II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM CỦA CÔNG TY
4. Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại trên
Sự yếu kém trong phát triển hoạt động kinh doanh cũng như những hạn chế của công tác duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ là do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản có thể kể đến:
Do công ty mới được thành lập chưa lâu nên chưa hình thành nên được một bộ phận nghiên cứu chiến lược, kế hoạch riêng của công ty. Các chiến lược, kế hoạch hành động vẫn do giám đốc điều hành và trưởng phòng kinh doanh đảm nhiệm. Trong khi đó hai người này phải làm quá nhiều việc nên đôi khi không tránh khỏi những sai sót, nhầm lẫn.
Bộ phận XNK trong công ty có kiến thức sâu rộng, song kinh nghiệm giao dịch, đàm phán còn hạn chế, chưa được sự tin cậy của ban giám đốc, chưa có được đầy đủ thông tin về thị trường hoá chất ở nước ngoài phục vụ cho công tác nhập khẩu của công ty. Chính vì vậy nên chi phí đầu vào của công ty còn tương đối cao, hàng hoá nhập về chưa phải là tối ưu nhất.
Nguồn vốn kinh doanh, vốn lưu động của công ty còn quá hạn hẹp dẫn đến việc chi phí phải dè dặt, đôi khi đánh mất cơ hội kinh doanh. Các biện pháp khai thác, tạo lập các nguồn vốn chưa được sử dụng triệt để.
Các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, các hoạt động marketing, xúc tiến bán hàng của công ty còn yếu. Mặc dù công ty đã có một bộ phận dịch vụ khách hàng, song nhân sự chỉ có một người với quá nhiều công việc lại chưa được đào tạo sâu về chuyên môn. Do đó mà hoạt động xúc
tiến, yểm trợ bán hàng, quảng bá sản phẩm của công ty còn nhiều yếu kém, số lượng khách hàng biết đến sản phẩm của công ty chưa nhiều.
Việc phát triển mạng lưới kênh phân phối sản phẩm của công ty chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài kênh phân phối trực tiếp tới các nhà sản xuất, công ty không quan tâm nhiều đến kênh phân phối qua các công ty trung gian thực hiện phân phối lại.
Mặc dù nhiệm vụ, chức năng giữa các bộ phận là rất rõ ràng, song các báo cáo được thực hiện chưa triệt để. Các báo cáo tổng kết cuối tháng, cuối năm hay các hồ sơ khách hàng, nhà cung cấp, thị trường, đối thủ cạnh tranh… còn chậm trễ và chưa thật sự chính xác và đầy đủ. Từ đó dẫn đến việc xây dựng kế hoạch, chiến lược hành động gặp nhiều khó khăn.
Thông qua việc phân tích trên đây về tình hình duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty TNHH Hoá chất Hồng Phát, cho thấy: Trong thời gian từ khi thành lập cho đến nay với sự cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ, nhân viên công ty đã từng bước phát triển đi lên và đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Cùng với đó công ty cũng không tránh khỏi việc vấp phải những hạn chế, yếu kém trong kinh doanh. Để thị trường của công ty được giữ vững và ngày càng mở rộng, công ty cần có các biện pháp hạn chế, khắc phục những khó khăn, yếu kém. Đồng thời phát huy những thế mạnh, thành quả đã đạt được. Có như vậy vị thế của công ty mới có thể lớn mạnh trên thị trường hoá chất Việt Nam.
Chương III:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM CỦA THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM CỦA
CÔNG TY TNHH HOÁ CHẤT HỒNG PHÁT