Đặc điểm tiếp nhận bài học về thể loại truyện cổ tích của học

Một phần của tài liệu bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh lớp 6 qua việc dạy học truyện cổ tích (Trang 25 - 28)

1.2.1.1. Đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh lớp 6

Ngày nay, với quan điểm dạy học hướng vào người học thì việc phải hiểu đối tượng mà người thầy đang tác động vào (học sinh) là điều vô cùng cần thiết, không chỉ cho công việc dạy học mà cho cả công tác giáo dục. Cuốn “Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm” có phân tích rất kỹ đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh trung học cơ sở. Các tác giả nhận định: “Học sinh THCS có độ tuổi từ 11, 12 đến 14,15 tuổi. Lứa tuổi này còn gọi là lứa tuổi thiếu niên và nó có một vị trí đặc biệt quan trọng trong trong thời kì phát triển của trẻ em. Vị trí đặc biêt này được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau của nó (thời kì quá độ, tuổi khó bảo, tuổi khủng hoảng, tuổi bất trị…). Những tên gọi đó nói lên tính phức tạp và tầm quan trọng của lứa tuổi này trong quá trình phát triển của trẻ em”[11, tr. 27]. Cụ thể là:

Sự biến đổi về mặt giải phẫu sinh lý: Sự phát triển của hệ xương, hệ thống tim mạch, tuyến nội tiết, hệ thần kinh dẫn đến sự tăng trưởng mạnh về chiều cao, trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, người lớn (cha mẹ, thầy, cô giáo, người nuôi dưỡng trẻ) phải ý thức rằng, những phát triển trong cơ thể trẻ lúc này diễn ra chưa đồng bộ với diện mạo “to cao” bên ngoài như vậy, các em vẫn chưa là người lớn thực thụ về tất cả các chức năng trong cơ thể.

Về trí tuệ, hoạt động trí tuệ của các em phát triển hơn so với lứa tuổi trước. Các em có khả năng phân tích, tổng hợp phức tạp hơn khi tri giác các sự vật, hiện tượng. Trí nhớ cũng được nâng lên một trình độ cao hơn, ghi nhớ máy móc dần dần nhường chỗ cho sự ghi nhớ lôgic và ghi nhớ ý nghĩa. Vì thế, hiệu quả ghi nhớ trở nên tốt hơn. Khả năng tập trung sức chú ý của các em cũng mạnh hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, tính lựa chọn sự chú ý phụ thuộc rất nhiều vào tính chất của đối tượng tri giác và mức độ hứng thú của các em với đối tượng đó. Khả năng tư duy cũng cao hơn rất nhiều, tư duy trừu tượng, tư duy khái quát phát triển mạnh. Chính những đặc điểm này đã nâng hoạt động học tập của các em lên một tầm cao mới trở thành hoạt động chủ đạo.

Về tâm lí, vì không còn là trẻ con nên các em học sinh ở lứa tuổi này thường có tâm lí muốn khẳng định mình và muốn được xem là người lớn. Các em bắt đầu biết ý thức về bản thân, biết tự đánh giá những mặt tốt và mặt chưa tốt của mình. Suy ngẫm về thế giới nội tâm không còn đơn giản mà đã mở rộng sang cả lĩnh vực xúc cảm gắn với sự phân tích đánh giá điều mà mình đã trải nghiệm. Sự tự ý thức và nhận thức về thực tiễn cuộc sống đã hình thành ở các em khả năng tự giáo dục. Các em có khát vọng muốn làm chủ những phản ứng, những cảm xúc và toàn bộ hành vi của mình. Cùng với hướng phát triển đó, đời sống tình cảm của các em cũng sâu sắc và phức tạp hơn, thường đa cảm, mơ mộng, mơ ước lý tưởng đẹp, dễ cảm phục những điều cao đẹp, có khuynh “thần tượng” một ai đó.

Những đặc điểm tâm sinh lí đặc trưng về lứa tuổi như đã phân tích ở trên cho thấy, lứa tuổi này, đúng như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu trước đây

„lứa tuổi khó dạy”. Tuy nhiên, trẻ có phát triển bình thường hay không trong tương lai phụ thuộc vào chính sự quan tâm và cách giáo dục của người lớn với trẻ. Người làm công tác giáo dục cần phải định hướng cho các em để các em xác định động cơ và thái độ học tập đúng đắn.

