Hoàn cảnh nổ ra cuộc cách mạng

Một phần của tài liệu Quá trình chuyển biến của cách mạng trung quốc từ hình thức dân chủ tư sản kiểu cũ sang dân chủ tư sản kiểu mới (Trang 25 - 27)

5. Kết cấu đề tài

1.2.1. Hoàn cảnh nổ ra cuộc cách mạng

Những năm đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa đế quốc quốc tế tiếp tục tăng cường sự nô dịch đối với Trung Quốc. Ngày 6 – 2 – 1904, chiến tranh Nga – Nhật bùng nổ. Thực chất đây là một cuộc tranh giành lãnh thổ và vùng biển ở Đông Bắc Trung Quốc giữa hai đế quốc này. Kết quả là Nhật Bản giành thắng lợi, buộc Nga phải kí hòa ước ngày 5 – 9 – 1905. Theo bản hòa ước này thì Nga phải rút quân khỏi 3 tỉnh phía Đông Trung Quốc, nhượng Lữ Thuận, Đại Liên và đường sắt Trường Xuân – Lữ Thuận cho Nhật Bản. Cùng thời gian này, quân Anh đã xâm nhập Tây Tạng. Các đế quốc Anh, Mỹ, Nhật đã buộc triều đình Mãn Thanh phải kí một loạt các hiệp ước thông thương hàng hải. Tiếp đó, Pháp lập công ty đường sắt Vân Nam – Việt Nam, Anh xây dựng đường sắt Vân Nam – Miến Điện, tăng cường thâm nhập vào tây nam Trung Quốc.

Trước tình hình trên thì triều đình Mãn Thanh đã lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Để cứu vãn tình thế, triều đình Mãn Thanh tuyên bố và tiến hành cải cách quan chế, binh chế… nhưng chỉ là hữu danh vô thực, hoặc là không có hiệu quả. Trong khi đó, nền kinh tế nông thôn của Trung Quốc ngày càng tiêu điều, nông dân bị địa chủ, quan lại áp bức, bóc lột thậm tệ. Nền công thương nghiệp có sự phát triển nhất định nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, mấy năm cuối cùng đời Mãn Thanh, các tỉnh đều huấn luyện tân quân, ngoài sáu tân quân Bắc Dương của Viên Thế Khải huấn luyện ra, phải kể tới tân quân Hồ Bắc là mạnh nhất. Các quân binh hạ cấp của tân quân Hồ Bắc đều là các thanh niên khuynh hướng mạnh về cách mạng. Họ đều được sự lãnh đạo của các đoàn thể cách mạng ở Hồ Bắc như Văn học xã và Công tiến hội, liên lạc với quân lính chuẩn bị khởi nghĩa. Hơn nữa, giai cấp tư sản dân tộc Trung Quốc bị tư bản nước ngoài và tư bản quan liêu mại bản trong nước cạnh tranh, chèn ép. Giai cấp tư sản dân tộc mặc dù có điều kiện về kinh tế nhưng lại bị hạn chế về mặt chính trị. Mặt khác, giai cấp tư sản dân tộc lại sớm có điều kiện để tiếp xúc với những trào lưu tư tưởng tiến bộ mới từ các cuộc cách mạng tư sản trên thế giới lúc bấy giờ. Còn về phía các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ như: giai cấp công nhân, nông dân, các tầng lớp tiểu thương tiểu chủ… thì còn nhiều hạn chế cả về chất lượng và số lượng, họ chưa có hệ tư tưởng chính trị tiến bộ nào dẫn đường. Do đó, họ chưa thể vươn lên nắm quyền lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc vào thời điểm này mà giai cấp tư sản dân tộc Trung Quốc đã vươn lên nắm quyền lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản. Do những chính sách áp bức, bóc lột hà khắc của triều đình phong kiến Mãn Thanh cùng với sự chèn ép của tư bản nước ngoài đã dẫn đến sự bất mãn trong các tầng lớp nhân dân Trung Quốc từ nông dân, công nhân, đến tiểu thương tiểu chủ, tư sản dân tộc ngày càng sâu sắc… Ý thức giác ngộ và thế lực chính trị của giai cấp tư sản dân tộc Trung Quốc trong những năm đầu thế kỉ XX có sự phát triển đáng kể, dẫn đến cuộc cách mạng dân chủ tư sản năm 1911, thường gọi là cuộc Cách mạng Tân Hợi hoặc cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ.

Nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở Trung Quốc lúc này là lật đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh, chống lại sự nô dịch của chủ nghĩa đế quốc quốc tế vào Trung Quốc.

Người khởi xướng và là lãnh tụ của phong trào cách mạng dân chủ tư sản ở Trung Quốc những năm đầu thế kỉ XX là Tôn Trung Sơn – cha đẻ của chủ nghĩa Tam dân. Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn bao gồm ba nội dung là: dân tộc, dân quyền và dân sinh. Trong đó:

+ Chủ nghĩa “dân tộc” bao hàm nội dung “đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa” – tức là: đánh đổ vương triều Mãn Thanh, giành độc lập cho Trung Quốc.

+ Chủ nghĩa “dân quyền” là: đánh đổ chế độ chuyên chế phong kiến, thành lập nước Cộng hòa dân chủ tư sản.

+ Chủ nghĩa “dân sinh” có nội dung cụ thể là: bình quân địa quyền.

Trong bối cảnh lịch sử của Trung Quốc lúc bấy giờ thì chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn được coi là một bản cương lĩnh cách mạng dân chủ tư sản tương đối hoàn chỉnh.

Như vậy: “Cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ là cuộc cách mạng tư sản do giai cấp tư sản lãnh đạo, quần chúng nhân dân là động lực chính, nhằm đánh đổ chế độ phong kiến đã lỗi thời, giành dân chủ. Sau khi cách mạng thành công, giai cấp tư sản lập chế độ cộng hòa, nắm quyền thống trị thay cho giai cấp phong kiến. Cách mạng đã mở đường cho chủ nghĩa tư bản giành độc lập và phát triển. Trong cách mạng dân chủ tư sản, đông đảo quần chúng nhân dân như công nhân, nông dân… đưa ra những yêu sách về kinh tế, chính trị của mình, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cách mạng tư sản; một số yêu sách vượt khỏi giới hạn mà giai cấp tư sản đặt ra cho mình” [5,62].

Một phần của tài liệu Quá trình chuyển biến của cách mạng trung quốc từ hình thức dân chủ tư sản kiểu cũ sang dân chủ tư sản kiểu mới (Trang 25 - 27)