4.2.1. Thương tổn cơ bản
Các loại hình thương tổn viêm kẽ ở kết quả nghiên cứu bảng 3.16 thấy thường gặp là dát đỏ, thương tổn ẩm ướt, trợt da, vảy da, mụn nước, nứt da, mủ. Thương tổn dát đỏ gặp ở hầu hết các bệnh nhân chiếm 97,8%, chủ yếu là dát đỏ mức độ vừa, dát đỏ nề gặp trên lâm sàng chủ yếu trong viêm kẽ do vi khuẩn, viêm da tiếp xúc, viêm da tã lót. Dát đỏ là loại hình thương tổn hay gặp trong các bệnh da liễu. Dát đỏ được hình thành là do giãn mạch, phù nề, có khi xuất huyết hoặc teo da. Bệnh viêm kẽ có tỷ lệ loại hình thương tổn dát đỏ cao là do da ở các kẽ thường xuyên bị chà xát, ẩm ướt nên bị tổn thương cơ học kèm theo bội nhiễm vi khuẩn, nấm làm thương tổn có tính chất cấp tính hơn. Vì vậy, ở giai đoạn sớm dát thường màu đỏ tươi hơn, nề, tiết dịch, có khi kèm trợt loét hoặc có mủ, ngứa rát. Giai đoạn mãn tính dát đỏ giảm phù nề, tiết dịch nhưng lại có thể dày sừng. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Camila K. Janniger năm 2005 thấy thương tổn dát đỏ gặp ở hầu hết các bệnh nhân [22].
Thương tổn ẩm ướt chiếm 67,2%, theo dõi trên lâm sàng chủ yếu gặp ở bệnh nhân viêm kẽ do vi khuẩn, viêm da tã lót. Thương tổn trợt da chiếm 39,4% các trường hợp, chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân viêm kẽ do vi khuẩn. Triệu chứng vảy da chiếm 30,6%, chủ yếu ở bệnh nhân viêm kẽ do viêm da cơ địa, vảy nến, viêm da dầu.
Thương tổn mụn nước chiếm 17,8%, thường tồn tại ở ngoài rìa các kẽ viêm, bởi vì các mụn nước ở mặt da được tiếp giáp cọ sát trong các kẽ thường bị dập vỡ để lại các vết trợt, tập trung thành đám. Mụn nước là biểu hiện sự phản ứng dị ứng của cơ thể, tức là thương tổn viêm kẽ bị chàm hoá, tiến triển mãn tính. Có khi do nhiễm trùng cấp tính cũng hình thành các mụn nước, bọng nước. Thương tổn mụn nước gặp nhiều ở bệnh nhân viêm kẽ do viêm da tiếp xúc, do nấm.
Các thương tổn nứt da gặp ít hơn, chiếm 8,9%. Thương tổn có mủ chiếm tỷ lệ thấp (3,3%) gặp chủ yếu ở bệnh nhân viêm kẽ do vi khuẩn. Thương tổn có mủ thường kèm theo vết trợt loét và nề đỏ.
4.2.2. Triệu chứng cơ năng
Trong nghiên cứu ở bảng 3.17 triệu chứng cơ năng của viêm kẽ gồm: ngứa, rát và đau. Triệu chứng ngứa chiếm 68,9% các trường hợp, đa số ngứa ở mức độ vừa, gặp nhiều ở các bệnh nhân viêm kẽ do nấm, viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa. Triệu chứng rát chiếm 60%, gặp nhiều ở bệnh nhân viêm kẽ do vi khuẩn, viêm da tiếp xúc, viêm da tã lót. Triệu chứng đau gặp ít nhất 16,1%, chủ yếu ở bệnh nhân viêm kẽ do vi khuẩn và ở giai đoạn cấp của bệnh.
Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả Camila K. Jannige năm 2005 cũng thấy triệu chứng cơ năng của viêm kẽ là ngứa, rát và đau [22].
