Mười hai hành vi được xác định là tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương VI, Phần 2 Bộ luật hình sự Trung Quốc 1997. Đây là các hành vi xâm phạm đến hoạt động tư pháp từ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Nhìn chung, so với pháp luật hình sự Việt Nam, các quy định của Bộ luật hình sự Trung Quốc không có nhiều khác biệt xử lý đối với việc xử lý loại tội phạm này cả về xác định hành vi và hình phạt áp dụng. Ngoài ra, Bộ luật hình sự 1997 của Trung Quốc còn xác định một số loại hành vi là tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp như tội trả thù nhân chứng hay tội gây rối phiên tòa. Đây là những đảm bảo pháp lý quan trọng cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật [57].
Tại Trung Quốc, việc điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Theo quy định tại Điều 5 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Điều 18 Luật tố tụng hình sự, các loại tội phạm tham ô, hối lộ, cán bộ công chức cơ quan Nhà nước lạm dụng quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc các loại tội phạm xâm hại lợi ích hợp pháp của nhân dân như lợi dụng chức vụ quyền hạn để bắt giữ người trái phép, bức cung nhục hình, trả thù, hãm hại, lục soát trái phép do Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp khởi tố, điều tra. Tham khảo kinh nghiệm xử lý loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, nhiều vụ án do nhân viên Nhà nước lợi dụng chức quyền phạm tội xâm phạm đến quyền tự do thân thể, quyền dân chủ của công dân trong hoạt động tố tụng mà Viện kiểm sát Trung Quốc thực hiện điều tra theo thẩm quyền bao gồm:
-Tội bắt giữ trái phép (Điều 238 Luật hình sự); -Tội khám xét trái phép (Điều 245 Luật hình sự); -Tội bức cung nhục hình (Điều 247 Luật hình sự);
-Tội dùng bạo lực để thu thập chứng cứ (Điều 247a Luật hình sự); -Tội đánh đập, ngược đãi người bị giam giữ (Điều 248 Luật hình sự); -Tội báo thù, hãm hại (Điều 254 Luật hình sự) [57, tr.361]