Mặt khác, các em vừa từ bậc Tiểu học sang bậc học Trung học cơ sở, một môi trường học tập hoàn toàn khác. Nếu như ở bậc Tiểu học các em hàng ngày chủ yếu được tiếp xúc với một thầy cô giáo lên lớp hầu hết các môn (Hiện đã có một số giáo viên dạy chuyên môn như Nhạc, Họa, Thể dục nhưng chủ yếu là các môn năng khiếu) thì ở bậc Trung học cơ sở các em được tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo, mỗi thầy cô dạy một môn học. Nội dung các bài học phức tạp hơn, phương pháp giảng dạy của giáo viên mang tính tổng hợp khái quát cao hơn đòi hỏi các em phải động não, suy nghĩ độc lập và tư duy cao hơn. Để hoạt động học tập của các em học sinh lớp 6 đạt được chất lượng và hiệu quả cao người giáo viên cần phải hướng dẫn cho các em phương pháp tiếp thu và ghi nhớ tài liệu học tập, hình thành ở các em các kĩ năng học đặc biệt là phải bồi dưỡng cho các em năng lực tự học thì các em mới có thể tiếp thu được kho tàng tri thức rộng lớn của nhân loại.

1.2.1.2. Đặc điểm tiếp nhận bài học về thể loại truyện cổ tích của học sinh lớp 6

Trong các thể loại truyện dân gian, có thể nói truyện cổ tích là thể loại được trẻ em yêu thích nhất. Thực tế cho thấy, đặc điểm nổi bật nhất ở lứa tuổi 10 đến 12 là trí tưởng tượng rất phát triển trong khi tính tích cực tư duy lại chưa phát triển. Lứa tuổi này các em rất say mê truyện cổ tích. Khả năng liên tưởng, tưởng tượng và sự nhạy cảm giúp các em dễ nhập thân vào thế giới kỳ diệu của truyện cổ tích. Những em học sinh mươi mười hai tuổi ấy thường bị cuốn hút với những kỳ tích, những hành động cao cả của những người anh hùng, những cuộc phiêu lưu trong các câu chuyện sẽ in đậm trong trí nhớ của các em. Điều làm nên sự thích thú ở các em chính là tính chất khác thường, tính chất kỳ lạ của “thế giới cổ tích”. Thế giới ấy không có thực, khác hẳn thế giới hàng ngày

các em đang sống nhưng đem đến cho các em niềm tin và ước mơ bởi ở đó cái thiện luôn chiến thắng cái ác, kẻ yếu được bênh vực, được giúp đỡ, người tốt được hưởng hạnh phúc… “Dạy truyện cổ tích là đem đến cho thế hệ trẻ cái thế giới lý tưởng ấy để họ được sống trong những ảo giác êm đẹp đầy chất thơ lãng mạn của người xưa…” [16, tr.74]. Có học sinh đã viết: “Khi đọc truyện cổ tích, em quên mọi thứ trên đời; em tưởng tượng tự thấy mình ở vào địa vị của nàng công chúa, vô cùng xúc động về số phận của những người anh hùng lâm nguy và thành thật vui sướng với đoạn kết thúc tốt đẹp. Truyện cổ tích dạy em: hãy làm điều tốt và em sẽ là người hạnh phúc, yêu đời và không bao giờ chán nản” (Bài làm của học sinh). Điều đó chứng tỏ rằng, thế giới cổ tích với những điều hết sức kỳ diệu là cơ sở tạo ra sự hứng thú, say mê tiếp nhận cho các em học sinh. Việc đưa học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 6 đến với thế giới cổ tích như thế nào để các em cảm thấy không bị gò bó, ép buộc theo ý người lớn là nhiệm vụ khó khăn không ít đối với mỗi giáo viên đứng lớp. Người dạy phải biết dẫn dắt, khêu gợi sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, bay bổng của học sinh để giúp các em nhập thân một cách hồn nhiên vào “thế giới cổ tích” đó, để trong cái thế giới ấy các em đem cái thiện chí của mình chống chọi với cái thiện, cái ác, và khi từ cái thế giới ấy bước ra các em có thể tự bộc lộ cảm nhận, nêu những nhận xét, đánh giá của mình.

Một phần của tài liệu bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh lớp 6 qua việc dạy học truyện cổ tích (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)