5. Kết cấu đề tài
2.1.2.1. Sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại Trung Quốc
Trước cuộc chiến tranh thuốc phiện năm 1840, sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa trong xã hội phong kiến Trung Quốc đã đẻ ra mầm mống của chủ nghĩa tư bản. Nếu không có ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản nước ngoài thì dần dần Trung Quốc cũng sẽ phát triển lên xã hội tư bản chủ nghĩa. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển đó. Cùng với sự xuất hiện của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thì giai cấp công nhân sản nghiệp hiện đại Trung Quốc cũng ra đời.
Công nghiệp hiện đại Trung Quốc bắt đầu ra đời từ sau cuộc chiến tranh thuốc phiện năm 1840. Để chuyên chở và tiêu thụ hàng hóa thì các nước tư bản đã mở tại các thương cảng Trung Quốc một số xí nghiệp vận tải, ngân hàng, thương nghiệp. Do đó, một lớp công nhân sản nghiệp cận đại đầu tiên của Trung Quốc mà chủ yếu là công nhân vận tải đường biển ra đời. Về số lượng, tuy giai cấp này hãy còn ít ỏi nhưng đó là giai cấp lao động mới ra đời, cách mạng nhất và có tiền đồ rộng lớn nhất.
Cho đến những năm 60 của thế kỉ XIX, để trấn áp phong trào cách mạng trong nước, nhằm bảo vệ nền thống trị phản động của chúng mà bọn quan lại Chính phủ triều Thanh đã xây dựng tại các địa phương một loạt công nghiệp quân sự “Nhà nước”. Ví dụ như: Cục chế súng Thượng Hải, Sở quân giới An Khánh, cục chế súng kiểu phương Tây Tô Châu, Tổng cục chế tạo Giang Nam, Cục đóng thuyền Mã Vĩ,… Theo nhu cầu của công nghiệp quân sự thì chúng đã khai thác một số mỏ than, mỏ sắt, sau đó lại mở một số công nghiệp nhẹ. Từ những năm 60 của thế kỉ XIX đến cuộc chiến tranh Trung – Nhật năm 1894 đã có khoảng 40 xí nghiệp Nhà nước hoặc công tư hợp doanh ra đời.
Công nghiệp cận đại do các nhà buôn Trung Quốc tự đứng ra kinh doanh trong những năm 80 của thế kỉ XIX cũng bắt đầu được xây dựng lên. Ở Thượng
Hải, Vũ Hán, Quảng Châu, Phúc Châu… đã xuất hiện một số công xưởng ươm tơ, dệt, làm diêm, chế biến chè, xay gạo, ngũ kim…
Như vậy, mặc dù phải sống dưới ách thống trị đẫm máu của chủ nghĩa tư bản các nước và của triều đình nhà Thanh nhưng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng lên nền công nghiệp dân tộc của mình. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp này quy mô còn nhỏ, hơn nữa khi vừa mới ra đời đã bị chủ nghĩa tư bản nước ngoài và thế lực phong kiến Trung Quốc ràng buộc chèn ép nên không thể độc lập và nhanh chóng phát triển được.
Trong suốt thời kì đó, quy mô và số lượng các xí nghiệp không kể là xí nghiệp của các cường quốc tư bản chủ nghĩa nước ngoài kinh doanh ở Trung Quốc hay xí nghiệp của bọn quan liêu phong kiến Trung Quốc thì đều không lớn lắm. Số xí nghiệp của tư bản dân tộc càng ít hơn. Do đó mà sự phát triển của giai cấp công nhân sản nghiệp cận đại Trung Quốc vẫn bị hạn chế.
Cuộc chiến tranh Trung – Nhật năm 1894 đã làm cho tình hình xã hội Trung Quốc biến đổi thêm một bước. Lúc này, chủ nghĩa tư bản thế giới đã bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, lũng đoạn đã thay thế tự do cạnh tranh, việc xuất khẩu tư bản không giống với việc xuất khẩu hàng hóa, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Lợi dụng sự thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật, sự thất bại ấy kết thúc bằng các quy định của điều ước Mã Quan kí giữa chính phủ nhà Thanh với Nhật Bản mà các nước đế quốc đã giành được đặc quyền đầu tư vào Trung Quốc. Từ đó, xí nghiệp nước ngoài mọc lên rất nhiều ở Trung Quốc.
Do sự đầu tư với quy mô lớn của chủ nghĩa đế quốc vào Trung Quốc đã kích thích công nghiệp dân tộc của Trung Quốc bước đầu phát triển. Đến năm 1913, số ống suốt trong cả nước đã đạt tới hơn 48 vạn chiếc. Công nghiệp ươm tơ kiểu mới, nghề làm bột mỳ và các ngành công nghiệp nhẹ khác cũng phát triển ít nhiều. Nhưng do bị chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến chèn ép nên nền công nghiệp dân tộc Trung Quốc phát triển rất chậm.