Những cơ sở cho sự chuyển biến của cách mạng Trung Quốc từ hình

Một phần của tài liệu Quá trình chuyển biến của cách mạng trung quốc từ hình thức dân chủ tư sản kiểu cũ sang dân chủ tư sản kiểu mới (Trang 32 - 34)

5. Kết cấu đề tài

2.1. Những cơ sở cho sự chuyển biến của cách mạng Trung Quốc từ hình

hình thức dân chủ tư sản kiểu cũ sang dân chủ tư sản kiểu mới

Ngay từ khi thực dân phương Tây xâm lược vào Trung Quốc, mở đầu bằng cuộc chiến tranh thuốc phiện năm 1840, tiếp đó là cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai do liên quân Anh – Pháp tiến hành từ năm 1856 – 1860, cuộc chiến tranh Trung – Pháp năm 1885, cuộc chiến tranh Trung – Nhật năm 1894… đã tạo ra những biến đổi to lớn trong xã hội cận đại Trung Quốc. Nếu như trước các cuộc chiến tranh ấy, Trung Quốc là một xã hội phong kiến độc lập thì sau chiến tranh Trung Quốc dần dần trở thành một xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến. Sở dĩ trong xã hội Trung Quốc xảy ra biến đổi đó là vì: “ các nước đế quốc chủ nghĩa xâm lược Trung Quốc một mặt thúc đẩy xã hội phong kiến Trung Quốc tan rã, thúc đẩy Trung Quốc phát sinh những nhân tố tư bản chủ nghĩa, biến xã hội phong kiến thành xã hội nửa phong kiến; mặt khác, nó lại thống trị Trung Quốc một cách tàn khốc, biến nước Trung Hoa độc lập thành một nước Trung Hoa nửa thuộc địa” [3,430]. Đó là hai mặt của một quá trình biến đổi xã hội Trung Quốc do chủ nghĩa tư bản nước ngoài xâm nhập Trung Quốc gây ra.

2.1.1. Sự thất bại của các phong trào yêu nước của nhân dân Trung Quốc dưới hình thức dân chủ tư sản kiểu cũ

Trong xã hội Trung Quốc cũ nửa thuộc địa nửa phong kiến thì chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến là hai quả núi lớn đè trên đầu nhân dân Trung Quốc. Thế lực phong kiến dựa vào chủ nghĩa đế quốc để duy trì nền thống trị phản động của chúng. Chủ nghĩa đế quốc dùng thế lực phong kiến làm nòng cốt để thống trị Trung Quốc. Chủ nghĩa đế quốc và thế lực phong kiến kết hợp với nhau cùng thống trị nhân dân Trung Quốc, đây chính là nguồn gốc làm cho xã hội cận đại Trung Quốc không thể phát triển về kinh tế cũng không thể tiến bộ về chính trị và trở thành xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu. Do đó mà mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc với dân tộc Trung Hoa, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa phong kiến với đông đảo quần chúng nhân dân trở thành mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc cận đại. Yêu cầu căn bản của nhân dân Trung Quốc là lật đổ ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và tự do dân chủ. Chống đế quốc, chống phong kiến là hai nhiệm vụ lớn của cuộc cách mạng dân chủ Trung Quốc.

Để lật đổ nền thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến thì nhân dân Trung Quốc đã kế tiếp nhau đứng lên đấu tranh anh dũng bất khuất. Đồng chí Mao Trạch Đông đã vạch rõ: “Quá trình chủ nghĩa đế quốc câu kết với chủ nghĩa phong kiến Trung Quốc hòng biến Trung Quốc thành nước nửa thuộc địa và thuộc địa, cũng là quá trình mà nhân dân Trung Quốc chống lại chủ nghĩa đế quốc và bọn chó săn của chúng” [3,433]. Trong các cuộc đấu tranh phản kháng ấy, có cuộc chiến tranh nông dân Thái bình Thiên quốc và cuộc cách mạng Tân Hợi do giai cấp tư sản lãnh đạo là to lớn nhất và có ảnh hưởng rộng nhất. Những cuộc đấu tranh cách mạng đó đã giáng những đòn nặng nề vào nền thống trị phản động của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến hơn hai nghìn năm của Trung Quốc, đập tan âm mưu của chủ nghĩa đế quốc muốn tiêu diệt Trung Quốc, thúc đẩy mạnh mẽ sự giác ngộ về chủ nghĩa dân chủ của nhân dân Trung Quốc, tạo một sự chuẩn bị cần thiết cho cuộc cách mạng dân chủ mới do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Bên cạnh hai cuộc đấu tranh tiêu biểu của nhân dân Trung Quốc đó thì còn có những chủ trương cải cách của tầng lớp sĩ phu phong kiến với các nhân vật tiêu biểu như Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Tả Tôn Đường…; phong trào Duy tân tư sản với hai đại biểu chính là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu; phong trào Nghĩa hòa đoàn…

Tuy nhiên, tất cả các cuộc đấu tranh ấy cuối cùng đều bị thất bại. Sở dĩ như vậy là vì:

Cuộc cách mạng do nông dân lãnh đạo thất bại vì cuộc cách mạng ấy bị phương thức sản xuất cũ lạc hậu hạn chế, không nhìn thấy tiền đồ của cuộc đấu tranh, không nêu được một cương lĩnh cách mạng triệt để. Do đó, tuy người đông lại sẵn có quyết tâm chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến nhưng cuối cùng nông dân đã không thể lãnh đạo cuộc cách mạng đi đến thắng lợi.

Cuộc cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo cũng đã không thể giành được thắng lợi là do tính yếu đuối của nó. Giai cấp tư sản đã sợ chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến, lại sợ công nhân và nông dân. Chẳng những họ không thể giải quyết vấn đề chống đế quốc, chống phong kiến, mà thậm chí cũng không dám nêu lên vấn đề như thế. Vì vậy, giai cấp tư sản Trung Quốc cũng không thể lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi.

Sự thất bại của các cuộc cách mạng dù là chiến tranh nông dân hay là phong trào cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo đều không thể triệt để giải quyết mâu thuẫn của xã hội Trung Quốc, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng chống đế quốc chống phong kiến; tư tưởng cách mạng dân chủ cũ không thể đưa cách

mạng Trung Quốc đến thắng lợi. Cách mạng Trung Quốc cần phải có một giai cấp mới gánh lấy trách nhiệm lãnh đạo, rất cần có một lý luận cách mạng tiên tiến dẫn đường cho nhân dân Trung Quốc đấu tranh.

Một phần của tài liệu Quá trình chuyển biến của cách mạng trung quốc từ hình thức dân chủ tư sản kiểu cũ sang dân chủ tư sản kiểu mới (Trang 32 - 34)