Diễn biến của cuộc cách mạng

Một phần của tài liệu Quá trình chuyển biến của cách mạng trung quốc từ hình thức dân chủ tư sản kiểu cũ sang dân chủ tư sản kiểu mới (Trang 27 - 29)

5. Kết cấu đề tài

1.2.2. Diễn biến của cuộc cách mạng

Sau khi Đồng minh hội do Tôn Trung Sơn làm Tổng lí được thành lập thì phong trào cách mạng đã phát triển rầm rộ ở Trung Quốc. Năm 1906, Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng và Chương Bỉnh Lân đã hoạch định Phương lược cách mạng của Đồng minh hội, quy định rõ phương châm khởi nghĩa và đường lối của chính quyền cách mạng. Tuyên ngôn của chính phủ quân sự trình bày rõ “cương lĩnh 4 điểm” là: Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, kiến lập dân quốc, bình quân địa quyền và “3 thời kì” là: Chính trị quân pháp, chính trị ước pháp và chính trị hiến pháp.

Những cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở nhiều nơi. Năm 1906, ở Hồ Nam, Giang Tây có khởi nghĩa của “Cách mạng quân”. Các năm 1907, 1908 nổ ra 6 cuộc khởi nghĩa do Tôn Trung Sơn trực tiếp lãnh đạo tại vùng Hoa Nam. Đặc biệt, ngày 27 – 4 – 1911, đã nổ ra cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu do Hoàng Hưng lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa thất bại, 72 liệt sĩ cách mạng được mai táng chung tại Hồng Hoa Cương.

Sự lớn mạnh của phong trào cách mạng dân chủ và cuộc đấu tranh phản kháng của nhân dân khắp nơi trong cả nước làm triều đình Mãn Thanh lo sợ,

phải tuyên bố “chuẩn bị lập hiến” để xoa dịu tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng. Cuối năm 1906, triều đình ban bố phương án cải cách quan chế, thành lập “nội các” nhưng phần lớn các bộ vẫn do người Mãn nắm.

Sau khi vua Quang Tự và Từ Hi Thái Hậu qua đời, Phổ Nghi được đặt lên ngôi mới 3 tuổi, cha đẻ là Thuần Thân vương Tải Phong nhiếp chính đã tìm mọi cách để thâu tóm quyền lực. Sau khi nắm quyền, Tải Phong tuyên bố “chuẩn bị lập hiến”, đổi mới bộ máy chính quyền. Tháng 10 – 1910, “Nghị viện” được triệu tập gồm 98 nghị viên do dân bầu, 98 nghị viên cùng chánh, phó tổng tài do vua chỉ định. Tuy nhiên, thể chế “quân chủ lập hiến” nửa vời, mang tính chất lừa bịp của triều đình Mãn Thanh đã không xoa dịu được ý chí cách mạng của quần chúng.

Ngày 10 – 10 – 1911, cuộc khởi nghĩa của quần chúng cách mạng đã nổ ra ở Vũ Xương. Đêm ngày 10/10, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm Tổng đốc nha môn, đến sáng ngày 12 – 10, quân khởi nghĩa làm chủ cả 3 trấn của thành phố Vũ Hán là Vũ Xương, Hán Dương và Hán Khẩu.

Chỉ trong thời gian một tháng kể từ khi cuộc khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ (10 – 10 – 1911), các cuộc khởi nghĩa đã lan ra 13 tỉnh và thành phố Thượng Hải, lôi cuốn đông đảo các giai cấp, tầng lớp trong xã hội tham gia và nhanh chóng giành được chính quyền. Phong trào khởi nghĩa của quần chúng nhân dân cùng với sự thành lập chính phủ cộng hòa ở các tỉnh hợp thành một cao trào cách mạng dân chủ tư sản rộng lớn.

Ngày 1 – 1 – 1912, tại Nam Kinh, Tôn Trung Sơn tuyên thệ nhậm chức Đại Tổng Thống lâm thời, tuyên bố thành lập Chính phủ lâm thời Trung Hoa dân quốc. Sự ra đời của Chính phủ lâm thời Trung Hoa dân quốc có ý nghĩa rất lớn, nó đánh dấu một giai đoạn mới – chế độ phong kiến mấy nghìn năm của Trung Quốc sụp đổ, chế độ Cộng hòa tư sản hình thành.