4.2.3. Vị trí thương tổn
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại bảng 3.18 thấy vị trí thương tổn hay gặp nhất là bẹn (31,7%) và nách (31,1%), đây là các nếp gấp da lớn. Trên thực tế lâm sàng những bệnh nhân bị tổn thương tại các kẽ này thường phát hiện thấy nấm đặc biệt là nấm sợi. Có lẽ do ở nếp gấp da mà đặc biệt là vùng bẹn, nách là những vùng tăng tiết mồ hôi nên luôn ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm nấm. Đôi khi thương tổn ở nách còn xuất hiện do sử dụng các chất khử mùi tại chỗ gây viêm da tiếp xúc. Viêm kẽ bẹn ở người lớn và trẻ em do sử dụng băng vệ sinh, bỉm.
Thương tổn ở cổ chiếm 15,0%, gặp nhiều trong viêm kẽ do vi khuẩn, do Candida, hay gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi và người có thể trạng béo, vì ở những người này những nếp gấp da ở cổ thường sâu, ẩm ướt và chà xát với nhau liên tục tạo điều kiện thuận lợi xảy ra nhiễm trùng hoặc bội nhiễm.
Thương tổn ở kẽ liên mông cũng chiếm tỷ lệ 15,0%, gặp ở bệnh nhân viêm kẽ do vi khuẩn, viêm da tã lót, viêm da thiếu kẽm.
Thương tổn ở kẽ ngón chân chiếm tỷ lệ ít hơn (11,7%), xét nghiệm hay tìm thấy nấm và vi khuẩn. Ở một số người có các kẽ ngón chân quá khít làm cho da vùng kẽ không được khô thoáng và luôn bị cọ sát cũng hay bị viêm kẽ. Đặc biệt là các kẽ ngón chân ở những người này nếu đi chân đất, tiếp xúc ẩm ướt thường xuyên thì càng dễ bị viêm kẽ. Viêm kẽ ngón chân cũng hay gặp hơn ở những người làm ruộng, chăn nuôi, do họ phải là việc trong điều kiện ẩm ướt. Thương tổn ở kẽ ngón chân còn thấy ở những người luôn đi giày, dép chật, không được vệ sinh hoặc ở những người có cơ địa tăng tiết mồ hôi ở bàn chân, bàn tay.
Vị trí gặp ít nhất là kẽ sau tai (5,0%), gặp ở bệnh nhân viêm kẽ do viêm da dầu, vi khuẩn, viêm da tiếp xúc. Viêm kẽ do viêm da tiếp xúc ở kẽ sau tai gặp do tiếp xúc với gọng kính kim loại.
Một số vị trí khác hiếm gặp hơn như kẽ mép, rốn, kẽ ngón tay. Viêm kẽ mép có thể phát hiện thấy liên cầu, hay gặp ở những người (đặc biệt là trẻ em) có tật liếm mép. Viêm kẽ ngón tay có thể kèm theo viêm quanh móng, thường hay gặp ở những người làm nghề nội trợ tiếp xúc với chất tẩy rửa thường xuyên, người làm nghề giết mổ gia súc.
Kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của Smith Water Worth [55], vị trí gặp nhiều nhất là kẽ bẹn.
Kết quả nghiên cứu tại bảng 3.19 thấy trẻ em dưới 6 tuổi có vị trí thương tổn ở vùng cổ là 53,7%, vùng bẹn là 56,1% và nách là 26,8%.
Nhân viên văn phòng có vị trí hay gặp là kẽ ngón chân 51,9%, có lẽ do họ hay đi tất, giày liên tục làm kẽ ngón chân thiếu thông thoáng nên dễ bị viêm kẽ.
Người làm nghề tự do và nông dân có vị trí thương tổn ở nách chiếm tỷ lệ cao 40,6%. Tiếp đến là ở bẹn chiếm 23,4%. Do tính chất công việc, môi trường làm việc ẩm, lại luôn đẫm mồ hôi nên nách và bẹn là vị trí hay bị viêm kẽ.
