- Nhà trị liệu có vai trò như huấn luyện viên
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.3.2.5. Mối tương quan giữa lo âu và trầm cảm
Chúng ta biết rằng trầm cảm và lo âu có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Ở các đối tượng nghiên cứu của chúng tôi điểm lo âu trung bình của hai nhóm đều lớn hơn 10 (nhóm can thiệp 10,86- nhóm chứng 10,63). Có nghĩa là các bệnh nhân này đều có lo âu ở mức độ trung bình (từ 10 -14 điểm). Do đó trong điều trị trầm cảm người ta thường chú tâm đến vấn đề lo âu kết hợp. Một đặc điểm của lo âu trong trầm cảm thường là do yếu tố tâm lý (metacognitive), có nghĩa là bệnh nhân lo lắng về bệnh tật của mình từ đó tạo nên tình trạng lo âu của bản thân.
Trong nghiên cứu của chúng tôi các bệnh nhân nhóm chứng chỉ được sử dụng thuốc chống trầm cảm và ít được quan tâm đến việc điều trị lo âu. Trong khi đó nhóm can thiệp, khi được điều trị bằng tâm lý bệnh nhân có thể hiểu được bản chất của bệnh do đó tâm lý trở nên nhẹ nhàng hơn. Điều này thể hiện trong BA1 của liệu pháp kích hoạt hành vi, bệnh nhân hiểu được mối liên quan giữa cảm xúc và hành vi; đặc biệt bệnh nhân biết cách nhận diện được cảm xúc của mình bằng thang tự đánh giá cảm xúc. Chính các điều này làm bệnh nhân giảm đi lo lắng.
Khi đánh giá kết quả điều trị bằng sự thay đổi PHQ-9, chúng tôi nhận thấy không có mối tương quan giữa kết quả điều trị với điểm lo âu lúc bắt đầu điều trị ở cả hai nhóm. Tuy nhiên đối với nhóm chứng có khuynh hướng tương quan nghịch (hệ số a của phương trình tương quan là – 0,267).
Như vậy có khả năng ở các bệnh nhân chỉ dùng thuốc chống trầm cảm đơn thuần, các bệnh nhân càng lo âu càng nhiều thì kết quả điều trị càng giảm.