Sau khi khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ, triều đình Mãn Thanh đã cử Viên Thế Khải làm Tổng đốc Hồ Quảng đem quân trấn áp cách mạng. Nhưng Viên Thế Khải đã lợi dụng tình trạng khốn quẫn của triều đình, buộc nhà Thanh bổ nhiệm y làm Nội các Tổng lí đại thần (Thủ tướng). Trên thực tế, Viên Thế Khải đã nắm trọn binh quyền trong tay, dọa sẽ đem “quân đội Bắc dương” trấn áp cách mạng.

Tại Nam Kinh, sau khi nhậm chức Đại Tổng thống, Tôn Trung Sơn cũng tuyên bố là Tổng chỉ huy quân đội Bắc phạt.

Tuy nhiên, cuối cùng hai bên đã tiến hành đàm phán và đi đến thỏa thuận: Cách mạng nhường chính quyền cho Viên Thế Khải, còn Viên Thế Khải thì chấp nhận chế độ cộng hòa và ép vua Thanh thoái vị.

Ngày 12 – 2 – 1912, vua Thanh là Phổ Nghi tuyên bố thoái vị. Ngày hôm sau, 13 – 2, Viên Thế Khải tuyên bố tán thành nền cộng hòa, Tôn Trung Sơn tuyên bố từ chức Đại Tổng thống. Ngày 15 – 2, Viên Thế Khải được Tham nghị viện bầu làm Đại Tổng thống. Tôn Trung Sơn yêu cầu định đô tại Nam Kinh, nhưng lực lượng quân phiệt không chấp nhận. Ngày 6 – 3, Viên Thế Khải chính thức tuyên thệ nhậm chức Đại Tổng thống tại Bắc Kinh. Ngày 1 – 4, tại Nam Kinh, Tôn Trung Sơn chính thức tuyên bố rời khỏi chức vụ Đại Tổng thống. Ngày 4 – 5, Tham nghị viện quyết định chính phủ dời lên Bắc Kinh.

Việc Tôn Trung Sơn từ chức Đại Tổng thống và chính phủ lâm thời dời lên Bắc Kinh đánh dấu sự khủng hoảng của cách mạng. Phái cách mạng hi vọng dựa vào Tham nghị viện, Ước pháp lâm thời, chế độ nội các trách nhiệm để hạn chế sự độc tài của Viên Thế Khải. Nhưng sau khi lên cầm quyền thì Viên Thế Khải đã từng bước phá hoại thành quả dân chủ của cách mạng, biểu hiện: Tháng 6 – 1912, chế độ nội các trách nhiệm bị phế bỏ. Tháng 3 – 1913, Viên Thế Khải bí mật sai người ám sát Tống Hiếu Nhân – một nhà cách mạng dân chủ nhiệt thành.

Tôn Trung Sơn nhận được những tin này đã rất phẫn nộ và ông chủ trương dùng biện pháp quân sự tiến hành “cuộc cách mạng lần thứ hai” lật đổ Viên Thế Khải, nhưng nội bộ Quốc dân đảng không thống nhất. Viên Thế Khải đã tập hợp các thế lực phản động và cơ hội để chống lại Quốc dân đảng do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Y đã vu khống Tôn Trung Sơn và Hoàng Hưng “làm loạn”, sai quân tấn công các vùng kiểm soát của Quốc dân đảng, công khai phát động cuộc nội chiến phản cách mạng. Chỉ trong thời gian chưa đầy hai tháng, quân đội của Quốc dân đảng đã hoàn toàn tan rã. Các thành phố Nam Xương, Nam Kinh và các tỉnh miền Nam đều rơi vào tay quân đội Bắc dương của Viên Thế Khải. Tôn Trung Sơn và Hoàng Hưng bị truy nã, buộc phải trốn ra nước ngoài.

Một phần của tài liệu Quá trình chuyển biến của cách mạng trung quốc từ hình thức dân chủ tư sản kiểu cũ sang dân chủ tư sản kiểu mới (Trang 27 - 29)