4.2.4. Mức độ nặng của bệnh
Theo bảng 3.20: mức độ bệnh trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất 63,9%, gặp hầu hết ở các nguyên nhân viêm kẽ. Do trình độ dân trí ngày càng cao, người dân ngày càng có ý thức chăm lo đến sức khoẻ hơn nên khi bị viêm kẽ, họ thường đến khám sau khi bôi một loại thuốc mà không khỏi, chứ không để đến lúc bị nặng mới đi khám bệnh.
Mức độ nặng chiếm 22,2%, chủ yếu là viêm kẽ do vi khuẩn, viêm da tã lót, viêm da thiếu kẽm. Trong các trường hợp này, thương tổn ở mức độ nặng: dát đỏ nề, trợt da, ẩm ướt, tiết dịch, có mủ. Triệu chứng cơ năng rát, đau nên ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động của người bệnh.
Mức độ nhẹ chiếm tỉ lệ thấp nhất 13,9%, gặp chủ yếu là viêm kẽ do viêm da cơ địa, viêm da dầu, vảy nến. Điều này có thể do mức độ bệnh nhẹ nên bệnh nhân ít khám ở tuyến trung ương nên trong nghiên cứu của chúng tôi ít gặp. Cũng do mức độ bệnh nhẹ chưa ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân nên họ chưa đi khám.
Chúng tôi cũng chưa tham khảo được tài liệu nào nghiên cứu về các yếu tố liên quan đến mức độ nặng, nhẹ của bệnh nên chúng tôi không có điều kiện để bàn luận và so sánh.
4.2.5. Thời gian đến khám kể từ khi bị bệnh
Theo kết quả nghiên cứu ở bảng 3.21 thấy thời gian từ khi bị bệnh đến khi bệnh nhân đến khám trung bình là 11,8 ± 9,3 tháng. Tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh trước 10 ngày là 33,3%. Theo dõi trên lâm sàng những trường hợp này chúng tôi thấy chủ yếu là do vi khuẩn, viêm da tiếp xúc, viêm da tã lót. Tỷ lệ phát hiện bệnh từ 10 ngày đến 1 tháng chiếm 19,4%, gặp trong viêm kẽ do nấm, vi khuẩn, viêm da thiếu kẽm, viêm da cơ địa. Tỷ lệ phát hiện bệnh từ trên 1 tháng đến 6 tháng chiếm 22,8%, gặp trong viêm kẽ do viêm da cơ địa, nấm da, viêm da dầu. Số bệnh nhân đã mắc bệnh trên 1 năm chiếm 12,8%, chủ yếu gặp trong viêm kẽ do vảy nến, viêm da dầu, viêm da cơ địa.
