI trong giai đoạn mới, khi FDI được khuyến khích phát triển lâu dài và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
“Việc thu hút FDI cần tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó, các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn như y tế, giáo dục, đào tạo cũng sẽ được ưu tiên, khuyến khích thu hút đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.