Thời gian từ khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh đến khi bệnh nhân đến khám bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đặc điểm khởi phát của bệnh có tính chất cấp tính hay xảy ra từ từ, mức độ ảnh hưởng của bệnh đến sức khoẻ, sinh hoạt, lao động cũng như các hoạt động giao tiếp trong cộng đồng. Thời gian chưa đi khám bệnh cũng còn phụ thuộc vào nhận thức, khả năng kinh tế của từng người bệnh cũng như điều kiện dịch vụ y tế của từng địa phương. Trong thực tế gặp nhiều trường hợp đáng tiếc khi bệnh nhân bị mắc một số bệnh nếu được chữa trị kịp thời thì có thể khỏi hoàn toàn. Nhưng do người bệnh nhận thức không đúng về sự nguy hiểm của bệnh tật hoặc do không có khả năng kinh tế nên họ đã đi khám bệnh và chữa trị muộn, gây nên các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Đề tài nghiên cứu của chúng tôi thực hiện ở bệnh viện Da liễu Trung ương và khoa Da liễu bệnh viện Bạch Mai, đây là những cơ sở có đủ điều kiện khám chữa bệnh và những người dân bị bệnh viêm kẽ chủ yếu ở Hà Nội, vùng ngoại thành và một số tỉnh lân cận nên có thể khả năng nhận thức và điều kiện chăm sóc y tế không phải là yếu tố làm bệnh nhân đi khám bệnh muộn. Chúng tôi cho rằng viêm kẽ có nhiều nguyên nhân khác nhau, tính chất và tiến triển của bệnh cũng khác nhau, có thể những điều này đã ảnh hưởng đến việc bệnh nhân đi khám bệnh sớm hay muộn. Thông thường, những trường hợp viêm kẽ không gây những triệu chứng như đau, rát, ngứa nhiều, chưa ảnh hưởng tới sinh hoạt thì bệnh nhân chưa đi khám. Khi tổn thương đỏ, trợt da, có mủ, đau rát nhiều thì bệnh nhân sẽ đến khám sớm. Các trường hợp viêm kẽ do vi khuẩn, viêm da tiếp xúc, viêm da tã lót bệnh nhân cũng thường đến khám sớm hơn. Các trường hợp do các bệnh mãn tính như vảy nến, viêm da dầu, viêm da cơ địa thường đến khám muộn hơn.
4.3. Đánh giá hiệu quả điều trị viêm kẽ do vi khuẩn bằng kháng sinh
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại bảng 3.22, các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn được lựa chọn để nghiên cứu điều trị bằng kháng sinh tại chỗ (Nhóm I) và kết hợp điều trị kháng sinh tại chỗ và toàn thân (Nhóm II) thì tỷ lệ nam và nữ không có sự khác biệt với p > 0,05. Ở kết quả bảng 3.23, tuổi trung bình của nhóm I thấp hơn so với nhóm II, nhưng sự chênh lệch không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Như vậy, hai nhóm nghiên cứu điều trị kháng sinh tại chỗ và nhóm dùng kháng sinh tại chỗ kết hợp toàn thân có sự tương đồng về giới, tuổi. Sự khác biệt chính là mức độ nặng của bệnh: nhóm I là bệnh nhân ở mức độ bệnh nhẹ và trung bình, nhóm II là bệnh nhân ở mức độ bệnh nặng.
Nghiên cứu của chúng tôi gồm 30 bệnh nhân được theo dõi, đánh giá sau điều trị bằng 2 phương pháp ở hai nhóm. Nhóm I điều trị bằng bôi mỡ Bactroban đơn thuần, chỉ định cho bệnh nhân viêm kẽ do vi khuẩn mức độ nhẹ và trung bình, gồm 17 bệnh nhân, trong đó nam chiếm 29,4%, nữ chiếm 70,6%.
Nhóm II điều trị bằng bôi mỡ Bactroban phối hợp uống Rovamycin, chỉ định cho bệnh nhân viêm kẽ do vi khuẩn mức độ nặng, gồm 13 bệnh nhân, trong đó nam chiếm 15,4%, nữ chiếm 84,6%.
4.3.2. Kết quả điều trị
Hiệu quả của một phương pháp thường được đánh giá bằng thời gian khỏi bệnh nhanh hay muộn hoặc mức độ thuyên giảm của bệnh; bằng những tác dụng không mong muốn của thuốc xảy ra khi điều trị (gồm cả tác dụng tại chỗ và toàn thân), có nguy hiểm đến tính mạng hay để lại hậu quả sau điều trị; bằng thời gian tái phát của bệnh sau khi khỏi bệnh hoặc ngừng điều trị hoặc bệnh không còn tái phát. Hiệu quả điều trị cũng có mối quan hệ mật thiết với giá thành điều trị, có quá đắt so với đại đa số người dân có mức thu nhập bình thường hay không. Trên thực tế có nhiều phương pháp điều trị đạt kết quả rất cao nhưng do giá thành và những điều kiện phương tiện kỹ thuật không cho
phép thì người bệnh cũng không thể được điều trị. Ngoài ra, một số thuốc điều trị bệnh da có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ hoặc gây cho người bệnh cảm giác khó chịu. Vì vậy, hiệu quả điều trị cũng phải tính đến sự hài lòng và mức độ chấp nhận điều trị của người bệnh.
Theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh viêm kẽ bằng mỡ Bactroban (nhóm I) và kết hợp bôi mỡ Bactroban và uống Rovamycin (nhóm II). Sử dụng các tiêu chí chấm điểm đã được nêu trong phần phương pháp nghiên cứu. Phân loại mức độ bệnh dựa vào tổng điểm.
Đánh giá kết quả điều trị dựa vào các thay đổi về chỉ số lâm sàng và xét nghiệm. Thời điểm đánh giá là sau dùng thuốc 1 tuần, 2 tuần điều trị.
Lâm sàng: dựa vào đánh giá mức độ nặng và tiến triển của thương tổn để theo dõi điều trị (bảng đánh giá kết quả điều trị ở phụ lục 3). Đánh giá kết quả điều trị được tính bằng tỉ lệ phần trăm tổng số điểm giảm sau khi kết thúc đợt điều trị 1 tuần, 2 tuần. Các mức độ được đánh giá là: rất tốt, tốt, trung bình, kém.
4.3.2.1. Kết quả điều trị của nhóm bôi mỡ Bactroban đơn thuần
Kết quả nghiên cứu bảng 3.24 thấy sau 2 tuần điều trị tổng số điểm triệu chứng lâm sàng ở nhóm bệnh mức độ trung bình giảm từ 60 xuống còn 3 đạt 95%. Tổng số điểm triệu chứng lâm sàng giảm ở nhóm mức độ nhẹ giảm từ 45 xuống còn 0 đạt là 100%. Tỷ lệ giảm chung của hai nhóm là 97,1%. Như vậy, mức độ bệnh càng nhẹ thì bôi mỡ Bactroban càng nhanh khỏi. Có thể ở mức độ nhẹ thì thương tổn có tính chất tại chỗ, khu trú, ít ảnh hưởng đến toàn thân nên chỉ cần dùng thuốc điều trị tại chỗ đã có hiệu quả tốt.
Bảng 3.25 và bảng 3.26 cho thấy 17 bệnh nhân của nhóm I được theo dõi bằng lâm sàng và xét nghiệm để đánh giá kết quả điều trị:
Về lâm sàng: sau 1 tuần điều trị bằng bôi mỡ Bactroban, kết quả tốt là 10 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 58,8%, kết quả trung bình là 7 bệnh nhân, chiếm tỷ
lệ 41,2%, không có bệnh nhân nào có kết quả kém. Sau 2 tuần điều trị, kết quả rất tốt và tốt là 100%.
Xét nghiệm: sau 1 tuần điều trị, 100% bệnh nhân đều âm tính với các loại vi khuẩn (p<0,05).
Như vậy, có thể kết luận là những bệnh nhân bị viêm kẽ mức độ nhẹ và trung bình chỉ sau điều trị bằng bôi mỡ Bactroban thì 100% trường hợp đều khỏi bệnh.
So với nghiên cứu của tác giả J. w. Vdiger và cộng sự [42], bôi mỡ Bactroban 3 lần/ngày trong 10 ngày thì khả năng khỏi bệnh là 83% và 23% được cải thiện, nhưng trong nghiên cứu này bao gồm nhiễm trùng da ở tất cả các mức độ. Theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ khỏi cao hơn, số lần bôi thuốc trong ngày ít hơn (2 lần/ngày) là do bệnh nhân được chọn điều trị chỉ ở mức độ bệnh nhẹ và trung bình.
4.3.2.2. Kết quả điều trị của nhóm bôi mỡ Bactroban phối hợp uống Rovamycin.
Kết quả nghiên cứu bảng 3.27 thấy sau 2 tuần điều trị tổng số điểm